Phân tích nhân vật An Dương Vương
- Mở bài
An Dương Vương là nhân vật trung tâm của truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, một người có công dựng nước và bảo vệ đất nước, nhưng sau đó có những sai sót để lớn dẫn đến mất nước. Câu chuyện để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc.
- Thân bài
An Dương Vương là người có công dựng nước và giữ nước. Ban đầu, có thể nhận định An Dương Vương là vị vua sáng suốt, bản lĩnh vững vàng, tầm nhìn xa rộng. Kế tục sự nghiệp của các vua Hùng, An Dương Vương quyết định rời đô về vùng đồng bằng để ổn định cuộc sống nhân dân. Đó chính là quyết định sáng suốt, có ý nghĩa chiến lược với tầm nhìn xa trông rộng của một vị vua anh minh.
An Dương Vương xây thành cao, đào hào sâu để giữ nước. Quá trình xây thành, ban đầu rất khó khăn, đắp tới đâu lở tới đó. Nhà vua lập đàn trai giới, tiếp đón cụ già, chờ đợi và đón rước Rùa Vàng. Nhờ Rùa Vàng giúp đỡ đã xây xong thành trong nửa tháng.
Quá trình xây thành gian nan, khó nhọc nhưng cho thấy sự kiên trì, tài năng và tầm nhìn xa trông rộng của nhà vua, biết trọng hiền tài, xây dựng loa thành vừa hợp ý trời vừa hợp lòng dân. Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn khẳng định An Dương Vương là vị vua có tinh thần yêu nước, bảo vệ đất nước.
Khi Rùa Vàng từ biệt ra đi, nhà vua đã bày tỏ băn khoăn “nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”. Câu hỏi cho ta thấy An Dương Vương là người biết lo xa, một vị vua luôn mang tinh thần cảnh giác cao độ trước mối nguy ngoại xâm. Được Rùa Vàng giúp đỡ lấy vuốt rùa làm lẫy, An Dương Vương, chế nỏ thần đánh giặc. Điều đó thể hiện ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cao độ của nhà vua đối với an nguy quốc gia. Thành ốc kiên cố, nỏ thần kì diệu, tinh thần cảnh giác cao độ, biết lo xa phòng thủ từ sớm đã giúp An Dương Vương đánh tan cuộc xâm lược của quân Triệu Đà.
Như vậy, có thể khẳng định, An Dương Vương quả thực là một vị vua anh minh, sáng suốt, luôn suy nghĩ cho vận mệnh của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, biết trọng người tài, có tinh thần cảnh giác cao độ, trở thành tấm gương cho công cuộc dựng nước và giữ nước.
Thông qua các chi tiết hư cấu, tưởng tượng (cụ già, Rùa Vàng) truyện đã xây dựng thành công hình tượng vua An Dương Vương – một vị vua anh minh, sáng suốt, luôn suy nghĩ cho vận mệnh của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, biết trọng người tài, được sự đồng tâm, giúp đỡ của cả trời đất và nhân dân. Vị vua ấy luôn nhận được sự tôn trọng, ngợi ca của toàn thể nhân dân.
An Dương Vương đã mắc những sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến nước mất nhà tan. Việc mất nước Âu Lạc, người chịu trách nhiệm chính là An Dương Vương. Ông vua tuy có công xây dựng, bảo vệ đất nước nhưng đã chủ quan, mất cảnh giác xem thường kẻ địch dẫn đến bi kịch quốc gia, gia đình, cá nhân.
Sai lầm lớn nhất của An Dương Vương là không nhìn thấu được hành động cầu hòa của giặc, bằng lòng gả con gái cho giặc, cho ở rể. An Dương Vương đã đánh mất cảnh giác vì nhà vua không phát hiện bản chất của Triệu Đà. Triệu Đà không chỉ muốn thôn tính Âu Lạc mà còn cho Trọng Thủy cầu hôn Mị Châu để biến người Âu Lạc thành người phương Bắc. Việc đó đã tạo cơ hội cho gian tế Trọng Thủy đánh cắp bí mật quốc gia, làm suy yếu sức mạnh chống giặc của đất nước.
An Dương Vương sau chiến thắng đã lơi lỏng việc quân, cho rằng kẻ thù đã khiếp sợ nên không quan tâm đến củng cố lực lượng, ỷ vào sức mạnh của nỏ thần. Mặt khác, bởi cậy có nỏ thần, khi quân Triệu Đà tiến vào vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: Đà không sợ nỏ thần sao? khiến cho quân giặc nhanh chống phá thành trong chớp mắt. Điều này chứng tỏ nhà vua chủ quan không biết rằng việc bảo vệ đất nước phải luôn luôn cảnh giác với kẻ thù mọi nơi, mọi lúc. Vì vậy đất nước phút chốc rơi vào bi kịch nước mất, nhà tan. Đây là bài học thời sự trong việc bảo vệ đất nước.
Có thể thấy, An Dương Vương đã rất chủ quan, khinh địch, lơ là, mất cảnh giác, ngủ quên trong chiến thắng. Hành động sửa sai của An Dương Vương là tự tay chém chết Mị Châu. Hành động ấy thể hiện sự dứt khoát đứng về phía công lí, sự tỉnh ngộ một cách muộn màng của An Dương Vương. Cái chết của An Dương Vương đã được thần kì hoá: Nhà vua sừng tê bảy tấc theo Rùa Vàng xuống biển đã huyền thoại hoá,, thể hiện sự bất tử của An Dương Vương, tấm lòng bao dung, biết ơn của nhân dân đối với vị vua một thời có công lao to lớn với dân tộc.
Như vậy, An Dương Vương là vị vua vừa có công vừa có lỗi, là hình tượng lịch sử gắn liền với bài học dựng nước giữ nước và bài học mất nước. Tuy mất cảnh giác để mất nước nhưng trong tâm thức người dân, An Dương Vương mãi là nhà vua yêu nước, có công với nước.
Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái, nhân dân ta muốn biểu lộ thái độ công bằng trước lịch sử. Rùa Vàng – biểu tượng dân tộc – giúp nhà vua xây thành, chế nỏ là trí tuệ, sức sáng tạo, công sức bền bỉ của cha ông ta trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước. Rùa Vàng gọi Mị Châu là giặc vì chính nàng là người có Trái tim nhầm chỗ để trên đầu nên phải chịu nhận cái chết do chính cha mình với tư cách người đứng đầu quốc gia trừng phạt. Cũng chứng tỏ thái độ không khoan nhượng của nhân dân đối với bất kì hành động nào làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Đó cũng là sự phán xét công bằng của cha ông ta.
- Kết bài
Nhân vật An Dương Vương hiện lên với vị thế là một người anh hùng có công lớn trong việc xây thành đắp lũy, bảo vệ đất nước nhưng cũng là vị vua vì chủ quan dẫn đến bi kịch mất nước. Thông qua việc xây dựng nhân vật cùng những chi tiết thần kì, truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy” đã để lại bài học giáo dục vô cùng sâu sắc. Đó là bài học về việc xây dựng đất nước phải đi đôi với việc bảo vệ đất nước, luôn phải nêu cao cảnh giác và đề phòng đối với kẻ thù, xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng với chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân và cộng đồng.