Truyện ngắn: Sợi dây chuyền bạc

Sợi dây chuyền bạc

Con bé nhìn chằm chằm vào mặt sợi dây chuyền bạc hình cây thánh giá được treo cẩn thận trong tủ kính rực rỡ sắc màu đèn neon như không muốn rời đi. Bên cạnh còn có nhiều dây chuyền màu khác nhưng nó không hề để tâm chú ý. Nó nhìn một cách mê mẩn, phút chốc quên hết tất cả mọi thứ có ở xung quanh, kể cả tiếng xe cộ ầm ầm dưới đường và tiếng gió xào xạc ở trên cây nó cũng không hề nghe thấy. Đôi mắt tròn xoe long lanh mơ ước.

Chao ôi! Mặt dây chuyền sáng như cây thánh giá ở nhà thờ cổ đêm Noen và lấp lánh hơn những vì sao đêm trên bầu trời mà nó thường thấy. Nó nhớ lại những đêm cùng bà ngắm sao trên trời lúc còn ở trong căn lều nhỏ khu bờ kênh Tàu Hủ. Bà thường bảo rằng mỗi ngôi sao là một linh hồn tinh khiết bay lên từ trần gian. Những ai có tâm hồn trong sáng, khi chết đi mới hóa thành một vì sao trên bầu trời. Nhưng những vì sao cũng không hề bất tử, mà nó sẽ rời khỏi bầu trời khi nguồn sáng không còn nữa. Nói rồi bà đưa tay chỉ về phía xa xa cho con bé thấy một ngôi sao vừa rụng, trôi tuột xuống chân trời mờ mịt. Một ngôi sao vừa giã biệt bầu trời.

Có bao nhiêu đêm cùng bà ngắm sao và có bao nhiêu câu chuyện bà đã kể giờ nó không còn nhớ nữa. Ngày ấy mỗi khi nghe bà kể xong một câu chuyện nó cảm thấy sờ sợ còn bây giờ nó không hề đếm lấy. Nó chỉ còn nhớ khi kết thúc một câu chuyện, bà nó thường kéo nó vào lòng, quàng tay qua cổ nó, hơi ấm của bà tỏa ra ôm lấy nó, len lỏi, râm ran khắp làn da, thiu thiu đưa nó vào giấc ngủ.

“- Su, đi thôi con!” – Con bé giật mình, cắt đứt dòng suy tưởng khi bàn tay của bà nhẹ nhàng chạm vào vai nó. Nó trở lại với thực tại, tiếng xe cộ ầm ầm dội vào tai, tiếng ho khục khặc của bà và cái lạnh se se của ngày mùa đông Sài Gòn lẫn trong làn mưa nhè nhẹ. Bà cúi xuống kéo lại chiếc cổ áo bông che ấm cho nó, xong lại che miệng ho mấy tiếng quay đi khi nó ngước nhìn lên. Con bé nhìn thấy trong đôi mắt cằn cỗi của bà dường như rưng rưng nước mắt. Bà vội quay đi khiến nó không kịp nhìn rõ nhưng hình như có cái gì đó long lanh vừa rơi xuống. Bà lấy tay áo quệt ngang rồi nắm tay nó lặng lẽ đi về phía trước. Nó nắm chặt lấy tay bà, vội vã bước theo không hỏi gì thêm nữa.

Chiều Sài Gòn, bầu trời u u như muốn khóc, hai cái bóng nhỏ lắt lẽo đi về phía màn mưa…

        *

Đêm ấy, bà không sao ngủ được. Có cái gì đó khô khát, cào cấu trong cổ họng ran rát, khắp người bà ê ẩm rã rời. Bà muốn ho nhưng sợ làm con bé giật mình. Bác sĩ nói bà bị viêm phế quản, có triệu chứng sung phổi, khuyên bà nghỉ ngơi dài ngày. Phải rồi, hèn gì bà thấy tưng tức trong lòng ngực, mỗi lần thở cứ nghèn nghẹn. Chùm lá húng chanh của ông Lộc vừa đưa ban chiều bà vẫn còn để ở trong giỏ, chưa kịp vắt nước uống. Thôi kệ, hơn sáu mươi tuổi rồi! Có còn trẻ gì nữa đâu. Sống được đến giờ là phúc lắm rồi. Đến tuổi này có bệnh cũng là thường thôi. Rồi bà ngùi ngùi, tủi tủi nghĩ về ông lão và thằng Tân; nghĩ về cuộc đời khốn nạn, đáng thương của mình, nghĩ về bé Su mà không cầm được nước mắt…

Than ôi! Ông trời thường hay trêu ngươi kẻ nghèo khó. Thường thì người ta nói trước cái gì sẽ không bao giờ thực hiện được. Như duyên tình ông bà, kẻ khốn, người khó đến với nhau sao mà cay mà đắng. Chồng bà quê ở miệt Cù Lao vùng Năm Căn xa tít Cà Mau. Ba má ông mất sớm, chỉ còn mình ông thui thủi một mình trong căn lều nhỏ. Bà Năm được sinh ra trên con thuyên nhỏ trong một đêm mưa bão. Con thuyền ấy cũng là nơi ăn chốn ở của cả gia đình năm người. Bao nhiêu năm nó cứ lênh đênh trên mặt nước mặc cho nắng gió, mặc cho mưa giông chìm nổi. Anh trai cả của bà lớn lên đi chăn vịt chạy đồng cho người ta rồi lấy luôn vợ ở luôn miền Sóc Trăng, đến giờ vẫn biệt vô âm tính. Anh trai thứ hai một đêm uống rượu say lênh đênh trên con suồng nhỏ về phía miền Hạ giờ chưa thấy về.

Cho đến khi bà về với ông, bà cũng chỉ có tất cả ba lần lên bờ. Năm bà sáu tuổi, lần ấy bà sốt nặng, ba má đưa bà vào trạm y tế cấp cứu. Lần thứ hai, lúc ba má bà mất. Đang yên đang lành hai ông bà đột ngột bỏ bà mà đi. Người ta bảo ba má bà bị trúng gió độc mà chết. Lần thứ ba là lần về với ông. Lần này bà lên ở hẳn trên bờ. Mãi mười năm sau bà mới sinh được thằng Tân. Ông mừng lắm, ngày đêm sốt sắng làm ăn để lo cho vợ cho con. Nhưng cái duyên, cái nghiệp nó cứ đưa đẩy con người ta, càng gắng gượng càng khốn khó. Ông nuôi gà, gà dịch, nuôi heo, heo chết. Vì nghèo khó quá mà bà lại nhảy lên ghe, lại tiếp tục cái nghề của ba má bà, đò ngược đò xuôi buôn bán. Ông ở nhà chăm đàn vịt và lo cho thằng Tân. Thật lòng bà cũng chẳng muốn nhưng ở nhà biết làm gì bây giờ. Nghề chạy chợ sớm bãi, tối bờ, nhiều lúc nhớ con cũng chỉ biết ngồi khóc.

Đi chuyến này bà tính kiếm ít tiền rồi về dọn nhà lên ở hẳn trên giồng để thằng Tân còn đi học. Rồi đùng một cái, lúc ở phà Cổ Chiên, bà nhận hung tin nhà bị nước lũ cuốn trôi mất, ông và thằng Tân không biết trôi về đâu, người ta tìm không thấy xác. “Ông trời ơi!” – Bà chỉ còn biết ngửa mặt nhìn trời, nước mắt ròng ròng – “Sao ông nỡ…”

Suốt mười hai năm, bà lặn lội khắp miền thượng rồi miền hạ Cửu Long, đến đâu bà cũng hỏi thăm tìm chồng và con, bởi bà vẫn tin rằng họ còn sống và đang đợi bà ở đâu đó trên đất phù sa này. Lúc xuôi về Tiền Giang, khi ngược sông Ông Đốc, có lúc lại rẽ về Long Xuyên, nơi nào có nước là bà đến dù ngược hay xuôi. Đôi mắt mệt mỏi ngóng tìm, hỏi thăm từng người bà gặp trên hành trình vạn lí trường chinh. Như con chim mỏi cánh lạc đường bay, con cá bơi ngang dòng nước dữ, lênh đênh khắp chốn châu thổ. Mười hai năm ôm ấp một niềm tin vô vọng, cuối cùng bà cũng từ bỏ nó rồi nhảy xe lên Sài Gòn.

         *

Nghiêng người với tay kéo chiếc chăn mỏng đắp cho con bé, vuốt lại mái tóc phủ xuống mặt, kéo nó vào lòng, bà Năm nặng nề buông hơi thở dài. “Tội nghiệp con bé, nó còn nhỏ quá”. Bà nhớ lại lúc nhặt được con bé trong tấm chăn mỏng bên bờ kênh mà thấy xót lòng. Bà còn nhớ rất rõ khuôn mặt tím tái của con bé trong hơi gió lạnh, tiếng khóc khan khan yếu ớt và đôi môi khô mấp máy tìm vú mẹ. “Cha mẹ nhà chúng nó, hổ dữ còn không ăn thịt con nữa mà, sao chúng nó nỡ…”. Bà cắn chặt răng chửi vu vơ rồi bế con bé ôm vào lòng: “Thôi, về ở với bà nha con!”. Con bé nhận ra hơi ấm càng khóc nấc lên. Tiếng khóc nghe thê thiết chiều mưa lạnh não nề

Rồi bữa cơm bữa cháo con bé dần lớn lên trong đói khổ, lạnh rét. Ngày ngày, bà quấn chặt con bé trong chiếc chăn cũ rồi ôm đi bán vé số. Ngày nắng, ngày mưa, bà đi đâu, ôm con bé đến đó. Nhiều lúc, con bé ốm, người nóng sốt, bà nghỉ mấy ngày ở nhà chăm lo. Đói khổ mới hiểu lòng người, bà dành cho con bé tất cả những gì bà có cho con bé như cố bù đắp lại lỗi lầm khi bà rời xa thằng Tân đi buôn bán. Nhiều đêm, bà ngửa mặt nhìn trời mà than rằng: “Ông trời có thương thì thương con bé, số bà bất hạnh, thiết gì sống lâu, mong ông phù hộ cho con bé mau ăn khỏi bệnh, chóng lớn”.

Thời gian lặng lẽ trôi đi, thắm thoát, con bé đã năm tuổi, lớn xinh, bà mừng lắm. Giờ nó tự đi theo bà không cần phải bế trên tay nữa. Bao nhiêu năm, vẫn gốc phố này, theo bà nó lớn lên. Một gốc phố đìu hiu, lạnh lẽo. Hai bà cháu không tên không tuổi, nhỏ bé dưới những dãy nhà cao tầng. Phía đối diện gốc phố ấy là cửa hàng bánh Piza đồ sộ, rực rỡ ánh đèn, khách tây ra vào nườm nượp. Hình như cửa hàng này chỉ bán cho người tây, ít khi thấy người Việt vào. Khu phố này người Tây đến ở cũng nhiều. Họ là khách du lịch, hoặc là đi công tác, hoặc định cư hẳn ở đây. Họ sang trọng và lịch sự. Ít khi nào thấy họ ồn ào to tiếng. Họ nói chuyện nhỏ nhẹ, ăn uống thật điềm tĩnh. Bé su hay nhìn lên những tầng cao, nơi phòng ăn có cửa kính và ánh sánh đèn neon ấm áp hắt ra đường. Những chiếc bánh Piza to nóng hổi, những đứa trẻ tóc vàng kháu khỉnh đang ăn ngấu nghiến. Thỉnh thoảng chúng còn quệt bơ lên mặt chọc nhau cười. Con bé cũng khanh khách cười theo vui sướng làm bà lão cũng cười theo mà không hiểu chuyện gì.

         *

Sáng hôm nay, bà không trở dậy được nữa. Từng cơn ho dữ dội thúc mạnh trong lồng ngực rát buốt. Hớp lấy ngụm nước cho đỡ đắng miệng rồi bà lại nằm vật xuống. Bé Su đã đi bán vé số từ sớm với ông Lộc. Thương bà ốm đau, nó tất tả đi bán vé số một mình mấy hôm nay. May nhờ có ông Lộc trông coi nó bà cũng đỡ lo hơn. Ông Lộc vốn ngọng nghịu từ nhỏ, người ở miền trung, nghe nói là xa lắm. Con trai ông – thằng Hão – năm bốn tuổi lên sởi mà chết. Vợ ông từ đó cũng bỏ đi luôn. Đúng là số cùng gặp nhau giữa chợ đời. Ngày ông về trọ ở đây với chiếc nón cời rách nát, quần áo bẩn thỉu, thân hình phờ phạc, ngẩn ngơ như kẻ mất hồn đi tìm lí trí. Ai hỏi ông đi đâu, ông cũng chỉ nói mỗi một câu: “Đi tìm vợ”. Than ôi, người đã đi thì đã thật đi rồi, giữa Sài Gòn này, bụi đời che khuất, biết đâu mà tìm…

Hôm qua, con bé về khoe với bà bán được gần trăm vé. Nó còn bảo dành tiền mua thuốc cho bà và mua cái gì đó để bà tẩm bổ cho mau khỏe. “Trời! Con bé còn nhỏ mà đã biết lo”. Tội nghiệp con bé, nó ngoan thế mà phải sớm gánh chịu nỗi bất hạnh đời người. Giá mà bà có được phép màu hay một điều ước nào đó, bà sẽ ước cho nó mau lớn, tự nó lo được cho mình.

      *

Một tuần trôi qua chậm chạp. Mấy ngày ở trong nhà, bà thấy người khỏe hơn. Nhờ mấy thang thuốc nam của ông Lộc mang về đã kìm hãm được cơn ho. Bà lần sờ dưới chiếu, đếm lại mấy đồng tiền lẻ rồi gom thêm số tiền dành dụm bà để bấy lâu trong túi xách gấp gọn trên đầu giường: “Chắc là sẽ đủ” – bà lẩm nhẩm trong miệng. Mặc thêm mấy chiếc áo, với lấy chiếc nón cời đội lên đầu, tay chống cây gậy, bà húng hắng ho mấy tiếng rồi đi về phía phố.

“Tổng cộng hai trăm năm mươi ngàn, bà có lấy hộp luôn không ?” – Chủ tiệm đẩy dây chuyền bạc về phía bà lão.

“Không cần đâu” – Bà đáp trong tiếng ho nhẹ rồi gói gọn sợi dây chuyền bạc trong túi áo.

Chiều Sài Gòn mưa bay bay trên những tàn cây xanh. Cái rét nhè nhẹ cuối đông xuyên qua mấy làn áo mỏng, thấm vào da thịt khiến bà rùng mình run rẩy, đầu óc choáng váng. Bà  lại ho. Những cơn ho quái ác cứ như có búa đập trong lồng ngực. Những dây thần kinh đau buốt dội ngược lên đầu. Hít một hơi dài, bà trấn tính mình: “Con bé đang ở đằng kia, rất gần, phía góc khuất ngã tư đường cuối dãy nhà cao tầng. Nó sẽ nhảy cẫng lên khi nhìn thấy sợi dây chuyền. Tội nghiệp con bé quá, nó đã muốn có bấy lâu mà đâu dám nói”. Cơn ho lại kéo đến. Bà dừng lại, dựa lưng vào góc cây ho sặc sụa. Cơn đau dồn dập trong ngực và giật lên cả đầu. Mặt mũi bà tối xầm lại, hơi thở lạnh toát, con đường trước mặt quay cuồng.

Cố hít một hơi thở dài trấn tĩnh lần nữa, giữ thăng bằng, bà bước tiếp: “Con bé đang ở đằng kia, rất gần, phía góc khuất ngã tư đường cuối dãy nhà cao tầng. Nó sẽ bật khóc và ôm hôn bà nó rối rít khi đeo sợi dây chuyền bạc vào cổ”.

Kia rồi! Bà nhìn thấy cái bóng nhỏ cứ nhảy qua, nhảy lại trên vỉa hè như con chim chích. Cánh tay bé xíu của Su vẫy vẫy giơ cao những chiếc vé số cuối cùng, cái miệng chum chím không ngớt lời mời khách mua. Vịn tay vào bức tường, bà khẽ mỉm cười, miệng đắng chát: “Con bé lanh dữ, ngày trước đi bán cùng bà, nó cứ ngồi thu lu có dám chạy nhảy thế này đâu”. Còn ông Lộc ở đâu sao chẳng thấy. Chắc ông cũng ở gần đây thôi, bà đã dặn là lúc nào cũng phải trông con bé rồi mà.

Con bé không nhìn thấy bà, nó đang mãi mê thối tiền cho khách kia kìa. Bà muốn dành cho nó sự bất ngờ này. Nhưng cơn ho lại đến. Ho sặc sụa. Nước mắt túa chảy ra. Máu. Một cơn lạnh rợn lên ở sống lưng, luống cuống bà dựa tay vào bức tường rồi ngã khụy xuống đất. Nhưng mắt bà vẫn nhìn về phía con bé, tay nắm chặt sợi dây chuyền với về phía nó. Tiếng ù ù bịt bùng trong tai bà sau tiếng gọi văng vẳng:

“Bà Năm!”… “Trời ơi, bà Năm!”….”Su……!”

Hình như là tiếng của ông Lộc. Tiếng gọi thảm thiết kéo dài rồi tắc nghẹn trong cổ họng. Tiếng kêu thảng thốt, ngọng nghịu của ông lão cùng khổ tột cùng đau đớn. Đất trời tối xầm không còn trông thấy, nghe thấy gì nữa. Con bé quay lại, nhìn thấy bà nó nằm bất động, đầu tóc rũ rượi, một tay nắm chặt sợi dây chuyền bạc còn với về phía nó. Nó chỉ kịp thét lên tiếng “Bà ơi!…” rồi chạy về phía bà, xấp vé số trên tay bay tung tóe trong buổi hoàng hôn Sài Gòn tím tái. Tiếng kêu xé toạt không gian lạnh lẽo, rít mạnh trong làn gió buốt thấu xương, nghe rát ngọt như một vết dao nhọn cắt rạch vào da thịt, đầm đìa nước mắt. Tiếng kêu vỡ ra từ trái tim yêu thương bà vô hạn, bao nỗi nhọc nhằn, toan lo, bao ước vọng mà nó gìn giữ bấy lâu… Nó chạy, chạy, chạy… Đôi chân bé nhỏ đạp mạnh xuống mặt đường cố lao về phía trước như mũi tên phóng mạnh về phía hồng tâm bằng tất cả sinh lực. Cả thế giới như ngừng lại, không một âm thanh làm xáo trộn nỗi đâu khổ đang bóp chặp trái tim đang thoi thóp, bóp chặt hơi thở của nó. Không một chuyển động có thể làm nó xao nhãn. Thời gian như ngừng lại để chứng kiến cái cảnh bi thương, đau đớn vô tận. Nó sà xuống ôm lấy bà như con chim nhỏ líu ríu, cố đỡ bà dạy nhưng không được nữa. Nó nắm chặt lấy tay bà, nắm chặt lấy sợi dây chuyền bạc. Hơi ấm nhạt dần trên bàn tay cằn cỗi. Bà nó đã ra đi.

Buổi chiều hôm ấy, người ta nghe những tiếng ré khóc mãi không thôi. Tiếng khóc thảm thiết, bất lực và vô vọng. Dường như nó muốn khóc đến khô kiệt sức lực để hồn rồi bay theo cùng bà. Ông Lộc chỉ biết ôm con bé, ú ớ khóc cùng nó. Bóng tối bao trùm. Những chiếc đèn màu bắt đầu lung linh. Đường phố vẫn cứ tấp nập, không mấy ai để ý đến cảnh tượng thương tâm ấy. Bên kia đường, đối diện với chỗ hai bà thường đứng bán vé số khách vẫn ra vào nườm nượp. Trên tầng cao, những căn phòng sáng, khách vẫn điềm nhiên thưởng thức bữa tiệc ngon, không hề hay biết dưới đường một linh hồn đã từ biệt thế gian bay về với chúa.

       *

Trên bầu trời đêm, con bé ngơ ngác nhìn. Nó cố nhớ lại vị trí của các vì sao mà bà đã chỉ nó. Nó cố tìm ra vì sao nào là bà vì nó nghĩ bà nó sẽ hóa thành một vì sao sáng, đêm đêm trở về cùng nó.

TVL.

1 bình luận trong “Truyện ngắn: Sợi dây chuyền bạc”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang