phan-tich-kho-1-bai-tho-mua-xuan-nho-nho

Cảm nhận ý nghĩa khổ 1 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Cảm nhận ý nghĩa khổ 1 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”

  • Mở Bài:

Cảm hứng xuân phơi phới của Thanh Hải đã dệt nên một bức tranh xuân rất đẹp, đầy sức sống và tràn ngập niềm vui rạo rực. Bức tranh ấy được chấm phá bằng rất ít chi tiết: một dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc, một tiếng chim chiền chiện. Những nét chấm phá ấy đã vẽ ra được một không gian cao rộng, màu sắc tươi thắm của mùa xuân và cả âm thanh vang vọng, tươi vui của chim chiền chiện.

  • Thân bài:

Ngay hai câu mở đầu đã gặp một cách viết khác lạ:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”.

Không viết như bình thường: “một bông hoa tím biếc; Mọc giữa dòng sông xanh” mà đảo lại: “Mọc giữa dòng sông xanh; Một bông hoa tím biếc”. Động từ “mọc” đặt ở đầu khổ thơ của bài thơ là một dụng ý nghệ thuật của tác giả Nhà thơ muốn khắc sâu ấn tượng về sức sống trỗi dậy và vươn lên của mùa xuân. Tưởng như bông hoa tím biếc kia đang từ từ, lồ lộ mọc lên, vươn lên, xoè nở trên mặt nước xanh của dòng sông xuân.

Hàn Mặc Tử có bài thơ Mùa xuân chín có một điểm nhìn không khác Thanh Hải. Hàn Mặc Tử chọn màu vàng của mái nhà tranh lá mới hòa lẫn với màu xanh tươi của cỏ cây làm màu chủ đạo của bức tranh mùa xuân tươi xanh. Bức tranh mùa xuân vì thế trở nên sinh động khác thường. Trong đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều), Nguyễn Du cũng đã có cách phối màu tài tình như thế:

“Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Trên nền cảnh màu xanh bất tận của cỏ non và trời cao, xuất hiện mấy đóa hoa lê nhỏ bé như nổi bậc làm điểm nhấn của bức tranh mùa xuân rạo rực sức sống. Thủ pháp điểm chỉ tài tài khiến cho bức tranh vừa rộng đến vô cùng, vừa thu gọn tầm nhìn trên một đóa hoa lê trắng bình dị nhưng ấn tượng.

Thanh Hải có một lựa chọn khác biệt. Ông vẫn lấy nền xanh làm chủ đạo và điểm tô trên cái nền ấy bông hoa tím. Có thể thấy, màu tím trên nền xanh không hề nổi bậc nhưng gợi được tình sâu. Một màu tím se sắt, mơ mộng và hướng về nguồn cội quê hương xứ Huế. Màu ín của tấm lòng thủy chung, của tâm hồn mơ mộng, chứa đầy những khát khao. Màu tím của sức trẻ, của sự dung hòa đến vô cùng vô tận.

Mở rộng không gian, nhà thơ hướng tầm nhìn lên bầu trời cao xanh. Tiếng chim chiền chiện tạo nên một nét đẹp nữa của mùa xuân:

“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.

Nhạc điệu của câu thơ như giai điệu của mùa xuân tươi vui và rạo rực. Các từ “ơi”, “chi”, mang chất giọng ngọt ngào đáng yêu của người xứ Huế (thân thương, gần gũi). Câu thơ cứ như câu nói tự nhiên không trau chuốt từ ngữ nhưng vẫn mang âm hưởng thi ca. Câu hỏi tu từ “hót chi” thể hiện tâm trạng đùa vui, ngỡ ngàng, thích thú của tác giả trước giai điệu của mùa xuân.

Quả thật, thiên nhiên nhất là mùa xuân vốn hào phóng, sẵn sàng trao tặng con người mọi vẻ đẹp nếu con người biết mở rộng tấm lòng. Thanh Hải đã thực sự đón nhận mùa xuân với tất cả sự tài hoa của ngòi bút, sự thăng hoa của tâm hồn. Nhà thơ lặng ngắm, lặng nghe bằng cả trái tim xao động, bằng trí tưởng tượng, liên tưởng độc đáo:

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.

Về hai câu thơ trên, có hai cách hiểu: từng giọt ở đây là giọt mưa xuân long lanh trong ánh sáng của trời xuân; nhưng cũng còn có thể hiểu hai câu này gắn với hai câu trước: Tiếng chim đang vang xa bỗng gần lại, rõ ràng, tròn trịa như kết thành những giọt sương óng ánh sắc màu, rơi rơi, rơi mãi tưởng chừng không dứt và nhà thơ đưa tay hứng từng giọt âm thanh ấy.

Như vậy từ một hình tượng, một sự vật được cảm nhận bằng âm thanh (thính giác), tác giả đã chuyển đổi biến nó thành một sự vật có thể nhìn được bằng mắt (thị giác) bởi nó có hình khối, màu sắc rồi lại được như cảm nhận nó bằng da thịt, bằng sự tiếp xúc (xúc giác). Nghệ thuật ví ngầm, chuyển đổi cảm giác quả đã đạt tới mức tinh tế đáng khâm phục.

  • Kết bài:

Khổ 1 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ đã biểu hiện niềm say sưa, ngây ngất, xốn xang, rạo rực của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời lúc vào xuân. Chắc hẳn trong lòng thi sĩ đang dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu cuộc đời.


Tham khảo:

Ý nghĩa nhan đề bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”

Nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tác độc đáo, một phát hiện mới mẻ của nhà thơ Thanh Hải. Hình ảnh “Mùa xuân nho nhỏ” là biểu tượng cho những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi con người.

Mạch cảm xúc được khơi nguồn, nảy nở từ sức sống, vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mở rỗng ra vái mùa xuân đất nước, cách mang. Cảm xúc lắng đọng dần vào suy tư và ước nguyện thăm sâu. “Mùa xuân nho nhỏ” thể hiện nguyên ước của nhà thơ muốn làm một mùa xuân, nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường là một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của thiên nhiên, đất nước, của cuộc đời chung và khát vọng sống chân thành, cao đẹp của nhà thơ. Đó cũng chính là chủ đề của bài thơ mà nhà thơ muốn gửi gắm.

Nhan đề bài thơ thể hiện quan điểm về sự thống nhất giữa cái riêng với cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng, khơi gợi ý thức trách nhiệm của mỗi con người đối với đất nước.

Tiêu đề bàì thơ gắn bó chặt chẽ với quan niệm sống của tác giả. Bài thơ có tên “mùa xuân nho nhỏ”, đó là mùa xuân khiêm tốn, nhỏ bé, hữu hạn của mỗi con người trước mùa xuân lớn lao hùng vĩ của đất nước và thiên nhiên. Tác giả quan niệm rằng mỗi con người dù trẻ hay già, suốt cả cuộc đời đều phải cống hiến phần nhỏ bé của mình cho xã hội, mà đó là phần cống hiến tự nguyện, khiêm nhường. Thanh Hải ước ao mình là “một mùa xuân nho nhỏ”, một tiếng chim, một cành hoa, một nốt nhạc trầm xao xuyến đẻ nhập vào bản hoà ca chung của dân tộc. Đó là ý thức tự nguyên cống hiến phần nhỏ bé của mình cho xã hội, cho đất nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang