huong-dan-tim-hieu-van-ban-chuan-bi-hanh-trang-vao-the-ki-moi-cua-vu-khoan (1).jpg

Phân tích văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Vũ Khoan

Phân tích văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Vũ Khoan.

  • Mở bài:

Vũ Khoan là nhà hoạt động chính trị, nhiều năm là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Bài viết “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” ra đời năm 2001, đất nước đang phát triển trong xu thế hội nhập, nền kinh tế có xu hướng toàn cầu. Bài viết trình bày rõ điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam và những hành trang cần chuẩn bik để bước vào thế kỉ mới.

  • Thân bài:

1. Xác định vai trò của con người.

– Con người là động lực phát triển của lịch sử.

– Trong thời kì nền kinh tế tri thức phát triển mạnh, con người giữ vai trò chủ lực.

2.  Bối cảnh của thế giới hiện nay và những mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề của đất nước trong thời kì hội nhập.

– Bối cảnh của thế giới hiện nay: khoa học công nghệ phát triển như huyền thoại, sự giao thoa, hội nhập ngày càng sâu rộng giữa các nền kinh tế.

– Mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước:

+ Thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp.

+ Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

+ Tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.

3. Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam cần được nhìn nhận rõ khi bước vào thế kỉ mới.

+ Thông minh, nhạy bén với cái mới nhưng thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành → chưa kịp thích ứng với nền kinh tế mới.

+ Cần cù, sáng tạo nhưng thiếu tính tỉ mỉ, không coi trọng tính nghiêm ngặt của quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ khẩn trương → Ảnh hưởng nặng nề của phương thức sản xuất nhỏ và thôn dã, là vật cản ghê gớm.

+ Có truyền thống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, nhất là trong chiến đấu chống ngoại xâm nhưng lại thường đố kị nhau trong làm ăn và cuộc sống hằng ngày → Ảnh hưởng tới đạo đức, giảm đi sức mạnh và tính liên kết.

+ Bản tính thích ứng nhanh dễ hội nhập nhưng có tính kì thị trong kinh doanh, khôn lỏi, khôn vặt, mưu mẹo → Cản trở kinh doanh và hội nhập.

4. Nhiệm vụ cấp thiết của thế hệ trẻ ngày nay.

Nhiệm vụ: nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục để không bị tụt hậu và bắt kịp bước đi của thời đại. Đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận nền kinh tế tri thức.

– Sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất vì máy móc và các yếu tố khác có tân tiến hiện đại đến bao nhiêu cũng là do con người sản xuất, sáng tạo ra, không thể thay thế được con người, đặc biệt trong nền kinh tế tri thức.

5. Đánh giá.

– Với lập luận chặt chẽ, ngôn ngữ giản dị đầy thuyết phục, bài viết chỉ rõ điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam. Đồng thời, tác giả xác định và nhấn mạnh nhiệm vụ của giới trẻ hiện nay, để bước vào thế kỷ mới, không có sự chuẩn bị nào quan trọng hơn là sự chuẩn bi về con người.

– Để đưa đất nước đi lên, chúng ta cần phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, hình thành những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ nhất.

  • Kết bài:

– Bài viết đặt ra vấn đề nóng hổi, cấp thiết với cách nhìn nhận khách quan kết hợp với lí lẽ lập luận giản dị, chặt chẽ và thái độ tôn trọng đối tượng, tinh thần trách nhiệm của tác giả. Việc sử dụng ngôn ngữ báo chí gắn với ngôn ngữ sinh hoạt đời thường, cách nói giản dị, dễ hiểu, sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ sinh động, cụ thể và hàm súc cũng là những nét tiêu biểu về nghệ thuật của tác phẩm.

Bài văn tham khảo:

Bài làm 1.

  • Mở bài:

Bài viết Chuẩn bị hành trang vào thể kỉ mới” của Phó Thủ tướng Vũ Khoan đăng trên tạp chí Tia sáng năm 2001 và in trong cuốn Một góc nhìn của trí thức (NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2002). Tác giả đã thẳng thắn đề cập tới một vấn đề “nhạy cảm” mà từ trước đến giờ ít người dám bàn tới. Đó là mặt mạnh, mặt yếu của con người Việt Nam và sự cấp thiết phải đổi mới bản thân con người để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại tri thức, khoa học kĩ thuật tiên tiến.

  • Thân bài:

Mở đầu bài viết, tác giả đã đặt vấn đề trực tiếp, rõ ràng: “Cái mạnh, cái yếu” của người Việt Nam mà tác giả nói tới là những ưu điểm, những hạn chế trong phẩm chất, nhân cách bản thân mỗi con người. Đây là khởi nguồn của mọi thành công, hay thất bại trong cuộc sống. Khi bước vào thế kỉ mới, thiên niên kỷ mới, mỗi người phải chuẩn bị cho mình biết bao việc, trong đó hàng đầu, có tính quyết định chính là nhận ra ưu điểm, nhược điểm của chính mình. Vấn đề mà ông Vũ Khoan đặt ra và nhắc nhở tuổi trẻ chúng ta thật thẳng thắn và cần thiết.

Trước hết, tác giả giải thích lí do và ý nghĩa việc chuẩn bị hành trang – nhận ra ưu điểm và nhược điểm – trong nhân cách bản thân mỗi người: “Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như huyền thoại của khoa học và công nghệ… dưới tác động của những tiến bộ về khoa học và công nghệ, sự giao thoa, hội nhập giữa các nền kinh tế chắc chắn sẽ sâu rộng hơn nhiều”. Như vậy, việc bồi đắp trí tuệ, trau dồi đạo đức, nhân cách của mỗi người tuổi trẻ chúng ta là một đòi hỏi khách quan có tính thời đại, tính lịch sử. Nó không đơn thuần là những khái niệm tinh thần chủ quan, trừu tượng mà là sự đòi hỏi khách quan, cụ thể của cuộc sống cả đất nước và mỗi con người. Tấc giả Vũ Khoan chỉ rõ: nước ta phải cùng một lúc giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tiếp cận ngay với kinh tế tri thức. Trong ba nhiệm vụ đó, có lẽ nhiệm vụ “tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức” là một đòi hỏi bức bách, một sứ mệnh thiêng liêng, vẻ vang nhất đối với tuổi trẻ chúng ta.

Tiếp sau – phần chính của bài viết – tác giả thẳng thắn chỉ ra những “điểm mạnh và điểm yếu”, những ưu điểm và hạn chế, thiếu sót trong phẩm chất con người Việt Nam chúng ta.

Thứ nhất: Chúng ta thông minh, nhạy bén với cái mới, nhưng kiến thức cơ bản không vững chắc, khả năng thực hành bị hạn chế.

Thứ hai: Chúng ta cần cù, sáng tạo, nhưng trong cần cù, chúng ta thiếu đức tính tỉ mỉ, nhất là chưa có thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương. Chúng ta có khả năng sáng tạo, nhưng chỉ loay hoay “cải tiến”, làm tắt, chứ không coi trọng quy trình công nghệ.

Thứ ba: Nhân dân ta có truyền thống đùm bọc, đoàn kết với nhau trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Nhưng trong công việc làm ăn, trong kinh tế thì lại phạm vào thói xấu kèn cựa, đố kị lẫn nhau theo kiểu “trâu buộc ghét trâu ăn”.

Thứ tư: Bản tính thích ứng – một tính tốt nữa của chúng ta – sẽ giúp nhân dân ta mau chóng hội nhập với thế giới. Nhưng trong “hội nhập” đã xuất hiện vài thói xấu như “thái độ kì thị”, “tâm lí sùng ngoại”, “khôn vặt”,… không giữ chữ “tín”, gây tác hại khôn lường…

Chắc rằng, vị cán bộ cao cấp, nhà ngoại giao, người hoạt động giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực của đất nước ta – ông Vũ Khoan – còn muốn nêu lên nhiều nữacái mạnh”, “cái yếu” của người Việt Nam. Nhưng bốn cặp đối lập như trên, cũng đủ giúp chúng ta hiểu ra biết bao điều bổ ích. Điều bổ ích nhất là tác giả đã phân tích những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách, thói quen ấy một cách cụ thể, sâu sắc. Mỗi ưu điểm cũng như thiếu sót đều có nguyên nhân, đều có tác dụng, hoặc hạn chế khi đất nước và dân tộc bước vào thế kỉ mới, hội nhập với nền kinh tế tri thức. Chúng có quan hệ biện chứng, thúc đẩy, hoặc hạn chế công cuộc xây dựng đất nước trong thời đại ngày nay.

Qua lịch sử, qua nhiều tác phẩm văn chương và thực tế cuộc sống, chúng ta nhận thấy những phát hiện, những lời khẳng định và phê phán của ông Vũ Khoan là hoàn toàn chính xác. Khi viết, ông đã dẫn chứng nhiều ví dụ sinh động, vận dụng nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ quen thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ: “nước đến chân mới nhảy”, “liệu cơm gắp mắm”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “trâu buộc ghét trâu ăn”, “bóc ngắn cắn dài”,… những cụm từ ấy điểm xuyết trong bài văn không chỉ giúp cho lí lẽ được mềm mại, mà còn đánh thức người đọc những tri thức cơ bản về lịch sử, về văn chương, đầy tính thuyết phục.

Với học sinh chúng ta, sự phát hiện của ông Vũ Khoan về những lỗ hổng trong kiến thức cơ bản do chạy theo những môn học “thời thượng”, bệnh “học chay, học vẹt” là những lời phê phán, nhắc nhở thiết thực. Còn các phát hiện khác qua những cặp đối lập “cái mạnh”, “cái yếu” của nhân cách Việt Nam biểu hiện trong lối sống, trong khoa học và các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao,… cũng đều là những lời nhắn gửi cần thiết đối với học sinh. Bởi vì, đó là những hành trang để chúng ta chuẩn bị vào đời, chuẩn bị làm một công dân Việt Nam bước vào thế kỉ mới.

Phần cuối bài viết, ông Vũ Khoan nhấn mạnh thêm lý do và ý nghĩa việc nhận ra điểm mạnh, điểm yếu trong mỗi con người. Nghĩa là phải biết “lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu”. Tác giả dùng cụm từ muốn “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như có ý nhắc chúng ta nhớ lại lời Hồ Chí Minh trong bức thư gửi học sinh nhân năm học mở đầu khi đất nước được độc lập, dân tộc được tự do. Người cho rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Lời Hồ Chí Minh nói cách đây nửa thế kỷ, nay lại đồng vọng trong tâm hồn chúng ta, được ông Vũ Khoan nhấn mạnh để hướng chúng ta vào nhiệm vụ cụ thể: hãy học tập tốt, hãy phát huy những ưu điểm, vứt bỏ những khuyết điểm trong tính cách, thói quen, nếp sống, công việc để vươn tới phía trước. Mỗi người chuẩn bị thật tốt những hành trang trí tuệ, tâm hồn, năng lực như thế chắc chắn đất nước ta, dân tộc ta sẽ “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” trong thế kỉ mới, thiên niên kỷ mới.

  • Kết bài:

Tóm lại, qua văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”, chúng ta hiểu rằng: “Để chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, thế hệ trẻ Việt Nam cần nhìn rõ cái mạnh và cái yếu của con người Việt Nam để rèn cho mình những đức tính và thói quen tốt”. Thế mạnh của người Việt Nam là thông minh, nhạy bén với cái mới, cần cù sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc nhau trong thời kì chống ngoại xâm. Bên cạnh đó cũng có nhiều điểm yếu cần khắc phục: thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành, thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, thiếu tính cộng đồng trong làm ăn. Bước vào thế kỉ mới, để đưa nước ta tiến lên, chúng ta cần phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, hình thành những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ. Bài nghị luận chính trị xã hội được viết một cách giản dị, sâu sắc với những lí lẽ rành mạch, những dẫn chứng cụ thể, sinh động, ngôn từ vừa hiện đại, vừa đậm đà chất dân tộc, rất dễ hiểu, đầy tính thuyết phục. Ấy là những lời giải tường minh, khúc chiết cho một bài toán về trí tuệ, tâm hồn đối với chúng ta.

Bài làm 2:

  • Mở bài:

Vũ Khoan sinh tháng Mười năm 1937, ông là nhà hoạt động chính trị kiêm nhà ngoại giao. Trong thời tuổi trẻ của mình, ông giữ vai trò liên lạc viên cho chính phủ Việt Minh khi Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương. Cuối năm 1954, khi chưa học xong lớp 7, ông được cử sang Liên Xô học tiếng Nga, sau 9 tháng, nhà ngoại giao Vũ Khoan đã có những bước phát triển đầu tiên trong chặng đường hoạt động chính trị khi trở thành Đại sứ quán.

Vũ Khoan là nhà hoạt động chính trị, nhiều năm là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và từng là Bộ trưởng Bộ Thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đầu năm 2001, thời điểm mở đầu thế kỉ XXI khi dân tộc ta đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ to lớn là đưa nước ta đi vào công nghiệp hóa, vượt qua tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Trong thời điểm đó, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có bài viết Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới được đăng trên tạp chí Tia sáng.  Bài viết đã nêu ra một cách chính xác và kịp thời những vấn đề thiết thực đối với con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, lực lượng quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng đất nước trong thế kỷ mới.

  • Thân bài:

Là tác phẩm được viết nhân dịp đầu năm, Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới đã bàn luận về tính cấp thiết phải đổi mới trong cách suy nghĩ, phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của người Việt Nam, qua đó đáp ứng sự thay đổi trong thời đại mới. Sự chuẩn bị là bước đầu của hành trang vào thế kỉ mới Ngay từ phần mở đầu bài viết, tác giả Vũ Khoan đã đặt ra luận điểm đầu tiên. Ông cho rằng việc tiên quyết là phải chuẩn bị từ đầu, thậm chí đưa ra luận cứ “Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử”. “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.”

Theo tác giả, lý do con người muốn phát triển là vì họ muốn cải thiện đời sống bản thân, ngày càng đổi mới để đáp ứng nhu cầu và lợi ích của riêng cá nhân. Suy cho cùng, cái đích của sự phát triển là nhằm phục vụ con người, mang đến những giá trị về vật chất, tinh thần vì con người luôn mưu cầu hạnh phúc. Cũng trong chính quá trình phát triển ấy, con người đồng thời đóng vai trò là người nắm giữ chìa khóa để mở ra cánh cổng của một nền văn minh hiện đại, toàn diện.

Không chỉ vậy, bằng cách đặt vị trí con người vào bối cảnh hiện nay, tác giả đã khẳng định vai trò của họ trong nền kinh tế tri thức: “Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội”. Trong nền kinh tế mà sự sản sinh, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống, yếu tố con người lại chính là trung tâm của sự phát triển ấy. Sự phát triển như huyền thoại của khoa học và công nghệ, làm cho tỉ trọng trí tuệ trong một sản phẩm ngày càng lớn.

Chính ông cũng khẳng định, trí tuệ của con người chiếm phần lớn tỉ trọng trong một sản phẩm. Qua thời gian, nhiều người đã chứng kiến những bước đột phá, khởi nguồn từ sự sáng tạo và thay đổi hoàn toàn cuộc sống xung quanh. Từ những chiếc điện thoại thông minh đến người máy sở hữu trí tuệ nhân tạo, tất cả đều là minh chứng cho tầm quan trọng của tri thức trong thời đại mới.

Tác giả đã nêu lên quan điểm một cách chính xác, chặt chẽ và khách quan. Ở thế kỷ trước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất vững chắc, vì vậy nơi thời đại mới thì yếu tố con người luôn đóng vai trò hàng đầu. Nhiệm vụ của con người Việt Nam trên chặng đường phát triển đất nước

Trước bối cảnh thế giới đầy năng động nhưng cũng xen lẫn thách thức với các nước đang phát triển, tác giả Vũ Khoan đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu tiên quyết của Việt Nam trong thời đại mới: “Trong một thế giới như vậy, nước ta lại phải cùng một lúc giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đồng thời lại phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.”

Quá trình chuyển đổi từ lao động thủ công sang lao động máy móc, cơ khí, kết hợp với ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất đóng vai trò mấu chốt thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đồng thời, những khám phá mới của khoa học đã khiến nền kinh tế tri thức giữ vai trò trọng trong thế kí XXI. Chính vì vậy, để làm chủ được tương lai của dân tộc, việc xây dựng một nền kinh tế tri thức là vô cùng cấp thiết. Để làm được một lúc ba nhiệm vụ trên, nhân tố con người với những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau cần phải được phát huy và khắc phục đồng thời để hoàn thành sứ mệnh phát triển đất nước.

Ngay từ đầu, tác giả đã lập luận và đưa ra hai mặt luôn tồn tại song song là điểm mạnh, điểm yếu của người Việt Nam khi đối chiếu trong yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước. Theo ông, con người Việt Nam “thông minh, nhạy bén với cái mới”, đây là bản chất trời phú được cả thế giới công nhận. Trên thực tế, trong vòng ba mươi năm kể từ ngày lệnh cấm vận thương mại bị bãi bỏ, đất nước đã thích nghi, hòa nhập với nền văn minh tiên tiến của nhân loại.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam được tiếp cận với sự phát triển nhanh chóng của thời đại số hóa. Người Việt đã cùng các nước trên thế giới sáng tạo ra nhiều tiện ích để phục vụ đời sống hiện đại hơn. Thế nhưng, tác giả cũng đề cập đến những điểm yếu song song với mặt tích cực, cách “đòn bẩy” trong lập luận của ông khiến người đọc hiểu được tính nghiêm trọng từ những mặt hạn chế ấy: “Những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề.”

Chính điểm yếu thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành đã khiến sự sáng tạo vốn có bị hạn chế. Lối học chạy theo “thời thượng” mà không xuất phát từ niềm đam mê khiến người học “rơi” vào tình trạng học chay, học vẹt. Từ đó, việc tiếp thu kiến thức thụ động không giúp tư duy của người học được phát triển. Trái lại, sinh viên ra trường dễ bị thất nghiệp hoặc làm việc trái ngành vì không tìm thấy động lực để hoàn thành công việc.

Song song với điểm yếu, tác giả cũng nhắc đến sự cần cù, sáng tạo như một thế mạnh của người Việt Nam. Cuộc trường chinh dựng nước – giữ nước bốn ngàn năm đã cho thấy hai đức tính đặc sắc nhất mà con người Việt tôi luyện thành: “Cái mạnh của con người Việt Nam ta là sự cần cù, sáng tạo. Điều đó thật hữu ích trong một nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỉ luật cao và thái độ nghiêm túc đối với công vụ và quy trình lao động”.

Dù vậy, tác giả cũng đề cập đến điểm yếu về nền kinh tế công nghiệp hóa, đó là người Việt thiếu tính tỉ mỉ mà thường hành động theo phương châm “nước đến chân mới nhảy” cùng “liệu cơm gắp mắm”. Mặc khác, do người dân chịu nhiều ảnh hưởng từ hình thức sản xuất quy mô nhỏ nên đã phần nào hình thành thói quen làm tắt, không tôn trọng cường độ khẩn trương của công việc, vốn là đặc trưng của những quy trình công nghệ.

Người ta vẫn thường nhớ đến Việt Nam là một dân tộc đoàn kết, thể hiện trong những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm: “Nhân dân ta có truyền thống lâu đời đùm bọc, đoàn kết với nhau theo phương châm “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Tinh thần đoàn kết ấy đã được lưu truyền qua bao thế hệ và trở thành một đức tính tiêu biểu của nhân dân ta. Thế nhưng, bản chất tốt đẹp đó gần như không tồn tại trong kinh doanh: Tính đố kị vốn có của lối sống theo thứ bậc không phải theo năng lực và lối nghĩ “trâu buộc ghét trâu ăn” đối với người hơn mình ở làng quê thời phong kiến”.

Tác giả Vũ Khoan đã dẫn ra ví dụ về sự rời rạc trong những hoạt động tập thể. Đơn cử khi thăm bảo tàng, người Nhật cùng nhau nghe thuyết minh về các di vật còn người Việt thường tản ra, đi xem những thứ mình thích riêng lẻ. Nếu dân tộc Hoa ở nước ngoài thường cưu mang lẫn nhau để cùng phát triển thì người Việt lại thường đố kị trong chuyện làm ăn. Cả việc đố kị, không tôn trọng và công nhận thành quả của người khác cũng không hiếm có. Flappy Bird, trò chơi nổi tiếng khắp thế giới được tạo ra từ trí tuệ Việt, lại bị ganh ghét khiến chủ nhân của ứng dụng là Nguyễn Hà Đông phải gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng. Chính thái độ “kì thị đối với sự kinh doanh, nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức” khiến chặng đường phát triển kinh tế của dân tộc trở nên khó khăn hơn.

Lợi ích trước mắt thường làm lu mờ tâm trí con người, khiến họ bất chấp mọi thủ đoạn để dành phần lợi về phía mình, mặc kệ những ảnh hưởng đến người khác, việc này còn được gọi là “khôn lỏi”: “Thói quen ở không ít người thích tỏ ra “khôn vặt”, “bóc ngắn cắn dài”, không coi trọng chữ “tín” sẽ gây tác hại khôn lường trong quá trình kinh doanh và hội nhập.”

Thói “khôn lỏi” này được thể hiện rõ nhất trong chốn công sở, điển hình như việc luồn lách, nịnh bợ cấp trên để đón thời cơ, qua đó giành suất “đi tắt đón đầu” giúp thăng quan tiến chức. Thế nhưng khi ra “biển lớn, sóng to”, điều này khó phát huy tác dụng mà còn khiến người Việt mất điểm trước bạn bè quốc tế. Bởi ở những môi trường lớn, họ thường có chú trọng vào lợi ích vĩ mô.

Thói quen “bóc ngắn cắn dài” in sâu trong tư tưởng cũng hạn chế sức lao động của người Việt. Lối sống hưởng thụ, làm ít xài nhiều khiến cách tiêu xài và sức lao động bỏ ra không tương xứng, dẫn đến sự thụt lùi trong chất lượng lao động. Trong hợp tác kinh doanh, chữ “tín” vốn quý như vàng, luôn được đặt lên hàng đầu để duy trì một mối quan hệ làm ăn. Song sự tham lam tiền của khiến nhiều cá nhân không màng thủ đoạn để thu lợi bất chính, tạo thành ảnh hưởng rất xấu về lâu dài.

Bài viết Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới định hướng phẩm chất người Việt thế kỉ mới. Theo tác giả, không thể phủ nhận những điểm mạnh của nhân dân ta nhưng các nhược điểm còn tồn tại đang khiến việc hội nhập, phát triển của Việt Nam trên thương trường quốc tế bị hạn chế. Vì vậy để chuẩn bị hành trang cho thế kỉ mới, người Việt cần học cách nhìn nhận đúng đắn về điểm mạnh, điểm yếu, từ đó rèn luyện cho mình những đức tính và thói quen tốt.

Nhiệm vụ định hướng văn hóa và phẩm chất của người Việt. Trong bài viết Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới, điểm mạnh của con người Việt Nam là thông minh, nhạy bén với cái mới, cần cù sáng tạo, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Bên cạnh đó cũng có nhiều điểm yếu cần phải khắc phục như thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành, thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, thiếu tính cộng đồng trong làm ăn.

Để đưa đất nước đi lên, chúng ta cần phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, cố gắng hình thành những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ nhặt. Qua đó, xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc và đức tính, phẩm chất văn minh sẽ là những bước chân đầu tiên giúp Việt Nam vươn lên trong thời đại hội nhập, dấn thân vào một thế kỷ XXI đầy thử thách.

Nhận thức của lớp trẻ là hạt mầm trong dựng xây đất nước. Chính lớp trẻ hôm nay sẽ là đại diện cho tương lai của đất nước mai sau. Gánh trên mình trọng trách to lớn ấy, người trẻ càng phải được giáo dục cẩn thận để xây dựng một nền tảng phẩm chất tốt đẹp. “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu” (Hồ Chí Minh)

Trong Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới, tác giả đã chỉ ra rằng, sự bồi đắp, nuôi dưỡng thế hệ trẻ ngày hôm nay chính là bước đầu cho sự tiếp nối những giá trị vẻ vang mà cha ông đã đạt được. Người trẻ hôm nay phải được tiếp xúc với thói quen tốt đẹp ngay bây giờ, từ những công việc nhỏ nhất để hình thành nên nếp sống lành mạnh nhằm trở thành chủ nhân đất nước trong tương lai. Nếu hiểu được tầm quan trọng trong việc phát huy những điểm mạnh, đồng thời khắc phục điểm yếu của con người Việt, những mầm non đất nước sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng.

Ngày nay, thế hệ mới luôn năng động, sáng tạo và quan trọng là được đào tạo sâu rộng về kiến thức chuyên môn, điều này khiến mọi lĩnh vực mà người trẻ tham gia đều đạt được thành tựu nhất định. Nhận thức hoàn thiện và đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ và sứ mệnh của lớp trẻ sẽ giúp Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển và có tiếng nói mạnh mẽ trên toàn thế

Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới cho thấy ngòi bút đầy sắc sảo. Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới đề cập trực diện đến những vấn đề cấp thiết nhưng có ý nghĩa lâu dài đối với đất nước. Tác giả Vũ Khoan đã dũng cảm chỉ ra cái yếu của con người Việt Nam khi bước vào thế kỉ mới.  Tác giả đứng trên tầm cao của thời đại mới, mang theo ý chí tự cường để trao đổi với thế hệ trẻ những cái mạnh, cái yếu của dân ta, động viên thanh thiếu niên Việt Nam vươn lên gánh vác sứ mệnh lịch sử.

Cách lập luận chặt chẽ, sắc sảo nhưng lại diễn đạt vô cùng giản dị bằng cách sử dụng những câu tục ngữ, ca dao của dân tộc khiến bài viết của ông trở nên dễ hiểu, dễ tiếp cận. Thế nhưng, không vì vậy mà Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới trở nên thiếu sâu sắc, sự đối chiếu giữa hai mặt của vấn đề khiến người đọc cảm thấy thuyết phục khi tác giả trình bày một cách toàn diện.

Bàn về một vấn đề có phần nhạy cảm nhưng cách nói thẳng thắn, chỉ ra những khuyết điểm một cách trực diện khiến người đọc phải gật gù. Những yếu tố này khiến độc giả chịu thuyết phục trước luận điểm mà tác giả Vũ Khoan đã đưa ra.

  • Kết bài:

Được viết vào một năm sau thời điểm chuyển giao của hai thiên niên kỉ nhưng đến nay, Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới vẫn là bài nghị luận chính trị – xã hội có giá trị bền vững, cho thấy nhiệm vụ mà dân tộc Việt Nam phải đối diện để trở thành đất nước phát triển

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang