so-sanh-y-nghia-bua-an-cua-ba-kien-dai-chi-pheo-khi-moi-ra-tu-va-bua-an-do-thi-no-thet-dai-chi-sau-khi-say-ruou

So sánh ý nghĩa bữa ăn của Bá Kiến đãi Chí Phèo khi mới ra tù và bữa ăn do Thị Nở thết đãi Chí sau khi say rượu

So sánh ý nghĩa bữa ăn của Bá Kiến đãi Chí Phèo khi mới ra tù và bữa ăn do Thị Nở thết đãi Chí sau khi say rượu

Bữa ăn nhà Bá Kiến là sự kiện xảy ra khi Chí Phèo vừa ở tù về. Tuy đã biến thành tên lưu manh tha hóa nhưng Chí vẫn nhớ mối thù vì bị đẩy vào tù. Chí uống rượu và đến gây gổ nhà Bá Kiến, xô xát với Lí Cường. Hành động ấy tuy có khiến dân làng hả hê đôi chút vì cái gia đình cụ bá thường ngày xem người như rác mà nay bị một thằng “cùng hơn cả dân cùng” đến mạt sát.

Thế nhưng, với kinh nghiệm của kẻ chuyên “trị” bọn đầu bò, cun đã rất bình tĩnh. Trước hết, Bá Kiến đã xuất hiện kịp thời, đuổi khéo dân làng tản đi để Chí bị cô lập, không còn chỗ dựa. Sau đó, dùng lời lẽ ngon ngọt “trịnh trọng” mời Chí Phèo vào nhà. Cụ hỏi thăm Chí “về bao giờ”, sao không vào cụ chơi và dỗ dành ngon ngọt rằng Chí và lí Cường có họ với nhau để Chí Phèo “nguôi nguôi” rồi biến hắn trở thành tay sai cho mình. Chí Phèo sau một thoáng lo sợ hão đã cảm thấy hả hê vì cái lão Bá “thét ra lửa” kia không chỉ hạ mình thành ngang hàng với Chí mà còn “cung kính” thết đãi cơm rượu.

Bữa ăn ấy có đầy đủ rượu thịt, lại được mời mọc bằng những lời ngon ngọt mà thực chất là một thứ “độc dược” để đầu độc linh hồn của Chí Phèo. Gọi là “độc dược” là hợp lí bởi làng Vũ Đại vốn chỉ toàn gắn với những ký ức buồn của Chí. Sau bảy, tám năm ở tù, Chí trở về làng chắc không phải vì người thân, cũng chẳng phải vì mảnh ruộng hay túp lều nào cả bởi Chí vốn không cha mẹ, không họ hàng thân thích, không tấc đất cắm dùi. Một cảnh ngộ như thế lại mang tiếng là từng có một án tù, nếu chẳng còn gì vương vấn chắc Chí sẽ đi biệt tích như cô Đào trong truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải.

Chí về làng chỉ với mục đích duy nhất là trả thù. “Hắn về hôm trước hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa cho đến xế chiều” rồi “ngật ngưỡng” đến nhà Bá Kiến. Điều đó chứng tỏ, bảy, tám năm qua, Chí đã từng nung nấu mối thù với lão Bá. Thế mà chỉ bằng một bữa ăn với vài lời ngon ngọt, Chí đã bị đầu độc đến mức không chỉ quên đi mối thù mà còn trở thành tay chân của lão.

Bá Kiến lấy kẻ đầu bò để trị thằng đầu bò, thực hiện chính sách “trị không được thì cụ dùng”, “mềm nắn rắn buông”, “nắm thằng có tóc chứ không ai nắm kẻ trọc đầu”. “Cụ nghĩ bụng cũng phải có những thằng đầu bò chứ? Không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị những thằng đầu bò”?

Những chính sách cai trị ấy đã bộc lộ bá Kiến là một kẻ nham hiểm, gian hùng, thâm độc. Làng Vũ Đại được ví như mảnh đất “quần ngư tranh thực”, các phe cánh đối đầu nhau và cụ lấn át được những vây cánh khác bởi cụ biết “thu dụng những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi tù” vì chúng là “những thằng được việc”. Việc “thu phục” được Chí Phèo sai bữa cơm quả thực đã chứng tỏ sự cao tay, già đời và lọc lõi của lão cáo già gian manh, sừng sỏ này

Bữa ăn được Thị Nở “thết đãi” là sự kiện diễn ra sau đêm “đôi lứa xứng đôi” bất ngờ gặp nhau. Nếu Bá Kiến thết đãi Chí Phèo với động cơ nham hiểm là thu phục và lợi dụng thì Thị Nở chăm chút Chí phèo bằng một tình cảm yêu thương hồn nhiên, vô tư. Nếu bữa ăn nhà Bá Kiến có đủ rượu thịt thì bữa ăn của Thị Nở chỉ vẻn vẹn một nồi cháo hành. Sau bữa ăn nhà Bá Kiến, Chí Phèo lại được thêm tiền và hả hê ra về còn sau bữa ăn của Thị Nở, Chí vừa có cảm giác cay đắng khi nghĩ lại đời mình lại vừa có nỗi khát thèm hạnh phúc đời thường. Và điều quan trọng nhất, nếu bữa ăn nhà Bá Kiến là thứ “độc dược” nhằm hoàn tất công việc của nhà tù thực dân, đầu độc nhân tính của Chí Phèo thì bát cháo hành của Thị Nở lại là thứ “linh dược” giải độc và làm hồi sinh nhân tính trong Chí.

Sau bữa ăn nhà Bá Kiến, Chí bắt đầu những chuỗi ngày đâm thuê, chém mướn, rạch mặt ăn vạ, “triền miên trong những cơn say”. Sau khi ăn cháo hành, cái sức mạnh quỷ dữ bị gạt bỏ, bị tiêu trừ dần, khiến Chí cảm thấy yếu đuối, sợ ốm đau, tuổi già và sự cô độc, nhất là sự cô độc, “cái này còn đáng sợ hơn đói rét, ốm đau”.

Hai bữa ăn với hai hoàn cảnh, hai trạng thái, hai tác dụng khác nhau là một lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với chúng ta trong cách nhìn đời. Nhà văn cho rằng muốn nhìn cuộc sống một cách đúng đắn thì phải “cảnh giác” với những biểu hiện bên ngoài. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ta sẽ chỉ thấy bà ba xinh đẹp, Thị Nở xấu xí, chỉ thấy bữa ăn nhà Bá kiến đầy đủ rượu thịt còn bát cháo hành xoàng xĩnh. Nhưng trong thực tế, cái giá trị nhân văn đích thực của cuộc sống nhiều khi lại núp sau cái vẻ ngoài xấu xí, xoàng xĩnh. Đó là một trong những ý nghĩa triết lí sâu sắc của tác phẩm, là tiếng nói thường đau đáu trong văn Nam Cao.

Xét đến những tác động của hoàn cảnh đến tâm tính của Chí Phèo, có thể kể đến sự đối xứng giữa Thị Nở và nhà tù thực dân. Nếu nhà tù thực dân tiếp tay cho Bá Kiến biến một người lương thiện thành một kẻ lưu manh, tha hóa thì Thị Nở lại biến con quỷ dữ của làng Vũ Đại trở lại làm một con người. Nhà tù tác động đến Chí Phèo một cách có chủ ý còn Thị Nở lại vô tình. Vô tình vì Thị Nở cùng lắm chỉ biết rằng mình vừa cứu sống một con người khỏi chết vì bị cảm chứ đâu có ý thức về sự cứu rỗi. Vô tình vậy mà sức tác động đến Chí Phèo lại vô cùng bất ngờ. Chí Phèo trở lại ý thức người đột ngột đến mức mà bộ óc Tào Tháo của Bá Kiến cũng không ngờ tới. Nội dung nhân đạo toát ra từ cặp đối xứng này chính là sự đề cao sức mạnh của tình người. Tình người có sức mạnh hơn bất cứ thứ bạo lực nhà tù nào. Để nhào nặn nên con quỷ dữ Chí Phèo, nhà tù thực dân phải mất bảy, tám năm trời nhưng để biến Chí thành một con người Thị Nở chỉ cần có vài ngày ngắn ngủi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang