phan-tich-nhung-chuyen-bien-tam-trang-cua-nhan-vat-mi-trong-2-lan-nhin-tu-can-phong-ra-ben-ngoai

Phân tích những chuyển biến tâm trạng của nhân vật Mị trong 2 lần nhìn từ căn phòng ra bên ngoài

Trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài có lần viết về Mị:

“Ở cái buồng buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra ngoài cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”.

Lần khác tác giả lại viết:

“Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.

(SGK Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 6 và trang 7)

Phân tích tâm trạng Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó hãy làm rõ sự thay đổi của nhân vật này.


Gợi ý làm bài:

  • Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về nhà văn Tô Hoài, về tác phẩm Vợ chồng A phủ
Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tâm trạng nhân vật Mị trong lần miêu tả của nhà văn, sự thay đổi của nhân vật Mị qua hai lần miêu tả đó.

  • Thân bài:

Tâm trạng của nhân vật Mị trong lần miêu tả thứ nhất:

+ Hoàn cảnh của Mị: Người con gái tài hoa miền sơn cước đã phải chịu một cuộc đời bạc mệnh, phải sống cảnh làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Với danh nghĩa là con dâu, nhưng thực chất Mị chính là tôi tớ . Thân phận Mị không chỉ là thân trâu ngựa mà còn chịu nỗi đau khổ về tinh thần. Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Mị bị giam lỏng trong một căn phòng nhỏ. Ở cái buồng Mị nằm kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng.

+ Tâm trạng của Mị trong hoàn cảnh ấy: Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.

Căn buồng đó là nhà tù ở giữa trần gian đã giam cầm tuổi xuân của Mị, cuộc sống tự do của Mị.
Ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi. Mị đã mất hết niềm vui sống, tâm hồn trở nên chai sạn, mất hết cả tinh thần phản kháng. Không phải là Mị đang sống mà là Mị đang tồn tại. Mị đã buông xuôi, phó mặc cuộc đời mình cho số phận. Mị nghĩ rằng chỉ có cái chết mới giải thoát được số phận khổ đau của mình.

Tâm trạng của nhân vật Mị trong trong lần miêu tả thứ hai:

– Hoàn cảnh của Mị: Bức tranh Hồng Ngài mùa xuân năm ấy làm say đắm lòng người. Khung cảnh mùa xuân, tiếng sáo, hơi rượu đã làm sức sống của Mị trỗi dậy. Mị nghe tiếng sáo, Mị ngồi nhẩm thầm lời bài hát. Rồi Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Lòng Mị đang sống về ngày trước. Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng.

– Tâm trạng của Mị trong hoàn cảnh ấy: Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi.
Mị lại xuất hiện trong không gian căn buồng kín ít đó.

Nhưng lúc này lòng ham sống của Mị đã được đánh thức. Mị đã thức tỉnh quyền được sống, khao khát cuộc sống tự do, hạnh phúc. Khát vọng sống, niềm khao khát hạnh phúc như đốm than bị lớp tro tàn vùi lấp đã cháy bùng lên khi có ngọn gió thổi đến.

Nhận xét về sự thay đổi của nhân vật Mị trong hai lần miêu tả của nhà văn.

– Hai lần miêu tả Mị của nhà văn đều gắn với hình ảnh căn buồng của Mị. Căn buồng là địa ngục trần gian giam cầm cuộc đời Mị.

– Từ vô cảm, mất hết niềm ham sống, sức sống tiềm tàng của Mị đã trỗi dậy mãnh liệt, Mị trở lại là một cô gái trẻ trung, yêu đời. Từ cam chịu cuộc sống khổ đau, Mị đã thức tỉnh quyền được sống, quyền được tự do. Đây là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.

– Tâm trạng khổ đau, buông xuôi của Mị là tiếng nói tố cáo chế độ phong kiến miền núi đã làm cạn khô nhựa sống, làm tàn lụi đi ngọn lửa của niềm vui sống của con người. Sự thay đổi tâm trạng của Mị theo chiều hướng tích cực cho thấy sự phát hiện, khẳng định, trân trọng, ngợi ca sức sống tiềm tàng của con người lao động. Nhà văn Tô Hoài đã viết về Mị với tất cả lòng yêu thương, thông cảm, và chỉ có lòng yêu thương thông cảm, Tô Hoài mới phát hiện ra vẻ đẹp tiềm tàng trong tâm hồn Mị.

– Sự thay dổi của nhân vật Mị phù hợp với mạch vận động của văn học giai đoạn 1945- 1975 so với văn học giai đoạn 1930-1945.

– Nội dung nhân đạo đó được thể hiện qua nghệ thuật đặc biệt: Nghệ thuật phân tích diễn biến tâm lí nhân vật, nghệ thuật tả cảnh; nghệ thuật lựa chọn hình ảnh, chi tiết đặc sắc.

  • Kết bài:

Nhà văn Tô Hoài xây đã biểu đạt thành công tâm trạng và hành động khá phức tạp của Mị được diễn tả, lí giải một cách cụ thể, hợp lí. Ô cửa sổ nhỏ bé, nơi giam hãm cuộc đời Mị, đã cho Mị 2 lần cảm nhận khác biệt. Cuộc trỗi dậy thứ nhất của Mị không thành, Mị không thoát khỏi cảnh ngục tù trần gian nhưng ít ra Mị cũng đã sống lại những thời khắc tươi đẹp của tuổi trẻ. Sức sống của Mị, sự hồi sinh của Mị được đặt trong một thử thách khắc nghiệt, một hiện thực phũ phàng nhưng qua đó lại càng khẳng định một chân lí rằng: sức sống của con người dù bị dẫm đạp, bị trói chặt nhưng nó không chết mà luôn âm ỉ cháy, chỉ gặp dịp là bùng lên mạnh mẽ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang