suy-nghi-ve-duc-tinh-khien-ton-qua-cau-chuyen-gieng-nuoc

Suy nghĩ về đức tính khiêm tốn qua câu chuyện Giếng nước tĩnh lặng

Suy nghĩ về đức tính khiêm tốn qua câu chuyện Giếng nước tĩnh lặng.

“Có một loại người như thể giếng nước. Mới nhìn, cái giếng ấy chẳng qua là một vũng nước đọng, mãi lặng yên, dù gió có thổi đến cũng không hề gợn sóng. Kẻ qua đường chẳng mấy ai dừng ngắm xem.

Nhưng có một ngày, nếu bạn khát nước, lấy gàu đến múc uống, bấy giờ bạn mới kinh ngạc phát hiện: cái giếng ấy, nước múc lên sao mà trong, mà mát, vị nước ấy thật ngọt ngào”

(Trích Giếng nước – Vưu Kim, Ngữ văn 10 nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr. 181)

Hãy viết bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) bàn về loại người “như thể giếng nước” đã nêu trên.


Hướng dẫn làm bài:

1. Giải thích vấn đề:

Người biết ít thường nói nhiều, trong khi người biết nhiều thường nói ít. Sự khiêm tốn là lương tri của cơ thể. Đừng để những ham muốn tầm thường biến chúng ta thành kẻ xấu xí trong mắt của người khác. Bài học từ Giếng nước tĩnh lặng khiến ta phải suy nghĩ không ngừng.

Loại người “như thể giếng nước” là những người khiêm tốn. Họ không có sự thể hiện nổi bật trước mọi người. Như cái giếng kia chẳng qua là một vũng nước đọng, mãi lặng yên, dù gió có thổi đến cũng không hề gợn sóng, kẻ qua đường chẳng mấy ai dừng ngắm xem. Họ khiêm tốn, giản dị, điềm tĩnh trước mọi biến động của dư luận và xã hội. Thế nhưng, họ lại có kiến thức uyên bác, tính cách sâu sắc, phẩm chất thanh cao, thật đáng quý (giếng sao mà sâu, nước múc lên sao mà trong, mà mát, nước ấy thật ngọt ngào) khiến người tiếp xúc phải ngạc nhiên, thán phục.

Trong cuộc sống còn nhiều phức tạp như hiện nay, kiểu người thanh cao, trầm lặng mà tốt đẹp như đã nêu trên càng khiến chúng ta trân trọng hơn, suy nghĩ đến nhiều hơn để nhìn vào đó mà sửa mình.

2. Bàn luận vấn đề:

“Giếng nước tĩnh lặng” là biểu hiện của đức tính khiêm tốn, là năng lực chiến thắng nhưng ham muốn tầm thường của bản thân hướng tới cái cao đẹp của con người trong cuộc sống.

Khiêm tốn là một trong những phẩm chất cao quý nhất trong kho tàng phẩm chất của con người. Khiêm tốn không những chẳng hạ thấp bản thân mà còn nâng cao giá trị cá nhân của con người, nó tượng trưng cho sự chững chạc, cho tầm nhìn trong cuộc sống. Con người khiêm tốn thường không thể hiện, ngược lại họ nhún nhường, nhã nhặn, cầu tiến, từ đó mỗi lúc một tiến bộ hơn. Người càng vĩ đại thì càng khiêm tốn. Càng khiêm tốn càng trở nên vĩ đại.

Cuộc sống chứa đầy thăng trầm, thái độ lo sợ hay cố tìm cách chạy theo để thích ứng với những thay đổi không hẳn là sai. Thế nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là cần có bản lĩnh tự chủ, bình tâm trước mọi biến cố, chế ngự và kiểm soát tốt cảm xúc để không bị người khác tác động hay ngoại cảnh chi phối. Có như vậy, chúng ta mới có thể sáng suốt quyết định mọi vấn đề và chọn giải pháp hiệu quả nhất trong cuộc sống của mình.

Cuộc đời là bài học dài về tính tự khiêm. Nó ẩn chứa muôn vàn gian nan, trắc trở với bao nhiêu cạm bẫy giăng đầy; do đó sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống cùng với việc luôn giữ mình trong sạch sẽ giúp chúng ta rờị xa những ham muốn bản năng, những tham lam vốn có của con người. Một khi vượt qua được hết những cám dỗ, đó cũng chính là lúc ta rèn luyện và khăng định được sức mạnh của bản lĩnh cứng cỏi, ý chí kiên định, phẩm chất tốt đẹp.

3. Bài học nhận thức và hành động:

Hãy lao động nhiều hơn tất cả mọi người, nhưng hãy nói về bản thân mình ít hơn tất cả mọi người. Trong cuộc sống hãy quan sát thật kĩ và thận trọng khi đánh giá một sự vật hiện tượng nào đó, nhất là đánh giá người khác. Ta không thể đánh giá một con người chỉ vì vẻ ngoài hay phê phán họ bởi một lần tiếp xúc.

Phẩm giá con người là những viên đá quý, viên đá đó còn lấp lánh đẹp đẽ hơn nếu được lồng vào cái giá khiêm tốn. Để trở thành một người “như thể giếng nước” mỗi cá nhân cần chú tâm học tập, trau dồi kiến thức, luôn khiêm tốn; rèn luyện bản lĩnh vững vàng trước mọi thử thách, biến động của cuộc sống. Quan trọng nhất là cần chú ý đến giá trị đích thực, không nên chạy theo lối sống chuộng hình thức, thích thể hiện mình một cách không cần thiết.

Hãy nhớ rằng sự kiêu căng, tự mãn làm hỏng cả những thiên tài tốt đẹp nhất. Không nhiều mối nguy hiểm rằng tài năng hay những điều tốt đẹp thật sự sẽ không được chú ý; và thậm chí ngay cả trong trường hợp đó, nhận thức được mình có nó và sử dụng tốt nó nên thỏa mãn được ta, và sự quyến rũ lớn nhất của mọi quyền năng là tính khiêm tốn. Chúng ta càng lên cao, chúng ta càng nên bước đi khiêm tốn.

Không rèn luyện được tính khiêm tốn thì chưa thể làm người tốt được. Nếu không có được tính khiêm tốn, nhất định con người không thể thành công và có được hạnh phúc trong cuộc sống này. Hãy như một “giếng nước tĩnh lặng”, không khoe mẽ nhưng có đầy những giá trị.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang