Làm sáng tỏ ý kiến: Tầm vóc một nhà thơ trước hết, chủ yếu phụ thuộc vào chiều kích tâm hồn họ

Bàn về nhà thơ, có ý kiến cho rằng: “Tầm vóc một nhà thơ trước hết, chủ yếu phụ thuộc vào chiều kích tâm hồn họ”.

Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ vấn đề bằng những trải nghiệm thơ ca trong chương trình Ngữ văn 10.


Bài văn tham khảo:

Viết về sự hoài thai, sinh thành một tác phẩm nghệ thuật, nhà thơ Chế Lan Viên từng suy tưởng đến quá trình tạo ngọc của trai để mang đến “Viên ngọc đầu tiên cũng là viên sau chót”, từng suy tưởng đến hành trình vạn chuyến ong bay để “biến trăm hoa thành mật ngọt”, từng suy tưởng đến “tằm giam mình tại chỗ nhả ra tơ”. Có thể nói, ngọc trai tròn trịa lấp lánh, mật ngọt sóng sánh và tơ vàng óng ánh dâng đời chính là lẽ sống thầm lặng của đời trai nơi đáy bể, đời ong nơi dặm đường xa và đời tằm giam mình trong kén bọc. Và lẽ sống của người cầm bút cũng vậy, như một ngọn nến, để trở thành đốm lửa rực sáng cống hiến cho thơ ca, anh phải cháy hết mình bằng tất cả rung động tâm hồn và nhịp đập con tim. Bởi lẽ: “Tầm vóc của một nhà thơ trước hết, chủ yếu phụ thuộc vào chiều kích tâm hồn họ”.

Con người ta từ xưa nay luôn chất chứa khát khao cháy bỏng để kiếm tìm và tạo dựng cho bản thân những tầm vóc mới. Điều đó cũng không ngoại lệ với thi nhân muôn đời. Trong nghệ thuật, “tầm vóc” của nghệ sĩ là sự khẳng định về tên tuổi, là sự đánh giá về thành công, là câu trả lời cho những nỗ lực lao động sáng tạo, là lời đáp của sự yêu thích và sự tôn vinh từ độc giả. Kiến tạo nên một tầm vóc vững chãi và lớn lao, anh cần những yếu tố nào? Có thể nói rằng, bên cạnh phong cách, cá tính, quan điểm sáng tác hay công phu sáng tạo ngôn từ, điều “trước hết” và “chủ yếu” hình thành tầm vóc ấy là “chiều kích tâm hồn”. Đó là khả năng nhạy bén với cuộc sống của tâm hồn thi nhân, là những tình cảm mãnh liệt, cũng là tư tưởng sâu sắc, mới mẻ. Chiều sâu và bề rộng của tình cảm và tư tưởng quyết định tầm vóc nghệ sĩ. Nhận định nêu bật yếu tố cốt lõi, hạt nhân căn bản khẳng định tên tuổi, cái tài – cái tâm – cái tình của người cầm bút chính là cảm nhận sâu sắc và phong phú trong tâm hồn.

“Tầm vóc một nhà thơ trước hết, chủ yếu phụ thuộc vào chiều kích tâm hồn họ”. Người nghệ sĩ khi sáng tạo tác phẩm, trước hết anh phải sống thật sâu với cuộc đời muôn màu muôn vẻ, lắng nghe thật tinh tất thảy âm thanh và nhịp đập sống trong từng phút giây, để tâm hồn anh luôn có sự rung cảm, trái tim anh luôn chứa tần số cộng cảm với mọi vui buồn, hạnh phúc khổ đau, thành công thất bại của cuộc sống. Khi ấy anh sẽ trăn trở, băn khoăn và dằn vặt khôn nguôi, điều chất chứa trong lòng “không viết ra không chịu được” (Nekraxtov) và anh bắt tay vào thai nghén, sáng tạo bằng tất cả tâm huyết, tình cảm và tư tưởng nơi con tim ấm nóng của mình với mục đích cao cả hướng đến xã hội công bằng, bác ái, xã hội của tình yêu thương, của giá trị Chân Thiện Mĩ.

Khi bạn đọc tiếp nhận và khám phá đứa con tinh thần của anh, họ sẽ tìm thấy sợi dây đồng điệu từ tình cảm chân thành của lòng anh, họ “trong sạch và phong phú thêm”, biết “đấu tranh cho thế giới giả dối, tàn ác” (Hoài Thanh) từ tư tưởng anh gửi gắm. Họ nhớ tới anh với tất cả những gì tinh túy và sâu sắc trong tâm hồn, họ tôn vinh đề cao và tên tuổi anh mãi bất diệt qua dòng thời gian viên miễn. Quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ đồng nghĩa với hành trình kiếm tìm và khẳng định tầm vóc, tuy gian nan và chẳng dễ dàng nhưng thật vinh quang và đầy chất nhân văn. Bởi vậy mà đến tận ngày nay, người ta vẫn không thôi tôn vinh những người nghệ sĩ bình dân với những câu ca dao “dạy chúng ta sống và dạy chúng ta yêu”, họ là nghệ sĩ đầu tiên và cũng là nghệ sĩ muôn đời. Người ta vẫn thường ghi dấu và đề cao một Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, với sự rung cảm tột độ trước vẻ đẹp cuộc đời và lời nhắn nhủ về tình yêu với cuộc sống, trân quý và tận hưởng tuổi trẻ khi chưa quá muộn. Người ta vẫn mãi nhắc tới “Mặt trời của thi ca Nga” A.X. Puskin với sự tinh tế khi viết về thiên nhiên, đằm thắm khi viết về nhũ mẫu, trong sáng khi viết về tình bạn và hết sức cao thượng khi viết về tình yêu.

Quy luật về tình cảm, tư tưởng luôn là quy luật muôn đời của thi ca và văn chương nói chung. Đặc biệt, nó luôn cần là thứ cảm xúc và thái độ được thăng hoa mãnh liệt, nén chặt trong câu từ. “Thơ hay là thơ chín đỏ cảm xúc” (Xuân Diệu). Tình cảm, tư tưởng phong phú, mới mẻ, vừa mang tính cá thể hóa từ “huyết lệ” của người nghệ sĩ; lại vừa có tính điển hình phổ quát, có khả năng “đi từ chân trời một người đến chân trời muôn người” (Paul Eluya). Càng làm được điều ấy, tầm vóc thi nhân càng được khẳng định, tên tuổi anh càng được tôn vinh, anh đồng thời kiến tạo thành công cá tính thơ, phong cách thơ của mình.

Ta bắt gặp điều ấy trong Thơ mới, thời đại bùng nổ của cái Tôi trữ tình, thời kì mọi cảm xúc và tư tưởng được hết mực mở rộng “chiều kích”. Một Xuân Diệu luôn mở rộng cõi lòng vô biên sâu thẳm của mình để ôm trọn đất trời đã góp phần tạo nên một hồn thơ thiết tha giao cảm bậc nhất. Một Huy Cận với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước không gian cùng với nỗi buồn nhân thế đã tạo nên một điệu thơ riêng không trộn lẫn – Nhà thơ của nỗi sầu vũ trụ! Đó còn là một Hàn Mạc Tử khắc khoải, da diết tình yêu đời, yêu người, đó là Nguyễn Bính khao khát níu giữ vẻ đẹp chân quê, hồn quê bình dị giữa cái xuôi ngược của dòng đời đầy mưa Âu, gió Á. Phải chăng, chỉ có mở rộng, đẩy sâu và vút cao tâm hồn đến mọi chiều kích mới có “ba đỉnh cao thơ mới” (Chu Văn Sơn) và không ít những tầm vóc đáng ghi nhận. Có thể nói, khi các thi nhân có cơ hội và bản lĩnh để thể hiện “chiều kích tâm hồn mình”, tên tuổi và tầm vóc tự nó được khẳng định qua thời gian và trong lòng bạn đọc muôn thế hệ!

Ngược dòng thời gian, ta trở về dòng văn học trung đại cùng tên tuổi nổi tiếng – Nguyễn Trãi, một nhà chính sự, quân sự, ngoại giao thiên tài đồng thời là nhà văn hóa, văn học kiệt xuất – yếu tố quan trọng khẳng định tầm vóc nhà thơ. Với “Túi thơ chứa hết mọi giang san” và hơn thế nữa, những tư tưởng tình cảm của Nguyễn Trãi được lọc qua thời gian vẫn luôn trong sáng, mới mẻ và sâu sắc. Trước hết đó là lòng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân trường tồn và bất diệt trong lời thơ:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông

(Thuật hứng 2 – Nguyễn Trãi)

Tấm lòng thi nhân khi ở ẩn tại Côn Sơn vẫn không nguôi băn khoăn, khắc khoải cho đời sống nhân tình thế thái, vẫn “cuồn cuộn” âu lo về trách nhiệm với dân, với nước, với đời, chỉ mong có được tiếng đàn của vua Nghiêu – Thuấn ca lên khúc thái bình thịnh trị:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương

(Bảo kính cảnh giới 43 – Nguyễn Trãi)

Nếu như trong thời chiến, nhân nghĩa đi liền với yêu nước, “trừ bạo” bảo vệ đất nước thì khi đất nước thái bình, tư tưởng ấy là hoài bão lớn lao giúp vua trị nước, an dân, hướng đến dân giàu nước mạnh. Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc.Tấm lòng lo cho dân trong thời bình của nhà thơ trong thời bình cũng như khi chiến tranh. Tất cả là vì đất nước. Tất cả là vì nhân dân. Đó chính là một “chiều kích vĩ đại của tâm hồn” Nguyễn Trãi.

Vẻ đẹp tâm hồn làm nên tầm vóc thi nhân. Nguyễn Trãi yêu tình, yêu con người. Trước hết là tình cảm sâu nặng với quê hương, gia đình. Đó là lòng thương nhớ chốn cũ, bà con thân thuộc nơi quê nhà tác giả sau bao năm phiêu bạt phò tá cùng Lê Lợi chiến đấu đánh ngoại xâm:

“Mười năm phiêu bạt ngán bình hồng
Nỗi nhớ như cờ chẳng bớt rung
Quê quán hằng đem hồn gửi mộng
Mả mồ xuống dưới lệ pha hồng”

Đó là lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng nặng sâu, là tình cảm anh em thắm thiết như chân tay: Tay chân dầu đứt bề khôn nối/Sống áo chăng còn mô dễ xin. Đó còn là vần thơ gợi vẻ đẹp phong tình của cái tôi lãng mạn trong tình yêu lứa đôi trong sáng, đẹp đẽ gửi gắm qua hình tượng cây chuối mang tính cách điệu rất cao:

“Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem”

(Cây chuối – Nguyễn Trãi)

Đồng thời đến với thơ Nguyễn Trãi, ta bắt gặp tâm hồn thi nhân đích thực với rung cảm tột độ và rộng lòng tinh tế cùng thiên nhiên, tạo vật qua những vẻ đẹp phong phú, mới lạ. Vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ gợi lên như tái hiện cả thắng lợi huy hoàng của dân tộc một thời, như khắc tạc giữa trời đất, núi sông mênh mông bao la:

“Kình ngạc băm vằm non mấy khúc
Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng”

(Bạch Đằng hải khẩu – Nguyễn Trãi)

Sóng tung sấm động rền nam bắc
Núi tiếp gươm kề dựng trước sau

(Thần Phù hải khẩu – Nguyễn Trãi)

Đồng thời tâm hồn nhà thơ cũng luôn gắn bó với thiên nhiên, tạo vật bình dị, đơn sơ nơi nông thôn Việt Nam. Đó là “dòng sông”, “bến nước”, “con đò”, là “đôi bè muống”, “lảnh mồng tơi”, là ánh “nguyệt trong đáy nước nguyệt trên không”,… Thiên nhiên, cỏ cây như người bạn chung tình, bằng hữu, gần gũi mật thiết với thi nhân. Tình yêu thiên nhiên còn gắn liền với tình yêu cuộc sống bình dị, thân thuộc, khắc họa rõ nét trong bức tranh cảnh ngày hè đương độ đương thì, tươi ròng sự sống, rực rỡ âm sắc của thiên nhiên hòa cùng nhịp sống bình dị mà đông vui của con người:

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

(Bảo kính cảnh giới 43 – Nguyễn Trãi)

Yêu tình yêu của con người, Nguyễn Trãi cũng đau nỗi đau cùng con người. Thi nhân xót xa trước nghịch cảnh cuộc sống, đau đáu với nhân tình thế thái, gửi gắm suy tư thăm thẳm nhuốm sắc sầu với cuộc đời:

“Phượng những tiếc cao diều hãy liệng
Hoa thì hay héo cỏ thường tươi”

(Tự thuật 9 – Nguyễn Trãi)

“Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc
Cho hay đường lợi cực quanh co”…

(Ngôn chí – Nguyễn Trãi)

Có thể nói, một Nguyễn Trãi với lòng yêu nước thương dân, một Nguyễn Trãi yêu tình yêu con người, một Nguyễn Trãi đau nỗi đau con người thực sự đủ sức khẳng định “chiều kích tâm hồn” người nghệ sĩ ấy; làm nên một tầm vóc thi nhân vừa lớn lao vĩ đại lại thật “bình dị cận dân”.

Theo dòng thời gian, ta đến với bậc đại thi hào của dân tộc – Nguyễn Du. Nếu như tầm vóc Nguyễn Trãi thể hiện trong tư tưởng sâu sắc và tình cảm lớn lao với đất nước, quê hương, con người, thì đến Nguyễn Du, ta không thể không nhắc đến tấm lòng nhân đạo cao cả của thi nhân đạt đỉnh cao trong văn học Việt Nam và thế giới. Quả đúng như quan niệm của Tsekhov: “Nghệ sĩ chân chính là nhà nhân đạo trong cốt tủy”. Tình cảm, tư tưởng nhà nhân đạo ấy vừa kế thừa và phát huy truyền thống văn học trước đó, lại vừa có những nét mới, điểm sáng, vì thế sâu sắc, lại mới mẻ vô cùng.

Trước hết, đó là mối cảm thương lạ lùng cho thân xác, thân phận con người bị đày đọa. Niềm thương ấy vừa có cái mênh mông của đủ kiếp người, lại vừa thấm thía đế từng số phận cơ cực nhất. Từ kẻ tranh đoạt ngôi báu, kẻ quyền cao chức trọng đến cung phi, tướng sĩ, những người vào sông ra bể, những người hành khất, … ông đều thương cảm. Đặc biệt hơn cả, tình thương Nguyễn dành nhiều cho kiếp người tài hoa bạc mệnh, tài tử phong lưu:

“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau”

Điều ấy đúng cho cả những con người sáng tạo các giá trị tinh thần. Thi nhân thương tiếc cho một Đạm Tiên “nổi danh tài sắc một thì” nghiệt ngã thay trong cảnh “Nấm mồ vô chủ ai mà viếng thăm”, một Thúy Kiều “Sắc đành đòi một tài đành họa hai” gánh chịu cuộc đời “Một cung gió thảm mưa sầu”, “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”, một Tiểu Thanh chịu bi kịch tang thương lúc đầu xanh tuổi trẻ, đương sắc tài hoa, do bị đày đọa bởi chính con người.

Nguyễn Du thấu rõ bi kịch cá nhân, uẩn khúc trong lòng người, thi nhân tự coi mình là người cùng hội cùng thuyền với kiếp người tài mệnh tương đố để cất lên tiếng nói đồng cảm sâu sắc:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư”

(Độc Tiểu Thanh kí)

Đồng thời, Tố Như đi sâu khắc họa bi kịch tự ý thức của nhân vật, để nhân vật cất lên tiếng nói cá nhân tự thương tự xót cho bản thân mình – một nét hoàn toàn mới trong văn học trung đại khi đó. Bởi vậy, Lê Đình Kỵ đã nhận xét: “Truyện Kiều là tiếng nói thương thân, xót thân vào hàng bậc nhất trong văn học trung đại Việt Nam”. Xét đến cùng vẫn là niềm quan tâm sâu sắc, mối cảm thương thống thiết, là tấm lòng yêu thương con người của bậc đại thi hào!

Tinh thần nhân đạo ấy còn là nỗi bức xúc khôn nguôi, nỗi bất bình, là lời tố cáo đanh thép, là tiếng thét đòi quyền sống của con người. Nhà thơ dứt khoát đứng về phía nhân dân vạch trần bản chất của xã hội đồng tiền; lời lẽ như quất đòn roi vào thế lực phong kiến:

“Trong tay có sắn đồng tiền
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì.”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

“Người nách thức kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Mới mẻ và toàn diện hơn khi thi nhân thiết tha khám phá, trân trọng vẻ đẹp toàn diện của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Trong khi xã hội phong kiến ra sức vùi dập, coi rẻ, khinh thường họ, trong khi văn chương trung đại ngại ngần khi nói về sắc đẹp của họ thì Nguyễn Du lên tiếng để tôn vinh, ngợi ca sắc đẹp của phận nữ nhi ấy. Vẻ đẹp của người phụ nữ trong trang viết nhà thơ là sự hài hòa, tôn tạo giữa yếu tố sắc – tài – tình. Nàng Tiểu Thanh vẹn toàn cả về nhan sắc và văn chương:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”.

(Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du)

Hay một Thúy Kiều “sắc sảo mặn mà” “làn thu thủy nét xuân sơn”, “pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”... Rõ ràng, Nguyễn Du luôn có cách nhìn, cách cảm mới về con người, đặt ra những thang bậc giá trị mới để minh oan, chiêu tuyết cho nhân vật, để nhân vật đẹp ở mọi hoàn cảnh. Từng nhớ Thúy Kiều chịu bao đau thương trong chốn hoang lạc đàng điếm, “dày gió dạn sương”, “tan tác như hoa giữa đường” vậy mà trong con mắt của Nguyễn, nàng thanh khiết như bông hoa sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

“Mặc người mưa Sở, mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì?”

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Ô trọc không làm vẩn đục thiên lương của Kiều. Bùn bả lầu xanh chẳng thể hoen ố tâm hồn cao khiết, giá trong của nàng. Càng xót xa, càng cao quý, càng thương thân, càng đáng trọng!

Ta còn thấy một Nguyễn Du hết mực đồng tình, cổ vũ cho ước mơ, khát vọng của con người. Đó là khát khao hạnh phúc tự do của Kim – Kiều “Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”, “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” (Truyện Kiều) trong xã hội phong kiến đương thời hà khắc với bao quan niệm cổ hủ, giáo điều lạc hậu. Đó là khát vọng về công lí của những con người dưới đáy xã hội, chịu bao sự vùi dập và bất công ngang trái. Đó là niềm khát khao được tri âm, tri kỉ nối dài sợi dây đồng điệu, cảm thông gửi về nơi hậu thế.

“Vui là là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai.”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

(Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du)

Có thể nói, đến với trang viết của Nguyễn Du, ta như được tiếp xúc với tâm hồn thi nhân hết mực yêu thương con người, ngòi bút như vũ khí đấu tranh đòi quyền con người, ngòi bút kết tinh từ máu và nước mắt của người nghệ sĩ. Cùng với sự tôn tạo của những hình thức nghệ thuật đặc sắc; tài năng trong nghệ thuật tả cảnh, tả người, miêu tả nội tâm nhân vật…đã khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ vĩ đại càng trở nên tỏa sáng hơn. Bởi vậy mà hàng trăm, hàng nghìn năm sau người ta vẫn thiết tha trân trọng và tôn vinh con người ấy, một tầm vóc vĩ đại kết tác từ “chiều kích tâm tồn” sâu rộng vô bờ bến.

“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghẹ như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru mỗi ngày”.

(Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu)

Nguyễn Trãi và Nguyễn Du qua trang thơ của mình đều gửi gắm tất thảy bao cảm xúc và tư tưởng nhân văn, nhân đạo nhất. Nếu thế giới công nhận họ là những Danh nhân Văn hóa thì trong lòng mỗi bạn đọc hôm nay và mai sau họ sẽ mãi là những nhà tư tưởng lớn, nhà nhân đạo vĩ đại.

Quả thực tầm vóc của nhà thơ trước hết phụ thuộc vào chiều kích tâm hồn họ”! Đạt được tầm vóc lớn lao ấy, luôn yêu cầu người nghệ sĩ phải sống thật sâu với đời, với người, với chính mình. Anh cần trở thành kĩ sư của tâm hồn, là “thư kí trung thành của trái tim” để trao gửi mọi tấc lòng vào trang thơ. Đồng thời “chiều kích tâm hồn” là yếu tố trước hết song không phải là tất cả, với thi ca hay văn học nói chung, người nghệ sĩ cần có một tài năng nghệ thuật và phong cách sáng tạo để khẳng định tên tuổi của mình đậm nét hơn và bất tử hóa thi ca muôn đời. Với bạn đọc, sự cảm hiểu và đồng điệu với thi nhân là yếu tố không thể thiếu trong mọi cung đường tiếp nhận. Có như vậy, thơ mới có khả năng “đi từ trái tim đến trái tim” và sợi dây sinh mệnh của thơ mới mãi được nối dài.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang