Đóng vai An Dương Vương kể lại sự tích An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy

dong-vai-an-duong-vuong-ke-lai-su-tich-an-duong-vuong-mi-chau-va-trong-thuy

Đóng vai An Dương Vương kể lại sự tích “An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy”

Sau khi dựng nước Âu Lạc và định đô ở Phong Châu, biết Triệu Đà chưa từ bỏ âm mưu xâm chiếm, ta lập tức cho xây thành Cổ Loa, phòng giặc từ xa. Nhờ sự tận tụy của quần thần và nhân dân, trong mấy tháng trời, thành đã dựng cao. Thế nhưng, nào ngờ, chỉ sau một đêm, thành quách bỗng đổ sập xuống hết một cách kì lạ. Hết dựng lên rồi lại đổ xuống, kéo dài mấy năm, thành vẫn chưa xây xong, dân tình khốn khổ không biết bao nhiêu mà kể. Ta vô cùng tức giận, nghĩ rằng có kẻ nào đó đang âm thầm phá hoại, ngăn cản ta dựng thành. Dò hỏi dân chúng mới biết đêm đêm nghe tiếng bước châm rầm rập như trăm quân nghìn tướng đang di chuyển. Đó chính là Kê Tinh ở trên núi, cứ đêm đêm xuống phá thành để trả thù. Nhờ có thần Kim Quy mách bảo, ta đã diệt được Kê Tinh.

Từ đó, thành xây đến đâu vững đến đó, chẳng mấy chốc đã hoàn thành. Thách quách kiên cố như bàn thạch, vững vàng như núi cao, sấm không thể làm sập, mưa không thể làm sạt được, quân giặc dù mạnh đến đâu cũng không tài nào phá. Nổi Thần Kim Quy còn cho ta một cái móng của mình để làm lẫy nỏ mà giữ thành. Theo lời thần dặn, nỏ có được cái lẫy làm bằng móng chân thần sẽ là chiếc nỏ bắn trăm phát trúng cả trăm, và chỉ một phát có thể giết hàng ngàn quân địch. Ta liền chọn trong đám gia thần được một người làm nỏ rất khéo tên là Cao Lỗ và giao cho Lỗ làm chiếc nỏ thần. Lỗ gắng sức trong nhiều ngày mới xong. Chiếc nỏ rất lớn và rất cứng, khác hẳn với những nỏ thường, phải tay lực sĩ mới giương nổi, gọi là nỏ “Linh quang Kim Quy thần cơ”. Ta quý chiếc nỏ thần vô cùng, lúc nào cũng treo gần chỗ nằm.

Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải, mấy lần đem quân sang cướp đất Âu Lạc, nhưng vì ta có nỏ thần, quân Nam Hải nhiều lần khởi binh nhưng đều nhận lấy thất bại nặng nề nên đành cố thủ đợi chờ thời cơ. Triệu Đà thấy dùng binh không lợi, bèn xin giảng hòa với Âu Lạc, sai con trai là Trọng Thuỷ sang cầu thân. Ta từ lâu đã mong muốn hai nước hòa hiếu, chấm dứt binh đao cho dân tình đỡ khổ nên chấp nhận cầu thân. Hai nước còn tác hợp cho Trọng Thủy, con trai Triệu Đà và Mị Châu, con gái ta thành đôi uyên ương nhằm thắt chặt niềm tin hòa hảo. Ta và Triệu Đà cũng cam kết không động binh để nhân dân hai nước được hưởng thái bình.

Nào ngờ, đó lại là quyết định sai lầm của ta, khiến cho nước mất nhà tan, triều đại diệt vong, dân tình chìm ngập trong biển khổ. Trọng Thủy sang Âu Lạc vốn mang theo thù hận, muốn chiếm lấy bí mật của nỏ thần, mưu đồ diệt quốc. Đó là gian kế hèn hạ của Triệu Đà. Hắn dỗ con gái ta cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm một cái lẫy nỏ khác thay vuốt Rùa Vàng, nói dối là về phương Bắc thăm cha. Con gái ta vốn cả tin, đã làm bại lộ bí mật quốc gia, trước hành động bất thường của Trọng Thủy đã không mảy may nghi ngờ.

Về đất Nam Hải, Trọng Thuỷ đưa cái móng rùa vàng cho cha, Triệu Đà mừng rỡ vô cùng, reo lên rằng: “Phen này đất Âu Lạc sẽ về tay ta”. Chỉ ít ngày sau, Triệu Đà đã ra lệnh cất quân sang đánh Âu Lạc. Nghe tin báo, ta cậy có nỏ thần, không phòng bị gì cả. Cao Lỗ vào tâu khuyên ta nên điều binh trấn giữ, ta cười bảo đã có nỏ thần, Triệu Đà  lẽ nào không biết sợ mà còn dám làm điều dại dột này. Đến khi quân giặc đã đến sát chân thành, ta sai đem nỏ thần ra bắn thì không thấy linh nghiệm nữa. Quân Triệu Đà nhanh chóng phá cửa thành, ùa vào như vũ bão.

Không kịp chuẩn bị, ta vội lên ngựa, cùng con gái sau lưng, phi ngựa thoát ra cửa sau, thẳng hướng biển đông lao đi. Ngồi sau lưng ta, Mỵ Châu bứt lông ngỗng ở áo rắc khắp dọc đường. Ta nghĩ con gái trong phút sợ hãi không biết làm gì nên thả lông ngỗng cầu an cho ta và vương quốc nhưng nào ngờ đó là dấu hiệu để Trọng Thủy đuổi theo sau.

Đường núi gập ghềnh hiểm trở, ngựa chạy luôn mấy ngày đêm đến Dạ Sơn gần bờ biển. Hai cha con định xuống ngựa ngồi nghỉ thì quân giặc đã gần đến. Thấy đường núi quanh co dốc ngược, bóng chiều đã xuống, không còn lối nào chạy, ta liền hướng ra biến, khấn thần Kim Quy phù hộ cho mình. Ta vừa khấn xong thì một cơn gió lốc cát bụi bốc lên mù mịt, làm rung chuyển cả núi rừng. Thần Kim Quy xuất hiện, lớn tiếng bảo ta rằng “giặc ở sau lưng nhà vua đấy”. Ngoảnh lại sau lưng, đất trời phẳng lặng, không một bóng người, chỉ có mình Mỵ Châu nước mắt giàn giụa, ta chợt tỉnh ngộ, liền rút gươm phãn nộ. Mỵ Châu bấy giờ cũng đã hiểu rõ sự tình, nói lời oán than rồi sẵn sàng nhận lấy cái chết. ta vô cùng đau lòng nhưng nghịch đồ phản quốc, tội này không thể tha thứ được. Máu Mị Châu lênh láng sóng nước. Quân giặc đuổi đến kè cận, thần Kim Quy lệnh ta cầm sừng tê bảy tấc, rồi rẽ nước dẫn ta đi xuống biển.

Lại nói về Trọng Thuỷ, khi quân Triệu Đà đã chiếm được thành, Thủy một mình một ngựa theo dấu lông ngỗng đi tìm Mỵ Châu. Đến gần bờ biển, thấy xác vợ nằm trên đám cỏ, tuy chết mà nhan sắc không mờ phai. Trọng Thuỷ quá đau đớn khóc oà lên. Thủy thu nhặt thi hài đem về chôn trong thành, rồi đâm đầu xuống giếng trong thành mà chết theo. Thủy tuy là gian tế, hại chết Mị Châu nhưng đó cũng chỉ là làm theo ý của Triệu Đà. Thủy chết cũng là muốn làm trọn đạo nghĩa vợ chồng, hối hận về tội lỗi của mình đối với vợ.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Đóng vai Mtao-Mxây kể lại đoạn trích "Chiến thắng Mtao-Mxây" - Theki.vn
  2. Cảm nghĩ về truyền thuyết “An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy” - Theki.vn
  3. Sau khi tự tử ở giếng loa thành, xuống thủy cung, Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mỵ Châu. Hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện đó. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.