suy-nghi-ve-long-ich-ky-tu-cau-chuyen-ngon-nen

Suy nghĩ về lòng ích kỷ từ câu chuyện Ngọn nến

Suy nghĩ về lòng ích kỷ từ câu chuyện “Ngọn nến”

  • Mở bài: 

Biết sống vì người khác, biết cho đi đúng cách và nhận về đúng cách mới là lối sống cao đẹp. Câu chuyện Ngọn nến là một bài học sâu sắc nhắc nhở chúng ta về cách nhận rõ vai trò của bản thân và cách sống đúng đắn trong cuộc sống này.

  • Thân bài:

1. Giải thích.

–  “Ngọn nến” ban đầu cũng thấy mình vui sướng vì được cháy sáng nhưng khi bắt đầu tan chảy ra, nó thấy mình thiệt thòi vì vậy mà tìm cách tự tắt sáng đi. Ngọn nến muốn tỏa sáng nhưng lại không muốn tan chảy. Đó là thói ích kỷ của một số người, sợ mình bị thiệt hơn người khác nên chỉ lo nghĩ cho bản thân mình.

– Khi bị cất vào trong tủ, mãi mãi bị lãng quên, cây nến nhận ra một cách muộn màng rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng dù sau đó có tan chảy đi. Điều đó nhắc nhở con người cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng, gia đình và xã hội. Dù ở vị trí nào, con người cũng phải biết cống hiến toàn bộ khả năng của mình để trở thành người sống có ích cho xã hội. Có như thế con người mới không hối tiếc vì đã sống hoài, sống phí.

→ Câu chuyện giản dị nhưng chứa đựng một bài học nhân sinh sâu sắc. Từ việc phê phán lối sống ích kỉ người viết nhắn gửi: sống là phải cống hiến, làm được những điều có ích. Đó cũng là cách để tự khẳng định giá trị bản thân. Nếu biết sống vì người khác, cuộc sống có thể khó khăn hơn nhưng chắc chắc sẽ hạnh phúc hơn.

2. Bàn luận.

a. Sống như ngọn nến kia là cuộc sống ích kỷ.

– Ích kỷ là một thói xấu hay gặp và dễ mắc phải. Con người phải có bản lĩnh, sự nhân hậu để vượt lên trên thói ích kỉ cá nhân để sống có ích, đem lại niềm vui cho nhiều người và chính bản thân mình.

– Điện, đèn, nến là ẩn ý về cá nhân trong quan hệ với cộng đồng, gia đình, xã hội; con người không thể sống tách mình ra khỏi cộng đồng, phải hòa nhập, bổ sung, tương hỗ cho nhau.

– Con người sống ở trên đời ai cũng có ý thức về cái tôi của mình, thậm chí sự tự ý thức về cái tôi để nâng mình lên, để tự khẳng định mình là một nhu cầu chính đáng. Song cần phải phân biệt rõ khát vọng “tỏa sáng” với tham vọng “đánh bóng” bản thân; ý thức khẳng định bản thân khác hẳn với sự ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa.

– Mối quan hệ biện chứng giữa “cho” và “nhận”, “được” và “mất” rất tinh tế. Có cho đi mới được nhận về. Chỉ nghĩ đến cái “được” của mình, bạn sẽ “mất” nhiều hơn.

“Giọt nước muốn không khô cạn phải hòa vào biển cả”. Khi sống cống hiến vô tư, con người sẽ nhận được nhiều hạnh phúc.

– Ngọn nến chỉ thực sự sống hết cuộc đời của nó khi cháy hết mình và tan chảy. Nếu không nó hoàn toàn bị quên lãng và vô nghĩa. Cháy còn đồng nghĩa với đam mê.

b. Sống như thế nào mới là cuộc sống cao quý.

– Sống đúng vị trí và vai trò của mình, đóng góp phần hữu ích cho cuộc sống. Cho đi là còn mãi.

– Sống vô tư, không toan tính được mất. Biết cho đi những gì tốt đẹp, biết nhận về những gì mình cần. Cuộc sống là cống hiến chứ không đừng chỉ là thụ hưởng.

– Chúng ta sẽ bị phủ nhận bất cứ lúc nào nếu không sống toả sáng. Chỉ có một cách để khẳng định giá trị của mình đó là làm cho nó trở nên có giá trị và được người khác ghi nhận.

– Sự ích kỷ sẽ hủy hoại giá trị của bản thân nhanh hơn cả thời gian và thất bại.

– Cuộc sống luôn là sự đánh đổi. Hãy nhận rõ giá trị của bản thân, không ngừng hoàn thiện mình và không ngừng làm việc hết mình để đóng góp nhiều nhất cho cuộc sống này. Tất cả những gì chúng ta đã làm được sẽ mang lại cho chúng ta cuộc sống hạng phúc.

3. Phê phán.

– Trong cuộc sống, rất nhiều tấm gương cố gắng cống hiến năng lực, trí tuệ, thậm chí dâng hiến cả cuộc đời mình cho đất nước, nhân dân. Những người lính hi sinh bản thân mình bản vệ đất nước; những bạn trẻ đam mê học tập lao động làm giàu cho quê hương; những thầy cô giáo miệt mài bên con chữ dạy bao thế hệ học sinh nên người… Bên cạnh đó không ít người sống ích kỷ, tự mãn chỉ biết vun vén cho bản thân, không biết cống hiến. Những người như thế thật đáng che trách và lên án.

4. Bài học.

– Ích kỷ là một thói xấu, cần loại bỏ ra khỏi bản thân mỗi người và cộng đồng. Những thành tựu lớn lao được sinh ra từ sự hy sinh lớn lao, và chẳng bao giờ là kết quả của sự ích kỷ.

– Đừng sống ích kỷ, hãy sống cống hiến trong mỗi vị trí, công việc để mang lại hạnh phúc cho nhiều người.

– Đừng bao giờ như ngọn nến “bị bỏ quên trong ngăn kéo, rồi cũng không còn ai nhớ đến nó nữa”. Hãy dũng cảm hành động, hãy cháy hết mình để toả sáng, có thể bản thân phải chịu thiệt thòi nhưng sẽ làm cho cuộc đời của chính mình và mọi người đẹp hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang