»» Nội dung bài viết:
“Từ cảm nhận về chi tiết nước mắt của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn “Chí Phèo” (SGK Ngữ văn 11-Tập 1) của Nam Cao, anh/chị hãy viết bài văn bàn về nước mắt trong cuộc sống.”
1. Ý nghĩa của hình tượng giọt nước mắt của nhân vật Chí Phèo trong truyện “Chí Phèo”:
– Chí Phèo là một người nông dân có thân phận khốn khổ, phải chịu đựng rất nhiều bi kịch: bi kịch bị bỏ rơi, bi kịch bị tha hóa, lưu manh hóa và đau đớn nhất là bi kịch bị từ chối quyền làm người.
– Trong tác phẩm, Nam Cao đã hai lần miêu tả Chí Phèo khóc và đó đều là những chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa:
+ Lần thứ nhất, khi Thị Nở mang bát cháo hành vào, Chí thấy “mắt hình như ươn ướt”. Nước mắt thể hiện sự xúc động, cảm động và sự thức tỉnh của nhân tính khi một con quỷ dữ cảm nhận được tình yêu thương chân thành, giản dị.
+ Lần thứ hai, khi Chí bị Thị Nở cự tuyệt, “hắn ôm mặt khóc rưng rức”. Giọt nước mắt của nhân vật Chí Phèo thể hiện nỗi đau khổ,tuyệt vọng và sự thức tỉnh cao độ của nhân tính khi một con người bị từ chối quyền làm người chính đáng.
– Đây là chi tiết nghệ thuật gợi nhiều suy tư về ý nghĩa của nước mắt trong cuộc sống.
2. Ý nghĩa của nước mắt trong cuộc sống:
– Nước mắt là một biểu hiện cụ thể cho những trạng thái cảm xúc, tâm trạng nói lên sự xúc động cao độ, mãnh liệt của con người.
– Biểu hiện của nước mắt trong cuộc sống
+ Giọt nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc…
+ Giọt nước mắt của nỗi xúc động, nghẹn ngào…
+ Giọt nước mắt của tình thương, sự đồng cảm, sẻ chia….
+ Giọt nước mắt ăn năn, hối hận, thể hiện sự thức tỉnh lương tri, vẻ đẹp của nhân tính…
3. Vai trò của nước mắt trong cuộc sống:
– Nước mắt không thể thiếu trong cuộc sống con người vì:
+ Nước mắt là một thứ tín hiệu của nội tâm, giúp con người giải tỏa và bày tỏ tình cảm, cảm xúc, tâm trạng.
+ Nước mắt giúp con người gần nhau hơn, cảm thông, chia sẻ với nhau dễ dàng hơn.
+ Nước mắt là “tấm kính biến hình vũ trụ” (Nam Cao), có khả năng thanh lọc tâm hồn con người, khiến ta nhìn đời trong sáng hơn, nhân văn, nhân ái hơn.
4. Mở rộng, liên hệ:
– Tuy nhiên, nước mắt không phải lúc nào cũng cần thiết: như giọt nước mắt yếu đuối, thất bại, giọt nước mắt giả dối, không có tình thương…
– Nước mắt cần đi liền với lí trí sáng suốt để tình thương, lòng tốt của con người không bị lợi dụng.
– Biết rơi nước mắt, con người cũng cần biết hành động để làm cuộc sống này ít đi những giọt nước mắt đau buồn.
5. Bài học nhận thức:
– Cuộc sống rất cần những giọt nước mắt. Nước mắt là một biểu hiện của nhân tính, tình người.
– Đừng ngại ngùng khi ta cần phải rơi nước mắt vì hạnh phúc, vì tình thương, vì sự ăn năn, sám hối hay thậm chí, vì đau buồn. Hãy biết rơi nước mắt và cũng biết lau nước mắt để đứng dậy, vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc đời.