suy-nghi-ve-van-hoa-doc-sach-cua-gioi-tre-ngay-nay

Suy nghĩ về văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay

Văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay.

  • Mở bài:

Nhà mĩ học Chu Quang Tiềm đã từng nói: Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Đọc sách hay cũng giống như trò truyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua, là thưởng thức những thành tựu của quá khứ. Thế nhưng, giới trẻ ngày nay lại lơ là việc đọc sách, xem thường sách, chú tâm vào những trò giải trí tầm thường và vô bổ, thậm chí là nguy hại. Hiện trạng ấy thật đáng lo ngại.

  •  Thân bài:

Đọc sách là gì?

Đọc sách tiếp cận và tiếp nhận kiến thức có ở trong sách bằng cách cần mẫn đọc lấy nó. Thông qua sách vở, con người chiếm lĩnh tri thức trong cuộc sống, tự hoàn thiện bản thân, năng động và sáng tạo để thành công trong công việc và trong đời sống.

Đọc sách là một hoạt động rất qua trọng trong cuộc sống con người. muốn có tri thức, nhất định phải dọc sách. Sống mà không chịu đọc sách là tự đánh mất cơ hội để thành công, đánh mất cơ hội sống một cuộc đời hạnh phúc. Nhất là đối với giới trẻ, việc đọc sách có thể mở ra cánh cửa bước tới tương lai.

Thực trạng văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay.

Phần nhiều giới trẻ hiện nay tỏ ra xem thường sách. Họ có vẻ thờ ơ với việc đọc sách, chưa có thói quen đọc sách thực sự nghiêm túc và đúng đắn. Một số ít thì đọc theo phong trào hoặc đọc để khoe mẽ tri thức. Bởi thế, họ đọc sơ sài, chủ yếu là giải trí hoặc cho hết thời gian nhàm chán chứ chưa thực sự chú tâm.

Trong việc đọc, giới trẻ cũng chưa có sự lựa chọn sách đúng đắn, chưa có mục đích rõ ràng, thiếu kế hoặc đọc sách cụ thể. Việc đọc sách trở nên chưa thật sự có ích. Một số lựa chọn có nội dung tầm thường, dung tục để đọc. Thói xấu, nội dung nguy hại nhanh chóng tiêm nhiễm vào đầu óc những tư tưởng thiếu trong sáng, lành mạnh. Rời bỏ sách, giới trẻ lao vào sống ảo với mạng xã hội, cùng những trò giải trí tầm thường, vô bổ và nguy hại.

Nhiều người cho rằng đọc sách thời naylạc hậu vì ở thời đại thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, lên mạng đọc nhanh và dễ hơn. Từ đó, họ không mặn mà với sách giấy. Đó là một nhận thức sai lầm bởi thiết bị điện tử không những làm tổn hại sức khỏe của họ mà còn làm cho họ không thể chú tâm được. Từ đó khiến cho việc đọc kém hiệu quả.

Nguyên nhân khiến giới trẻ lười đọc.

Do giới trẻ chưa có nhận thức đúng đắn về vai trò và ý nghĩa của việc đọc sách đối với sự phát triển của mỗi con người. Đọc sách không chỉ là phương tiện để giải trí, không chỉ là con đường tiếp cận tri thức mà còn để tăng khả năng tư duy mở rộng tâm hồn, để hiểu mình, hiểu người, có kĩ năng sống tốt…

Người Việt vốn rất yêu sách, thích đọc sách. Thế nhưng, từ khi mạng xã hội ra đời, nền kinh tế phát triển, sản phẩm công nghệ len lỏi vào đời sống, giới trẻ ngày càng trở nên lười biếng hơn. Họ chưa có nhiều hành động để hình thành thói quen đọc sách. Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các nhà quản lí chưa có giải pháp sàn lọc thông tin, các kênh truyền hình có đầy ắp phim ảnh, thông tin đầy mạng xã hội, lôi kéo giới trẻ.

Sự nhộn nhịp của quán xá với bao trò chơi giải trí lôi cuốn làm người ta không có thời gian để ý đến việc đọc sách. Đời sống vật chất, tiện nghi đầy đủ khiến nhiều bạn trẻ ngày nay thích sống cuộc đời thụ hưởng hơn là cống hiến, sống hời hợt hơn là sâu sắc, vay mượn năng lực hơn là tự rèn luyện mình. Việc đọc sách khá mệt mỏi nên nhanh chóng làm họ bỏ cuộc và chuyển hướng sang những hình thức giải trí dễ dãi, nguy hại.

Do nền văn hóa xã hội xuống cấp cũng là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ sao nhãng việc đọc. Xã hội đề cao vẻ đẹp hình thức hơn là vẻ đẹp tâm hồn khiến các bạn trẻ chỉ chạy theo hình thức bề ngoài hơn là tôn dưỡng vẻ đẹp nhân cách bên trong.

Chính bởi hiện trạng ấy đã khiến cho giới trẻ ngày càng lười biếng đọc sách, xem việc đọc sách là không hữu ích. Các bạn trẻ không hề biết rằng không chăm lo đọc sách là bỏ quên một hình thức thư giãn, giải trí bổ ích. Không đọc sách là đánh mất cơ hội mở rộng vốn hiểu biết, mất cơ hội tăng cường khả năng khả năng tư duy, mở rộng tầm hồn, kĩ năng sống và tự hoàn thiện bản thân.

Giải pháp nâng cao thói quen và đam mê đọc sách cho giới trẻ.

Muốn các bạn trẻ đam mê và hình thành thói quen đọc sách, điều quan trọng nhất đó là tự thân các bạn trẻ phải nhận ra vai trò và tầm quan trọng của sách đối với con người, với xã hội và đất nước. Hãy nhớ rằng mỗi quyển sách dù dở tới đâu ta cũng có thể thu nhặt một vài điều hữu ích từ nó.

Người viết sách phải nghiêm túc trong sáng tạo của mình. Hãy viết nen những tác phẩm có giá trị lâu bền, tránh cách viết dễ dãi, hời hợt, có giá trị nhất thời. Các nhà xuất bản cần in những quyển sách hay, có giá trị lâu bền, không chạy theo xu thế, không vì mục đích lợi nhuận mà in ấn những quyển sách tầm thường.

Bộ văn hóa và thông tin cần có nhiều hoạt động để tạo điều kiện cho thanh niên đến với việc đọc sách nhiều hơn mở tủ sách miễn phí ở nhiều nơi. Cần tổ chức ngày hội sách để giới thiệu những cuốn sách hay đến với người đọc, đặc biệt là giới trẻ. Giảm giá các đầu sách hay để kích thích mua và tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ có cơ hội tiếp cận với sách nhiều hơn nữa. Đưa phong trào đọc sách trở thành phong trào của toàn xã hội.

Các bạn trẻ, ngay bây giờ hãy dành cho sách một tình yêu lớn bởi nó là nguồn tri thức. Chỉ có tri thức mới là con đường sống. Không đọc sách là tự đánh mất những phút giây thư giãn bổ ích nhất. Không đọc sách là sống vô ơn trước công sức của lớp lớp cha ông đã sáng tạo, gìn giữ và bồi đắp tri hức cho chúng ta. Không yêu sách là di ngược lại tiến trình phát triển của loài người.

  • Kết bài:

Đọc sách chính là chiếc chìa khóa vạn năng để mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Sách là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy ta biết sống đẹp, sống có ý nghĩa trong cuộc đời. Hãy biết yêu sách, chăm đọc sách và phát huy những giá trị từ sách để sách mãi là người bạn thân thiết của chúng ta. Nếu không đọc sách, dẫu có đi vạn dặm đường, cũng chẳng khác gì một người đưa thư.

Xem thêm:

3 bình luận trong “Suy nghĩ về văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang