Bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão
- Mở bài:
Phạm Ngũ Lão là người có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, được phong tước Quan nội hầu. Là một võ tướng nhưng ông thích đọc sách, ngâm thơ và được ngợi ca là người văn võ toàn tài. Tác phẩm của ông hiện còn hai bài thơ là “Thuật hoài” và “Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương”. Bài thơ được sáng tác vào khoảng cuối năm 1284 khi Phạm Ngũ Lão và các tướng lĩnh đang trấn giữ các cửa ải quan trọng suốt biên giới phía bắc đến Chi Lăng (thuộc Lạng Sơn ngày nay) và cuộc kháng chiến chông quân Nguyên – Mông lần thứ hai đã đến rất gần.
- Thân bài:
Phạm Ngũ Lão là một trong những vị dũng tướng tài ba, xuất chúng bậc nhất của nước ta thời đại nhà Trần. Cũng như bao chàng trai khác, vì căm ghét kẻ thù xâm lược, Phạm Ngũ Lão hăng hái cầm gươm đánh giặc. Ông bách chiến bách thắng, chưa thua một trận nào trong suốt cuộc đời cầm quân của mình, trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù. Khi đất nước thái bình, ông phụng sự triều đình, canh giữ biên cương, giữ yên đất nước. Bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) thể hiện ý chí và khát vọng lớn lao của vị dũng tướng, khẳng định, đề cao tài năng, khát vọng chân chính về quyền sông, quyền tự do, quyền hạnh phúc, về công lí chính nghĩa, đề cao những quan hệ đạo lí tốt đẹp giữa người với người v.v… Bài thơ cũng khắc họa vẻ đẹp của người anh hùng vệ quốc hiên ngang, có sức mạnh, có lí tưởng và nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại.
Tư thế lẫm liệt của người dũng tướng:
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
(Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như gấu hổ, át cả sao Ngưu Đẩu.)
Bày tỏ niềm tự hào về vẻ đẹp kì vĩ, hùng tráng, dũng mãnh của người làm trai và đội quân nhà Trần. Hai câu thơ mang vẻ đẹp của hào khí dân tộc thời Trần – “hào khí Đông A”.
Khát vọng, hoài bão của nhà thơ:
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu. )
Khát vọng lập công danh để thỏa “chí nam nhi” cũng là khát vọng đem tài trí “tận trung báo quốc”. Hai câu thơ thể hiện lẽ sống lớn của con người thời đại Đông A.
Từ “thẹn” thể hiện cái “tâm” của Phạm Ngũ Lão: Thẹn vì chưa trả xong nợ nước, chưa có tài mưu lược lớn như Vũ Hầu để trừ giặc, cứu nước . Đây là nỗi thẹn của con người có nhân cách cao cả, có hoài bão lớn lao.
Hai câu thơ thể hiện khát vọng phụng sự nhà Trần cho đến hết đời của Phạm Ngũ Lão. Vì vậy, chí làm trai của ông ở đây mang tinh thần tư tưởng tích cực và có tác dụng to lớn. Hình ảnh thơ hoành tráng, kì vĩ mang tính chất biểu tượng, có tính sử thi, có ý nghĩa sâu xa, có sức biểu cảm mạnh mẽ.
Ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm xúc, âm điệu thơ lúc sảng khoái hào hùng, lúc tha thiết sâu lắng. Bài thơ thể hiện lí tưởng cao cả của Phạm Ngũ Lão – vị danh tướng của thời Trần, khắc ghi dâu ấn đáng tự hào về một thời kì oanh liệt, hào hùng của lịch sử dân tộc.
Vì vậy, vẻ đẹp con người và vẻ đẹp thời đại đã hòa quyện vào nhau, làm nên vẻ đẹp bất tử cho hình tượng, người anh hùng thời đại in dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.
- Kết bài:
Bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão đã thể hiện được quan niệm về con người trong văn học phương Đông. Hình ảnh con người mang tầm vóc vũ trụ, có ý thức, trách nhiệm cộng đồng, lắng sâu một nỗi lòng cao cả, thể hiện hào hùng hào khí Đông A một thời của dân tộc.
- Cảm nhận “Hào khí Đông A” trong bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão
- Cảm nhận “Hào khí Đông A” trong bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải