»» Nội dung bài viết:
Trong Lí luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Khâu Chấn Thanh viết: Nhà thơ, đối với vũ trụ nhân sinh, nên bước vào bên trong, mà lại nên đi ra bên ngoài. Bước vào bên trong mới có thể viết được. Đi ra bên ngoài mới có thể quan sát được. Bước vào bên trong mới có sinh khí. Đi ra bên ngoài mới đạt cao siêu.
Và trong Nghĩ về thơ, nghĩ về thơ, nghĩ… in trong tập Đối thoại mới (1973), Chế Lan Viên Viết: Mỗi câu thơ là một lần lặn vào trang giấy/ Lặn vào cuộc đời/ Rồi lại ngoi lên.
Từ hai ý kiến trên, hãy cho biết suy nghĩ của anh/chị về mối quan hệ giữa sự “bước vào“, “bước ra“, “lặn vào“, “ngoi lên“ trong sáng tạo văn học và hiện thực đời sống.
Giải thích nhận định.
– Trong quá trình sáng tạo, nghệ sĩ phải “bước vào”. “lặn vào” để “say“, để trải nghiệm, thẩm thấu, chiếm lĩnh hiện thực, nhưng đồng thời cũng phải biết “bước ra”, “ngoi lên“ để tạo một độ lùi, một sự gián cách với đối tượng phản ánh để “tỉnh”, để chiêm nghiệm, khám phá hiện thực dưới nhiều góc độ và mang tính khái quát cao hơn.
– Văn học là một hình thái ý thức xã hội, luôn láy hiện thực đời sống làm đối tượng và chất liệu phản ánh. Hai ý kiến đề cập đến động thái của người nghệ sĩ với hiện thực đời sống trong quá trình sáng tạo.
– Người nghệ sĩ phải thâm nhập để thấu hiểu hiện thực, đồng thời cũng phải biết vượt lên hiện thực để chiêm nghiện.
Phân tích vấn đề.
– Hiện thực là nguồn gốc của nhận thức, của ý thức, là mảnh đất dồi dào, màu mỡ của nghệ thuật.
– Văn học bao giờ cũng là sự nhận thức và phản ánh hiện thực.
– Nhà văn muốn phản ánh hiện thực một cách sâu sắc thì phải “bước vào”, “lặn vào” hiện thực để thâm nhập vào đối tượng một cách tuyệt đối cả trên bề rộng lẫn chiều sâu. Đời sống bao giờ cũng phức tạp, đa chiều và luôn biến chuyển, nhà văn phải trải nghiệm thì mới có vốn sống, mới hiểu sâu vào đời sống để sáng tác.
– Tuy nhiên, không chỉ đắm mình trong thế giới hiện thực để khai thác chất liệu đời sống, người nghệ sĩ phải biết “bước ra”, “ngoi lên” khỏi môi trường chất liệu ấy, dùng chính lí trí và cảm xúc, cái say và cái tỉnh của mình để quan sát, soi ngắm một cách kỹ lưỡng, thấu suốt để khám phá mọi ngóc ngách, mọi giá trị của hiện thực, đồng thời, khái quát hoá lên tầm triết lí, tầm tư tưởng để đạt ngưỡng “cao siêu”.
– “Bước vào” là để thâm nhập vào nhân quần, “bước ra” là dùng chính bản thể sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ để chiêm nghiệm nhân quần ấy. Vì vậy, nhận định còn cho thấy vai trò của cá nhân người nghệ sĩ đối với hiện thực được tái hiện. Đó là quá trình chuyển hoá cái khách quan thành cái chủ quan, đưa khách thể vào cái nhìn của chủ thể. như vậy, sự phản ánh mới sâu sắc và có giá trị về mặt tư tưởng.
Đánh giá vấn đề.
– Hai ý kiến đặt ra những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với người cầm bút.
– Hai nhận định này không chỉ miêu tả quá trình, trạng thái sáng tạo mà còn thể hiện phương pháp và ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ.
Khẳng định.
– Khẳng định mối quan hệ giữa văn học và hiện thực: Nhà thơ đối với vũ trụ nhân sinh, nên bước vào bên trong, mà lại nên đi ra bên ngoài. Bước vào bên trong mới có thể viết được. Đi ra bên ngoài mới có thể quan sát được. Bước vào bên trong mới có sinh khí. Đi ra bên ngoài mới đạt cao siêu. Đây là một mối quan hệ tất yếu giữa cái phản ánh và cái được phản ánh – sẽ góp phần làm nên sức sống vững bền của tác phẩm cũng như tên tuổi của người nghệ sĩ.