phan-tich-li-do-va-muc-dich-doi-do-tu-hoa-lu-ve-dai-la-cua-li-cong-uan

Lí do và mục đích dời đô từ Hoa Lư về Đại la của Lí Công Uẩn qua Chiếu dời đô

Lí do và mục đích dời đô từ Hoa Lư về Đại la của Lí Công Uẩn qua Chiếu dời đô

  • Mở bài:

Lí Công Uẩn là người thông minh, tài trí, có tầm nhìn xa trông rộng. Với tài năng lỗi lạc và tấm lòng vì nước vì dân, Lí Công Uẩn đã hết lòng dựng xây đất nước, mở ra thời ki thái bình, thịnh trị bậc nhất trong lịch sử nước ta. Sự việc Lí Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La xuất phát từ nhiều lí do đúng đắn, có mục đích rõ ràng và tiến bộ. Sự kiện ấy được trình bày rõ trong bản Chiếu dời đô.

  • Thân bài:

Năm 1009, Lê Ngọa Triều, một tên vua hoang dâm vô độ, tàn bạo cực kỳ đã chết.Quần thần nhà Lê và giới tăng lữ cao cấp đã tôn Lý Công Uẩn, Điện Tiền chỉ huy sứ lên làm vua, mở đầu triều đại nhà Lý (1009 – 1225) đánh dấu bước phát triển mới của chế độ phong kiến Việt Nam.

Năm 1010, Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư ra Đại La.Có thể nói đây là một kỳ tích đầu tiên của vương triều nhà Lý.Lý Công Uẩn đã tự tay mình thảo “Chiếu dời đô” bằng chữ Hán, một văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại. “Chiếu dời đô” đánh dấu bước phát triển mới của đất nước Đại Việt, thể hiện ý chí tự cường của nhân dân ta trên đà lớn mạnh.

Xưa nay, việc dời đô là sự kiện trọng đại, không phải muốn là làm được. Việc dời đô phải đảm bảo vận mệnh của đất nước và cuộc sống ấm no của nhân dân. Bởi thế, việc Lí Công Uẩn vừa lên ngôi đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La là hành động dũng cảm, thể hiện ý chí quyết đoán và tầm nhìn xa trong rộng của bậc minh quân.

Mở bài nêu lên sự kiện lịch sử: nhà Thương đến vua Bàn Canh 5 lần dời đô, nhà Chu đến vua Thành Vương cuãng 3 lần dời đô. Đó là những tiền lệ lịch sử, những kinh nghiệm lịch sử. Việc dời đô của các vua thời Tam Đại (bên Tàu) là do yêu cầu khách quân của xã hội, do xu thế của lịch sử, chứ không phải theo “theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời?”. 

Đến thời nhà Lí, đất nước đã được mở rộng, dân số đông hơn, cần có một kinh đô đủ lớn đóng vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước. Kinh đô Hoa Lư nằm ở nơi đất chật hẹp, gần núi, sông cạn, khó mở rộng được thêm. Đất đai lại cằn khô, nông nghiệp phát triển khó khăn. Nếu duy trì lâu dài sẽ khiến kinh đô ngày thêm nghèo khó, sức mạnh của đất nước cũng vì thế mà suy giảm dần.

Trong khi đó, thành Đại La, nơi Lí Công Uẩn dự định chọn làm nơi đặt kinh đô mới, có địa thế thuận lợi hơn gấp nhiều lần. Không những đó là nơ bằng phẳng, bốn mặt thông thoáng, sông ngòi rộng lớn, nước sâu, địa thế rộng mà bằng, đất cao mà thoáng, phì nhiêu, muôn vật phát triển tốt tươi, khí hậu ôn hòa, hết sức thuận lợi để phát triển nông nghiệp lớn. Dân cư khỏi chịu cảnh ngập lụt, mọi vật phong phú, tốt tươi, đích thực là mảnh đất thịnh vượng. Lại thêm, Thành Đại La có địa thế phong thủy rất tốt, vượng khí cao, là vùng đất có nhiều huyệt kết. Xưa kia, Cao Vương (tức Cao Biền – một bậc thầy phong thủy học) đã chọn vùng đất này để định đô cũng là có lí do cả. Thành Đại La xứng đáng là nơi định đô bền vững, là nơi phù hợp để phát triển, đưa đất nước phát triển phồn thịnh.

Kinh đô được đặt ở một nơi trung tâm của đất trời, phù hợp địa thế phong thủy và khẳng định vị thế của đất nước. Nơi đây là chốn hội tụ của bốn phương đất nước, không những buôn bán thuận lợi mà muôn sự đều tiện lợi cả. Đây quả thực là nơi thuận lợi cho sự nghiệp, mưu toan việc lớn, là nơi thích hợp để có thế tồn tại đất nước, tính kế muôn đời cho con cháu.

Việc dời đô là do mục đích sâu xa tốt đẹp. Lí lẽ nhà vua nêu lên rất sâu sắc, vừa có tình có lí. Dời đô “chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”. Dời đô là vì nước vì dân, vì đạo nghĩa “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”… Dời đô sẽ mang lại lợi ích tốt đẹp:  “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”. Dời đô là để xây dựng và bảo vệ đất nước giàu đẹp, bền vững đến muôn đời mai sau.

Dời đô là việc làm chính nghĩa, vì nước vì dân, nghe theo mệnh trời, thể hiện thực lực của nước ta lớn mạnh, biểu lộ của ý chí tự cường dân tộc. Bài Chiếu dời đo của Lí Công Uẩn bên cạnh tính chất mệnh lệnh còn có tính chất tâm tình khi nhà vua hỏi qua ý kiến các quần thần. Luận cứ có tính thuyết phục vì được phân tích trên nhiều mặt. Chọn Đại La làm kinh đô là một lựa chọn đúng đắn, nơi đây xứng đáng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn năm.

Tác giả không chỉ giải thích, nêu lên nhiều dẫn chứng lịch sử, làm rõ cái lợi của việc dời đô, cái hại của việc nhà Đinh, nhà Lê “cứ đóng yên đô thành” ở Hoa Lư…, mà còn biểu lộ cảm xúc của mình trước bài học lịch sử: “Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”. Với Lý Công Uẩn thì việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La là một yêu cầu cấp thiết của lịch sử, là một đời hỏi nóng bỏng của dân tộc và đất nước trên đà phát triển.

  • Kết bài:

Bài chiếu như một lời tâm sự của nhà vua với nhân dân, quần thần, cho thấy sự thấu tình đạt lí, thể hiện sự anh minh của nhà vua trong sự nghiệp gây dựng đất nước. Học tập tích cực, rèn luyện tu dưỡng đạo đức để kế tục sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang