Bàn về hiện tượng nói dối của con người ngày nay

suy-nghi-ve-cau-noi-doi-tra-va-lua-loc-la-hanh-dong-cua-ke-ngu-xuan-khong-co-du-tri-oc-de-trung-thuc.jpg

Bàn về hiện tượng nói dối của con người ngày nay

  • Mở bài:

Benjamin Franklin từng nói rằng: “dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực”. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá. Không một ai cảm tìm thấy được hạnh phúc khi họ sống bằng sự giả dối cả. Thế mà, càng phát triển, con người càng nói dối nhiều hơn và khéo léo hơn. Hiện tượng nói dối của con người thật đáng lo ngại trong cuộc sống này.

  • Thân bài:

Nói dối là gì?

Nói dối là chủ tâm nói một điều không đúng với sự thật nhằm thực hiện một mục đích nào đó trong giao tiếp. Một lời nói dối thường là một phát ngôn sai có mục đích, dùng cho việc lừa gạt. Nói dối có thể phục vụ cho nhiều mục đích và chức năng tâm lý khác cho cho những cá nhân sử dụng. Thông thường, thuật ngữ “nói dối” mang hàm ý tiêu cực và tùy vào hoàn cảnh, người nói dối sẽ là đối tượng chỉ trích của xã hội, pháp luật hay tôn giáo.

Lời nói dối có thể nói ra từ một người, một nhóm người hay một chính thể với chú ý tạo nên một sự việc giả dối, không có thực để làm cho người nghe tin là có thực. Đối tượng nói dối luôn luôn có sẵn một mục đích. Hiện tượng nói dối lúc ban đầu có thể chỉ là một câu chuyện vui đơn giản vô hại; cũng có thể là một mưu toan đi đến lường gạt rộng lớn; tội đại hình như: cướp của, giết người ….

Tác hại của lời nói dối:

Không có gì che đậy được lâu dưới ánh sáng mặt trời”. Một sự nói dối to lớn còn gọi là sự lường gạt, nếu bị tìm ra thì hậu quả tai hại của nó không thể lường được. Phía sau lời nói dối có thể là những động cơ, nguyên nhân khác nhau: những toan tính, thủ đoạn của kẻ không trung thực; sự yếu đuối, hèn nhát của người không dám đối diện sự thật; né tránh sự thật đau lòng, không muốn làm tồn thương người khác. Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực

Nói dối gây ra những hệ lụy không ai mong muốn, những hậu quả khôn lường. Lời nói dối có thể kéo theo những hành động gian dối, làm xói mòn nhân phẩm, niềm tin giữa con người với nhau, gây bất ổn nhiều mặt trong xã hội,… Biết bao nhiêu xung đột do lời nói giả dối gây ra, làm tổn hại tiền của và sinh mệnh. Biết bao nhiêu mối quan hệ tốt đẹp cũng rạn nứt hoặc chấm dứt là bởi những lời nói dối.

Nói dối làm suy giảm niềm tin giữa con người với con người. Không ai lại có thể tin tưởng một kẻ hay nói dối. Càng nói dối, bạn sẽ càng bị người khác xa lánh, ghét bỏ, trừng phạt. Bản thân người nói dối không những không chiếm được thiện cảm của người khác mà còn không nhận được sự trợ giúp. Bởi thế, kẻ nói dối thường thất bại và sống cuộc đời hèn kém trong cuộc sống này. Lời nói dối một khi bị phát hiện sẽ chặn đứng sự gần gũi của người khác, khiến họ đề phòng, xa lánh và lành lùng hơn.

Càng nói dối ta càng thêm bất an, hoài nghi và sợ hãi. Khi ấy, ta dành hết cả thời gian và suy nghĩ để che đậy hành vi giả dối của mình, lo lắng người khác phát hiện. Nói dối không những làm tổn hại sức khỏe mà còn tổn hại đến thần kinh vì lo sợ bị trừng phạt.

Kẻ hay nói dối thường không có lòng tin tưởng ở người khác. Họ hay nghi ngờ, đề phòng mọi thứ ở xung quanh. không những không có lòng trung thực, kẻ hay nói dối cũng không có lòng tôn trọng đối với người khác. Kẻ nói dối thường hay biến đúng thành sai, biến trắng thành đen nhằm vụ lợi cho bản thân hoặc hãm hại một ai đó. Bởi thế, kẻ nói dối thường gây mất đoàn kết trong tập thể, tổn hại đến trật tự, an ninh xã hội, làm đảo lộn các giá trị chân thực trong đời sống.

Sự nói dối thường phải được bổ sung bởi một hay nhiều lời nói dối khác. Như vậy người nói dối phải có trí nhớ thật tốt để nhớ tất cả những gì mình đã nói. Hoặc là phải có một chính sách thật tàn bạo để sẵn sàng cưỡng bức, áp chế người nghe. Dần dà sự thật trở thành kẻ thù đáng sợ nhất của sự nói dối. Một khi sự nói dối diễn tiến một cách liên tục, thì nó càng dễ bị khám phá bời vì sẽ đán lúc đầu và đuôi không ăn khớp với nhau nữa. Một khi bị khám phá ra, người nói dối sẽ mất hết tín nhiệm. Tín nhiệm đã mất thì khó mà xây dựng lại được.

Đối với cá nhân, chúng ta chỉ là những con người người bình thường chứ không phải là thánh nhân, nghĩa là sẽ có sai lầm. Không ai trong chúng ta dám nói là chưa bao giờ nói dối hoặc sẽ không bao giờ nói dối. Chúng ta đều hiểu là trong nhiều hoàn cảnh, chúng ta phải cân nhắc xem nói dối hay nói thật cái nào sẽ có hại hoặc mang hoạ đến cho chúng ta nhiều hơn.

Nguyên nhân khiến con người nói dối nhiều hơn:

Con người ngày nay thường hay nói dối. Đó không phải là một vài trường hợp đơn lẻ mà dường như đã trở thành một hiện tượng, có tính phổ rộng. Nói dối là phá hỏng niềm tin và làm suy thoái nhân cách con người. Điều đó thật đáng lo ngại.

Nguyên do đầu tiên là vì sợ hãi. Trước cuộc sống đầy biến động, con người thường sống trong nhiều nỗi sợ hãi. Nói dối là cách để họ né tránh trách nhiệm, né tránh công việc, hoặc né tránh hình phạt. Càng yếu đuối, lười biếng, ích kỉ, con người càng nói dối nhiều hơn.

Nguyên nhân thứ hai là nhiều người có thói quen nói dối. Nhiều người trong gia đình có thới quen nói dối, giả dối khiến việc nói dối lây nhiễm. Chuyên lớn, chuyện nhỏ họ đều nói dối. Nói dối đối với họ như một thói quen, bởi thế họ không cho là sai phạm quan trọng.

Nền tảng đạo đức xã hội xuống cấp, con người đề cao đời sống vật chất thực dụng, đề cao giá trị tiền bạc khiến hiện tượng nói dối, lừa lọc trở nên phổ biến hơn. Người lớn không gương mẫu, nhà trường giáo dục đạo đức sơ sài, xã hội thờ ơ, căn bệnh nói dối vì thế ngày càng lan nhiễm nhiều hơn.

Kẻ hay nói dối là vì vụ lợi cho bản thân hoặc nói dối để hãm hại người khác. Nhiều người nói dối để có thể chiếm phần lợi ích cao hơn người khác. Nhiều người dùng lời dối tra để vu khống, hãm hại người khác, làm mất đoàn kết, khiến tập thể rối loạn nhằm một mục đích nào đó.

Lịch sử đã chứng minh nhiều lần là sự thực, chân lý cuối cùng sẽ thắng; kẻ dối trá sẽ phải đền tội xứng đáng. Nếu chúng tá muốn người khác thành thực với mình, thì mình trước hết phải tỏ rõ thiện chí, thành thực với họ trước. Sự giả dối có vô vàn biến thể, nhưng sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất.

Bài học: Nói dối là một thói xấu, vì thế con người cần rèn luyện cho mình phẩm chất trung thực, không được nói dối. Cần lên án, phê phán nghiêm khắc những kẻ nói dối cũng như những hành vi gian dối. Nhưng cũng nên có cách nhìn nhận thấu đáo nếu phải nghe những lời nói dối.

Trong tình huống, cảnh ngộ cụ thể, nhất thời, con người có thể buộc phải nói dối. Tuy nhiên, không được lạm dụng lời nồi dối. Bởi suy cho cùng, trong cuộc sống không ai muốn nghe hoặc phải nói những lời gian dối và sớm muộn sự thật cũng sẽ được phơi bày.

  • Kết bài:

Sự giả dối là sản phẩm tồi tệ do con người tạo ra. Chỉ có những kẻ không có đủ sự dũng cảm và lòng trung thực mới nói dối. Và càng tồi tệ hơn nếu chúng ta mãi sống với nó. Không có cách nào khác để thành công tốt hơn đó là không bao giờ giả dối. Hãy rèn luyện những phẩm đức tốt đẹp, hãy chiến thắng bằng sức mạnh của niềm tin và ánh sáng. Đó là chiến thắng vẻ vang nhất mà mỗi con người cần hướng tới.

Nghị luận: Phía sau lời nói dối

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận về ý nghĩa của tấm lòng trung thực - Theki.vn
  2. Đề bài: Đọc - hiểu về chủ đề nói dối - Theki.vn
  3. Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ: Phía sau một lời nói dối - Theki.vn
  4. Viết đoạn văn 200 chữ bàn về căn bệnh nói dối - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.