Phong cách lãng mạn trong tác phẩm văn học của Nguyễn Tuân
Trên những nẻo đường của văn xuôi lãng mạn, Nguyễn đã đi một con đường riêng. Ông không xuất hiện trong làng văn từ đầu những năm 30, tên tuổi Nguyễn Tuân thực sự được biết đến những năm chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945). Lúc này, trào lưu lãng mạn đang đi xuống, những yếu tố tích cực, tiến bộ mờ nhạt dần, tình yêu lãng mạn thơ mộng được thay bằng tình yêu xác thịt, con người khỏe khoắn dám đấu tranh chống lại lễ giáo để bảo vệ phẩm giá, tình yêu lý tưởng trở thành những kẻ cô đơn, tuyệt vọng, thay vì gắn đời mình với gia đình, xã hội và những điều tốt đẹp, họ thoát ly cuộc đời bằng cách chạy trốn vào những chuyến đi vô định hay vùi đầu vào đời sống trụy lạc… Trong bối cảnh đó Nguyễn Tuân đến với văn học.
Sáng tác của Nguyễn Tuân đã tập trung thể hiện một cái tôi cá nhân ngông nghênh nhiều lúc đến mức cực đoan. Do bất hòa với cái xã hội “ối a ba phèng” kim tiền ô trọc, Nguyễn phóng to cái tôi của mình lên như một phương tiện chống trả. Cùng với thời gian, cái tôi đó càng ngày càng đối lập với xã hội, càng ngày trở nên chướng tai gai mắt…
Cũng như nhiều nhà văn lãng mạn cùng thời, Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng khá sâu sắc quan điểm triết học và mỹ học duy tâm chủ nghĩa Bécxông và chủ nghĩa cá nhân cực đoan của Anđrê Gai. Nguyễn Tuân khác biệt ở chỗ: ông không chú trọng khai thác những xung đột giữa cá nhân và hoàn cảnh mà chủ yếu đi sâu đào bới vào cái tôi cô đơn của mình. Cho nên dù nhân vật có thể mang những tên gọi khác nhau như Vi, Bạch, Hoàng… thì thế giới nhân vật ấy thường mang hình bóng của chính tác giả, là sự thể hiện đa dạng của cái tôi cá nhân của ông.
Cái tôi Nguyễn Tuân luôn có nhu cầu được khẳng định bản ngã của mình trước những lễ nghi, phép tắc, đạo lý thông thường của xã hội, ông chống lại tất cả những lễ nghi, phép tắc, đạo lý đó một cách thái quá, cực đoan… Cái tôi Nguyễn Tuân tự họa mình trong mấy đề tài quen thuộc trước cách mạng, đó là: chủ nghĩa xê dịch, vẻ đẹp “vang bóng một thời” và đời sống trụy lạc.
Xê dịch là đề tài quen thuộc, chiếm một mảng quan trọng trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng, in dấu ấn qua các tác phẩm: “Một chuyến đi” (1938), “Thiếu quê hương” (1940), “Tùy bút I” (1941), “Tùy bút II” (1943).
Nguyễn Tuân đã lao vào giang hồ, xê dịch để “thay đổi thực đơn cho giác quan”. Ông chủ trương những chuyến đi liên tiếp, không mục đích. Ông hình dung mình giống như một hòn bi cứ lăn tròn mãi không bao giờ dính rêu, nếu không được đi thì con người giống như chiếc vali kia tuy sạch sẽ bóng loáng mà mất đi vẻ đẹp phong trần.
Đối với Nguyễn, ý nghĩa của sự sống là ở những chuyến đi, sống là phải được phơi mình ra nơi đường trường gió bụi. Xê dịch không chỉ là một thói quen, đến tác phẩm “Thiếu quê hương” nó đã trở thành một căn bệnh – “bệnh xê dịch”. Bạch cảm thấy nếu không được đi thì “những ngày sống chỉ còn là rất dài và rất nhạt thôi”. Bạch đi để thoát ly gia đình, rũ bỏ trách nhiệm với vợ con. Cái hạnh phúc ấm êm và bình lặng của cuộc sống gia đình không có ý nghĩa gì. Bạch ân hận vì mình đã lấy vợ, đẻ con vì điều đó làm cho Bạch vướng bận, hạn chế việc xê dịch. Dù Dung – vợ Bạch là người hiền lành, hết mực yêu thương chồng con, Bạch cũng tìm đủ mọi lí do để thù ghét, để có thể li dị vợ, vì “chỉ có li dị gỡ thoát đời Dung ra khỏi cuộc sống của Bạch thì mới hết bận bịu, thì Bạch mới trở lại bản ngã của Bạch được”.
Tuy đam mê xê dịch như vậy, nhưng cũng chính Nguyễn Tuân có lúc đã nhận ra một điều đầy mâu thuẫn: “Không bao giờ người ta có thể nâng sự xê dịch đến thành một lí tưởng được”. Vì thế, xét cho cùng thì chủ nghĩa xê dịch của Nguyễn Tuân là một hình thức thoát ly vào không gian, phản ứng lại trật tự xã hội trong đương thời, nó khiến cho người dân sống giữa quê hương mà vẫn cảm thấy xa lạ, bơ vơ vì “thiếu quê hương”.
Thất vọng trước hiện tại, Nguyễn Tuân tìm về quá khứ để tìm lại chút hơi ấm soi rọi niềm tin cho hiện tại tối tăm. Trở về quá khứ là đề tài quen thuộc của khuynh hướng lãng mạn tiêu cực, cũng là cách Nguyễn Tuân phản ứng lại trật tự xã hội đương thời. Trong tập truyện “Vang bóng một thời”, ông tìm lại và trân trọng ngợi ca những nét đẹp văn hoá cổ truyền của dân tộc như thả thơ, đánh thơ, uống rượu thưởng hoa, trồng lan, uống trà… Nhà văn tỏ ra chắt chiu, nâng niu những cái đẹp giản dị, thanh cao, đầy tính văn hoá của quá khứ để quên đi cái hiện thực đầy xấu xa mà ông đang sống. Mặc dù Nguyễn Tuân hiểu rằng, cái thời đó đã qua, và không bao giờ trở lại được nữa…
Thái độ phủ nhận xã hội một cách cực đoan còn dẫn Nguyễn Tuân đến một con đường thoát ly tiêu cực, lao vào đời sống trụy lạc với bàn đèn thuốc phiện, tiếng hát ả đào. Ông đã tự họa cái tôi trụy lạc trong nhiều tác phẩm “Ngọn đèn dầu lạc” (1939), “Tàn đèn dầu lạc” (1941), “Chiếc lư đồng mắt cua” (1941). Thực ra, những năm 1940-1945 có nhiều cây bút viết về đề tài trụy lạc, nhưng cách viết của Nguyễn Tuân đã không giống bất cứ người nào. Ông không ca ngợi hay tạo cho nó chất thơ mộng, lãng mạn như nhiều nhà văn lãng mạn đương thời, không lên án như các nhà văn hiện thực, lại càng không tả về nó để gợi ra sự tò mò tục tĩu theo lối tự nhiên chủ nghĩa.
Tác phẩm của Nguyễn Tuân nhiều khi như là những thiên sám hối, lời thú tội của con người trót nhúng vào con đường trụy lạc. Tuy nhiên trong đề tài này, ta bắt gặp một Nguyễn Tuân không chỉ có hưởng lạc, cô đơn bế tắc mà vẫn còn le lói chút ánh sáng của thiên lương, đôi lúc vút lên trên những trang văn miêu tả cảnh sống nhơ nhớp là một tâm hồn, một ý thức muốn giữ mình. Rất may Nguyễn Tuân chưa hoàn toàn rơi xuống vực thẳm sa đọa chính là nhờ những phút giây đáng quý tự ý thức như thế này.
Nói tóm lại, cái tôi Nguyễn Tuân vừa là sản phẩm của xã hội thực dân nửa phong kiến, vừa là sự phản ứng lại trật tự xã hội đó một cách gai góc, ngông nghênh, kiêu bạc. Nguyễn đã thách thức với môi trường xung quanh bằng chính cái tôi tài hoa, tài tử và có nhân cách của mình. Làm văn, với Nguyễn Tuân trước hết là một hành vi tự khẳng định bản ngã. Cái tôi Nguyễn Tuân tự họa qua tác phẩm có thể có nhiều lúc cực đoan nhưng ở chiều sâu, ta vẫn thấy một Nguyễn Tuân tài hoa, phóng túng, không chấp nhận trật tự xã hội thối nát, và hơn hết là một cái tôi giàu tinh thần dân tộc.
Hãy đọc những trang miêu tả nét đẹp văn hoá dân tộc trong “Vang bóng một thời”, những trang văn miêu tả cảnh đẹp của những vùng miền khác nhau trên đất nước Nguyễn Tuân đã có dịp ghi lại trên những bước đường “xê dịch”, hãy nhìn vào cách Nguyễn Tuân chắt chiu làm giàu đẹp cho ngôn ngữ dân tộc, ta sẽ trân trọng hơn tấm lòng dân tộc sâu đằm đáng quý ấy của ông .