Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Xuân Diệu kết hợp truyền thống và hiện đại để sáng tạo.

suy-nghi-cua-anh-chi-ve-y-kien-xuan-dieu-ket-hop-truyen-thong-va-hien-dai-de-sang-tao

Suy nghĩ của anh / chị về ý kiến: Xuân Diệu kết hợp truyền thống và hiện đại để sáng tạo.

* Hướng dẫn làm bài:

– Xuân Diệu có sự kết hợp truyền thống và hiện đại, Đông và Tây vì vừa ảnh hưởng chất đồ nghệ của cha, chất dân ca của mẹ, vừa có ảnh hưởng của văn hoá pháp một cách có hệ thống

– Yếu tố truyền thống: đề tài, thi tứ, hình ảnh….

– Yếu tố hiện đại: ngôn ngữ, cảm xúc, cách thể hiện…

– Sự kết hợp 2 yếu tố tưởng như đối lập nhau được Xuân Diệu vận dụng rất nhuần nhuyễn và sáng tạo.

Tham khảo:

Xuân Diệu được xem là nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, đã đóng góp nhiều nhất cho văn học Việt Nam hiện đại. Hoạt động văn chương của ông thật đa dạng: sáng tác thơ, truyện, phóng sự, bút kí, viết phò binh, tiểu luận, nói chuyện thơ… Nhưng thành tựu xuất sắc được ưa chuộng nhất của ông là thơ ca với mười lăm tập thơ, được hình thành trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật của tác giả. Ta hãy tìm hiểu đặc điểm về nghệ thuật của Xuân Diệu, đặc biệt là mảng thơ trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Có lẽ sự đóng góp của Xuân Diệu cho thơ ca hiện đại không phải là chỉ ở đề tài. Nét độc đáo trong thơ Xuân Diệu là ở cảm hứng, thi tứ, bút pháp chịu ảnh hưởng sâu sắc của thơ lãng mạn phương Tây, đồng thời vẫn kế thừa truyền thống thơ ca dân tộc và thơ dân gian.

Cảm hứng về nỗi cô đơn được Tản Đà diễn tả: “Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông”. Còn Nguyễn Bính thì:

“Cô đơn buồn lại thêm buồn…
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?”

(Cô Hàng xóm)

Riêng trong thơ Xuân Diệu, cách diễn đạt nỗi cô đơn thật độc đáo. Dù có người, có cảnh vật nhưng nếu còn một chút gì xa cách về không gian hay thời gian, nhà thơ vẫn cảm thấy: “Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề …”

Đôi khi nỗi cô đơn trở thành một ám ảnh:

“Tôi là con nai bị chiều đánh lưới,
Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối”.

(Khi chiều giang lưới)

Thậm chí lúc dạo vườn đêm trăng cùng người yêu. Xuân Diệu vẫn thở than:

“Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ”.

(Trăng)

Nghệ thuật diễn tả tình yêu trong thư Xuân Diệu cũng thật mới lạ, không bóng gió, ước lệ, tượng trưng như trước kia, mà cụ thể, đầy đủ với ý nghĩa tình yêu bao gồm cả tâm hồn lẫn thân xác. Có khi tình yêu mang những hình ảnh nhục thể:

“Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời;
Khách không ở, lòng em cô độc quá.
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,
Tay em đây, mời khách ngả đầu say”.

Hay:

“Vì mình em không được quấn chân anh,
Tóc không phải những dây tình vướng víu.
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da”.

(Lời kỹ nữ)

Không chỉ về tình yêu, khi nói về “cái tôi” hoặc thiên nhiên, Xuân Diệu cũng có nhữngcách nói rất mới theo kiểu văn chương lãng mạn phương Tây:

“Sương lan dần, còn biết ngõ nào đây?
Chiều tứ bề, không phá nổi trùng vây…
– Tôi là con nai bị chiều đánh lưới,
Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối”.

(Khi chiều giang lưới)

Có khi là:

“Hôm nay tôi đã chết theo người
Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi;
Với bóng hình xưa, tăm tiếng cũ,
Cách xa chôn hết nhớ thương rồi”

(Ý thu)

Ngoài ra, thơ ông cũng có những từ dịch từ văn chương lãng mạn phương Tây:

“Trời cao trêu nhử chén xanh êm;
Biển đắng không nguôi nỗi khát thèm;
Nên lúc môi ta kề miệng thắm,
Trời ơi, ta muốn uống hồn em!”

(Vô biên)

Có khi nồng nhiệt đến si mê:

Ai hay tuy lặng bước thu êm,
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm.
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.

(Thơ duyên)

Anh hưởng của thơ tự do Pháp cũng khá rõ qua cách ngắt nhịp, ngắt dòng thơ.

“Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa …
Mau đi thôi! Màu chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”

(Vội vàng)

Chính Xuân Diệu đã có những phút bột phát, không bằng lòng với những từ quen dùng, bởi chưa diễn tả hết cảm xúc của mình. Ông đã sáng tạo những từ mới đặt câu gieo vần mới. Người đọc lại rất thú vị và tán dồng những ngôn ngữ thơ này:

“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:…..”

(Vội vàng)

“Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới;
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa.
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt;
Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài;
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn”.

(Giục giã)

Tóm lại, Xuân Diệu đã có công tái tạo khi tiếp thu thành tựu nghệ thuật thơ phương Tây và cách tân thơ ca hiện đại để đạt hiệu quả thẩm mĩ cao. Tuy nhiên, một phương diện nghệ thuật quan trọng luôn luôn được các nhà phê bình văn học chú trọng khi tìm hiểu thơ Xuân Diệu, là sự kế thừa truyền thống thơ ca dân tộc và dân gian. Tư duy, chất cảm xúc, chất trữ tình và ngôn ngữ trong thơ Xuân Diệu mang một cốt lõi vững chắc, những màu về dân tộc, dân gian đặc sắc. Cảm hứng trong thơ ông thật phong phú, cảm hứng dân tộc, dân gian rất rõ và nhiều mặt như mùa xuân, trăng, hoa, mây, nước, chim …, cảm hứng về tình yêu trinh bạch thủy chung, cảm hứng về số phận trớ trêu, khắt khe của con người. Văn chương dân tộc, dân gian cùng cung cấp nhiều đề tài, thi tứ cho Xuân Diệu như trong các bài thơ Nguyệt cầm, Nhị hồ, Viễn khách, Lời kĩ nữ … Hình ảnh, ngôn ngữ thơ Xuân Diệu có nhiều cái mới lạ, táo bạo nhưng cũng có không ít những cái nồng đượm hương vị cố nhân:

Đường lúc hoàng hôn xuống,
Là giờ viễn khách đi.
Nước đượm màu li biệt
Trời vương hương biệt li!

(Viễn khách)

Có một vài bài thơ lục bát mang âm diệu dân gian thật gợi cảm:

“Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn,
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương”.

(Chiều)

Đặc biệt là hơi thở phảng phất ý vị cổ điển của thơ phương Đông:

“Nguời giai nhân: bến đợi dưới cây già,
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt”.

(Lời kỹ nữ)

Tóm lại, Xuân Diệu đã kết hợp truyền thống và hiện đại trong quá trình sáng tạo nghệ thuật thơ ca. Với nỗ lực gây dựng nền văn học mới đáp ứng với yêu cầu của thời đại, Xuân Diệu đã dóng góp nhiều công sức, như mội con ong thợ cần mẫn và khôn khéo tìm hút được nhiều nhụy hoa quý để làm ra một thứ mật bổ dưỡng cho đời. Qua thơ, Xuân Diệu để lại cho đời một tinh thần lao động nghệ thuật cần cù, một niềm tin tha thiết đối vơi con người, một ý thức chân thành đối với văn chương.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích bài thơ Thơ duyên của Xuân Diệu - Theki.vn
  2. Đây mùa thu tới (Xuân Diệu) (Bài 6, Ngữ văn 11, tập 2, Cánh Diều) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.