phan-tich-nhung-thay-doi-cua-nhan-vat-mi-qua-hai-lan-mieu-ta

Phân tích những thay đổi trong tâm trạng của nhân vật Mị qua hai lần miêu tả của nhà văn

Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, khi kể về cuộc sống của Mị trong nhà thống lí Pá Tra, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả tâm trạng của nhân vật Mị: “Ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”

Và những đêm tình mùa xuân đã tới, Tô Hoài miêu tả: “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi.”

Phân tích tâm trạng Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi trong tâm trạng của nhân vật này.


Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

Miêu tả tâm lí nhân vật không phải là thế mạnh của nhà văn Tô Hoài, thế nhưng, ở truyện ngắn Vợ chồng A phủ, ông đã thể hiện xuất sắc năng lực này qua hai lần miêu tả tâm trạng của nhân vật Mị khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra và trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài.

  • Thân bài:

1. Tâm trạng của Mị những ngày làm dâu nhà thống lí.

– Diễn biến tâm trạng:

+ Khi bố Mị còn sống, Mị dã từng có ý định tự tử bằng lá ngón vì không thể chịu đựng nổi cuộc sống của người con dâu gạt nợ.

+ Sau khi bố chết, ở lâu trong nhà thống lí Pá Tra bị đọa đày về thể xác, bị áp chế về tinh thần, sống mà không bằng chết, tâm hồn Mị đã trơ lì, chai sạn. Mị dường như đã quen với nỗi khổ đau bất hạnh mà mình phải gánh chịu và chấp nhận nó.

+ Mị sống như một cái xác vô hồn, chỉ biết vùi đầu vào những việc giống nhau, tiếp nhau, làm đi làm lại, làm việc cả đêm cả ngày. Lúc nào Mị cũng cúi mặt. Mỗi ngày Mị càng không nói.

+ Cách Mị so sánh mình với con trâu, con ngựa: “Ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”. Điều đó cho ta thấy rõ dường như Mị đã là một con người vô cảm, an bài trước số phận.

Cuộc sống của Mị cũng chính là cuộc sống tủi nhục, tối tăm của người lao động nghèo vùng cao dưới sự áp bức thống trị của bọn chúa đất trong chế độ cũ. Mị đã hoàn toàn tuyệt vọng, buông xuôi sự sống, phó mặc cho sóng gió cuộc đời xô đẩy, định đoạt. Những chi tiết trên cũng cho thấy khả năng quan sát tinh tể diễn biến tâm lí của nhân vật, tài năng trong việc chọn được những “góc quay đắt” để đặc tả số phận cùng cực của nhân vật.

2. Tâm trạng của Mị khi những đêm tình mùa xuân đã tới.

– Diễn biến tâm trạng:

+ Sắc xuân cùng với những đêm tình mùa xuân đã về đem đến luồng sinh khí mới cho thiên nhiên và con người.

+ Những cảm xúc mới mẻ sau bao năm bị vùi lấp chợt ùa về trong Mị, làm cho Mị: “Thấy phơi phới trở lại” cho ta thấy tâm hồn Mị đã được hồi sinh, đưa Mị trở về những ngày tháng tự do, êm đẹp ngày trước.

+ Tâm hồn tưởng như băng giá của Mị bây giờ đã có những cảm xúc và khát vọng: “Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi.”. Như vậy không còn một cô Mị lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi, mà thay vào đó là một cô Mị trẻ trung, yêu đời, ham sống.

+ Với cách dùng nhiều câu văn ngắn, từ ngữ biểu cảm, câu văn có tính tượng hình, giàu chất thơ, Tô Hoài đã diễn tả sinh động nhiều trạng thái cảm xúc vui sướng, hồi hộp liên tiếp ùa về làm sống dậy một tâm hồn tưởng như đã lụi tắt trong Mị.

→ Dù tuyệt vọng, dù hành động và khao khát của Mị bị chặn đứng bởi bàn tay độc ác, thô bạo của A Sử nhưng những tâm trạng, hành động đó đã cho thấy sự hồi sinh, sự thức tỉnh mạnh mẽ, sức sống tiềm tàng, khao khát tự do, hạnh phúc mãnh liệt của nhân vật Mị, của đồng bào Tây Bắc trong quá trình đấu tranh chống lại giam hãm để đi tìm cuộc sống tự do.

3. Sự thay đổi của tâm trạng nhân vật qua 2 lần miêu tả.

– Sự cam chịu của Mị ở đoạn đầu có căn nguyên từ sự áp bức, đè nén của sức mạnh cường quyền và bóng ma thần quyền.

– Từ một con người âm thầm, câm lặng, chai sạn về cảm xúc tâm hồn, không còn sức phản kháng khát vọng sống, cảm xúc tâm hồn được hồi sinh trong đêm tình mùa xuân.Vẫn là sự tương quan giữa hình ảnh Mị và hình ảnh cái buồng, nhưng nếu cô Mị ở đoạn đầu lặng trong suy nghĩ cam chịu thì cô Mị ở đoạn sau thiên về hành động. Đó là sự phản kháng. Ở Mị luôn tồn tại một sức sống mãnh liệt.

– Sự thay đổi tâm trạng của nhân vật Mị trong hai lần miêu tả trên Mị chính là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực: Từ vô cảm đến ý thức rõ về mình, biết khao khát tự do, khao khát hạnh phúc. Tâm trạng đó được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật độc đáo: miêu tả tâm trạng nhân vật tinh tế, phù hợp với quy luật tâm lí, câu văn giàu hình ảnh.

– Qua hai lần miêu tả tâm trạng nhân vật Mị, và sự thay đổi tâm trạng nhân vật Mị, Tô Hoài thể hiện sự đồng cảm sâu sắc đối với cuộc sống tối tăm, tủi nhục của người dân nghèo vùng cao. Đồng thời nhà văn còn phát hiện sức sống tiềm tàng mãnh liệt của họ ngay cả khi họ bị thực dân và bọn chúa đất vùi dập, đọa đày một cách tàn bạo.

Bản năng sống trong con người luôn là bất diệt, nó có thể tạm thời bị dập tắt nhưng không bao giờ lụi tàn. Sự đổi thay của Mị từ cảm xúc tâm hồn, nhận thức cho đến hành động cho thấy sức sống luôn tiềm tàng trong cô. Mị đại diện cho hình ảnh người lao động trong cuộc sống tăm tối đã vươn lên tìm ánh sáng tự do cho cuộc đời mình.

  • Kết bài:

– Mị là một thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Tô Hoài. Nhà văn đã viết về Mị bằng cái nhìn thương cảm, bằng niềm tin, sự trân trọng khát vọng sống mãnh liệt của những con người nơi miền cao Tây Bắc.

Phân tích nhân vật Mị qua hai lần miêu tả: ở đầu tác phẩm và khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang