»» Nội dung bài viết:
Phân tích quan niệm mới mẻ trong tình yêu tuổi trẻ qua bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh
Về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: “Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu”. Lại có ý kiến khác cho rằng: “Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống”.
Từ cảm nhận về bài thơ, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
- Mở bài:
– Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đắm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường. “Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền, là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ thể hiện quan niệm mới mẻ trong tình yêu, đồng thời vẫn mang đậm tính truyền thống sâu sắc hết sức đáng yêu của Xuân Quỳnh.
- Thân bài:
1. Giải thích 2 ý kiến:
– “Quan niệm mới mẻ, hiện đại” là quan niệm ngày nay, quan niệm của những người có đời sống văn hóa, tinh thần tự do, dân chủ và không bị ràng buộc ý thức hệ tư tưởng phong kiến. Xuân Quỳnh chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt, khát vọng mạnh mẽ táo bạo về những rung động rạo rực cảm xúc trong lòng, tin vào sức mạnh của tình yêu.
– “Quan niệm truyền thống” là quan niệm có từ xưa, được bảo tồn trong cuộc sống hiện đại, trở thành nét đặc trưng về tư tưởng, văn hóa của một cộng đồng dân tộc. Trong tình yêu, nó được thể hiện ở những nét đẹp truyền thống: đằm thắm, dịu dàng, thủy chung,…
→ Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau làm nên vẻ đẹp cảu bài thơ: bài thơ “Sóng” thể hiện quan niệm của Xuân Quỳnh về tình yêu rất mực mới mẻ, hiện đại lại mang vẻ đẹp truyền thống.
2. Cảm nhận về bài thơ:
a. Bài thơ “Sóng” thể hiện quan niệm mới mẻ trong tình yêu của Xuân Quỳnh:
– Tình yêu là trạng thái tâm lí phong phú, đa dạng, luôn chứa đựng những biến động thao thức, bất thường; vừa nồng nàn, táo bạo, tha thiết; vừa tỉnh táo, đắm say.
+ Đó là một tình yêu với nhiều cung bậc phong phú, đa dạng: dữ dội, ồn ào, dịu êm, lặng lẽ.
+ Đó là sự mạnh bạo, chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và rung động rạo rực trong lòng mình: “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”. Người con gái không còn sự thụ động, chờ đợi tình yêu mà chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt.
+ Đó là sự liều lĩnh trong tình yêu. Trong tình yêu, người phụ nữ không cam chịu, nhẫn nhục mà luôn chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt, đồng cảm, bao dung. Người con gái dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời. Xuân Quỳnh đã thể hiện được “cuộc hành trình mà khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la, rộng lớn”
b. Bài thơ “Sóng”thể hiện quan niệm về tình yêu mang đậm tính truyền thống:
– Tình yêu gắn liền với nỗi nhớ khi xa cách. Nỗi nhớ thương trong tình yêu được thể hiện qua hình tượng sóng và em:
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
→ Nỗi nhớ thường trực, da diết, mãnh liệt suốt đêm ngày.
– Tình yêu gắn liền với lòng chung thủy, đức hi sinh, yêu thương gắn bó, khát vọng về một mái ấm gia đình hạnh phúc. Với em không chỉ có phương Bắc, phương Nam mà còn có cả “phương anh”. Đó là phương của tình yêu đôi lứa, là không gian của tương tư.
– Tình yêu gắn với khát vọng về một mái ấm gia đình hạnh phúc: Cũng như sóng, dù muôn vàn cách trở rồi cuối cùng cũng đến được bờ, người phụ nữ trên hành trình đi tìm hạnh phúc cho dù lắm chông gai nhưng vẫn tin tưởng sẽ cập bến.
c. Nghệ thuật thể hiện:
+ Bài thơ có âm hưởng vừa dạt dào sôi nổi vừa êm dịu, lắng sâu. Kết cấu song trùng hai hình tượng sóng và em giúp người phụ nữ biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn và những quan niệm về tình yêu vừa mới mẻ, hiện đại, vừa sâu sắc mang tính truyền thống.
+ Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, cách ngắt nhịp linh hoạt, nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ được sử dụng sáng tạo, tài hoa.
– Thể thơ năm chữ, nhịp điệu thơ đa dạng, linh hoạt tạo nên âm hưởng của những con sóng: lúc dạt dào sôi nổi, lúc sâu lắng dịu êm rất phù hợp với việc gởi gắm tâm tư sâu kín và những trạng thái tình cảm phức tạp của tâm hồn.
– Cấu trúc bài thơ được xác lập theo kiểu đan xen giữa hình tượng sóng – bờ, anh – em cũng góp phần làm nên nét đặc sắc cho bài thơ.
3. Bình luận hai ý kiến:
– Hai ý kiến đều đúng, thể hiện những vẻ đẹp, những khía cạnh khác nhau trong tâm hồn người phụ nữ khi yêu, thể hiện rõ những quan niệm mang tính mới mẻ, hiện đại, thậm chí táo bạo, chân thực, mãnh liệt, nồng nàn, đắm say của Xuân Quỳnh về tình yêu. Nhưng mặt khác. Quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh có cốt rễ sâu xa trong tâm thức dân tộc vì thế thơ Xuân quỳnh nói chung và bài thơ “Sóng” nói riêng tạo sự đồng điệu trong nhiều thế hệ độc giả.
– Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: vừa truyền thống, vừa hiện đại.
- Kết bài:
Xuân Quỳnh luôn có những rung cảm tình yêu rất đời thường mà rất riêng và ta cũng cảm nhận được điều đó qua bài thơ Sóng của bà. Nhà thơ thể hiện những cảm xúc, rung động tinh tế, hồn hậu và những nét đặc trưng trong tình yêu của người phụ nữ mà ta đều thấy mình trong đó. Bài thơ cho ta thấy được quan niệm tình yêu mới mẻ của Xuân Quỳnh, vượt qua mọi rào cản, hủ tục và quan niệm xưa cũ của xã hội để sống hết mình với tình yêu và luôn khao khát một tình yêu đích thực, chân thành.