Suy nghĩ về hiện tượng học chay, học vẹt của học sinh hiện nay

nghi-luan-hien-tuong-hoc-chay-hoc-vet-cua-hoc-sinh-hien-nay

Suy nghĩ về hiện tượng học chay, học vẹt của học sinh hiện nay.

  • Mở bài:

Không quá xa lạ khi nhắc đến hiện tượng học chay, học vẹt của học sinh ở các trường học hiện nay. Đó là cách học vô cùng tai hại, gây những tổn thất to lớn đối với nhiệm vụ giáo dục con người và cả người học. Mặc dù, nhà trường và chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, ra sức nỗ lực khắc phục nhưng vẫn chưa thể cải thiện được tình hình. Học sinh ở nước ta vẫn cứ học chay, học vẹt, học đối phó theo lề thói quen thuộc.

  • Thân bài:

Học chay là gì?

Học chay là cách học đơn lập, chỉ học lí thuyết suông mà không gắn với thực hành, thực tế để rèn luyện kĩ năng, kiện toàn và phát triển năng lực người học. Kiến thức hình thành được hoàn toàn sáo rỗng.

Học vẹt là gì?

Học vẹt là một cách nói ẩn dụ, ví cách học của học sinh như cách học của con vẹt, học sinh chỉ bắt chước sao cho giống, lặp lại trôi chảy nhưng không hiểu gì.

* Nhận xét:

Học chay, học vẹt là cách học thụ động, tiêu cực, thậm chí là nguy hại. Người học chỉ nhớ được cái bóng của kiến thức chứ không lĩnh hộ được nội dung và ý nghĩa. Tuy ghi nhớ nhưng hoàn toàn không thấu hiểu tri thức. Từ đó, không có kĩ năng và kinh nghiệm thực tiễn. Học chay, học vẹt là cách học lệch lạc, sai lầm và phản khoa học.

Hiện trạng học chay, học vẹt của học sinh hiện nay.

Trong những năm gần đây, nền giáo dục đã có những chuyển biến mạnh mẽ và tích cực. Nội dung và phương pháp giảng dạy có nhiều thay đổi lớn. Thế nhưng, tình trạng họ chay, học vẹt của học sinh vẫn tồn tại. Thậm chí là còn rất phổ biến và có xu hướng tăng cao do tác động của nền công nghệ và lối sống thụ hưởng vật chất.

Tại các trường học, một hình thức dễ thấy nhất đó là dạy học tại lớp. Giáo viên độc giảng còn học sinh chăm chú ghi chép. Với khoảng 10 môn học bắt buộc phải có ghi chép. Tính trung bình mỗi học sinh, trong một năm học phải chép đến hơn 1000 trang vở. Ở một vài khối lớp có thể còn nhiều hơn nữa. Việc ghi chép nhiều cản trở nghiêm trọng đến khả năng lắng nghe, suy nghĩ và trình bày của học sinh.

Hầu hết các trường đều có phòng thực hành, phòng thí nghiệm nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chương trình các môn khoa học tự nhiên thiên về dạy lý thuyết. Bài học thiếu các bài thực hành sinh động. Học sinh học mà không được thực hành khắc sâu kiến thức. Học sinh vẫn học chay, học vẹt trên trang sách.

Nguyên nhân khiến học sinh học chay, học vẹt.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng học chay, học vẹt của học sinh. Trước hết là do chương trình giáo dục của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, thiếu tính khoa học. Giáo dục nước ta vẫn còn nặng về giảng dạy lý thuyết và xem trọng việc học thuộc lòng, thiếu cơ sở thực hành, sân chơi sáng tạo. Từ đó, bài học kém sinh động, nhàm chán, ít liên hệ và vận dụng trực tiếp vào giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Dù chương trình giảng dạy đã lạc hậu, trì trệ, không còn phù hợp với thực tế nhưng việc đổi mới lại diễn ra chậm chạp và thiếu tính quyết liệt, đột phá. Tư duy của các nhà giáo dục chưa bắt kịp với thời đại. Sự cẩn trọng vô tình khiến chúng ta tiến chậm hơn thế giới đến mấy chục năm phát triển. Trong những năm gần đây, nước ta bắt đầu học tập mô hình giáo dục của một vài nước tiên tiến trên thế giới. Thế nhưng, việc vận dụng lại không phù hợp với tình hình giáo dục của đất nước khiến cho nền giáo dục ở nước ta giống như một bức tranh với những mảnh ghép vụng về, khập khiễng, thiếu tính đồng bộ sâu sắc.

Cơ sở vật chất và lực lượng giáo dục dù đã có những bước tiến lớn nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Chính cơ sở vật chất yếu kém làm nảy sinh lối học chay, học vẹt. Đội ngũ giảng dạy tuy đông đảo, liên tục được bồi dưỡng và nâng cao năng lực nhưng chậm biến đổi và thích ứng với phương thức giáo dục hiện đại. Nhiều thầy cô giáo vẫn kiên trì với hình thức giảng dạy truyền thống đã tồn tại trong mấy chục năm qua vốn đã rất lạc hậu và trì trệ gây ảnh hưởng sâu sắc đến cách học và phương thức tiếp cận, tiếp nhận tri thức của học sinh.

Các quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của giáo viên và học sinh tuy tích cực, tiến bộ, song chính nó lại gây trở ngại lớn đối với người dạy học trong công tác quản lí, giảng dạy và khuyến khích học sinh hứng thú học tập và rèn luyện kĩ năng. Có thể so sánh vấn đề này với Hàn Quốc. Bằng việc học tập nền giáo dục Nhật Bản, người Hà Quốc đã từng bước nâng cao nền tri thức, tiến đến sáng tạo và thành công, đưa Hàn Quốc thoát khỏi trì trệ trở thành cường quốc. Giá trị cốt lõi trong chương trình và phương pháp giáo dục của họ là vừa học tập vừa vận dụng vào thực hành. Lý thuyết và hành động phải song song. Họ không ngần ngại học cái hay, cái tốt của người khác. Điều quan trọng đối với họ đó là chương trình giáo dục có thực sự phục vụ sự tiến bộ của con người và đất nước hay không.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ tâm lí xã hội. Nước ta vốn vừa thoát ra khỏi ý thức Nho học, nặng về giáo dục con người mang tính khuôn mẫu. Học sinh có tâm lí ỷ lại, dựa dẫm nên thường học qua loa, học tủ, học vẹt, học đối phó, không hứng thú đối tri thức khoa học và kĩ năng thực hành.

Phương pháp học tập bảo thủ và sai lầm. Con người chạy theo môn học thời thượng để cầu danh, cầu lợi mà chú trọng đến thực hành. Bởi thế học sinh Việt Nam dù giỏi về lý thuyết nhưng lại kém sáng tạo và kĩ năng vận dụng vào công việc, chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống.

Cơ chế thi cử khắt khe theo kiểu kiểm tra thuộc bài, vấn đề cạnh tranh việc làm khốc liệt khiến cho học sinh phải nỗ lực thi đậu để có trường học. Họ không còn thời gian và hứng thú đối với rèn luyện kĩ năng thực hành. Học chay, học vẹt là một xu thế tất yếu phải xảy ra.

Ý thức học tập của học sinh ngày nay là rất kém. Học sinh ngày nay trở nên lười biếng và thụ động hơn các thế hệ trước. Họ ham chơi, ít học, xem thường việc thực hành và rèn luyện kĩ năng, sống buông thả, không biết lo xa.

Hậu quả đáng lo ngại của hiện tượng học chay, học vẹt đối với học sinh hiện nay.

Đầu tiên là học sinh học nhiều nhưng hiểu ít, yếu về kĩ năng vận dụng kiens thức. Rất nhiều học sinh thiếu kiến thức, thiếu kĩ năng và năng lực làm việc thực tế. Họ không có năng lực sáng tạo và năng động trong công việc học tập và làm việc. Thực tế cho thấy, mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường chật vật trong vấn đề tìm kiếm việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp hoặc làm việc việc trái ngành khá phổ biến trong xã hội. Doanh nghiệp than không có người tài, xã hội bức bối trong vấn đề thất nghiệp của sinh viên. Một lí do rất đơn giản là sinh viên có trình độ nhưng không có kĩ năng làm việc thực tế. Học chay, học vẹt, chạy đua thành tích, trọng bằng cấp thực sự gây tai hại cho nền giáo dục nước nhà. Đất nước đang trên đà phát triển, cần có đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất nhưng lực lượng lao động quá yếu kém. Đây là một vấn đề gây đâu đầu cho các nhà quản lí và tuyển dụng nhân lực trong suốt nhiều năm qua.

Học sinh học chay, học vẹt, học nhiều mà không hiểu làm nảy sinh nhận thức lệch lạc, sai lầm, gian lận trong thi cử, thiếu niềm tin vào trường học và cuộc sống. Từ đó mất định hướng, nảy sinh tâm lí bất mãn dễ dẫn đến tệ nạn xã hội và các hành vi phạm pháp. Thực tế, nó đã là hiện thực. Tỉ lệ tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng tăng cao qua các năm là một lời cảnh báo toàn xã hội về vấn đề giáo dục con người ngay trên ghế nhà trường.

Nền tảng tri thức thấp kém là nguyên nhân dẫn đến các hành vi chạy việc, hối lộ, tham nhũng, tệ nạn quan liêu trong xã hội. Hiện tượng mua việc, chạy việc, bổ nhiệm bất hợp lí vốn là vấn đề được đề cập khá nhiều trên báo chí, gây nhức nhối trong xã hội. Một khi hiện tượng này còn tiếp diễn sẽ tiếp tục gây tổn thất lớn lao cho học sinh, gia đình và đất nước.

Giải pháp khắc phục hiện trạng học chay, học vẹt, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Để chấm dứt tình trang học chay, học vẹt của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước không còn cách nào khác là nhà nước và nhân dân phải vào cuộc, kiên quyết hành động cùng nhau tháo gỡ.

Trước hết là phải đầu tư cải cách toàn diện nền giáo dục. Thay đổi từ chương trình cho đến phương pháp giáo dục. Hướng đến giáo dục phát triển toàn diện năng lực người học. Gắn việc đào tạo với nhu cầu công việc trong thực tế. Cải cách phương thức kiểm tra, thi cử, tuyển dụng. Tạo điều kiện cho người học tiếp cận nền tri thức tiến bộ và dễ dàng tìm được việc làm trong đời sống.

Nâng cao tri thức nền tảng trong xã hội. Nhà trường kiên quyết thực hiện chống hiện trạng học chay, học vẹt, học đối phó, chạy theo thành tích. Mỗi học sinh phải tự nỗ lực nâng cao nhận thức, ra sức học tập, rèn luyện tri thức toàn diện cho bản thân, hướng đến kiện toàn kĩ năng, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trong đời sống ở tương lai.

Tuyên truyền, khuyến khích học sinh thi đua ra sức học tập và khuyến khích làm việc sáng tạo trong đời sống. Phải tạo được môi trường toàn dân học tập, cùng hướng đến sự thịnh vượng chung của đất nước.

Nang cao ý thức tự giác trong học tập, đề cao tinh thần tự học. Chỉ khi biết tự học, học sinh mới có động lực để nỗ lực học tập. Phát hiện, tôn vinh, đề cao nhiều tấm gương vượt lên nghịch cảnh học tập thành công, những người không chịu thua số phận để học sinh noi theo.

Bàn luận mở rộng.

Học tập là chiếc chìa khóa mở cánh cửa bước vào tương lai. Học phải đi đôi với hành, lấy kiến thức để tiến hành hoạt động thực hành, lấy thực hành để hoàn thiện kiến thức.

Học chay, học vẹt là cách học sai lầm. Nó hoàn toàn phản khoa học và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạc hậu và suy thoái tri thức, nhân cách con người. Những người lười biếng, ngại thay đổi, chọn lựa điều dễ, tránh việc khó, lựa chọn cách học đối phó, nguy hại, sớm muộn gì cũng rước thất bại vào thân. Những người như thế thật đáng chê trách.

Bài học nhận thức và hành động.

Nhận thức rõ tác hại của lối học chay học vẹt, học đối phó, cần phải loại bỏ nó ngay lập tức.  Học phải đi đôi với hành. Học không phải để cầu danh cầu lợi. Học là để có hiểu biết, để làm việc, để chung sống và tự khẳng định mình. Chỉ có học tập mới giúp con người chiến thắng hoàn cảnh, gặt hái thành công. Tuổi trẻ không siêng năng học tập, tuổi già phải sống với hối hận”

  • Kết bài:

Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Và chắc chắn rằng chẳng có kẻ lười biếng nào mà đạt được thành công chân thực cả. Là học sinh phải phấn đấu trong học tập, rèn luyện nhân cách nhân phẩm tốt đẹp, tránh lối học chay, học vẹt nguy hại. Xác định mục đích học tập đúng đắn để trở thành người hữu ích mai này đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

Nghị luận về tác hại của gian lận trong thi cử của học sinh ngày nay

21 bình luận

  1. Bỏ qua việc tham khảo để làm văn sang một bên, cá nhân em cảm thấy người viết thật tuyệt vời, từng câu chữ đánh vào trọng tâm vấn đề của hiện đại, dòng cảm xúc chân thật. Một lần vào 2 năm trước em có lướt mạng xã hội và nghe về việc sẽ cải biến lại bộ sách giáo khoa của học sinh để nó thực tế và giảm bài đi một chút, sau đó em đã khóc, em cứ nghĩ rằng học sinh chúng em sẽ được gỡ bớt 1 phần gánh nặng và có 1 tuổi thơ,… nhưng có vẻ nó sẽ không được thực hiện…

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Viết đoạn văn 200 chữ bàn luận về tác hại của hiện tượng học chay, học vẹt, học đối phó - Theki.vn
  2. Dàn bài: Suy nghĩ về hiện tượng học tủ, học vẹt - Theki.vn
  3. Văn bản "Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới" (Vũ Khoan), SGK Ngữ văn 9, tập 2 - Theki.vn
  4. Tài liệu luyện thi tuyển sinh 10: Chủ đề nghị luận xã hội (Phần II). - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.