»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về lối sống vô cảm của thanh niên hiện nay
- Mở bài:
Thanh niên là nguồn lực lao động mạnh mẽ của đất nước. Thanh niên cũng là lớp người sẽ thay thế các bậc cha anh làm chủ đất nước. Thế nhưng, trong thanh niên nước ta hiện nay, một số cá nhân chạy theo lối sống vật chất, ngày càng trở nên ích kỉ và vô cảm. Không những thế, hiện tượng vô cảm có xu hướng lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội. Lối sống vô cảm là một vấn đề nan giải trong xã hội nước ta ngày nay.
- Thân bài:
Vô cảm là gì?
Vô cảm là không có cảm xúc, dửng dưng trước những sự việc, những hiện tượng xảy ra xung quanh mình. Xét từ góc độ tâm lí, vô cảm không phải là một căn bệnh mà là kết quả của quá trình tác động tiêu cực của gia đình, nhà trường và xã hội.
Lối sống vô cảm là gì?
Sống vô cảm là lối sống vị kỉ thiếu cởi mở. Người vô cảm thiếu sự nhạy cảm đối với những vấn đề xã hội, của đất nước. Họ không quan tâm, không chia sẻ với những người xung quanh. Thậm chí vô tâm trước lợi ích của người khác, của cộng đồng, của đất nước.
Những biểu hiện của lối sống vô cảm trong thanh niên ngày nay.
Sống vô cảm là lối sống khá phổ biến ở khắp mọi nơi, mọi giới, mọi lứa tuổi. Nhất là ở tầng lớp thanh niên. Người có lối sống vô cảm thường bàng quan trước cái xấu, cái ác trong xã hội. Họ không phân biệt đúng – sai, phải trái. Họ cũng không dám tố cáo những hành vi sai trái, độc ác, gây tổn hại cho xã hội.
Người vô cảm khi thấy người khác gặp khó khăn hoạn nạn thường ngoảnh mặt làm ngơ. Thấy người đang trong nguy kịch họ cũng dửng dưng như không. Trên đường phố, khi người khác xảy ra tai nạn, người vô cảm thường chỉ biết đứng nhìn. Họ vì tò mò mà đến xem chứ không phải để hỗ trợ giúp đỡ người bi nạn.
Người vô cảm không những dửng dưng trước nổi đau của người khác mà còn không dám bảo vệ kẻ yếu thế. Họ không muốn liên lụy khi can thiệp hay hỗ trọ người khác. Đối với họ “an toàn là thượng sách”. Gặp người bị cướp trên đường, người vô cảm thường hay lánh đi. Thấy người khác làm việc sai trái hay phạm pháp, người vô cảm xem như không thấy. Họ luôn sống trong sợ hãi. chỉ biết lo an toàn cho bản thân, mặc kệ người khác.
Người vô cảm sống theo kiểu thực dụng chỉ biết “nhận” chứ không biết “cho”. Họ ít không biết nghĩ về người khác. Họ bất chấp thủ đoạn, dù biết là vi phạm pháp luật, thuần phong mĩ tục, để đạt được cái mà mình cần, mình muốn bằng mọi giá. Bởi thế, người vô cảm thường hay lợi dụng công việc, lợi dụng người khác để chuộc lợi riêng mình.
Người vô cảm luôn sống lạnh nhạt, thờ ơ với bạn bè, hàng xóm. Họ ngại giao tiếp, không muốn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Người vô cảm thiếu đoàn kết, yêu thương, không gắn bó với mọi người. Họ khép kín cuộc đời mình trong một thế giới riêng. Bởi lẽ, họ sợ người khác phát hiện những sai trái của mình.
Người vô cảm không quan tâm đến những công việc chung của tập thể, của đất nước. Đối với họ, tập thể hay đất nước đều vô nghĩa. Chỉ có họ và lợi ích của họ là tồn tại.
Nguyên nhân dẫn đến lối sống vô cảm.
Trước hết là do sự phát triển của nền kinh tế thị trường với những quy luật cạnh tranh khắc nghiệt của nó. Tư tưởng thực dụng đang ăn sâu, len lỏi vào trong đời sống của đại bộ phận các gia đình kể từ khi đất nước mở cửa, giao lưu, hội nhập quốc tế. Cuộc cạnh tranh khốc liệt về việc làm và lợi ích khiến con người bất chấp thủ đoạn để đạt lấy lợi ích. Họ không quan tâm đến vấn đề tình cảm hay đạo đức nghề nghiệp. Bởi ai thắng lợi sẽ tiếp tục phát triển di len. Ai thất bại sẽ gánh lấy nợ nần và nghèo khổ.
Dân số tăng nhanh, trong khi việc làm không đáp ứng được yêu cầu. Bởi thế, để tìm kiếm mọt việc làm ổn định, có thu nhập cao người ta không ngại ngần bêu xấu, hãm hại lẫn nhau. Mặt khác, lối sống ích kỉ của người Việt Nam có ảnh hưởng không nhỏ đến căn bệnh “vô cảm” này. Người Việt vừa có lối sống cộng đồng cởi mở, lại vừa khép kín theo từng nhóm xã hội nhỏ. Nhóm này công kích nhóm kia nhằm giành lấy một lợi ích nào đó. Trước mặt thì niềm nở vui tươi vì tế nhị. Sau lưng thì xì xầm, chỉ trích vì không hài lòng hoặc đó kỵ.
Cách giáo dục con cái trong gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến lối sống vô cảm của thanh niên ngyaf nay. Ngày càng có nhiều phụ huynh cưng chiều con quá mức cần thiết. Họ sẵn sàng đáp ứng tất cả những yêu cầu của con một cách vô điều kiện và thiếu suy nghĩ. Họ dạy con cái biết đề phòng và tránh xa cái xấu, cái ác. Nhưng lại không dạy con cái biết chia sẻ, quan tâm và sống có trách nhiệm với người thân, với bạn bè. Con cái tiếp nhận một chiều bởi thế ngày càng ích kỉ, vô tâm hơn.
Phần lớn các bậc cha mẹ bận rộn với công việc, không thường xuyên quan tâm giáo dục con cái. Thậm chí, có gia đình còn ỷ thách con cái cho người khác chăm sóc và giáo dục. Xã hội nảy sinh quá nhiều vấn đề hệ trọng như tệ nạn xã hội, ma túy, trộm cướp, tham nhũng,… không còn thời gian quan tâm đến sự phát triển tâm lí và hành vi của giới trẻ.
Thanh niên ngày nay ít được trang bị kĩ năng sống đầy đủ và cần thiết. Nội dung giáo dục trong nhà trường nặng về rèn luyện tri thức và kĩ năng nghề nghiệp. Chương trình giáo dục ít quan tâm đến văn hóa ứng xử và đạo đức đời thường. Đặc biệt là kĩ năng sống thân thiện, giàu tình yêu thương và năng lực kết nối cộng đồng. Phương pháp giáo dục nặng về những bài học đạo đức khô khan, thiếu thực tiễn. Vai trò của Đoàn, Đội còn nhiều bất cập, chưa đổi mới và chưa có sức hút các lực lượng thanh niên tham gia vào công tác đoàn thể.
Do chính cách sống vô cảm của người lớn đã ảnh hưởng đến tính cách người trẻ. Ở nhà, nếu nghe cha mẹ nói chuyện, cư xử với những người khác theo kiểu thực dụng thì những đứa con cũng có cách sống thực dụng. Khi chơi với bạn, chúng sẽ tính toán xem mình được lợi gì. Ở trường, nếu có học sinh bị bạn bè ức hiếp, tẩy chay nhưng giáo viên không hề quan tâm, giúp đỡ, thì các em sẽ dần mất đi sự rung cảm trước mọi việc và thiếu lòng nhân.
Một phần rất lớn xuất phát từ bản thân thanh niên. Họ thiếu năng động trong việc tiếp cận và tiếp nhận các giá trị nhân văn trong xã hội. Họ lười biếng và ỷ lại gia đình. Trước cuộc sống tiện nghi, họ đua đòi, chạy theo lối sống thời thượng, không lo bồi dưỡng nhân cách, đạo đức. Họ thích giải trí tầm thường, không quan tâm đến nghệ thuật. Đặc biệt là loại hình nghệ thuật có tính giáo dục cao.
Họ cũng chê bai các giá trị truyền thống, xem đó là lạc hậu, lỗi thời. Họ tiếp nhận và tôn vinh các giá trị văn hóa lệch lạc, tầm thường. Họ thần tượng những nhân vật mang tính giải trí nhất thời. Từ đó đạo đức bị suy thoái trầm trọng, lệch lạc cả trong suy nghĩ và hành động.
Hậu quả của lối sống vô cảm đối với con người và xã hội.
Người sống vô cảm sẽ bị mọi người xem thường, xa lánh. Từ đó dẫn đến sống cô đơn, dễ bi quan, thiếu sức mạnh tinh thần để vượt lên trong cuộc sống. Sự vô cảm giết chết nhân cách và lý tương của con người.
Nhiều người sống vô cảm, cuộc sống sẽ thiếu tình thương, thiếu thân thiện. Chất lượng sống sẽ giảm sút, truyền thống đạo đức của dân tộc sẽ bị bào mòn. Lối sống vô cảm không phù hợp với xu thế sống hiện nay. Vì muốn thành công phải biết hợp tác, biết chia sẻ.
Giải pháp khắc phục lối sống vô cảm, xây dựng một xã hội tràn đầy tình thương yêu.
Tạo một môi trường sống giàu tình yêu thương. Những người trong gia đình cần yêu thương nhau để thể hiện tình thương đó một cách chuẩn mực. Cha mẹ mẫu mực, con cái sẽ học hỏi và noi theo. Không chỉ là tấm gương tốt, người lớn trong nhà cần thường xuyên giáo dục tình thương cho trẻ bằng những việc hết sức cụ thể. Chẳng hạn như giúp đỡ người thiệt thòi, dẫn trẻ đến thăm trại mồ côi, mua vé số ủng hộ người khuyết tật mưu sinh…
Nhà trường cần chủ động tạo điều kiện để trẻ tham gia lao động công ích, hoạt động xã hội, tham gia dã ngoại và các hoạt động ngoài trường học. Qua đó kết tình đồng đội, hình thành ý thức cộng động, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên,…
Những cách nghĩ, thái độ, hành vi vì cộng đồng cần được tuyên dương công khai, và những cách hành xử ngược lại phải bị phê phán. Thầy cô giáo không chỉ là người dạy mà còn phải thật sự sống cảm xúc để làm gương cho học sinh của mình.
Xã hội nên quan tâm nhiều cho một người nhiều tin tưởng và đáng tin cậy để có lời khuyên hữu ích. Hãy lấy tình yêu thương con người làm mục tiêu xây dựng cuộc sống.
Bài học nhận thức:
Ra sức học tập tri thức, rèn luyện nhân cách, nhân phẩm trở thành người hữu ích. Tích cực đem sức mình xây dựng hạnh phúc bản thân, đóng góp phát triển đất nước. Tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội để hòa nhập với cuộc sống chung của xã hội. Biết cảm đồng cảm, chia sẻ với những buồn vui của người khác. Lấy tình thương làm lẽ sống. Nâng cao lý tưởng sống vì công đồng, vì đất nước. Sống trong yêu thương sẽ tìm thấy hạnh phúc chân thực.
- Kết bài:
Sống vô cảm là lối sống ích kỉ, lệch lạc và nguy hại. Cần phải xây dựng một lối sống hài hào, giàu lòng yêu thương, gắn kết bản thân với cộng đồng. Mỗi cá nhân sống tốt đẹp sẽ làm nên một xã hội tốt đẹp. Không có gì có thể gắn kết con người lại với nhau tốt hơn tình yêu thương giữa người và người trong thế giới này. Hãy làm những điều tốt nhát cho cuộc sống hôm nay để có một ngày mai tươi sáng hơn.