Soạn bài: Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều, Nguyễn Du) – Ngữ văn 9, Cánh diều
* Nội dung chính: Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích đã miêu tả chân thực cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi, đáng thương, nỗi nhớ người thân da diết và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo vị tha của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích
1. Chuẩn bị
– Đọc trước đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
– Đọc nội dung giới thiệu dưới đây để tìm hiểu bối cảnh đoạn trích: Sau khi bị Mã Giám Sinh làm nhục, biết mình bị lừa bán vào lầu xanh, Kiều liều mình tự vẫn. Mụ chủ nhà chứa sợ “mất cả vốn lẫn lời” nên đã vờ hứa hẹn sẽ gả chống cho Kiều, rồi đưa nàng ra ở lầu Ngưng Bích để kén chồng nhưng thực chất là giam lòng và chuẩn bị âm mưu, hóng bắt nàng phải tiếp khách làng chơi.
– Vị trí: Đoạn trích này nằm ở phần thứ hai: Gia biến và lưu lạc.
2. Đọc hiểu
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
Câu 1: Chú ý việc sử dụng từ ngữ để diến tả hoàn cảnh của Kiều.
Trả lời:
– Đặc điểm không gian trước lầu Ngưng Bích: đó là rất rộng lớn, mênh mông và bát ngát cụ thể qua những từ như “non xa”, “trăng gần”, “bát ngát”. Không gian ở lầu Ngưng Bích lại được miêu tả mở ra theo chiều cao, chiều xa. Chúng ta có thể thấy, hình ảnh thể hiện sự chênh vênh, chơi vơi, vô cùng đơn độc giữa không gian bao la đó. Cảnh ở lầu Ngưng Bích còn được mieu tả rất trống trải, hoang vắng, dường như không có dấu hiệu của sự sống. Điều được thể hiện cụ thể qua những từ ngữ và hình ảnh như “cát vàng”, “bụi hồng”, “cồn nọ”, “dặm kia”. Tất cả hình ảnh tạo nên sự phủ định sự sống, gợi sự ngổn ngang của cảnh vật.
– Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều qua hình ảnh “mây sớm đèn khuya” cho thấy sự lặp đi lặp lại quay vòng của thời gian. Tạo một cảm giác nhàm chán, buồn tẻ.
– Qua khung cảnh thiên nhiên trên đây, chúng ta có thể có thể thấy rõ hoàn cảnh và tậm trạng của Thúy Kiều khi ở Lâu Ngưng Bích. Đó là nàng đang bị giam lỏng, mất tự do ở chốn thơ mộng hữu tình nhưng hoang vắng. Và nàng mang trong mình một tâm trạng cô đơn, buồn tủi và đầy sự hổ thẹn.
– Những từ ngữ góp phần diễn tả hoàn cảnh vầ tậm trạng Thúy Kiều đó chính là: “khóa xuân”, “non xa”, “trăng gần”, “bốn bề”, “Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”…
Câu 2: Chú ý biện pháp tả cảnh ngụ tình.
Trả lời:
– Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là nghệ thuật mà trong đó tác giả đã mượn khung cảnh để gửi gắm tâm trạng nhân vật. Cảnh không chỉ đơn thuần là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh tâm trạng của con người. Cảnh là phương tiện miêu tả còn tâm trạng mới chính là mục đích miêu tả. Trong văn học xưa, phương pháp này được sử dụng khá nhiều và quen thuộc. Với tài năng của mình, nhà thơ Nguyễn Du đã cho thấy mình là một trong những bậc thầy của việc sử dụng nghệ thuật này. Và chính ông cũng đã từng khẳng định “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
– Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình được sử dụng trong tám câu cuối của đoạn trích:
+ Hai câu thơ: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.” khung cảnh thiên nhiên cửa bể buổi chiều hôm và cánh buồm nhỏ xa xăm, vừa thể hiện nỗi nhớ thương cha mẹ, quê hương của Thúy Kiều, vừa thể hiện sự vô định, lạc trôi giữa biền đời bất định của cuộc đời nàng.
+ Hai câu thơ: “Buồn trông mặt nước mới sa/Hoa trôi man mác biết là về đâu” tác giả thể hiện nỗi nhớ người yêu, xót xa cho tình duyên lỡ dở của Kiều. Hình ảnh những cánh hoa trôi giữa dòng nước cũng giống như cuộc đời của Kiều bị vùi dập lúc bấy giờ.
+ Hai câu thơ: “Buồn trông nội cỏ rầu rầu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh” thể hiện sự Kiều đang buồn tủi, đau đớn cho chính bản thân mình. Nội cỏ rầu rầu một màu thật đơn điệu, như chính sắc màu cuộc đời buồn tẻ, nhàm chán của nàng.
+ Hai câu thơ: “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” đây là câu thơ khiến người đọc cảm nhận được âm thanh của tiếng sóng vỗ đang kêu. Nhưng tiếng sóng đó cũng chính là tiếng sóng trong bể giông đang bủa vây lấy cuộc đời của nàng Kiều. Qua tiếng sóng, Kiều dự cảm được điều đó nên càng thấy xót xa và đau đớn.
Câu 3: Dự cảm tương lai được thể hiện qua hình ảnh nào?
Trả lời:
Dự cảm tương lai được thể hiện qua hình ảnh:
– “Gió cuốn mặt duềnh”: ước ệ cho sóng gió cuộc đời đang bủa vây, cuốn lấy Kiều, những tai ương sắp ập đến đời nàng
– “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”: Trong lòng Kiều là tiếng sóng của buồn đau sợ hãi, dự cảm sóng gió dường như đang tiến đến rất gần Kiều
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1: Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích có thể chia làm mấy phần? Trình bày nội dung chính của mỗi phần?
Trả lời:
– Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích có thể chia làm ba phần:
+ 6 câu đầu: Hoàn cảnh cô đơn tội nghiệp của Thúy Kiều
+ 8 câu tiếp: Nỗi nhớ thương Kim Trọng và nhớ thương cha mẹ của Kiều
+ 8 câu cuối: Tâm trạng đau buồn và dự cảm trước tương lai sóng gió
Câu 2: Khung cảnh được miêu tả ở sáu dòng thơ đầu có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện tâm trạng Thuý Kiều?
Trả lời:
Trong sáu câu thơ đầu, khung cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích với không gian, thời gian được nhìn qua con mắt của nhân vật, bộc lộ hoàn cảnh tâm trạng cô đơn, tội nghiệp của Thuý Kiều:
– Cảnh thiên nhiên, không gian trước lầu Ngưng Bích hiện ra mênh mông, hoang vắng: theo chiều rộng (bốn bề bát ngát xa trông, cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia); chiều cao (dãy núi xa và mảnh trăng như ở cùng trong một vòm trời); không gian cảnh vật rợn ngợp, mênh mông, hoang vắng.
– Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều:
+ “Mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn khép kín. Thời gian cũng như không gian giam hãm con người. Sớm và khuya, ngày và đêm, Kiều chỉ có một mình thui thủi. Thời gian cứ trôi đi rồi gặp lại.
+ Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Kiều đang ở trong hoàn cảnh cô đơn tuyệt đối với tâm trạng bẽ bàng, cô đơn, buồn tủi, hổ thẹn. Cụm từ “như chia tấm lòng” diễn tả nỗi niềm chua xót, nỗi lòng tan nát của Kiều.
→ Bút pháp chấm phá đặc sắc, khung cảnh làm nền cho Kiều thổ lộ tâm tình. Thiên nhiên rộng lớn mà con người nhỏ bé, đơn côi.
Câu 3: Thuý Kiều lần lượt nhớ những ai? Theo em, trình tự nỗi nhớ đó có hợp lí không? Vì sao?
Trả lời:
Trong cảnh ngộ của mình, Thuý Kiều đã nhớ đến cha mẹ và người yêu Kim Trọng. Nàng nhớ tới Kim Trọng trước rồi mới nhớ tới cha mẹ. Nỗi nhớ hoàn toàn hợp lý với tâm lý con người bởi vì với cha mẹ, trước lúc đi xa nàng đã được gặp. Và nàng cũng đã làm tròn trách nhiệm bán thân chuộc cha và em, nên nàng đã an tâm. Duy chỉ có với chàng Kim, người nàng vô cùng thương yêu lại chưa được gặp, chưa biết tin về gia đình Kiều. Đặc biệt, nàng cảm thấy vô cùng day dứt, đau đớn và cảm thấy tội lỗi khi không giữ được lời thề nguyện ước với chàng Kim.
Câu 4: Theo em, tám dòng thơ từ dòng 7 đến dòng 14 trong đoạn trích là lời của ai? Vì sao em biết điều đó? Những lời này có tác dụng gì trong việc thể hiện nội tâm nhân vật?
Trả lời:
– Tám dòng thơ từ dòng 7 đến dòng 14 trong đoạn trích là lời của Thuý Kiều. Đó là nỗi nhớ thương của Kiều về người yêu và cha mẹ.
– Ngòi bút tinh tế của Nguyễn Du đã miêu tả tâm lí của Thuý Kiều vô cùng chân thực và chính xác. Chỉ với tám câu thơ, nhưng ông đã làm nổi bật nên tâm trạng của Kiều khi bị giam lỏng tại lầu Ngưng Bích. Dù ở hoàn cảnh cô đơn, lạc lõng, mịt mù về tương lai thế nhưng Kiều vẫn là một người con hiếu thảo, một người tình hết mực thuỷ chung, son sắt. Trong đoạn thơ này, Nguyễn Du cũng kết hợp sử dụng các thành ngữ, các điển tích điển cố, các từ ngữ vô cùng chính xác để miêu tả tâm trạng của Kiều. Ông quả là một bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ miêu tả.
Xem thêm: