»» Nội dung bài viết:
VIỆT BẮC
(Trích)
– Tố Hữu –
I. TÌM HIỂU CHUNG.
1. Tác giả: Tố Hữu.
– Tố Hữu (1920 – 2002) là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam hiện đại nhưng mang đậm chất dân tộc, truyền thống.
2. Tác phẩm:
– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được ra đời vào tháng 10 năm 1954 (nhân sự kiện người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô). Chính hoàn cảnh sáng tác đã chi phối tạo nên một sắc thái tâm trạng đặc biệt đầy xúc động, bâng khuâng da diết trong bài thơ. Cách chọn kết cấu theo lối đối đáp cũng là để thể hiện sắc thái đó.
– Bố cục: Bài thơ gồm có 2 phần:
+ Phần 1: Tái hiện những kỉ niệm cách mạng và kháng chiến.
+ Phần 2: Gợi viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ đối với dân tộc.
– Vị trí đoạn trích: Đoạn trích trong SGK là phần đầu của bài thơ, tái hiện những kỉ niệm về cách mạng và kháng chiến.
II. Đọc – hiểu văn bản:
1. Tám câu thơ đầu: Khung cảnh chia tay và tâm trạng của con người.
* Bốn câu đầu: Lời ướm hỏi, khơi gợi kỉ niệm về một giai đoạn đã qua, về không gian nguồn cội, nghĩa tình; qua đó thể hiện tâm trạng của người ở lại.
+ Người ở lại luôn có cảm giác mất mát, bị lãng quên.
+ Cách xưng hô “mình, ta”, lối đối đáp quen thuộc gần gũi trong ca dao, dân ca là phương thức giãi bày cảm xúc của tác giả.
+ Câu hỏi tu từ thể hiện lời nhắn nhủ của người ở lại với người ra đi về thời gian mười lăm năm kháng chiến đồng cam cộng khổ, chia bùi sẻ ngọt để tình cảm gắn bó thiết tha mặn nồng; về không gian cội nguồn, tình nghĩa cây – núi, sông – nguồn…, nơi người chiến sĩ đã chia bùi sẻ ngọt cùng động đội trong những năm kháng chiến.
⇒ Việt Bắc đã thành cội nguồn cách mạng, lời người ở lại nhắc nhở người về xuôi về tình cảm son sắt thuỷ chung, nghĩa tình kháng chiến, được khơi dậy từ nguồn mạch đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
* Bốn câu thơ tiếp: Tiếng lòng người về xuôi bâng khuâng lưu luyến.
+ Cảm xúc vừa lưu luyến nhớ thương, vừa nôn nao mong đợi của người ở lại và người về xuôi được thể hiện qua các từ láy (tha thiết, bâng khuâng, bồn chồn)
+ Hình ảnh hoán dụ“Áo chàm…phân ly”, hình ảnh giàu sức biểu cảm “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” thể hiện nỗi lưu luyến, bịn rịn đến bối rối, nghẹn ngào.
2. Tám mươi hai câu sau:Những kỉ niệm về Việt Bắc hiện lên trong hoài niệm.
* Mười hai câu hỏi: Gợi lên những kỉ niệm ở Việt Bắc trong những năm tháng đã qua, khơi gợi, nhắc nhở những kỉ niệm trong những năm cách mạng và kháng chiến. Việt Bắc từng là chiến khu an toàn, nhân dân ân tình, thủy chung, hết lòng với cách mạng và kháng chiến.
– Điệp khúc “mình đi , mình về”, câu hỏi tu từ, điệp từ “nhớ”gợi ấn tượng về việc chia xa bằng việc nhắc lại những kỷ niệm của một thời không thể nào quên:
– Thiên nhiên khắc nghiệt (mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù)
– Cuộc sống kháng chiến khó khăn, thiếu thốn nhưng lòng người son sắc thủy chung (miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai,…đậm đà lòng son)
– Thiên nhiên trống vắng, nhớ nhung người về xuôi, người ở lại nhắc nhớ những người trong cuộc về một chiến khu an toàn, về nghĩa tình kháng chiến (trám bùi để rụng, măng mai để già/Tân Trào Hồng Thái…)
* Bảy mươi câu đáp: Mượn lời đáp của người về xuôi, nhà thơ bộc lộ nỗi nhớ da diết với Việt Bắc; qua đó, dựng lên hình ảnh chiến khu trong kháng chiến anh hùng và tình nghĩa thủy chung. Nội dung chủ đạo là nỗi nhớ Việt Bắc, những kỉ niệm về Việt Bắc.
– Bốn câu đầu đoạn: khẳng định tình nghĩa thủy chung son sắt, tình cảm gắn bó bền vững của ta và mình được thể hiện qua phép đói xứng (ta với mình/mình với ta), điệp từ (ta, mình), từ láy (mặn mà, đinh ninh và sự chuyển hóa đa nghĩa của từ ta và mình…).
– Hai mươi tám câu tiếp: Nói về nỗi nhớ thiên nhiên, núi rừng và con người, cuộc sống kháng chiến
+ Nhớ cảnh Việt Bắc da diết, khắc khoải qua nghệ thuật so sánh (như nhớ người yêu); cảnh đẹp thơ mộng ở nhiều thời khắc qua phép liệt kê (trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương…); vẻ đẹp đa dạng, sống động (rừng nứa bờ tre, ngòi, sông, suối..); thiên nhiên ấm áp tình người (Sớm khuya bếp lửa người thương đi về). Nỗi nhớ luôn dào dạt, dâng trào, “vơi đầy” như con nước…
+ Nhớ người Việt Bắc: Nỗi nhớ gắn với nghĩa tình, lòng biết ơn sâu sắc trong tình đồng đội keo sơn gắn bó (thương nhau chia củ sắn lùi/Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng); với người mẹ Việt Bắc vất vả, giàu lòng thương con và thủy chung son sắc với cách mạng (Nhớ người mẹ…bắp ngô); nhớ lớp học bình dân, nhớ những ngày làm việc gian nan mà lạc quan yêu đời, nhớ những âm thanh bình dị của cuộc sống nơi chiến khu Việt Bắc (tiếng mõ rừng chiều, chày đêm nện cối đều đều suối xa)
+ Nhớ cảnh và người Việt Bắc: cảnh và người đồng hiện, xoắn xuýt trong nỗi nhớ, người đi hỏi nhưng chỉ là cái cớ để giãi bày cảm xúc (Ta về mình có nhớ ta/Ta về ta nhớ những hoa cùng người):
. Thiên nhiên Việt Bắc tươi đẹp bốn mùa qua nét bút miêu tả đặc sắc: mùa đông tươi tắn – ấm áp, mùa xuân trong sáng – tinh khôi, mùa hạ sôi động – oi nồng, mùa thu dịu mát – yên bình (đông – hoa chuối đỏ tươi/xuân – mơ nở trắng rừng/hạ – ve kêu, rừng phách đổ vàng/thu – trăng rọi hòa bình.). Bức tranh tứ bình về thiên nhiên Việt Bắc hiện lên trong nỗi nhớ và niềm tự hào của người về xuôi.
. Con người Việt Bắc với vẻ đẹp hoang sơ, khỏe khoắn. Họ xuất hiện dưới ánh nắng mặt trời, luôn cần mẫn, tài hoa, họ đẹp trong lao động, đẹp cả tâm hồn (người tiều phu, người đan nón, cô gái hái măng, tiếng hát ân tình thủy chung). Tất cả hiện lên trong niềm tự hào, biết ơn và ngưỡng mộ sâu xa của tác giả.
– Hai mươi hai câu tiếp nói về cuộc kháng chiến anh hùng
+ Thiên nhiên cùng đánh giặc với con người (Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây/ Núi giăng…/ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù..)
+ Nhắc những địa danh và những chiến công liên tiếp, vang dội của quân ta trong niềm tự hào và nỗi nhớ không nguôi.
+ Cảnh Việc Bắc ra quân:
. Những con đường hành quân trong đêm và sức mạnh, khí thế ngút trời của quân dân ta, tinh thần đoàn kết nhất trí của quân và dân thể hiện qua việc sử dụng từ láy (rầm rập, điệp điệp, trùng trùng), nghệ thuật so sánh, hình ảnh giàu sức biểu cảm..Tất cả làm nên sức mạnh để chiến thắng.
. Niềm vui chiến thắng lan tỏa, dồn dập, vang dội theo bước chân của người chiến sĩ qua cách nói cường điệu (Tin vui chiến thắng trăm miền), phép liệt kê (các địa danh Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê..)
– Mười sáu câu cuối đoạn thể hiện nỗi nhớ cảnh và người Việt Bắc, những kỉ niệm về cuộc kháng chiến
+Việt Bắc quê hương cách mạng, có Đảng và Bác Hồ.
+ Những công việc của chính phủ.
+ Đồng nhất Việt Bắc với Bác Hồ – Người về gửi qua nỗi nhớ: lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với Việt Bắc và Bác Hồ.
3. Nghệ thuật.
Bài thơ đậm đà tính dân tộc, tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: Thể thơ lục bát, lối đối đáp, cách xưng hô mình – ta; hình thức tiểu đối của ca dao; ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, sử dụng lời ăn tiếng nói của nhân dân; sử dụng nhuần nhuyễn phép trùng điệp của ngôn ngữ dân gian.
4. Ý nghĩa văn bản.
Việt Bắc là bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến; bản tình ca về nghĩa tình cách mạng và kháng chiến mà cội nguồn sâu xa là tình yêu đất nước, niềm tự hào về sức mạnh của nhân dân, là truyền thống ân nghĩa, đạo lý thuỷ chung của dân tộc.
III. BÀI TẬP VẬN DỤNG.
1/ Cảm nhận về cái hay cái đẹp của các câu thơ sau trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:
Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son.
2/ Cảm nhận về vẻ đẹp của cảnh và người Vệt Bắc qua đoạn thơ sau trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
3/ Cảm nhận về tâm trạng kẻ ở – người đi qua đoạn thơ trên. Từ đó rút ra nhận xét về tính dân tộc trong đoạn thơ.
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”
(Trích Việt Bắc- Tố Hữu, SGK Ngữ văn 12, tập 1)
LUYỆN TẬP:
Câu 1. Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ Việt Bắc.
– Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, miền Bắc nước ta được giải phóng. Lịch sử đất nước bước sang trang mới. Cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới. Tháng 10 – 1954, các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khi Việt Bắc trở về Hà Nội, nhân sự kiện có tính lịch sử này, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc.
– Việt Bắc là một đỉnh cao của thơ ca cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bài thơ có hai phần : Phần một tái hiện giai đoạn gian khổ nhưng vẻ vang của cách mạng và kháng chiến. Phần hai nói lên sự gắn bó giữa miền ngược với miền xuôi trong viễn cảnh đất nước hoà bình, ca ngợi công ơn của Bác Hồ, của Đảng đối với dân tộc. Đoạn trích trong sách giáo khoa là phần một của bài thơ.
Câu 2. Nêu ý nghĩa của văn bản ( bài thơ ) ?
Bài thơ Việt Bắc là bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến, bản tình ca về nghĩa tình cách mạng và kháng chiến.
Câu 3. Nêu cảm nhận của anh/ chị về thiên nhiên Việt Bắc trong đoạn trích Việt Bắc?
Trong đoạn trích, hình ảnh thiên nhiên chiến khu Việt Bắc hiện lên ở nhiều thời điểm khác nhau với vẻ đẹp đa dạng, phong phú:
– Đó là một thiên nhiên gần gũi, ấm áp với những người kháng chiến, những hình ảnh : rừng xanh, hoa chuối, mơ nở, rừng phách…
– Đó là một thiên nhiên lãng mạn, thơ mộng : trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương.
– Đó còn là một thiên nhiên luôn sát cánh cùng con người trong chiến đấu: Nhớ khi giặc đến giặc lùng … Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.
Câu 4. Hình ảnh con người và cuộc sống kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc được tái hiện như thế nào?
– Con người Việt Bắc hiện lên trong cuộc sống lao động và chiến đấu hàng ngày:
- Họ lam lũ, vất vả.
- Họ khéo léo, tài hoa
- Họ ấm áp nghĩa tình và son sắt thuỷ chung.
– Cuộc sống kháng chiến hiện lên rõ nét:
- Đó là một cuộc sống còn khó nghèo, cơ cực.
- Nhưng cuộc sống ấy thật sôi động, hào hùng, vui vẻ, lạc quan
- Đó còn là một cuộc sống đầy ắp nghĩa tình cách mạng.
Câu 5. Đoạn trích Việt Bắc cho thấy vẻ đẹp nào của tình nghĩa cách mạng?
– Bao trùm toàn bộ đoạn trích là nghĩa tình cách mạng của một dân tộc vừa đi qua 15 năm chiến đấu đầy gian khổ, mất mát, hy sinh ( 1940 – 1954 ).
– Nghĩa tình ấy hiện diện qua sự chia ngọt, sẻ bùi giữa đồng bào Việt Bắc và những người kháng chiến
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
– Nghĩa tình ấy còn là lời khẳng định của kẻ đi, người ở về sự thuỷ chung, son sắt của những năm tháng không thể nào quên.
Câu 6. Cho biết kết cấu đặc biệt của đoạn trích Việt Bắc và những đặc sắc nghệ thuật?
Đoạn trích được học rất tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.
– Tính dân tộc đậm đà:
- Thể thơ lục bát truyền thống được sử dụng nhuần nhuyễn.
- Kết cấu đối đáp thường thấy trong ca dao được sử dụng sáng tạo .
- Cặp đại từ nhân xưng mình – ta với sự biến hoá linh hoạt và những sắc thái ngữ nghĩa biểu cảm phong phú được khai thác hiệu quả.
- Những biện pháp tu từ quen thuộc được sử dụng như: so sánh, ẩn dụ, nhân hoá, hoán dụ…
– Đoạn trích cũng mang chất sử thi đậm nét khi tác giả tạo dựng được hình tượng kẻ ở, người đi đại diện cho tình cảm của cả cộng đồng.
– Bên cạnh đó, đoạn trích còn cho thấy chất trữ tình chính trị đậm đà khi Tố Hữu ngợi ca tình cảm cách mạng thuỷ chung, son sắt giữa người kháng chiến và đồng bào Việt Bắc.
Câu 7. Có người nói “Việt Bắc” vừa là một bản anh hùng ca vừa là một bản tình ca. Chứng minh điều đó qua trích đoạn Việt Bắc.
Nói Việt Bắc vừa là một bản anh hùng ca vừa là một bản tình ca là khẳng định sự hoà quyện giữa sử thi và trữ tình.
- Ra đời ở một bước ngoặt lớn lao của lịch sử dân tộc, thật dễ hiểu vì sao bài thơ có tính chính trị.
- Thắm thiết chất trữ tình là bởi bài thơ cùng một lúc nói được nhiều tình cảm của con người cách mạng và kháng chiến. Đó là tình yêu nước lớn lao, cụ thể trong trích đoạn yêu nước chính là yêu Việt Bắc-cái nôi của phong trào cách mạng, chiến khu của kháng chiến trường kỳ. Đó là tình yêu thiên nhiên Việt Bắc hùng vĩ và thơ mộng, con người Việt Bắc nghèo khổ, mộc mạc mà nghĩa tình sâu nặng. Đó là lòng biết ơn, niềm kính yêu Đảng và lãnh tụ. Đó là nghĩa tình thuỷ chung với cội nguồn, với cách mạng và kháng chiến.
- Cảm nhận 24 câu thơ đầu đoạn thơ “Việt Bắc” (trích Việt Bắc) của Tố Hữu
- Phân tích vẻ đẹp bức tranh tứ bình trong bài thơ “Việt Bắc”của Tố Hữu
- Làm sáng tỏ tính dân tộc đậm đà của bài thơ Việt Bắc qua đoạn thơ: “Ta về, mình có nhớ ta…”