»» Nội dung bài viết:
Qua truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao, hãy làm sáng tỏ nhận định: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (T.Sêkhốp).
* Hướng dẫn làm bài:
1. Giải thích ý kiến:
– “Người nghệ sĩ chân chính”: là người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo, tác phẩm của họ sinh ra là vì con người, hướng đến cuộc sống tốt đẹp của con người.
– “Nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”: có nghĩa là người nghệ sĩ phải có lòng nhân ái, yêu thương con người. Tinh thần nhân đạo là phẩm chất bắt buộc phải có trong mỗi người cầm bút. Đó là tình cảm có chiều sâu từ trong cốt tủy chứ không chỉ là tình cảm nông cạn, hời hợt, mơ hồ.
→ Khẳng định nhà văn chân chính là nhà văn phải có cái nhìn, tấm lòng nhân ái, yêu thương đối với con người.
2. Làm sáng tỏ ý kiến qua truyện ngắn Lão Hạc.
Trong truyện ngắn “Lão Hạc” , tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả Nam Cao chính là sự đồng cảm, yêu thương, trân trọng, ngợi ca những con người lao động nghèo khổ trong xã hội phong kiến, thực dân đầu thế kỉ XX.
– Giá trị nhân đạo của tác phẩm trước hết được khẳng định qua tấm lòng đồng cảm của nhà văn đối với những số phận bất hạnh của các nhân vật trong tác phẩm.
+ Những con người trong tác phẩm này đều là nạn nhân của xã hội phong kiến nửa thực dân. Họ phải gồng mình chống lại nạn đói, những hủ tục phong kiến,… Và mỗi người lại có những nỗi khổ riêng. Nhân vật chính, lão Hạc, là một người có hoàn cảnh vô cùng bi đát. Vợ mất sớm, đứa con trai duy nhất bỏ đi cao su. Một mình lão phải đối mặt với tuổi già, bệnh tật, cái đói và sự cô đơn.
+ Nhà văn hay chính là nhân vật ông giáo trong tác phẩm đã không nén được những lời thương cảm: “luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai”. Con trai lão Hạc cũng là một người đáng thương. Vì nhà nghèo, anh không lấy được người con gái mình yêu. Phẫn chí, anh bỏ làng đi cao su, cái đất cao su “đi dễ khó về”, “khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Anh rời cha già luôn mấy năm, thiên truyện khép lại nhưng hình bóng anh người đọc cũng chưa được mục kích, câu hỏi về số phận của anh đành rơi vào câm lặng… Ông giáo, một nhân vật có uy tín ở làng, trong thời buổi ấy cũng túng thiếu dặt dẹo, đang sống cái đời “sống mòn”, “rỉ ra, mốc lên”. Có thể nói, “Lão Hạc” đã thể hiện lòng thương, sự đồng cảm với tất thảy những lớp người bần cùng trong xã hội Việt Nam khi ấy.
+ Nhưng sống trong nghèo đói mà không bị cái bần hàn bài mòn nhân phẩm, đó là một đặc điểm đáng quý của người nông dân Việt Nam. Và một biểu hiện quan trọng khác của giá trị nhân đạo trong tác phẩm là nhà văn đã biết khám phá để nâng niu trân trọng và ngợi ca phẩm chất ngời sáng trong tâm hồn những người đồng bào lao khổ của mình.
– Các nhân vật trong “Lão Hạc” hầu hết đều là những người giàu tình thương.
+ Tình phụ tử ở nhân vật lão Hạc đặc biệt cảm động. Dù rất đau lòng nhưng lão chấp nhận nỗi cô đơn hờn tủi, đồng ý để con trai ra đi theo chí hướng của mình. Con đi rồi, lão chỉ còn con chó Vàng làm bạn. Lão Hạc yêu con chó Vàng đến độ gọi nó là “cậu” Vàng, ăn gì cũng cho nó ăn cùng, cho nó ăn ra bát như người… Có điều đó không đơn giản bởi lão là người yêu động vật. Hãy nghe lời tâm sự của lão với ông giáo: con chó ấy là của cháu nó để lại. Vậy là lão Hạc yêu con Vàng phần lớn bởi đó là kỉ vật duy nhất do con để lại. Lão đã dồn toàn bộ tình cha cho con chó ấy. Khi bán con Vàng, “lão khóc như con nít”, “mắt ầng ậng nước”….
+ Không chỉ vậy, lão thậm chí còn chấp nhận cái chết để giữ đất cho con. Cái đói rượt lão gần đến đường cùng. Vẫn còn một lối nhỏ khác là bán mảnh vườn để lấy tiền ăn nhưng lão nghĩ rằng: đó là mảnh vườn của mẹ cháu để lại cho cháu… Và lão chọn cái chết chứ nhất quyết không bán đất của con. Con trai lão Hạc vì phẫn chí mà đi cao su nhưng trước khi đi vẫn để lại cho cha ba đồng bạc. Cả ông giáo, dẫu gia đình vẫn bữa đói bữa no nhưng luôn cố gắng giúp đỡ, cưu mang người hàng xóm bất hạnh…
– Sống trong cái đói, cái nghèo nhưng không bị sự bần hàn làm cho quay quắt, hèn mọn, điều đáng quý nhất ở người nông dân Việt Nam trước Cách mạng là lòng tự trọng sáng ngời trong nhân phẩm.
+ Lão Hạc thà nhịn đói chứ không chịu ăn không dù chỉ là củ khoai củ sắn của hàng xóm. Lão đã có thể bán vườn lấy tiền chống chọi với cái đói nhưng lão không làm vậy vì nhất quyết không ăn vào của con. Lão cũng có thể chọn con đường như Binh Tư đi đánh bả chó lấy cái ăn. Và lão không hề làm vậy. Con người ấy, đến lúc chết vẫn còn lo mình làm phiền hàng xóm nên dành dụm gửi gắm ông giáo tiền làm ma.
+ Cảm động hơn cả là nỗi lòng quặn thắt của lão sau cái chết của con Vàng. Lão dằn vặt bởi nghĩ mình “đã đi lừa một con chó”. Ẩn bên trong cái hình hài gầy gò, già nua của lão là một tâm hồn cao thượng và đáng trân trọng biết bao nhiêu!
3. Nhận xét:
Qua truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao thể hiện sự đồng cảm với số phận của người lao động, đặc biệt là người nông dân Việt Nam trước Cách mạng, đồng thời ngợi ca những phẩm chất cao quý của họ. Viết về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng, giọng văn Nam Cao lạnh lùng, bàng quan nhưng ẩn sâu trong đó là một tình thương sâu sắc và mãnh liệt.
Suy nghĩ: Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà văn nhân đạo từ trong cốt tủy (Sê khốp)