phan-tich-hinh-tuong-song-trong-bai-tho-song-xuan-quynh

Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh

Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh.

  • Mở bài:

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ trẻ nổi bậc nhất nền văn học kháng chiến chóng Mỹ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Qua hình tượng“sóng” trong bài thơ “Sóng”, Xuân Quỳnh diễn tả cụ thể, sinh động khát vọng tình yêu với những cung bậc tình cảm phong phú và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu, hồn nhiên chân thật, say đắm nồng nàn, đôn hậu, thủy chung

  • Thân bài:

Xuân Diệu, nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” hơn một lần đã phải thốt lên:

“Làm sao sống được mà không yêu,
Không nhớ, không thương một kẻ nào?
Hãy đốt đời ta muôn thứ lửa
Cho bừng tia mắt đọ tia sao!”

(Bài thơ tuổi nhỏ – Xuân Diệu)

Để rồi sau đó lại tự vấn:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”.

(Vì sao – Xuân Diệu)

Không làm sao cắt nghĩa được tình yêu, bởi lẽ tình yêu là một cung bậc tình cảm của con người. Cung bậc tình cảm này cũng đi vào văn học êm đềm như chính sự cuốn hút êm đềm của nó với tất cả mọi người trong mọi thời đại. Thế kỉ trước, khi ngọn lựa của để tài tình yêu trong thơ mới đang âm ĩ, bỗng xuất hiện một nữ sĩ có tâm hồn yêu khao khát, mãnh liệt cảm xúc yêu dào dạt tuôn trào, hàng loạt bài thơ tình yêu của bà đã góp thêm độ nóng cho ngọn lửa yêu đương kia: “Sóng” ra đời. Cái tên Xuân Quỳnh bỗng trở nên quen thuộc.

Dù người ta có nói với bạn điều gì, bạn cũng hãy tin rằng cuộc sống là những điều kì diệu và đẹp đẽ. Cuộc sống đẹp phải chăng vì cuộc sống có tình yêu. Tình yêu là sức mạnh giúp con người vượt gian nan phong ba sóng gió. Với Xuân Quỳnh – một người phụ nữ khao khát yêu, muốn yêu đam mê cháy bỏng thì tình yêu quả là một liều tiên dược. Và rồi, tất cả nỗi lòng, tất cả khao khát đam mê kia đã được gói trọn, gửi gắm trọn trong “sóng”.

Xuyên suốt bài thơ là hình tượng sóng. Sóng là một hình tượng thơ có tính biểu trưng rất lớn. Sóng, hay cũng chính là em, em và trái tim yêu rực lửa, em cùng với mọi cung bậc trong bản đàn tình yêu muôn đời, muôn thuở.

Dữ dội và dịu êm
ồn ào và lặng lẽ

Sóng biển ngàn năm vẫn vỗ vào bờ cát, lúc dịu êm, đằm thắm, khi lại dữ dằn và chất chứa bão táp phong ba. Có khi sóng ồn ã vui tươi nhưng cũng có khi ưu sầu, trầm tư và lặng lẽ. Đây phải chăng cũng chính là những biến tấu của tình yêu đôi lứa. Sóng lúc này cũng đang mang tâm tư, tình cảm, mọi cảm xúc của con người, của một người phụ nữ với trái tim yêu thiết tha mãnh liệt. Tình yêu làm cho con người trở nên lạ lẫm với chính mình bởi sự đan xen, hóa trộn mọi trạng thái cảm xúc. Để rồi khi mình trở nên khó hiểu trong con mắt của tình yêu, sóng cố tìm nguyên nhân tận ngọn nguồn:

Sông không hiểu nỗi mình
Sóng tìm ra tận bể

khát vọng khám phá tình yêu là khát vọng muôn đời, và với sóng – với em tình yêu là biển mênh mông rộng lớn, sóng – em muốn tìm thấy nguồn cội của tình yêu, muốn sóng muốn xô bờ, em muốn tìm thấy nơi bắt đầu tình yêu bằng hành động táo bạo: tìm ra tận bể. Tưởng như sóng và em lúc này đang hóa thành một, khao khát kiếm tìm, và để rồi thắc mắc:

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?

Khi nào ta yêu nhau, em không biết, không ai biết, chỉ có con sóng kia vẫn ngày ngày xô bờ cát. Cũng giống như em ngày đêm khao khát được hưởng hạnh phúc của tình yêu mà cũng không cần biết: tình yêu kia từ nơi đâu tìm đến.

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu

Câu hỏi tưởng chừng vô lí. Song nếu như đặt em và sóng là hai hình tượng song song như sóng và em của cái cung bậc tình cảm khổ thơ đầu, thì câu hỏi trở nên vô cùng ý nghĩa. Vâng, sóng không cần biết gió bắt đầu từ đâu cũng như em không biết ta yêu nhau khi nào, em chỉ biết rằng tình yêu đến khi mọi cung bậc trạng thái cảm xúc xuất hiện trong em.

Xuân Quỳnh đã liên tiếp đặt ra những câu hỏi không cần lời đá[, câu hỏi tu từ hỏi để mà khẳng định:

Gió bắt đầu từ đâu?
Khi nào ta yêu nhau.

Không chỉ vậy, đến những khổ tiếp theo, sóng – em và trái tim yêu càng tha thiết:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.

Đã phần nào trả lời cho cái khát vọng tình yêu của tâm hồn yêu khao khát:

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.

Sóng ngầm, tình yêu sâu thẳm, sóng nhớ bờ không ngủ được hay cũng là những khát vọng tình yêu nơi sâu thẳm trái tim em, em nhớ anh, ngày đêm em thao thức. Một loạt những điệp từ “con sóng” đã giúp Xuân Quỳnh bộc bạch tình yêu của mình, lồng trong tình yêu sóng và em một cách ý nhị, sâu xa, khéo léo. Nếu tình yêu là một liều tiên dược, thì nỗi nhớ trong tình yêu là một cốc nước cho người ta tiếp thêm sức mạnh bởi liều tiên dược kia. Sóng nhớ bờ “ngày đêm không ngủ được” em nhớ đến anh đến đêm ngày thao thức. Sóng khẳng định với biển một điều:

Ôi con sòng ngày xưa
Và ngày nay vẫn thế.

Cũng tiếp thêm sức mạnh niềm tin cho anh bởi tình yêu của em đối với anh trường tồn, bất diệt. Ở đây, hai chữ “bồi hồi” và “ngực trẻ” đã được Xuân Quỳnh sử dụng khéo léo và vô cùng biểu cảm, đọc câu thơ, mỗi người dường như sẽ sống lại cái cảm giác yêu đương ngọt ngào chỉ có một lần trong thời trẻ.

Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.

Nơi “ngực trẻ” kia, trái tim em, trái tim của anh, tim của sóng, tim của bờ, của đại dương bao la đang đập chung nhịp đập. Nhịp đập yêu thương, chung thủy, tha thiết nguyện gắn bó suốt đời.

Trước cái bao la rộn ngợp của đất trời, trước không gian mênh mông của biển cả, sóng và em cảm thấy:

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, e
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Vẫn câu hỏi xưa sóng hỏi mình, em hỏi em. Sóng không biết sóng bắt đầu từ đâu, em cũng không biết tình yêu ta bắt đầu khi nào nữa. Chỉ biết sóng sẽ mãi vỗ bờ, và:

Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

Đêm ngày em nhớ anh, trong giấc mơ chập chờn luôn có hình bóng anh ẩn hiện, em nhớ anh, sóng nhớ bờ, và em ao ước:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Vì tình yêu, sóng sẽ tan ra hòa vào biển lớn. Vì tình yêu, nếu được như sóng, em cũng nguyện sẽ tan ra giữa biển tình yêu vô hạn. Bởi lẽ em khao khát tình yêu, cho dù tình yêu và không gian của sóng của biển có dài rộng, bao la, vô tận đến nhường nào:

Cuộc đời kia dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.

Sóng chung thủy với bờ cũng như em luôn chỉ yêu anh. Không gian và thời gian cho dù có bao la cũng không ngăn được tình yêu đôi lứa. Em sẽ nguyện:

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương.

Tình yêu là thế, luôn cuồng nhiệt và đắm say. Xuân Quỳnh là một tâm hồn phụ nữ khao khát yêu thương, có lẽ vì thế mới con người nói, Xuân Quỳnh là một nữ sĩ “ham yêu” và “đôn hậu”. Đọc bài thơ Sóng, ta có cảm giác dường như Xuân Quỳnh đã hòa làm một với con sóng kia, bộc bạch tất cả nỗi lòng, tâm tư, khao khát, kín đáo nhưng không kém phần mãnh liệt và mạnh mẽ, tình yêu trong sóng với đủ mọi cung bậc đã rung động lòng người.

  • Kết bài:

Với “Sóng” – Xuân Quỳnh đã khiến cho người đọc cảm nhận được một điều: bà đã lao động hết mình, cống hiến hết mình vì nghệ thuật. Thơ Xuân Quỳnh, được gạn lọc từ tất cả mọi tinh túy của cuộc đời. Ngôn ngữ cùng với những hình tượng thơ đã làm cho Xuân Quỳnh trở thành nữ sĩ được yêu mến.

Cảm nhận bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang