»» Nội dung bài viết:
Cảm nhận về đoạn thơ sau: Ta với mình, mình với ta… Chày đêm nện cối đều đều suối xa… (Việt Bắc – Tố Hữu).
– Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy.
Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ sao lớp học i tờ
Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…
- Mở bài:
– Tố Hữu được xem là cánh chim đầu đàn trong phong trào thơ ca cách mạng Việt Nam thế kỷ XX. “Việt Bắc” là tập thơ xuất sắc của Tố Hữu nằm trong tập thơ Việt Bắc, sáng tác trong gian đoạn 1946 – 1954. Bằng lối đối đáp và cách sử dụng cặp đại từ nhân xưng “mình” – “ta” quen thuộc của ca dao, bài thơ như một bài hát giao duyên thể hiện ân tình sâu đậm giữa đồng bào Việt Bắc và người cán bộ kháng chiến về xuôi.
– Đoạn thơ này là lời người cán bộ kháng chiến về xuôi đáp lại lời nhắn nhủ của đồng bào Việt Bắc. Trong đoạn thơ, ta thấy cảnh vật và con người Việt Bắc hiện lên trong nỗi nhớ người đi thật đẹp và cũng thật tình nghĩa. Nỗi nhớ ấy thật thiết tha và sâu đậm, bao phủ cả không gian, thời gian và đầy ắp tâm trạng của người cán bộ kháng chiến.
- Thân bài:
1. Mở đầu đoạn thơ là lời đáp của người ra đi khẳng định tình cảm thuỷ chung của mình.
– Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…
– Người ra đi đã khẳng định “mình đi, mình lại nhớ mình” là để trả lời cho câu hỏi đặt ra của đồng bào Việt Bắc ở trên (“Mình đi mình có nhớ mình”…). Đây là lời khẳng định: người cán bộ kháng chiến về thành nhưng vẫn nhớ đến những ngày sống ở chiến khu Việt Bắc. Nói cách khác, đây là lời khẳng định phẩm chất đạo đức của người cán bộ kháng chiến.
– Cặp từ “Ta – mình”, “mình – ta” thể hiện sự quấn quýt, quyện hoà, ta với mình là một. Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh. “Đinh ninh” là sự khẳng định chắc chắn, mãi mãi, gắn bó, thuỷ chung với Việt Bắc. Việt Bắc là cái nôi cội nguồn của cách mạng làm sao dễ dàng quên.
– Sự so sánh “Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu” đã khẳng định sự chung thuỷ son sắt với Việt Bắc như tình yêu đôi lứa bền chặt, mãi mãi, không bao giờ cạn như nguồn nước kia.
+ Trong tâm thức của người Việt Nam, nước nguồn được chảy ra vì công lao, tình nghĩa vô bờ bến của người mẹ, tuôn chảy bất tận không bao giờ cạn. Bao nhiêu nước thì bấy nhiêu nghĩa tình sâu nặng, như nghĩa mẹ tình cha.
+ “Bao nhiêu” được so sánh với “bấy nhiêu”. Đó là cách so sánh giữa một sự vô tận với một sự vô tận. Đọc câu thơ, ta có cảm giác dường như đó không còn là những dòng chữ im lặng nữa mà là tiếng lòng được thốt lên từ một trái tim tràn đầy xúc động của kẻ ở người về trong giây phút li biệt.
2. Nhớ thiên nhiên thanh bình, yên ả và thơ mộng.
– Nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến đối với Việt Bắc vừa đa dạng, vừa cụ thể. Trong cuộc đời, có mảnh đất nào đã đi qua, đã từng gắn bó mà khi ra đi lại không để thương nhớ cho lòng người. Trong hoài niệm của nhà thơ, Việt Bắc không chỉ là những ngày mưa rừng sương núi mà còn là một vùng đất thơ mộng, thanh bình, yên ả gợi bao nỗi nhớ niềm thương:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy”.
+ Nỗi nhớ Việt Bắc được so sánh như “nhớ người yêu”. Một nỗi nhớ cháy bỏng, tha thiết, mãnh liệt. Tình yêu là nỗi nhớ, nhất là phải xa nhau thì nỗi nhớ càng cồn cào, da diết khôn nguôi. Dường như nỗi nhớ của người cách mạng với thiên nhiên, với đồng bào Việt Bắc có lẽ cũng không kém phần tha thiết như thế. Vì vậy, cảnh và người phút chốc lại trở về vơi đầy trong tâm trí của người ra đi.
+ Nỗi nhớ ấy vừa được so sánh với “Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”, vừa gắn với không gian, thời gian đầy ắp kỉ niệm: “Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương” vừa là cảnh thật vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Trăng là ban đêm, nắng là ban ngày. Như vậy, nỗi nhớ ở đây bao trùm khắp cả không gian và thời gian. Nỗi nhớ còn rộng lớn, bao phủ khắp không gian, “đầu núi”, “lưng nương”, từ “rừng nứa”, “bờ tre” đến “ngòi Thia”, “sông Đáy”, “suối Lê”. Nhớ những đêm trăng sáng yên ả, thanh bình, những buổi chiều nắng trải vàng ấm áp trên nương. Nhớ cảnh núi đèo, bản làng chìm trong sương khói, cảnh bếp lửa bập bùng trong mỗi đêm đông và hình ảnh con người thân thương, tảo tần đi về hôm sớm.
+ Điệp từ “nhớ” đặt đầu các câu thơ làm nổi bật lên nỗi nhớ ngày càng mênh mông, bất tận. Ở đoạn thơ này, thiên nhiên Việt Bắc không còn ảm đạm “những mây cùng mù” mà ấp áp, vui tươi. Thiên nhiên, cuộc sống hiện lên vừa thực vừa mộng, vừa đơn sơ vừa thi vị, gợi rõ nét sự riêng biệt, độc đáo, khác hẳn với bao miền quê đất Việt. Quàn Dũng trong bài thơ Tây Tiến cũng đã tỏ bày nỗi nhớ đậm sau và thắm thiết đến thế:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Chỉ có những con người sống, gắn bó máu thịt với Việt Bắc mới có cái nhìn toàn diện, có nỗi nhớ da diết và cảm nhận sâu sắc, thấm thía đến như thế:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”
(Chế Lan Viên)
Đối với những mảnh đất giàu tình nghĩa, khi ta sống ở đó rồi, lúc ra đi ta cảm thấy trái tim cứ dào lên biết bao nỗi vấn vương thương nhớ, nhớ cả những vật vô tri tầm thường nhất mà ta vô tình bắt gặp:
“Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy”.
3. Nhớ nhất là nếp sống của con người Việt Bắc vô cùng gian khổ nhưng nghĩa tình sâu nặng.
“Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”
– Cuộc sống của đồng bào Việt Bắc tuy nghèo khó nhưng là những con người giàu tình nghĩa. Họ sẵn sàng chia sẻ cho người cán bộ kháng chiến từng “bát cơm”, “củ sắn lùi”, mảnh “chăn sui”. Hình ảnh thơ thật mộc mạc, giản dị như chính bản thân cuộc sống vậy. Ở đây không phải sẻ chia những gì lớn lao như tính mệnh hay xương máu, mà sẻ chia những sự vật bình thường nhỏ nhoi hàng ngày. Quả chẳng là đáng bao nhiêu nhưng nghĩa tình thì rất nặng. Cuộc sống những ngày ấy tình quân dân như cá với nước, thân tình như trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
– Đặc biệt, Tố Hữu không thể nào quên hình ảnh những người mẹ:
“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”
+ Hình ảnh những bà mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó cõng con, cõng cả nắng trời cháy trên lưng trên rẫy bẻ từng bắp ngô, nuôi giấu cán bộ cứ trở đi trở lại trong thi phẩm của nhà thơ.
+ Hai chữ “cháy lưng” nhói lên nỗi xót thương vô hạn của tác giả đối với những bà mẹ Việt Bắc. Mẹ là nhân vật lịch sử góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của dân tộc nên thơ ca Việt Nam nhiều lần thổn thức bởi cái “lưng” của người mẹ:
“Lưng còng đổ bóng xuống sân ga”.
(Những bóng người trên sân ga – Nguyễn Bính)
“Bóng tròn che lưng mẹ Nhớ về anh mẹ khóc”
(Bóng cây kơnia – Ngọc Anh)
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”
(Khúc hát ru những em bé ngủ trên lưng mẹ – Nguyễn Khoa Điềm)
4. Cuộc sống của đồng bào và những cán bộ chiến sĩ ở Việt Bắc đầy khó khăn gian khổ nhưng tinh thần lại rất lạc quan, yêu đời, gắn bó bên nhau.
– Ta bắt gặp những hình ảnh, âm thanh hết sức tiêu biểu cho sinh hoạt của người cán bộ và nhân dân Việt Bắc:
“Nhớ sao lớp học i tờ
Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa… “
– Đó là những lớp học “i tờ” nhằm xoá nạn mù chữ, mang ánh sáng văn hoá cho đồng bào Việt Bắc. – Đó là những “đồng khuya đuốc sáng” để liên hoan mừng tin thắng trận.
– Người cán bộ các cơ quan ở chiến khu Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp tuy sinh hoạt thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn “ca vang núi đèo”. Đó là tinh thần lạc quan yêu đời, tin tưởng vào chiến thắng ở tương lai.
– Trong tiếng “ca vang núi rừng ấy”, có tiếng mõ trâu khua vang trên đường về bản làng trong các buổi chiều, tiếng cối giã gạo bằng sức nước cứ vang lên đều đặn trong rừng mỗi khuya tạo thành một bản nhạc riêng khó lẫn của núi rừng Việt Bắc. Đó là những âm thanh tiêu biểu cho Việt Bắc, là loại nhạc cụ rừng mà người cán bộ kháng chiến không thể nào quên. Tất cả làm nên một bài ca trong trẻo, tươi vui mà không một cuộc sống gian nan khổ ải nào có thể dập tắt được.
- Kết bài:
– Đoạn thơ là tiếng lòng của người cán bộ kháng chiến về xuôi đối cảnh vật và con người Việt Bắc. Trong nỗi nhớ của người ra đi, cảnh vật Việt Bắc hiện lên thật gần gũi thân thương và thật đẹp; con người Việt Bắc tuy đời sống thiếu thốn, gian khổ nhưng đầy tình nghĩa. Thể thơ lục bát quen thuộc và những hình ảnh được lấy ra từ đời sống thực tế, điệp từ “nhớ” được lặp lại nhiều lần góp phần thể hiện thành công nỗi nhớ vừa chân thành tha thiết, vừa mênh mông bất tận của người cán bộ về xuôi đối với Việt Bắc, tạo nên sự rung động sâu sắc trong lòng người đọc.