vi-sao-chi-pheo-lai-giet-ba-kien

Phân tích sự ý thức về nhân phẩm của CHÍ PHÈO để làm sáng tỏ ý kiến: Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn CHÍ PHÈO trước hết thể hiện ở khát vọng làm người của nhân vật chính.

Phân tích sự ý thức về nhân phẩm của CHÍ PHÈO để làm sáng tỏ ý kiến: “Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn CHÍ PHÈO trước hết thể hiện ở khát vọng làm người của nhân vật chính”.

* Hướng dẫn làm bài:

– Trước hết người đọc nhận ra CHÍ PHÈO vốn là người lao động lương thiện, có nhân cách nhân phẩm. Chí thấy xấu hổ, thấy nhục nhã khi phải làm những việc theo ý vợ ba Bá Kiến.Việc biến chất, lưu manh hoá ở CHÍ PHÈO là do xã hội mà thủ phạm trực tiếp chính là Bá Kiến.

– Lần thứ nhất: Ý thức về nhân phẩm chủ mình sau những ngày say triền miên, lần đầu là CHÍ PHÈO gặp Thị Nở. Sáng hôm sau tỉnh dậy, Chí thấy lòng “bâng khuâng mơ hồ buồn”. Bên ngoài là tiếng chim hót vui vẻ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo, tiếng cười nói của những người đi chợ về… Chí nhớ lại có thời mình ao ước một mái ấm gia đình nho nhỏ…. Bây gìơ Chí thấy “thèm lương thiện,muốn làm hoà với mọi người”

– Lần thứ 2: Sau khi bị Thị Nở “cắt đứt” tình cảm, CHÍ PHÈO thấy tuyệt vọng, không thẻ có cuộc sống bình thường như mọi người. Chí đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện. Đây là lúc tỉnh táo nhất trong cuộc đời Chí. Chí dõng dạc nói với Bá Kiến “Tao muốn làm người lương thiện”. Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự kết liễu đời mình, Chí không có sự lựa chọn nào khác.

→ Kết thúc tác phẩm gợi nhiều xót xa, nhưng tác phẩm đã phản ánh rõ nét nhất sự nhận thức nhân phẩm của nhân vật chính, thể hiện được ý thức của nhân vật, cũng là thể hiện khát vọng làm người của nhân vật, tác phẩm đem đến cho người đọc thấy được chiều sâu tư tư tưởng nhân đạo của Nam Cao.


Tham khảo:

“Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn CHÍ PHÈO.

Truyện ngắn “Chí Phèo” là một trong những kiệt tác của văn học hiện thực khi viết về người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Trong tác phẩm, nhà văn Nam Cao không chỉ phơi bày nỗi khổ của con người, khổ vì đói nghèo, khổ vì tha hóa nhân cách mà còn thể hiện sự đồng cảm, trân trọng với những giá trị “người” bên trong những con người đầy khổ đau, những nạn nhân đáng thương của xã hội ấy. Tinh thần nhân đạo sâu sắc cũng là một trong những giá trị nổi bật làm nên sức sống mạnh mẽ của Chí Phèo trong lòng của mỗi độc giả.

Tư tưởng nhân đạo hiểu một cách đơn giản nhất, đó chính là sự cảm thông, đồng cảm trước nỗi đau của con người, là sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn của những con người bé nhỏ; giá trị nhân đạo còn thể hiện trong thái độ bênh vực con người, lên án những thế lực bạo tàn đã chà đạp, tước lên quyền tự do, quyền sống của họ.

Trong truyện ngắn “Chí Phèo”, tư tưởng nhân đạo của nhà văn Nam Cao được thể hiện ở chỗ hướng ngòi bút khám phá đời sống bị đọa đày cả về thể xác và tinh thần của những người lao động lương thiện. Chí Phèo là anh canh điền hiền lành, lương thiện nhưng cuộc sống bất công đã đẩy Chí đến con đường lưu manh hóa, trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại. Thế nhưng, tác giả Nam Cao không lên án Chí như một thứ người- vật như bao người dân làng Vũ Đại mà ông đã hướng ngòi bút đến khám phá đến nội tâm sâu thẳm của con quỷ dữ ấy.

Bên ngoài vẻ bất cần, liều lĩnh của kẻ chỉ biết “rạch mặt ăn vạ” lại là bản chất của một người nông dân lương thiện với những khát khao bình dị “chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải”. Và khi ý thức được bi kịch khủng khiếp của cuộc đời mình, khi biết không thể quay lại con đường lương thiện như mình khao khát thì Chí thà lựa chọn cái chết chứ kiên quyết không chịu làm con quỷ dữ nữa.

Thế mới thấy bên trong những con người bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính như Chí Phèo vẫn tồn tại những phần rất người, đó là bản chất lương thiện sáng trong mà hoàn cảnh đen tối của xã hội không thể diệt trừ mà chỉ có thể làm nó bị tê liệt.

Thị Nở là người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, lại dở hơi, nhà có mả hủi nhưng bên trong diện mạo xù xì, gớm ghiếc ấy lại là tình thương đầy ấm áp, là tấm lòng thiện lương đáng quý. Và cùng chính sự quan tâm, thương yêu chân thành của Thị Nở đã cảm hóa và thức tỉnh phần nhân tính còn lại bên trong Chí Phèo. Cũng từ khi gặp được Thị, Chí Phèo đã nhớ về những mơ ước bình dị khi còn trẻ, khát khao được lương thiện và làm hòa với mọi người.

Cũng qua tấn bi kịch tha hóa của Chí Phèo, tác giả Nam Cao đã cất lên tiếng kêu cứu đầy thảm thiết và phẫn uất khi giá trị của con người bị cái đen tối, bất công của xã hội chà đạp, tha hóa. Từ đó tác giả đặt ra vấn đề nhức nhối: làm thế nào để cứu con người khỏi cái xã hội vùi dập vô nhân tính ấy, mang đến cuộc sống chính đáng để con người được sống lương thiện. Cần phải tiêu diệt xã hội bất công không tình người ấy để con người được sống nhân đạo hơn.

Không chỉ phơi bày bi kịch của người lương thiện khi bị chà đạp, tha hóa về nhân hình, nhân tính tác giả Nam Cao còn lên án gay gắt hiện thực xã hội phong kiến bạo tàn đã gây nên bao bi kịch cho con người. Đại diện cho giai cấp thống trị ở đây chính là Bá Kiến, lão cường hào ma mãnh, xảo quyệt của làng Vũ Đại, một tay hắn đã đẩy bao kẻ vào con đường tha hóa, phá nát bao cơ nghiệp của những người dân bất hạnh. Đến cuối tác phẩm, tác giả Nam Cao đã để cho Chí Phèo vung dao lên để giết chết Bá Kiến, thể hiện thái độ phẫn uất trước sự tồn tại của cái bạo tàn, xấu xa.

Tuy nhiên, Bá Kiến chết thì vẫn còn Lí Cường, Chí Phèo chết thì cũng sẽ còn bao kẻ lương thiện khác cũng có thể tiếp tục bị đẩy đến con đường lưu manh hóa. Chỉ có thể bảo vệ cuộc sống lương thiện của con người khi xã hội phong kiến bạo tàn, chế độ người bóc lột người bị tiêu diệt.

Tư tưởng nhân đạo của nhà văn Nam Cao còn được thể hiện thông qua thái độ đồng cảm, trân trọng đối với giá trị của con người. Đó là phần lương thiện bên trong con người Chí Phèo, tình thương yêu đáng trân trọng bên trong Thị Nở. Nam Cao đã thể hiện thái độ trân trọng đối với những con người ở đáy sâu tăm tối của xã hội để thấy được ánh sáng tình người bên trong con người họ.

Có thể nói “Chí Phèo” là truyện ngắn mang giá trị nhân đạo sâu sắc khi hướng đến đồng cảm, trân trọng giá trị bên trong tâm hồn của những con người bất hạnh, nạn nhân của xã hội. Đọc toàn bộ tác phẩm, không thấy xuất hiện một lời bình luận, nhận xét hay thương cảm về số phận nhân vật và những bi kịch trong xã hội. Nam Cao đã miêu tả tất cả với một thái độ lạnh lùng của một ngòi bút sắc lạnh. Nhưng vượt lên trên tất cả, người ta vẫn cảm nhận được tình thương yêu con người sâu sắc. Tất cả làm nên giá trị nhân đạo của tác phẩm nghệ thuật đích thực: “vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn”, “là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn…”


Tham khảo:

Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn CHÍ PHÈO.

Trung tâm của tác phẩm là Chí Phèo – đại diện cho những người nông dân bị bần cùng hóa tới mức đánh mất chính bản thân mình, lao vào con đường tội lỗi và tối tăm. Chí dù không cha không mẹ nhưng Chí vẫn trở thành một con người tốt. Chí làm thuê làm mướn, chịu thương chịu khó kiếm sống nuôi thân. Nhưng đường đời vốn dĩ lắm truân chuyên, Chí bị gia đình Bá Kiến đẩy vào tù. Năm tháng tù đày và lòng hận thù biến Chí trở thành một con người hoàn toàn khác từ ngoại hình cho đến tính cách. Chí xăm trổ những hình thù quái dị, cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn… trông gớm chết. Trước đây Chí tốt đẹp bao nhiêu thì giờ đây lại xấu xa, tồi tệ bấy nhiêu. Con đường tha hóa của Chí tỉ lệ thuận với sự tàn ác, bất nhân của chế độ phong kiến. Trong xã hội ấy còn rất nhiều người giống như Chí. Chí chỉ là một nhân vật điển hình trong phần người đông đảo ấy. Họ bị như vậy không phải vì bản thân quá yếu hèn, không có nghị lực vươn lên, mà vì sự tàn ác của chế độ quá lớn. Trong khi đó họ lại chỉ là những người nông dân thấp cổ bé họng, không tiền, không địa vị, không học thức. Làm sao có thể chống lại được với giai cấp đầy quyền lực và tàn nhẫn? Nam Cao bày tỏ sự xót thương và đồng cảm sâu sắc với Chí và những con người bất hạnh như Chí.

Trong chuỗi ngày dài dằng dặc với những niềm cay đắng chồng chất giống như những vết sẹo chằng chịt trên khuôn mặt trong những lần vạch mặt ăn vạ, nhà văn đã đưa thị Nở đến với Chí. Sự kiện này đã làm Chí tỉnh thức và tìm lại được chính mình. Sau đêm gặp thị, Chí tỉnh táo và nhận thức được mọi thứ xung quanh mình. Cuộc sống thật giản đơn mà lại hạnh phúc đến vậy. Tiếng mái chèo gõ cá, tiếng chim hót, tiếng người nói lao xao đi chợ, và dáng dấp của một người đàn bà ngay cạnh bên, tất cả đã mang đến cho Chí sự quyết tâm trở lại làm người lương thiện. Đằng sau những tiếng chửi chua ngoa, sau những trận rượu say xỉn triền miên, ta lại thấy một Chí Phèo đầy lòng nhân ái và giàu tình yêu thương. Có thể thị dở hơi nên thị không ý thức được điều mình đang làm là sống cùng với một thằng không cha không mẹ, chuyên đi rạch mặt ăn vạ nhưng Chí đang hoàn toàn tỉnh táo.

Trước mặt Chí là người đàn bà ế chồng, xấu xí và ngờ nghệch nhưng điều đó có là gì khi Chí cảm nhận được tình cảm rất chân thật và trong sáng của thị. Thị chẳng hề đắn đo suy nghĩ hay có bất kì một thành kiến nào đối với một kẻ đi ở tù về như Chí. Thị dở nhưng tấm lòng của thị rất thánh thiện. Bát cháo hành thị nấu được nêm gia vị bằng sự đồng cảm, bằng tình yêu thương rất chân thật. Bát cháo ấy đã đánh thức phần người trong Chí trỗi dậy. Chí muốn cùng thị thực hiện ước mơ ngày nào của mình: có một gia đình nho nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải thêu thùa. Ước mơ ấy không chỉ của riêng Chí mà của rất nhiều người. Chí không chê thị dở, lại càng không chê thị xấu. Có thể do tình yêu mù quáng, nhưng ước mơ kia của Chí là điều rất đúng đắn và nghiêm túc. Sau bao nhiêu biến cố xảy ra, sau những vết sẹo kéo dài trên mặt, Chí lại trở về là một con người rất hiền lành, rất tốt tính. Mối tình của Chí với thị như một ân huệ mà Nam Cao muốn dành cho đứa con đẻ của mình, để Chí được một lần trong đời sống hạnh phúc dù chỉ là ít ỏi. Bởi ngay sau đó, thị đã nghe lời bà cô cự tuyệt Chí.

Thêm lần nữa, Chí chìm vào cơn say. Nhưng cơn say này khác với những cơn say trước. Bởi nó có lẫn men rượu với hơi cháo hành thoang thoảng. Sự tuyệt vọng và lòng hận thù lại trào dâng trong Chí, dẫn bước chân Chí tới thẳng nhà Bá Kiến dù trong đầu xác định đến nhà thị Nở để giết chết con khọm già nhà nó. Nhưng họ đâu có tội tình gì. Chí ra nông nỗi này đều do Bá Kiến gây nên. Chí giết chết hắn rồi tự tử. Chí không muốn sống tiếp cuộc đời đằng đẵng những khổ đau này nữa. Ngay cả một ước mơ giản đơn nhất Chí cũng không được quyền thực hiện. Chí được sinh là làm người nhưng lại sống như một con quỷ dữ, chẳng ai dám lại gần Chí. Cho tới khi thị đến nhưng cuối cùng thị cũng quay lưng lại với Chí. Chí cảm thấy cô đơn và lạc lõng giữa biển người mênh mông. Chí sợ rằng tuổi già của mình sẽ trở nên cô độc và đau khổ…

Chí chết, Chí sẽ không còn phải tiếp tục chìm trong men say nữa, cũng chẳng phải xuất hiện trước mặt mọi người với dáng dấp trông gớm chết. Dù Chí chết, nhưng còn có một Chí Phèo con trong bụng thị Nở. Thị cúi xuống và nghĩ tới cái lò gạch xa xa. Bá Kiến chết còn có Lý Cường. Hắn cũng gian ác và xảo trá như cha hắn. Chí chết, câu chuyện kết thúc nhưng những bất công và những số phận bất hạnh như Chí Phèo vẫn còn tồn tại nhiều trong xã hội. Không biết rằng có bao nhiêu thị Nở để mang đến niềm hạnh phúc dù là ít ỏi cho những cuộc đời ấy. Qua đó, nhà văn Nam Cao muốn gửi gắm và bày tỏ niềm xót thương, sự đồng cảm của mình đối với người nông dân cùng khổ. Đồng thời ông cũng ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp, những tấm lòng lương thiện còn sót lại sau những xô bồ, bon chen của cuộc sống lao đao, lận đận.

Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, Nam Cao đã dựng lên một Chí Phèo mang giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Thông qua số phận Chí Phèo, Nam Cao phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội Việt Nam lúc bấy giờ và thực trạng người nông dân bị đày đọa, đè nén và âm thầm chịu đựng rồi tuyệt vọng, liều lĩnh phản ứng cực đoan. Nam Cao cũng bày tỏ niềm cảm thông, tình thương yêu đối với người nông dân bị đẩy vào con đường lưu manh hóa, phát hiện bản chất tốt đẹp vốn có của họ. Song cũng như các nhà văn hiện thực cùng thời, chưa tìm được cho nhân vật của mình lối thoát. Sau này, bằng con đường cách mạng, Tô Hoài, Kim Lân đã tìm cho nhân vật mình một hướng đi riêng.

Phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang