Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc
- Mở bài:
Không ai có thể phủ nhận được sức mạnh của tiền bạc trong đời sống con người. Mỗi ngày, phần lớn thời gian, chúng ta làm việc là để kiếm tiền phục vụ cho các nhu cầu của đời sống. Sống mà không có tiền, cuộc sống ấy thật khó khăn và đầy lo lắng. Thế nhưng, tiền bạc không phải là tất cả những gì mà chúng ta cần có. Hạnh phúc còn quan trọng hơn cả tiền bạc. Tiền bạc sẽ không có ý nghĩa gì nếu nó không thể tạo ra hạnh phúc cho con người.
- Thân bài:
Tiền bạc là gì?
Tiền bạc là một dạng đại diện cho giá trị thực của vật chất. Tiền bạc trong vấn đề cần bàn luận không chỉ là tiền bạc mà còn có ý nghĩa rộng là chỉ của cải nói chung.
Hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Hạnh phúc trong vấn đề cần bàn luận, là nói về niềm vui, sự sung sướng, sự thỏa mãn của con người cả về đời sống vật chất và tinh thần.
Mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc trong cuộc sống con người.
Giữa tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời. Trong cuộc sống, ai cũng cần có nhiều tiền bạc phục vụ cho các nhu cầu của mình, và ai cũng mong muốn được sống trong hạnh phúc. Thế nhưng, hai giá trị này không phải lúc nào cũng cân bằng. Bởi thế, con người luôn nỗ lực để cân bằng nó để sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Muốn có được và cân bằng hai giá trị này, trước hết, chung ta nên hiểu đúng vai trò của tiền bạc, của cải và vai trò của hạnh phúc trong cuộc sống.
Yếu tố vật chất (tiền bạc) có vai trò rất quan trọng trong đời sống của mỗi con người. Có thể nói, mọi giá trị khác trong đời sống đều được quy đổi bằng giá trị của của tiền bạc. Tiền bạc chính là thước đo những gì mà con người chiếm hữu được. Có nhiều tiền bạc, con người có thể mua sắm những gì mình mong muốn, có được cuộc sống tiện nghi, đầy đủ.
Có tiền, con người sẽ giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn, hoạn nạn, tạo cơ hội cho người khác phát triển và thành công. Tiền bạc được sử dụng đúng vai trò sẽ làm giàu cho xã hội, thúc đẩy đất nước phát triển mạnh.
Tiền bạc giúp con người thực hiện được ý tưởng, ước mơ trong cuộc sống. Có những ước mơ, ý tưởng cần có rất nhiều tiền mới có thể thực hiện được. Có tiền bạc, con người có thể hiện thực được điều đó. Không có tiền, tất cả chỉ là hoài vọng mà thôi.
Trước tiền bạc, ai cũng khao khát chiếm lĩnh được nó. Bởi thế, tiền bạc có tính hai mặt. Một mặt, nó tạo động lực, thôi thúc con người không ngừng cố gắng lao động. Một mặt, nó khiến con người trở nên tham lam, bất chấp lương tâm, dễ làm những việc trái với đạo lí và pháp luật.
Ngược lại với tiền bạc, Hạnh phúc là yếu tố tinh thần, tình cảm quan trọng trong đời sống. Cuộc sống có hạnh phúc làm cho tâm hồn, tình cảm trở nên phong phú, con người có niềm vui, niềm lạc quan, yêu đời. Dẫu có thiếu thốn về vật chất, miễn có hạnh phúc, con người sẽ hài lòng với cuộc sống, cảm nhận được ý nghĩa sự tồn tại của mình.
Hạnh phúc giúp con người vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Được sống trong hạnh phúc, con người có thêm nghị lực và niềm tin yêu đối với công việc, với cuộc đời, từ đó vượt qua khí khăn, chiến thắng nghịch cảnh.
Hạnh phúc làm cho con người trở nên tốt hơn, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội. Người có cuộc sống hạnh phúc luôn quý trọng người khác, sống vị tha, nhân hậu, nhìn cuộc đời thấy đẹp hơn, đáng yêu hơn, có ý nghĩa hơn.
Hạnh phúc là giá trị lớn nhất mà con người cần đạt tới. Đồng tiền chân chính góp phần tăng thêm hạnh phúc. Bằng sức lao động chân chính, con người làm ra của cải, vật chất; sự giàu có về vật chất làm phong phú đời sống tinh thần, tình cảm. Không có tiền, hạnh phúc cũng dễ đổ vỡ bởi nhu cầu vật chất là nhu cầu mãnh liệt nhất của con người.
Tiền có thể mua được nhiều thứ nhưng không mua được tất cả. Hạnh phúc không mua được bằng tiền. Tiền có thể mua bán, trao đổi những sản phẩm vật chất; không mua bán, trao đổi được với những giá trị tinh thần, tình cảm. Có người sống trong sự giàu có về vật chất nhưng nghèo về đời sống tâm hồn, tình cảm, vì vậy cũng không có hạnh phúc.
Hạnh phúc chính là thứ tình cảm vô giá, không thể dùng tiền để mua. Con người tự xây dựng hạnh phúc bằng sự hiểu biết, bằng tình yêu thương. Đổ vỡ hạnh phúc là đổ vỡ tất cả. Không có hạnh phúc, tiền bạc trở nên vô nghĩa.
Bàn luận mở rộng.
Tiền có sức mê hoặc mãnh liệt. Vì tiền mà nhiều người đã bất chấp lương tâm, đạo đức, pháp luật làm những việc xấu xa, tàn ác, vi phạm pháp luật. những người như thế thật đáng lên án và trừng trị.
Bài học nhận thức.
Muốn xây dựng một cuộc đời có ý nghĩa, mỗi con người cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của tiền bạc và hạnh phúc trong cuộc sống. Mục đích cuối cùng và lớn nhất sự tồn tại của con người là được sống hạnh phúc. Cần tránh lối sống thực dụng và đừng tìm mọi cách hưởng thụ vật chất và lối sống ích kỉ chỉ vì bản thân mình mà không quan tâm tới người khác.
- Kết bài:
Chúng ta không thể sống với tiền bạc mà không cần có người khác. Đừng vì quá tham tiền mà đánh mất lương tâm, đánh mất khát khao hạnh phúc. Hạnh phúc của bản thân mình do người khác mang lại. Bởi thế, hãy biết cho đi để được nhận lại. Mang lại hạnh phúc cho mọi người cũng là niềm hạnh phúc lớn lao đối với bản thân.
Bài văn tham khảo:
- Mở bài:
Thỏa mãn về vật chất và đời sống tình cảm hạnh phúc là hai nhu cầu lớn nhất của con người. Có thể nói trọn cuộc đời người luôn xoay quanh hai giá trị ấy. Bởi thế, tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ chặt chẽ. Thiếu một trong hai thứ ấy, con người sẽ không thể sống trọng vẹn cuộc đời ý nghĩa.
- Thân bài:
Tiền bạc là phương tiện mua để bán, trao đổi. Nói rộng ra, nó là của cải vật chất mà con người có được. Tiền bạc tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau như: vàng bạc, tiền giấy, tài khoản hay các vật chất có giá trị khác.
Hạnh phúc là trạng thái hoàn toàn mãn nguyện trong tâm hồn về mọi phương diện trong cuộc sống. Hạnh phúc là một khát vọng tự nhiên và chính đáng của con người.
Giữa tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ khăng khít với nhau. Tiền là phương tiện gây dựng hạnh phúc. Hạnh phúc là giá trị quan trọng cần hướng đến trong cuộc đời con người.
Tiền bạc có thể đem lại hạnh phúc. Tiền bạc là phương tiện cần thiết để mang lại cho người ta cuộc sống xứng đáng với phẩm giá con người. Tiền bạc chính là một trong những phương tiện dựng xây nên hạnh phúc của con người.
Tiền bạc giúp thỏa mãn những nhu cầu vật chất tối thiểu của con người trong cuộc sống như thực phẩm, áo quần, nhà ở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Nếu những nhu cầu tối thiểu này không được đáp ứng, chúng ta sẽ không thể sống bình thường được.
Tiền bạc giúp sống tinh thần thoải mái, không lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần, nghĩa là tránh được nỗi lo lắng về tài chính; và khi cần, nó có thể giúp ta chia sẻ, tương trợ cho những ai đang gặp hoàn cảnh khó khăn, khổ sở. Chính điều này mới mang lại cho ta cảm giác hạnh phúc.
Tiền bạc giúp ta tự tin thực hiện được những mong muốn của mình, giúp ta cảm thấy được tôn trọng, được độc lập, có bạn bè và công việc ưa thích.
Đối với những người có xu thế hướng ngoại, thích khám phá và hưởng thụ cuộc sống bên ngoài, thích hội họp, ngoại giao, coi tiền bạc là một giá trị của cuộc đời thì càng kiếm được nhiều tiền họ càng hạnh phúc.
Hạnh phúc là cơ sở tốt để làm ra tiền bạc. Khi con người ta hạnh phúc, tinh thần thoải mái, đầu óc sáng suốt sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng hay, nhiều hoạch thiết thực, và do đó sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Hạnh phúc là cơ sở thúc đẩy hiệu quả lao động và tạo ra nhiều tiền bạc hơn.
Tiền bạc và hạnh phúc không lệ thuộc với nhau. Tiền bạc không mang lại hoặc không thể mua hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc không tùy thuộc vào số tiền ta nắm trong tay, mà ở những cảm nhận ta có được qua từng ngày sống của mình:
Đối với những người sống nội tâm, chủ trương đi theo lối sống tinh thần thanh cao chẳng màng đến những lợi lộc vật chất tầm thường, đam mê trong công việc, coi công việc là giá trị cuộc sống, thì việc kiếm nhiều tiền bạc không phải là niềm hạnh phúc của họ, thậm chí nó còn trở thành một nỗi phiền toái.
Nếu làm việc chỉ vì tiền thì công việc đó mất đi tính thú vị và còn tạo nên sự mặc cảm, dằn vặt và do đó không còn cảm thấy hạnh phúc. Nếu cứ hùng hục làm việc bất kể ngày đêm để theo đuổi giàu sang và danh vọng thì cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái giá trị của hạnh phúc đích thực. Bởi một khi có tiền rồi, chúng ta vẫn muốn có nhiều hơn nữa vì ít có ai cảm thấy hài lòng với những gì mình đang nắm giữ trong tay.
Tiền bạc cũng tạo nên những áp lực nặng nề, gây những căng thẳng, mệt mỏi và làm cho các mối quan hệ của con người trở nên tồi tệ, đôi khi làm cho nhiều người trở thành cô đơn, khổ sở.
Tiền bạc có thể phá vỡ hạnh phúc trong chốc lát. Không nhất thiết cứ phải có thật nhiều tiền bạc, chỉ cần say mê với một thú vui tinh thần nào đó, bạn cũng đã tìm thấy được nhiều hạnh phúc. Tiền là gốc rễ của quỷ dữ, nó có thể phá hủy bất cứ mối quan hệ nào trong xã hội, dù là bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hay vợ chồng.
Không nhất thiết cứ phải có thật nhiều tiền bạc bạn mới hạnh phúc. Chỉ cần say mê với một thú vui tinh thần nào đó, bạn cũng đã tìm thấy được nhiều hạnh phúc rồi. Hạnh phúc không phải là chúng ta có bao nhiêu tiền, cũng không phải những tươi đẹp trôi qua trong quá khứ hay những hi vọng hão huyền vào tương lai. Hạnh phúc thật sự là ở chỗ ta sống với hiện tại và ta đang có hạnh phúc như thế nào. Chính tiền bạc đã tạo nên sự bất bình đẳng trong mối quan hệ giữa người và người, triệt tiêu tình người, làm con người trở nên xa lạ với nhau, do người có tiền tự kiêu, người không có tiền tự ti, tự ái.
Tiền bạc là nguyên nhân của mọi xích mích, bất hòa triền miên trong gia đình: tranh giành của cải nhau giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em, giữa vợ chồng…. Mâu thuẫn triền miên sẽ khiến con người không còn thấy hạnh phúc.
Hạnh phúc là mục đích cuối cùng của mọi nỗ lực mà ai cũng hướng tới. Thế nhưng, trong cuộc sống, có nhiều người quá đề cao tiền bạc mà xem thường tình nghĩa. Vì tiền bạc họ bất chấp thủ đoạn để đoạt lấy được nó. Họ cố thâu tóm thật nhiều tiền bạc và sống xa hoa, lãng phí. Những người như thế thật đáng chê trách.
Để có được một cuộc sống yên bình, có ý nghĩa, chúng ta cần có được một thái độ đúng đắn đối với tiền bạc và hạnh phúc trong cuộc đời con người. Phải nhận ra được ranh giới và sự khác biệt giữa muốn và cần. Chúng ta cần tiền bạc, chứ không phải lúc nào cũng muốn tiền bạc. Không nên đánh đồng giá trị tài chính với giá trị của chính mình.
Coi tiền bạc là phương diện chứ không phải mục đích của con người của cuộc đời. Cũng đừng để tiền bạc trở thành phương tiện điều khiển chính trong quan hệ với mọi người. Hạnh phúc có thể làm nên tiền bạc. Tiền bạc chưa hẳn đã mua được hạnh phúc trong cuộc đời này.
Cũng không nên quan niệm phi thực tế: Một túp lều tranh hai trái tim vàng. Cuộc sống luôn cần có tiền bạc để giữ vững đời sóng tinh thần. Không ai có thể tồn tại một cách tự nhiên mà có được hạnh phúc đích thực.
- Kết bài:
Để sống cuộc đời có ý nghĩa hãy biết cân đối giữa tiền bạc và hạnh phúc. Không vì lòng tham tiền bạc mà đánh đổi cả hạnh phúc của mình và của người khác. Cũng không nên vì xem trọng tình cảm mà xem thường giá trị của tiền bạc.
»»» Xem thêm:
Pingback: Suy nghĩ về mối quan hệ giữa kiến thức và tiền bạc trong cuộc sống ngày nay - Theki.vn
Pingback: Suy nghĩ về sức mạnh của tiền bạc qua câu nói: Tiền bạc là người đầy tớ trung thành và là người chủ xấu (Tục ngữ Pháp). - Theki.vn
Pingback: Nghị luận về tính giản dị: Giản dị là gì? Biểu hiện và ý nghĩa của lối sống giản dị - Theki.vn