Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật mang tính cách điểm hình trong Chí phèo của Nam Cao
Xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình là một trong những vấn đề cơ bản, trọng tâm của chủ nghĩa hiện thực. Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao là tác một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam.
Được đánh giá là một trong những cây bút hàng đầu của trào lưu hiện thực phê phán (1930-1945), Nam Cao rất có ý thức về quan điểm sáng tác của mình. Giống như Vũ Trọng Phụng, ông phê phán văn chương lãng mạn, thoát li thực tế, khẳng định văn học hiện thực: “Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Người cầm bút cần “đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời” (Giăng sáng). Với truyện ngắn Chí Phèo, ông đã khẳng định được phong cách sáng tác của mình. Chí Phèo cũng khẳng định sự dứt bỏ hoàn toàn của Nam Cao đối với thứ văn chương lãng mạn thoát li – con đường mà trước đây ông từng theo đuổi.
Để xây dựng được hoàn cảnh điển hình trong tác phẩm, Nam Cao thường chú ý tới mối quan hệ của hoàn cảnh sống tới con người. Chí Phèo – nhân vật chính trong tác phẩm sống trong không gian Vũ Đại – ngôi làng được lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng quê ông. Ngôi làng ấy cũng là hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước cách mạng. Nơi ấy với thế “Quần ngư tranh thực” tồn tại nhiều phe cánh bóp nặn người dân.
Về xuất thân, Chí Phèo là một kẻ bị cha mẹ ruồng bỏ. Một người đi thả ống lươn nhặt được Chí “trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không”, sau đó chuyền tay cho người làng nuôi. Đến tuổi thanh niên Chí làm canh điền cho nhà Bá Kiến với mơ ước giản dị về một mái ấm gia đình được xây dựng bằng công sức lao động chân chính: “Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Chỉ vì ghen tuông vu vơ, Bá Kiến đẩy Chí Phèo vào tù. Sau bảy tám năm ra tù, nhà tù thực dân đã làm thay đổi Chí hoàn toàn. Nhân hình Chí đã khác xưa “Trông đặc như thằng săng đá. Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết”.
Không chỉ thay đổi về nhân hình, Chí Phèo trở thành con ma men: “Hắn về hôm trước hôm sau đã thấy ngồi uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều”. Với hai lần đến nhà Bá Kiến, chính Bá Kiến đã biến Chí trở thành tay sai, là công cụ để lợi dụng, thực hiện tội ác. Vốn là người nông đân “hiền như đất”, biết tự trọng, biết khinh những cái đáng khinh nhưng chính nhà tù thực dân và Bá Kiến đã khiến Chí rơi vào đường cùng, không được sống đúng như bản chất, bản chất vốn lương thiện mà phải sống bất lương, muốn lao động chân chính mà phải đi ăn cướp. Thân cô thế cô, trở thành công cụ trong tay giai cấp thống trị, Chí Phèo buộc phải làm nghề rạch mặt ăn vạ, cướp giật, phải bán cả diện mạo và linh hồn cho quỷ dữ.
Không chỉ bị giai cấp thống trị bóc lột, quá trình tha hóa của Chí Phèo còn có nguyên nhân sâu xa là từ chính môi trường sống phi nhân đạo. Độc giả còn ấn tượng mãi về tiếng chửi của Chí ở phần đầu tác phẩm . “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…”. Chí tìm mọi cách “gây sự” để mong dân làng Vũ Đại đáp trả nhưng “Không ai lên tiếng cả”, “Không ai ra điều”. Trong cơn đau khổ, cùng quẫn, hắn muốn phủ định cả sự tồn tại của mình.
Tiếng chửi là “Bài hát lộn ngược của một linh hồn méo mó và khổ đau” (Chu Văn Sơn), Chí muốn được giao tiếp, khát khao được đón nhận song bị cộng đồng cự tuyệt. Sống ở làng Vũ Đại, Chí Phèo hoàn toàn cô độc, Chí Phèo bị chặn mọi ngả đường để được sống là người lương thiện. Theo Xuskô “Bản chất của phương pháp hiện thực – linh hồn của nó, cốt tủy của nó là sự phân tích xã hội” . Là một nhà văn hiện thực, Nam Cao thấy được mối quan hệ giữa hoàn cảnh sống giữ vai trò quyết định tâm lí, tính cách của con người. Sự tha hóa của Chí có tính tất yếu, phổ biến ở xã hội nông thôn Việt Nam. Trước Chí Phèo đã có Binh Chức, Năm Thọ – những người nông dân khốn khổ bị Bá Kiến đẩy vào bước đường cùng, tha hóa về nhân phẩm: “Tre già măng mọc, có bao giờ hết những thằng du côn” trở thành một sự thật tàn nhẫn đầy ám ảnh.
Có thể nói, Chí Phèo chính là nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh. Nhà văn đã phân tích, tìm cách lí giải nguyên nhân sự tha hóa của con người lương thiện. Nếu văn chương lãng mạn mà tiêu biểu là Tự lực văn đoàn chủ trương cải cách xã hội cho ta thấy những “bức tranh quê” tuy có cảnh bùn lầy nước đọng nhưng nhìn chung là thi vị, với những mối tình thơ mộng thì văn học hiện thực với đóng góp của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao đã trả lại cho nông thôn hình ảnh chân thực của nó với những kiếp người bị dìm trong cảnh u tối, bị bóc lột, tha hóa – những thảm cảnh trước cách mạng tháng tám.
Tạo ra hoàn cảnh điển hình cho xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng tám, Nam Cao cũng đồng thời xây dựng nên những điển hình bất hủ. Nhân vật Chí Phèo là đại diện tiêu biểu của người nông dân bị tha hóa trong xã hội cũ. Là một người lương thiện nhưng Chí Phèo đã bị tha hóa bởi nhà tù thực dân và bởi sự độc ác, tàn bạo của Bá Kiến, bởi sự “ráo hoảnh”, vô cảm của người đời.
Nam Cao cũng minh chứng tình trạng tha hóa của xã hội nông thôn Việt Nam qua những tác phẩm khác như: Trẻ con không được ăn thịt chó, Tư cách mõ, Nửa đêm…Thể hiện nét chung của giai cấp, Chí Phèo cũng mang những nét đặc sắc riêng biệt. Đó là dáng đi ngật ngưỡng của kẻ say, tiếng chửi trời, chửi đời tủi nhục, cay đắng với nỗi đau bị tha hóa ám ảnh, day dứt nhất. Cuộc gặp gỡ với thị Nở đã đánh thức phần Người trong Chí nhưng đồng thời cũng soi tỏ bi kịch mà bấy lâu chìm trong những cơn say triền miên. Giấc mơ thời quá khứ tan vỡ, hiện tại “hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc”, “hắn đã tới cái dốc bên kia của đời”, tương lai mờ mịt, bi đát: “Chí Phèo hình như đã trông trước thấy tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Chí Phèo vừa là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” nhưng cũng đồng thời là nạn nhân của hoàn cảnh.
Tác động của hoàn cảnh tới sự phát triển tính cách nhân vật cũng thể hiện rõ nét qua cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và nhân vật thị Nở. Cuộc gặp gỡ với thị Nở – người đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn” với tình yêu ngây ngô nhưng chân thật, giản dị được coi là ánh chớp lóe lên trong cuộc đời chí Phèo. Nguyên Hồng cho rằng: “Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai con người không bình thường và cô độc nhưng đã làm nên những trang văn rực sáng cảm hứng nhân đạo”. Lần đầu tiên sau bao năm, Chí Phèo tỉnh rượu, để cảm nhận về không gian sống bên ngoài “nắng bên ngoài chắc là rực rỡ”, “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá”, “tiếng cười nói của những người đi chợ”, tiếng “anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”… Tỉnh rượu, Chí bắt đầu có những cảm nhận về bên trong cơ thể “miệng đắng”, “lòng mơ hồ buồn”… Những thanh âm đời thường mà giản dị đã đánh thức trong Chí giấc mơ thời trai trẻ “…Có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”, ý thức về thực tại đau khổ, tương lai mù mịt “hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc”, “hắn đã tới cái dốc bên kia của đời”.
Lần đầu tiên kể từ khi ra tù, Chí Phèo có được những cảm giác bình thường về sự sống, và cái nhìn thấu suốt về chính bản thân mình. Đặc biệt, bát cháo hành giản dị của thị Nở không chỉ giải cảm cho Chí mà còn khơi dậy khát vọng hoàn lương “Trời ơi! hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!”. Hắn hi vọng “thị Nở sẽ mở đường cho hắn”, và cũng từ đây Chí nhen nhóm giấc mơ hạnh phúc đời thường với lời tỏ tình ngây ngô mà rất mực chân thành “…hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Từ hình ảnh “con quỷ dữ” triền miên trong những cơn say, phần Người bên trong Chí đã được đánh thức. Và khi đã trở lại bản chất của một con người, Chí không thể sống kiếp sống trước đây. Điều đó lí giải hàng loạt những hành động của Chí khi bị thị Nở từ chối, khi cây cầu nối giữa Chí với cuộc đời bị cắt đứt. Chí muốn đi tìm bà cô thị Nở – kẻ đã phản đối cuộc hôn nhân này nhưng bước chân lại đưa Chí tới nhà Bá Kiến. Chí dõng dạc “đòi lương thiện”, mạnh dạn đâm chết Bá Kiến và tự sát.
Chí đã nhận ra kẻ thù thực sự của cuộc đời mình, nói như Nguyễn Đăng Mạnh: “Lưỡi dao Chí Phèo vung lên như bắt đầu thấy lấp lánh ánh sáng ý thức giai cấp của người dân cày, và đồng thời léo lên như cái ánh chớp báo trước một cơn giông tố dữ dội sẽ quét sạch chế độ thực dân, cường hào, địa chủ trên đất nước ta”. Chí đã chọn cách chết như một con người thay vì sống như một con quỷ. Sự hồi sinh kì diệu ấy là minh chứng cho sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, không thể bị dập tắt của con người dù rơi vào những cảnh ngộ bi đát nhất, dù sống trong môi trường phi nhân tính, bạo tàn nhất.
Tạo nên tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, Nam Cao đã tuân thủ nghiêm ngặt đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực nhưng điều đáng quý nhất ở ông đó là niềm tin sâu sắc ở bản chất của con người lao động mà cái gốc của nó chính là tư tưởng nhân đạo “Từ trong cốt tủy” (Sê-khốp). Cũng xuất phát từ tư tưởng nhân đạo đáng quý ấy, nhân vật của Nam Cao không phải là sự sao chép, mô phỏng con người ngoài đời thực mà thật sự có đời sống riêng. Tính cách nhân vật không ngừng vận động, phát triển.
Nói tới Chí Phèo, độc giả còn ấn tượng đặc biệt với nhân vật Bá Kiến, điển hình cho kiểu nhân vật phản diện thuộc tầng lớp thống trị tự đi vào tha hóa đến mất hết tính người. Ở Bá Kiến, ta thấy hiện lên bản chất của những tên địa chủ như Nghị Quế trong Tắt đèn, Nghị Lại trong Bước đường cùng, Nghị Hách trong Giông tố, đó là sự bạo tàn, bóc lột dã man những tầng lớp dưới. Bá Kiến xuất thân trong một gia đình có bốn đời làm lí trưởng. Bằng mưu mô và thủ đoạn khôn khéo, hắn lần lượt leo lên đỉnh cao của danh vọng: Tiên chỉ làng Vũ Đại, Bá hộ, Chánh hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc kỳ nhân dân đại biểu, “hắn khét tiếng đến cả trong hàng huyện”. Ở làng Vũ Đại, nơi có cái thế đất “Quần ngư tranh thực”, nghĩa là cả bầy cá tranh mồi, Bá Kiến trở thành con cá lớn. Hắn đã đẩy bao người nông dân lương thiện vào bước đường tha hóa.
Vì thủ đoạn tàn độc của hắn, Chí Phèo phải đi ở tù. Ra tù, Bá Kiến lại tiếp tục lợi dụng, biến Chí trở thành công cụ để thực hiện tội ác. Bá Kiến chính là nguyên nhân trực tiếp khiến Chí Phèo trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Không chỉ mang những nét chung, khái quát, hình tượng Bá Kiến còn mang nét riêng đặc sắc. Chân dung Bá Kiến hiện lên sinh động với cái “cười nhạt”, hắn nổi tiếng “khôn róc đời”, cực kì xảo quyệt. Từ bốn đời làm tổng lí, Bá Kiến đã rút ra được những phương châm, thủ đoạn thống trị người nông dân rất khôn ngoan và hiệu quả như “trị không được thì cụ dùng”, “dùng những thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò”, “mềm nắn rắn buông”, “bám thằng có tóc chứ không ai bám kẻ trọc đầu”, với triết lý “thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân”, Bá Kiến nhanh chóng đẩy Binh Chức, Năm Thọ rồi tới Chí Phèo tới bước đường tha hóa, buộc phải làm tay sai cho hắn. Cảm hứng phê phán vì vậy là cảm hứng chủ đạo khi xây dựng nhân vật Bá Kiến.