qua-bai-tho-ve-tieu-doi-xe-khong-kinh-cam-nhan-ve-dep-nguoi-chien-si-lai-xe-tren-tuyen-duong-truong-son-thoi-chong-mi-tieu-bieu-cho-chu-nghia-anh-hung-cua-tuoi-tre-thoi-mau-lua-678

Qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính, cảm nhận vẻ đẹp người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của tuổi trẻ thời máu lửa

Qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính, cảm nhận vẻ đẹp người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của tuổi trẻ thời máu lửa

  • Mở bài:

Phạm Tiến Duật bằng giọng thơ chắc khỏe, đượm chất văn xuôi, đã tạo nên một giọng nói rất riêng biệt, mới mẻ trong thơ ca Việt Nam. Những hình ảnh trần trụi, những từ ngữ thường ngày, những sự vật không nên thơ chút nào lại tỏa sáng trong mỗi bài thơ của anh. Thơ ca của anh, đặc biệt trong “ vầng trăng – Quầng lừa ” không phải là sự chắt lọc ra từ đời sống mà là toàn vẹn đời sống thường nhật ở chiến trường. Phạm Tiến Duật đã góp vào vườn thơ đất nước một hình tượng chiến sĩ khá độc đáo với “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính Bài thơ đã ghi lại những nét ngang tàng, dũng cảm, và lạc quan của người chiến sĩ lái xe thòi chông Mĩ trên tuyến đường Trường Sơn, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của tuổi trẻ một thời máu lửa.

Có điều, với con đường Trương Sơn khét nồng bom đạn thời đánh Mĩ, ta mới cảm nhận được tầm vóc vĩ đại và phi thường của đất nước và dân tộc Việt Nam anh hùng. Dấu ấn của chiến trường ác liệt được thể hiện ngay trong nhan đề bài thơ: “‘Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Hai chữ “bài thơ”nói lên cách nhìn, cách khai thác hiện thực của tác giả: không phải chỉ viết về những chiếc xe không kính hay là cái hiện thực khốc liệt của chiến tranh, mà chủ yếu là Phạm Tiến Duật muốn nói về chất thơ của hiện thực ấy, chất thơ của tuổi trẻ Việt Nam dũng cảm, hiên ngang, vượt lên những thiếu thốn, gian khổ,khắc nghiệt của chiến tranh.

Bài thơ có giọng điệu ngang tàn, có cả chất nghịch ngợm, rất phù hợp với những đối tượng miêu tả (những chàng trai lái xe trên những chiếc xe không kính). Giọng điệu ấy làm cho lời thơ gần với lời văn xuôi, lời đối thoại, lời nói thường ngày nhưng vẫn thú vị và giàu chất thơ ( Chất thơ ở đây là từ những hình ảnh độc đáo, từ cảm hứng về vẻ hiên ngang, dũng cảm, sự sôi nổi trẻ trung của những người lính lái xe, từ ấn tượng cảm giác được miêu tả cụ thể, sống động và gợi cảm.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu với người đọc một hình ảnh không thơ chút nào và những lời lý giải ngang tàng đầy chất lính:

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Tất cả sự khốc liệt của chiến trường toát lên từ hình ảnh chân thực đến trần trụi. Câu thơ giản dị, tự nhiên như lời nói đời thường. Câu thơ mang cấu trúc hình thức hỏi – đáp, ba từ “không” đi liền với nhau cùng hai nốt nhấn: “bom giật bom rung” đã biểu lộ chất lính trong cách nói phóng túng. Xưa nay, thơ ca ít đặc tả một hình ảnh thơ chân thực đến mức “thô kệch” như vậy. Nếu có, thì những hình ảnh đó mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực:

“Ơi chiếc xe vận tải
Ta cầm lái đi đây
Nặng biết bao ân ngãi
Quý hơn bao vàng đầy ”

(“Bài ca lái xe đêm” – Tố Hữu)

Nói đến hiện thực bom đạn dữ dội của chiến tranh, nói đến sự gian nan luôn đối mặt với cái chết mà sao giọng điệu của người lính lái xe có thể bình thản đến vậy? Phải chăng, bản thân giọng điệu ấy đã là một điều đáng quý, đáng yêu? Vần thơ đã làm hiện lên những chiếc xe vận tải mang đầy thương tích chiến tranh. Thế nhưng, bên trong chiếc xe không mất an toàn ấy, người lính vẫn:

Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Đúng là ngang tàng! Hai câu thơ đã bộc lộ cái thần trong bức chân dung của một thê hệ chiến sĩ lái xe thời chống Mĩ. Phạm Tiến Duật đã thật tài tình khi dùng đảo ngữ: đưa từ “ung dung” lên đầu câu thơ. Thái độ ung dung không chỉ thể hiện ở tinh thần bất chấp hiểm nguy, gian khổ, mà còn thể hiện sự tự tin, niềm kiêu hãnh của những con người rất đỗi tự hào vì sứ mệnh của mình. Xe không có kính, những sự vật của ngoài trời sẽ đến với các anh trần trụi, chân thực hơn. Anh nhìn về phía trước cũng như là nhìn thẳng về gian khổ, nhìn thẳng vào hi sinh mà không chút nao núng. Anh nhìn thẳng tới đích ở miền Nam với một ý chí quyết tâm vững như sắt thép, và anh cũng là một điểm của con đường.

Phạm Tiến Duật đã dùng trọn bốn dòng thơ tiếp theo để nói lên những gì người chiến sĩ nhìn thấy. Những câu thơ cứ nối tiếp nhau với bao hình ảnh chẳng khác nào một đoạn phim quay nhanh:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái

Ở đây, chất hiện thực và chất lãng mạn đang xen vào nhau, thấm quyện bên nhau; cái hiện thực là những gian khổ vì xe mất kính chắn, người lính ngồi trong buồng lái mà vẫn phải phơi mặt trước gió sương. Nhưng trên nền hiện thực đó, chất lãng mạn vút lên làm cho câu thơ như bay bổng. Một loạt hình ảnh thể hiện cảm giác mạnh xuất hiện dồn dập.

Chiếc xe không kính trần trụi đã cho người lính lái xe trải nghiệm đầy đù nhất cái cảm giác “xoa mắt đắng”. Đó là vị đắng của đường trường, vị đắng của gió bụi Trường Sơn, vị đắng mặn mòi của mồ hôi ướt đẫm trên trán nhỏ xuống mắt, xuống mũi. Với các anh điều đó chẳng hề chi! Cuộc sống của người lính lái xe luôn luôn gắn với con đường, tất cả chỉ có con đường phía trước, có nghĩa chỉ có một nhiệm vụ và trách nhiệm của anh là tiến tới. Sao trời và cả những cánh chim như sa vào buồng lái cùng tốc độ của những chiếc xe không kính băng băng ào ào trên đường ra trận. Thiên nhiên “sao trời” và “cánh chim ” như “sa”, như “ùa” vào buồng lái; quấn quýt lấy người lính.

Người lính lái xe chợt phát hiện ra những vẻ đẹp bất ngờ của thiên nhiên. Và chính trong thế giới thiên nhiên đẹp đẽ, kì lạ đó, tầm vóc củạ người lính lái xe được nâng bổng lên ngang tầm với vũ trụ. Người đọc không khỏi ngạc nhiên trước khám phá của Phạm Tiến Duật. Hiện thực khốc liệt là thế mà nhà thơ – chiến sĩ vẫn nhận thấy vẻ đẹp lãng mạn của đời lính. Những câu thơ trên đã bung mờ ra cái chất chân thật của người lính lái xe trong gian khổ, hiểm nguy, họ vẫn hiện lên với tư thế ung dung, hiên ngang, với niềm lạc quan để chắc tay lái đưa xe ra tiền tuyến. Có thể nói, hai khổ thơ trên là sự quy tụ những hình ảnh thơ vừa chân thực, vừa lãng mạn thể hiện rõ phong cách thơ của Phạm Tiến Duật.

Càng khó khăn, càng vững tay lái, càng làm tăng thêm chất kiêu hùng ngang tàng của người lính lái xe. Các anh sẵn sàng thách thức chấp nhận sự thật:

Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

Khổ thơ đầy ấp những chi tiết, hình ảnh lấy từ hiện thực cuộc sống gian khổ của người lính. Con đường Trường Sơn khét nồng bom đạn kẻ thù, con đường nang cháy mưa rừng, mỗi vòng bánh xe lăn của các anh là đối mặt với bao hiểm nguy. Làn xe lướt dưới làn bom đạn mịt mù, cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, song các anh không hề nhụt chí, sẵn sàng đón nhận với một thái độ bất chấp. Một mái tóc xanh của chàng lính trẻ sau mấy dặm trường đã có sự thay đổi đáng sợ: “bụi phun tóc trắng người như già”.

Một hình ảnh so sánh khá hóm hỉnh và độc đáo. Một kiểu hút thuốc phì phèo rất lính. Một nụ cười lạc quan, yêu đời cất lên từ một gương mặt lấm khi đồng đội gặp nhau. Hình ảnh những người lính lái xe bỗng sáng ngời lên bởi vẻ lạc quan, tinh nghịch giữa bom đạn của giặc. Tinh thần chủ động, sẵn sàng chấp nhận thách thức được thể hiện rõ nét qua một từ “ừ” vang lên như một lời thách đổ.

Cũng viết về nụ cười thân ái giữa những người đồng đội với nhau, trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” Lê Minh Khuê đã miêu tả nụ cười của ba nữ thanh niên xung phong: “Cười thì hàm răng lóa lên, khuôn mặt nhem nhuốc”. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là “những con quỷ mắt đen”. Đúng, họ nói vui là “những con quỷ mắt đen” nhưng chính là những anh hùng đã đóng góp biết bao mồ hôi, xương máu cho Tổ quốc.

Đến khổ thơ thứ tư, nhà thơ lại tiếp tục ghi lại gian khổ mà người lính đã trải qua:

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Lại một lần nữa, người đọc bắt gặp hình ảnh người lính lái xe trong cái vẻ ngang tàng, chấp nhận mọi thử thách: “ừ thì ướt áo” như một tiếng tặc lưỡi vô tư mà mạnh mẽ. Luôn luôn là một thái độ bất cần, bất chấp hoàn cảnh. Khó khăn, gian khổ cũng không làm ảnh hưởng đến ý chí của họ, không gì ngăn nổi bánh xe lăn, không gì cản được trái tim người chiến sĩ hướng về phía tiền phương. Nhiệt tỉnh cách mạng của người lính lái xe không còn là trừu tượng nữa mà đã được tính bằng cung đường “lải trăm cây sổ nữa ”. Những cung đường ấy trong mưa bom bão đạn phải trả bàng bao mồ hôi, xương máu. Gian khổ là vậy, nhưng hình ảnh người lính lái xe vẫn phơi phới niềm tin, tràn đầy nghị lực đã được thể hiện qua câu thơ cuối: “Mưa ngừng, gió lùa khó mau thôi”.

Một câu thơ với cấu trúc khá đặc biệt, có bảy từ mà đến sáu thanh bằng góp phẩn diễn tả sự lâng lâng bay bổng. Đoạn thơ trên đây hội tụ biết bao vẻ đẹp ngôn từ nghệ thuật. Các điệp từ, điệp ngữ đã diễn tả thật đẹp chí khí anh hùng của những chiếc xe không kính thời máu lửa. Đọc thơ Phạm Tiến Duật ta thường bắt gặp một giọng thơ trẻ trung ngang tàng, tinh nghịch, một giọng thơ lãng mạn, phơi phới tin yêu. Trong cái nhìn của thi sĩ và cũng là cái nhìn của tuổi trẻ Việt Nam anh hùng, những người lính Trường Sơn: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây), bởi lẽ đó là nơi thử thách tuổi trẻ, là nơi của những hò hẹn, mộng mơ. Khó khăn, hiểm nguy của “xe không kính” càng làm gắn bó thêm tình đồng đội, tình đồng chí của các anh.

Khổ năm và sáu ghi lại tiểu đội xe không kính và cuộc trú quân giữa rừng. Sau những chặng đường gian khổ, những tháng ngày mưa gió, bụi mù và bom đạn, họ lại gặp nhau:

Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Đến khổ thơ này, người đọc bắt gặp cả tiểu đội xe không kính. Chi một hình ảnh thôi cũng đủ nói lên sự tàn khốc của chiến tranh. Vượt lên cái chết, những người lính lái xe thấu hiểu sâu sắc giá trị đích thực của sự sống, ý nghĩa lớn lao, cao đẹp của tình đồng chí. Thiêng liêng và cao đẹp làm sao cái bắt tay của các anh. Qua ô cửa kính vỡ, các anh đã truyền cho nhau hơi ấm của tình đồng đội và những hứa hẹn lập công. Cái bắt tay nồng ấm tình bạn, tình người hay chính là sự sống đang nở hoa trong sự hủy diệt của kẻ thù. Người đọc chúng ta đã từng biết đến hình ảnh bàn tay thể hiện tình đồng đội, đồng chí của những người lính trong kháng chiến chống Pháp qua bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu:

“Miệng cười buốt giả Chân không giày
Thương nhau tay nam lấy bàn tay ”.

Đến với Phạm Tiến Duật, ta lại bắt gặp một cái bắt tay khá độc đáo: “Bắt tay qua cửa kỉnh vỡ rồi”. Tình cảm’của họ được nảy sinh ngay trong bom rơi đạn nồ. Đối với người lính lái xe, tình đồng đội cũng chính là tình cảm anh em ruột thịt trong đại gia đình:

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Nhà thơ đã ghi lại chân thực nhịp sống thời chiến bằng những hỉnh ảnh thật đặc sắc, điên hình. Bếp lửa như tín hiệu gọi nhau về sum họp, rồi “võng mắc chông chênh”. Cái cảm giác ‘‘chông chênh ” thật tuyệt. Lúc nghỉ hay lúc đi vẫn ngõ còn lắc theo nhịp xe. “Lại đi, lại di” đấy cũng là nhịp xe. Nó thôi thức người lính tiến về phía trước. Tình đồng đội gắn bó đã giúp những người lính thắp lên trong mình ngọn lửa của niềm tin và hi vọng. Với Phạm Tiến Duật, cái định nghĩa về gia đình thật đơn giản: “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”.

Khổ cuối đã làm nổi bật cái dữ dội và khốc liệt của chiến tranh. Chiếc xe mang đầy thương tích:

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Hai dòng thơ với sự tập hợp của ba cái “không cỏ” và chỉ có một cái “có”. Tất cả đã khắc hoạ lên trước mắt người đọc hình ảnh những chiếc xe vận tải quân sự,mang đầy thương tích của chiến tranh. Nhưng những chiếc xe không kính đó vẫn chạy bon bon trên con đường Trường Sơn với một niềm tự hào, khẳng định dáng đứng và tâm thế của người lính – thể hiện tuổi trẻ Việt Nam: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

Hình ảnh hoán dụ “trái tim ” là biểu tượng của ý chí, của bầu nhiệt huyết, của khát vọng tự do, hoà bình cháy bỏng trong trái tim người chiến sĩ. Không mà lại có, cái có của người lính lái xe là một trái tim, một người yêu nước, một lòng khao khát giải phóng miền Nam thì tất cả những cái thiếu kia đâu có hề gì. Vậy đó, khí phách ngang tàng mà vẫn tha thiết yêu thương, đó là anh lính lái xe thời chống Mĩ của Phạm Tiến Duật.

Bài thơ với những ngôn ngữ mộc mạc, giọng điệu khoẻ khoắn, trẻ trung, các chi tiết chân thực đẩy chất lính đã chinh phục người đọc. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một bài thơ hay. Chất hiện thực về đời sống chiến đấu gian khổ kết hợp hài hòa với cảm hứng lãng mạn đã tạo nên những vần thơ “góc cạnh” đầy ấn tượng. Đọc lại bài thơ, dường như ta vân còn nghe trong gió rít, bụi mù và bom nồ, tiếng nói cười râm ran, sôi nổi của các anh lính lái xe.

  • Kết bài:

Ba mươi năm sau kể từ ngày kháng chiến chống Mĩ oanh liệt của chúng ta toàn thắng, nhưng hình ảnh những chiếc xe không kính và những người lính lái xe trong thơ của Phạm Tiên Duật vẫn còn đẹp mãi trong tâm hồn thế hệ trẻ hôm nay. “Bài thơ về Tiểu đội xe không kính ” là khúc tráng ca anh hùng của anh bộ đội cụ Hồ thời đánh Mĩ và thắng Mĩ. Cả bài thơ là lời nói, cảm xúc của người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Thử thách ngày càng tăng, nhưng mức độ và hướng đi không thay đổi.Vẫn là khẳng định tinh thần bất khuất, quyết thắng của quân đội ta, nhưng Phạm Tiến Duật đã đem lại nhiều hình ảnh mới và giọng điệu mới: trẻ trung, tinh nghịch, ngang tàn mà kiên định. Bài thơ đâu chỉ nói về tiểu đội xe không kính,nó phản ánh cả khí thế quyết tâm giải phóng miền Nam của toàn quân và toàn dân ta,khẳng định rằng ý chí của con người mạnh hơn cả sắt thép.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang