Bài thi mẫu: Lớn lên cùng sách

lon-len-cung-sach-1113-2

BÀI DỰ THI: LỚN LÊN CÙNG SÁCH.

I. Kế hoạch đọc sách.

Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Sách chất chứa những tình cảm, những kinh nghiệm của tác giả. Đọc sách là công việc quan trọng trong việc hoàn thiện và phát triển bản thân. Sách giúp ta ngày càng hoàn thiện về tư duy. Sách mở rộng thế giới quan của tâm hồn mình.

Có bao giờ bạn từng nghĩ xem mình đã đọc được bao nhiêu cuốn sách? Mình đã thu nhận hết được những tinh túy trong từng cuốn sách hay chưa? Thật đáng buồn khi được hỏi về “Những cuốn sách mà bạn thường xuyên đọc là gì/”. Câu trả lời hay nhận được của giới trẻ hiện nay lại là những cuốn sách giáo khoa. Hoặc hơn nữa là những cuốn truyện tranh giải trí.

Với tôi, Việc đọc sách là cả một quá trình lâu dài và cần được bồi đắp thêm theo từng bước trưởng thành. Đọc sách cũng cần có kế hoạch, cần được rèn luyện. Đặc biệt là cần sự kiên nhẫn của mỗi người.

Đọc sách cần có kế hoạch. Có những người hàng ngày đọc sách nhưng lại không tiếp thu được những gì tinh túy trong đó. Nhưng cũng có người chỉ đọc có chừng mực nhưng lại suy ngẫm nhiều và đúc kết được những tinh hoa mà tác giả muốn gửi gắm. Đặc biệt là có thể áp dụng điều đó vào cuộc sống của mình.

Trong năm học trước, có lẽ đã từng “nhai” hết cuốn sách dày 500 trang cho tới trang bìa cuối cùng mới ngừng nghỉ. Nhưng lại có khi hai tháng không hề đụng tới một cuốn sách nào… Và kế hoạch đọc sách năm đó cũng chỉ hoàn thành được 50%. Trong năm học 2016-2017 này, tôi đã quyết tâm lập cho mình một kế hoạch đọc sách cụ thể hơn để lớn lên cùng sách, để có thể bước tiếp trên con đường khai sáng trí tuệ của mình.

1. Đọc sách.

Đọc sách gì?

+ Sách khoa học : hiểu biết thêm về thế giới xung quanh
+ Sách văn học : mở rộng vốn từ, trau dồi văn phong viết,biết đến những tác phẩm văn học nổi tiếng,,….
+ Sách lịch sử, địa lý : tìm hiểu về những vùng đất mới, phong tục , tập quán của các nước trên thế giới.
+ Sách dạy làm người : hạt giống tâm hồn, đắc nhân tâm….để biết mình nên sống sao cho đẹp, cho tốt.

Thời gian đọc sách:

+ Nếu mục tiêu của tôi là hoàn thành hết một cuốn sách, tôi sẽ xác định thời gian mà mình muốn hoàn thành cuốn sách đó tùy theo độ dày, nội dung của cuốn sách mình đã lựa chọn. Sau đó, tôi sẽ chia đều số trang cho thời gian đọc để biết số trang sách mình sẽ đọc mỗi ngày.
+  Nếu mục tiêu của tôi là sẽ đọc sách đều đặn mỗi tuần. Mỗi tuần tôi sẽ đọc sách ít nhất trong 3 ngày ( có thể nhiều hơn nếu tôi rảnh rỗi ) Mỗi ngày, tôi sẽ đọc trong vòng 25 phút, hoặc đọc hết 1 hoặc 2 chương sách.

Địa điểm đọc sách:

+ Đọc sách trong giờ ra chơi ở trường : đọc sách văn học , khoa học..
+ Đọc sách khi ở nhà trong căn phòng sách nhỏ của mình : sách dạy làm người và tự suy ngẫm.
+ Đọc sách bên khung cửa sổ nhìn ra khu vườn nhỏ: đọc sách địa lý và cùng hòa mình và thiên nhiên.
+ Và tôi muốn đọc sách trên một ngọn núi cao, hay nằm trên thảm cỏ xanh mơ trong vườn ríu rít tiếng chim kêu, hay trên một con thuyền lãng đãng trôi trên dòng sông thơ mộng…Ôi, tôi luôn ao ước điều đó một lần xảy đến. Cùng sách lớn lên mỗi ngày, đó là đam mê, đó là hạnh phúc.

Cách đọc:

+ Không đọc giống như đang đọc chữ. Tôi thường đọc theo cách suy nghĩ, theo dòng cảm xúc của tác giả. Tôi hóa thân thành nhân vật để có thể hòa mình vào những câu chữ, đắm mình trong thế giới ấy.

+ Lập sơ đồ về những gì hiểu biết về nội dung mình sắp đọc vào một cuốn sổ nhỏ. Hãy viết lại những gì mình biết thêm sau khi đọc cuốn sách để có thể thấy được giá trị của quyển sách cũng như biết được mình đã rút ra được gì sau khi đọc cuốn sách đó. Tôi nghĩ thế nhưng ít khi làm được. Bởi thầy tôi bảo thay vì ghi chép thì hãy cố ghi nhớ lấy. Lưu giữ trong đầu óc là cách lưu giữ tốt nhất mà.

+ Đọc một cuốn sách ít nhất 2 lần. Mỗi lần cách nhau 1 tháng. Củng cố lại những nội dung trong cuốn sách đó. Mỗi lần đọc lại sẽ phát triển thêm khả năng tiếp thu qua việc mở rộng nội dung cuốn sách và phân tích từng phần. Ta sẽ tìm thấy suy nghĩ mới trên trang sách cũ.

Cách áp dụng:

+ Giúp đỡ người khác bằng kiến thức đã học được.

+ Trao đổi với bạn bè về nội dung của cuốn sách đó để tìm hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn. Thường thì tôi sẽ trao đổi hay tranh luận với bạn bè ở thư viện trường ngay sau khi đọc được một câu chuyện ý nghĩa.

+ Áp dụng vào cuộc sống thường ngày.

+ Kế hoạch đọc sách của tôi là thế đấy. Có vẻ căng thẳng quá nhưng nếu có quyết tâm tôi tin mình sẽ làm được. Sách và thiên nhiên là món quà cho những ánh mắt nhìn thấy chúng. Hãy cùng tôi đọc sách các bạn nhé!


Bài cảm nhận về truyện “Lá nằm trong lá” của Nguyễn Nhật Ánh

Đọc truyện “Lá nằm trong lá” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đọc giả sẽ bắt gặp những tình huống dở khóc dở cười mà mình đã từng một lần trải qua như: tắm sông bị giấu quần áo, trốn học đi hái sim, hẹn hò với bạn gái ở đống rơm sau nhà bị ăn ngay “nước tiểu”, những bài thơ “con cóc” kể về mối tình đầu tiên, những cơn giận dỗi ghen tuông bạn gái bạn trai với nhau, chuyện nhà trường có các cô giáo hơn trò vài tuổi coi trò như bạn, có thầy hiệu trưởng tâm lý và yêu thương học trò, coi trò như con…

Tuổi niên thiếu của “những thằng quỷ nhỏ” trong truyện có gắn gì với họ không? Có phải là họ không? Chỉ họ và tác giả mới biết. Nhưng bạn đọc thì có thể tưởng tượng ra một nhóm “thằng” thân thiết. Họ bắt đầu lớn, biết thinh thích con gái và ngập mộng văn chương. Chỉ là sáng tạo thôi, Nguyễn Nhật Ánh không hề định hướng giáo dục. Ông chũng không phát đi thông điệp hay đưa ra một triết lí nào. Bởi thế, nó cứ thấm vào lòng trẻ thơ một cách tự nhiên, ngọt ngào không thể nào từ chối được.

Những câu chuyện mà Nguyễn Nhật Ánh kể không hề mới. Vẫn là những câu chuyện cũ dễ thương viết cho tuổi học trò ấy thôi. Những mối tình non, những tấm lòng nồng nhiệt thật thà và vẫn được kể bằng một giọng văn điềm tĩnh. Nhà văn không vội vã, không chạy theo… tốc độ của cuộc sống thời @. Thậm chí bất kỳ ai trong chúng ta – những người đã đi qua tháng năm học trò đều bắt gặp, lại vẫn luôn luôn khiến mình hình dung ra miệng cười dí dỏm của người viết, giọng cười hi hi ha ha của người đọc… để thấy rằng cuộc đời này vẫn có sự hòa hợp giữa người lớn và con trẻ.

Có thể nói Nguyễn Nhật Ánh là một người lớn chấp nhận tham dự món du hành tốc độ cao cùng lũ trẻ. Những câu chuyện tưởng như ấm ớ ngày này qua tháng khác nhưng sao hôm nay nhìn lại, những người đã từng là trẻ con thấy nhớ quá. Trong khi độc giả thiếu niên phục lăn vì nhà văn đi guốc vào bụng họ, thì độc giả người lớn mỉm cười mơ màng nhớ lại một thời thơ dại.

Cái tài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là ông viết một cuốn sách như thể một học sinh viết nhật ký. Nó lao xao cái không khí trường lớp. Nó rổn rảng tiếng cười nghịch ngợm. Nó dầu dầu nỗi tư lự áo trắng học trò.

Để rồi, khi gấp cuốn sách lại, mọi ký ức về thời học sinh nông nổi với các trò nghịch ngợm lại hiện lên rõ mồn một. Để rồi, những kỉ niệm về cái nắm tay lần đầu tiên với người ấy, những chiếc hôn vụng dại hay những dòng thư ngắn vội trao… lại mang đến cho ta sự rung cảm, sự bồi hồi xao xuyến. Để ta nhận ra biết bao niềm đồng cảm sâu xa. Đôi khi trong cuộc sống này, cũng cần có những phút giây hồi tưởng về cái tuổi mộng mơ đó. Cái tuổi mà con người ta luôn mong ước có một lần trở lại! Cái tuổi chỉ biết viết những dòng thơ tình trong veo.

Tôi chỉ có thể tưởng tượng, chỉ có thể mơ tưởng đến cái thế giới trong xanh kì diệu ấy bởi Sài Gòn thiếu những mảng xanh tươi. Sài gòn thiếu những dòng sông long lanh ánh sáng. Sài Gòn không có cả khoảng trời thơ mộng. Sài gòn không có hoa, không có những lối mòn phẳng lặng và cánh đồng vàng rơm trong mùa khô cỏ cháy. Cảm ơn Nguyễn Nhật Ánh đã mang đến, đã dành tặng cho tuổi thơ tôi một thế giới cổ tích ngay hiện tại. Cảm ơn nhà văn đã đánh thức những khoảng trời đã lãng quên, đánh thức những rung cảm diệu kì ẩn giấu trong sâu thẳm tâm hồn tôi.


Thuyết trình về bức tranh:

“Cả thế giới bỗng chốc thu nhỏ lại trong một trang sách”

Có thể nói, lưu giữ tri thức trong sách là một trong những phương thức cổ xưa lâu đời nhất của con người còn duy trì cho đến ngày nay. Đọc một quyển sách là trở về với lịch sử, làm sống lại quá khứ của nhân loại trong lớp lớp thời gian. Có những vùng đất mới mà ta không bao giờ đặt chân tới. Có những thăng trầm lịch sử mà ta không bao giờ được trải qua. Có những bài học hay mà ta chưa một lần được trải nghiệm. Mỗi khi, tôi mở ra một trang sách là mở ra cả một thế giới ở trước mắt. Sách giúp tôi lớn lên từng ngày.

Có những điều kì diệu mà ta không thể diễn tả bằng lời nói hay cử chỉ hàng ngày. Giống như tôi không thể nói hết được những trải nghiệm, những cảm xúc khi tôi đọc sách nên tôi muốn diễn tả hết những điều mà mình đã được lĩnh tụ qua từng trang sách bằng những hình ảnh này

• Lí do tôi thực hiện vẽ bức tranh:

Bức tranh là sự miêu tả những gì đã diễn ra trong đầu óc mỗi khi tôi cầm quyển sách trên tay và chăm chú đọc. Bạn thấy đấy, đọc sách không chỉ là thói quen hằng ngày mà còn là niềm cảm hứng. Sách chính là động lực để tôi có thể kiên trì học tập.

Tôi muốn biểu đạt tất cả những gì tôi đã cảm nhận được từ trong sách bằng những biểu tượng và màu sắc. Tôi không phải là một họa sĩ để có thể vẽ được những nét vẽ hoàn hảo. Tôi biết thế. Bạn thấy không tôi vẽ nghệch ngoặc, lộn xộn lắm. Bức tranh không có bố cục, không biết phối hợp màu sắc. Đường nét và hình khối vụng về thật khó để có được bức tranh hài hòa.

Thầy giáo tôi đã không nhịn được cười khi xem bức tranh. Thầy nói nó giống như bức vẽ của các em học sinh lớp 5. Tôi biết thế và tôi thích điều đó bởi tôi đang vẽ tinh thần tôi. Tôi không biết nó được sắp xếp như thế nào. Tôi chỉ có thể cảm nhận chúng chứ không thể nhìn thấy chúng. Và tôi nghĩ: “sự bất hợp lí của chúng chính là sự tồn tại của chúng trong đầu óc của chúng ta”.

“Đọc sách là nuôi dưỡng trí tuệ” – M.Xê-Clê-Ca đã nói thế. Bởi sách là nguồn tri thứ vô tận. Ngoài việc tiếp thu tri thức khoa học trong trường học, những quyển sách khoa học giúp tôi hiểu biết thế giới khoa học. Nó gây hứng thú khám phá những sáng tạo của loài người trong mọi lĩnh vực. Những công thức này tôi không hiểu lắm. Tôi biết đến Albert Einstein khi nhìn thấy quyển “Học thuyết tương đối” của ông. Tôi chưa đọc bao giờ nhưng tôi nghĩ nó rất cần thiết trong cuộc sống của chúng ta.

  • Trên đường chúng ta đi luôn có sách đồng hành

Mỗi khi đọc sách tôi như sống cùng câu chuyện, cùng hòa mình vào từng trang sách, như thấy được những điều tác giả thấy. Tôi cảm nhận được cảm xúc mà tác giả đang có. Mỗi trang sách là một điều mới lạ. Chỉ qua trang sách mà tôi có thể đi thăm quan Kim Tự Tháp Ai Cập vào buổi sáng, thám hiểm đáy đại dương vào buổi chiều và vẫn kịp để ngắm Eiffel thơ mộng buổi tối.

Bạn nhìn xem, đây là tháp Eiffel của nước Pháp. Nó thật vĩ đại. Vì tôi nghĩ nó là tâm hồn lãng mạn và lịch thiệp của người Pháp, là biểu tượng cho khát vọng sáng tạo và chinh phục của con người. Nó được xây dựng chỉ để chiêm ngưỡng.

Tôi cũng tìm thấy lăng đền Taj Mahal – một biểu tượng cho tình yêu vĩnh hằng của người Ấn Độ. Tôi vẽ chùa Một Cột – biểu tượng văn hóa nghìn năm văn hiến của Việt Nam… Và còn có biết bao nhiêu kì quan mà tôi không kể hết ra được.

Sách chính là phi thuyền giúp tôi vượt qua ngăn cách địa lí, đi đến những vùng đất xa xôi, bí ẩn nhất của vũ trụ. Sách đưa tôi bay vào bầu trời bao la, đến với những vì sao xa xôi mà chỉ có kính viễn vọng mới nhìn thấy chúng.

Chỉ qua sách, tôi có thể biết đến những xa mạc khô cằn nóng bỏng, biết đến cái giá lạnh của vùng nam cực, biết đến những khu rừng nhiệt đới rậm rạp cùng những vùng đất huyền bí khác, nơi mà ta chưa một lần đặt chân đến.

Sách chính là cỗ máy thời gian thần kì đưa tôi trở về với quá khứ chinh phục thiên nhiên, tạo dựng sự sống thuở sơ khai của loài người. Tôi hứng thú khi biết lịch sử hình thành sự sống trên trái đất và thầm khâm phục những chuyến vượt đại dương tìm vùng đất mới bằng những chiếc bè thô sơ của loài người. Sách còn đưa tôi đi đến tương lai bằng hi vọng, mơ ước và niềm tin vững chắc vào những gì con người đã làm được hôm nay.

Sách là chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn tôi. Sách là người thầy thắp sáng nguồn tri thức vô biên. Sách dạy tôi biết sống, biết yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh. Từ đó tạo nên nếp sống tốt đẹp.

Cùng sách vở, con người khắp nơi thế giới đã tìm thấy sự đồng cảm, thấu hiểu và cùng hướng đến một thế giới yên bình, hạnh phúc, không có chiến tranh và không còn những số phận bất hạnh, đáng thương nào phải phải gánh chịu khổ đau, mất mát.

Con đường tốt nhất, ngắn nhất để nâng cao tri thức và hoàn thiện nhân cách cho chính mình là tự học, là đọc sách báo hàng ngày như Dr.Guerin đã nói: “Đọc sách không những để nâng cao tri thức mà còn nâng cao nhân cách”. Phải thẩm thấu được điều hay, ý tốt ẩn chứa sau từng con chữ, từng trang sách. Gấp trang sách cuối cùng rồi thấy ta học được gì ở đó. Và còn phải biết đem điều hay, ý tốt học được từ trang sách vận dụng vào trong công việc và cuộc sống để hướng đến xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

  • Cốt lõi của việc học là học cách làm người.

Những quyển sách hay giúp tôi sống cùng nhân loại, suy nghĩ cùng nhân loại, hít thở bầu không khí của thời đại và mạnh mẽ trên con đường đi đến tương lai. Đọc sách là cách thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với lớp lớp người đi trước đã không ngần ngại cống hiến, hi sinh vì sự phát triển tri thức của nhân loại.

Hãy đọc sách để khai phóng tư duy; đọc sách để tiến bộ; đọc sách để cùng mở mang tri thức. Hãy lớn lên cùng sách các bạn nhé!

15 bình luận

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Để học sinh "lớn lên cùng sách" - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.