Suy nghĩ về câu nói “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực”.
- Mở bài:
Trong cuộc sống, con người ta chỉ thích nghe những lời ngon ngọt, thuận tai. Tuy nhiên, lời ngọt ngào thường chẳng phải là lời thật lòng. Benjamin Fraklin đã từng nói rằng: “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực”.
- Thân bài:
Trung thực là thật thà, ngay thẳng, không gian dối. Ngược lại hoàn toàn là dối trá, lừa lọc – những hành vi xấu xa lừa mình gạt người để làm tổn hại đến người khác hay đem đến tư lợi riêng cho mình. Tóm lại, dối trá là hành vi của lòng tham vô đáy thuộc về con người. Bất cứ ai cũng như thế, cũng có lòng tham nên trở thành một người thật thà không phải là một chuyện dễ dàng. Ý nghĩa của câu nói này là mang hàm ý phê phán những hành vi dối trá, rằng những người thực hiện hành vi này chỉ là những người ngu ngốc, không có đủ trí óc cho sự thật thà, trung thực.
Thường những người thật thà sẽ nhận được sự tin cậy, tín nhiệm của mọi người trong học tập và cả công việc, dễ dàng phát huy năng lực của bản thân. Còn những người hay nói dối, sống giả dối sẽ chẳng có được lòng tin của ai, từ đó sẽ cô lập bản thân với Thế giới bên ngoài, chỉ vì mất đi sự tin tưởng. Trung thực giúp chúng ta có một tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng, không tham cầu mưu lợi, sống sẽ thanh thản hơn. Ngược lại khi chúng ta sống dối trá, tâm tư ta lúc nào cũng phải lo lắng, thấp thỏm không yên vì chẳng thể đoán được khi nào thì bí mật sẽ bị bại lộ. Từ đó sẽ hình thành rất nhiều rất nhiều phiền não không đáng có, cuộc sống sẽ không dễ dàng, chật vật, tuổi thọ sẽ ngày một giảm đi cũng như nhan sắc sẽ mau tàn phai hơn.
Đôi lúc, ta cảm thấy nói những lời dối trá sẽ dễ dàng hơn là nói sự thật. Vì vậy, để khắc phục nói dối, ta cần phải biết học cách làm sao để trở thành một người trung thực. Ông bà ta đã có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, ngụ ý trước khi nói ta cần phải suy nghĩ trước. Ở đây là suy nghĩ về những hậu quả có thể phát sinh sau lời nói dối của bản thân là gì, có làm cho ta cảm thấy áy náy khó chịu hay không, có làm hại đến người vô tội khác hay không. Hay quan trọng hơn là người đó, sự việc đó có đáng để mình phải đánh mất danh dự mình như vậy hay không. Từ đó khắc phục những lần nói dối, giảm thiểu hết mức có thể. Ngoài ra còn phải trung thực trong học tập, thi cử hay trong công việc.
Cũng như câu nói của Benjamin, rằng nói dối là hành vi của những kẻ không có trí óc, thì hãy thể hiện ra mình là một người thực sự giỏi khi đạt được sự thành công bằng chính năng lực của bản thân mà chẳng cần gian lận, dối gạt ai. Là đã có thể thành công một phần trở thành một người trung thực đúng nghĩa, hay ít nhất thì bạn cũng đã có một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản hơn là không rồi.
Bằng chứng là trong những công ty lớn, người nhận được càng nhiều sự tin tưởng của mọi người thì giữ chức vụ càng lớn, càng thành công. Giả như bạn là đối tác, bạn sẽ lựa chọn tin tưởng một tổng giám đốc hay một anh nhân viên nhỏ nhoi ? Trong lịch sử cũng có rất nhiều bài học về tính trung thực. Bằng chứng là vào thời Trung Hoa cổ đại, Trử Toại Lương là quan chép sử của vua Đường Thái Tông thời bấy giờ, ông khiến ta khâm phục khi lựa chọn cái chết chứ không thèm viết sai sách sử. Sau này, Sử gia Tư Mã Thiên cũng theo bước đường đó mà dẫu bị nhục hình bức cung vẫn phải viết cho đúng theo lịch sử.
Gần hơn, một tấm gương sáng chói của lòng trung thực là vị Lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta. Tư tưởng và lẽ sống của Bác là phải sống trung thực, có trách nhiệm với mình, với người, với việc, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa nói và làm, không được hứa suông, nói là thực hiện ngay chứ không chần chừ, hứa hẹn. Tấm gương của Người mãi mãi là bài học quý cho ta học tập và rèn luyện.
Xung quanh ta có rất nhiều người trung thực, là những người rất đáng được ngợi ca. Bên cạnh đó là những người xảo trá, thường đi lừa lọc người khác, họ thường bị cái lợi trước mắt che mờ đi lý trí vốn có, những người này cần được nhắc nhở, khuyên răn cho họ về đúng với đạo lý sống của con người, từ đó cũng cảm thông cho lỗi lầm của họ, đồng thời giúp đỡ họ cho Thế giới có thêm nhiều người trung thực hơn, hay chỉ ích cũng giảm thiểu được số lượng của kẻ giả dối.
Hiển nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ khác. Như những trường hợp nói dối mà không làm hại đến người khác, ngược lại mang lại lợi ích như một bác sĩ nói dối để cho bệnh nhân hy vọng, giúp họ kéo dài thêm mạng sống thì không phải là biểu hiện của một kẻ không có trí óc. Có khi ngược lại trong cuộc sống, kẻ nói dối hay mới là kẻ có đầu óc thì sao ? Bởi lẽ chúng biết cách làm cho mọi người đặt niềm tin vào chúng, chẳng hoài nghi dù cho chúng chẳng nói bao lời thật lòng. Nhưng một kẻ thực sự có,đầu óc, sẽ không bao giờ là một tên nói dối, vì người ta hoàn toàn có thể tự nghĩ ra một cách thức khác, hoàn toàn không cần động đến lời nói dối vẫn có thể giải quyết sự việc một cách dễ dàng. Những người bạn giả dối giống như những chiếc bóng: chúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm và giả vời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm.
Bản thân mỗi con người chúng ta muốn trở nên trung thực cũng không phải là một việc khó. Như trong công việc, trong học tập không gian lận trong thi cử. Nhất là học sinh, cần phải trung thực hết mức có thể trong cuộc sống, rèn luyện nhân phẩm nhân cách tốt mai sau đem sức mình dựng xây đất nước, quê hương.
- Kết bài:
Không di sản nào quý bằng lòng trung thực. Con người trưởng thành qua kinh nghiệm nếu họ đối diện với cuộc đời trung thực và can đảm. Đây là cách tính cách hình thành. Hãy luôn trung thực trong cuộc sống, như cái cách mà bạn nói với bản thân, nói với xã hội rằng: tôi thực sự là một kẻ có trí óc. Dối trá và lừa lọc là nguyên nhân dẫn đến thất bại nhanh nhất.