Chất thơ trong tác phẩm thơ trữ tình.

chat-tho-trong-tac-pham-tho-tru-tinh

Chất thơ trong tác phẩm thơ trữ tình.

Chất thơ là gì?

Khác với chất thơ trong đời sống thường được quan niệm như một cái gì đẹp, thơ mộng, tồn tại khách quan, chất thơ trong nghệ thuật bao gồm sự thống nhất giữa những phẩm chất của đối tượng khách quan với cảm hứng sáng tạo chủ quan của nhà thơ. Thực tế khách quan được chọn lọc ở những mặt kết tinh tiêu biểu, ở những chi tiết, hình ảnh chân thực là tiền đề trực tiếp để tạo nên chất thơ, chính hiện thực phong phú đó có tác dụng gây cảm xúc và góp phần biểu hiện thành cảm xúc thẩm mỹ. Nhưng nhân tố quan trọng hơn cả để tạo nên chất thơ chính là phần cảm xúc và suy nghĩ chủ quan của người nghệ sĩ. Những hình tượng thơ ca chân chính đều chứa đựng một lí tưởng đẹp, một sức tưởng tượng phong phú và những cảm xúc lắng đọng sâu sắc.

Chất thơ là một phẩm chất tổng hợp được tạo nên từ nhiểu nhân tố. Những nhân tố này cũng có thể có trong nội dung cấu tạo của các thể loại khác, nhưng ở thơ biểu hiện tập trung hơn và được hòa hợp, liên kết một cách vững chắc tạo nên những phẩm chất mới cũng khó như định nghĩa cho chất uymua (humour). Nhưng khi chúng ta quan niệm “thơ không phải là cái gì thần bí, siêu việt, thơ gắn liền với cuộc sống, với tâm hồn con người và năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ thì việc tìm hiểu chất thơ lại là cần thiết và quan trọng để làm cơ sở lí luận đi vào địa hạt thơ ca.”.

Chất thơ trong tác phẩm thơ trữ tình.

Người ta thường nói đến chất thơ trong tác phẩm văn học nhưng chất thơ biểu hiện đậm đặc và sâu sắc nhất là trong thơ trữ tình. Có lẽ đó là điều dễ hiểu bởi “Từ thời cổ đại đến nay, văn chương nhân loại có các loại thơ: thơ sử thi, thơ bi kịch, thơ tự sự, thơ trữ tình, thơ trào phúng, phúng thích, thơ thế sự, thơ quảng bá ý tưởng, tuyên truyền, quảng cáo, thơ thoại trong kịch… Mỗi khi bàn về thơ, người ta chỉ bàn về thơ trữ tình, mặc nhiên coi nó là tiêu biểu của thơ…”. Điểm mấu chốt để phân biệt thơ trữ tình với những thể thơ khác là ở mục đích và phương thức biểu đạt riêng. Thơ trữ tình không chỉ có mục đích “viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với xung quanh” mà còn để bày tỏ về chính mình trong những “rung động cụ thể, cảm tính, hình ảnh, giàu màu sắc nhạc tính”.

Nếu nói văn học phản ánh hiện thực thì hiện thực trong thơ trữ tình chủ yếu là hiện thực tâm hồn của chính nhà thơ, người tạo ra văn bản. Hay nói cách khác chất thơ trong thơ trữ tình trước hết được thể hiện ở cảm xúc trực tiếp của chủ thể tác giả – người sáng tác ra văn bản thơ. Những cung bậc tình cảm của nhà thơ dù là một niềm vui hồ hởi hay một nỗi buồn sâu lắng, thiết tha, dù kéo dài triền miên, trĩu nặng tâm hồn hay thoáng qua trong giây lát đều gắn liền với một cái gì đó của đời sống bên ngoài nhưng sâu xa hơn là tiếng nói thầm kín của trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ. Phải thâm nhập vào thế giới tâm hồn của chủ thể, hình dung được trạng thái xúc cảm của tác giả trong quá trình hình thành văn bản chứ không phải nhìn vào nội dung được nói tới của bài thơ ấy sau khi nó đã hoàn thành. Muốn thế phải thâm nhập vào tiếng nói của chủ thể để cảm thông, lắng nghe, hình dung… và phải đọc lên cho cảm xúc hiện ra trong hình ảnh, nhịp điệu.

Thơ trữ tình chính là những nỗi niềm tâm sự riêng của tác giả. Nhà thơ là nhân vật chính, là hình bóng trung tâm, là cái tôi bao quát trong toàn bộ sáng tác. Có nhiều cuộc đời thi sĩ gắn liền với đời thơ như hình với bóng, những sự kiện, hành động và tâm tình trong cuộc đời riêng cũng in lại đậm nét trong thơ. Nói như Hàn Mặc Tử: “Người thơ phong vận như thơ ấy”.  Garxia Lorca cũng nói một cách cảm động về mối quan hệ giữa nhà thơ và đời thơ: “Mỗi bài thơ mà hôm nay tôi trao vào tay bạn đọc thân mến là nảy sinh cùng với mầm mống trên cái cây xao động của cuộc đời đang nở hoa. Coi thường quyển sách này sẽ là tàn nhẫn bởi vì nó gắn liền khăng khít với bản thân cuộc đời tôi. Ở ngay sự yếu đuối của nó, sự nghèo nàn mà tôi thừa nhận vẫn có một sức mạnh của nó trong số những sức mạnh khác mà chỉ có tôi mới phát hiện được”.

Sự thống nhất giữa cuộc đời nhà thơ và cái tôi trữ tình trong sáng tác là một hiện tượng khá phổ biến. Thơ trữ tình từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Tú Xương, Phan Bội Châu, Tố Hữu ….đều biểu hiện rõ nét sự thống nhất trên. Thái độ bất bình với những xấu xa và lố lăng của xã hội, nụ cười mỉa mai và trào lộng đều có những liên hệ khá trực tiếp với cuộc đời riêng của Tú Xương, nhà nho yêu nước, long đong chuyện thi cử, và cái nghèo năm tháng quẩn quanh. Tuy nhiên cần lưu ý là không thể đồng nhất cái tôi của nhà thơ trong đời sống với cái tôi trữ tình trong tác phẩm. Có những trường hợp cái tôi trữ tình trong thơ khác biệt  đến xa lạ với con người thuộc cuộc sống thực của nhà thơ. Có thể kể ra đây ví dụ: Veclen con người lang thang trong các quán rượu đắm chìm trong những mộng tưởng xa lạ, với Vélen – nhà thơ có những vần thơ tỉnh táo ca ngợi Ba- lê công xã. Do đó: Cái tôi trữ tình không phải bao giờ cũng là cái tôi của tác giả sáng tác ra bài thơ, nhưng nó lại là cơ sở trực tiếp nhất sáng tạo nên thi ca. Đi vào thế giới của chủ thể chính là đi vào bản chất, cốt lõi của thơ vậy.

Nếu nội dung chủ yếu trong thơ trữ tình là thế giới tâm hồn chủ thể tác giả thì yếu tố biểu đạt nội dung đó không gì hiệu quả hơn là giọng điệu. Giọng điệu vốn là yếu tố thể hiện linh hồn, phong cách… trong tác phẩm văn học nói chung. Riêng với thơ, thì giọng điệu còn là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên chất thơ trong thơ trữ tình, cũng là yếu tố giúp ta nhận ra cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.

Nói về sức mạnh biểu cảm của yếu tố âm nhạc trong thơ, một nhà mĩ học Bun-ga-ri từng nói: “Trong thơ ca, nhạc tính xuyên thấm không chỉ hình thức, không chỉ âm thanh mà cả tư tưởng chủ đạo, và không một ai lại có thể bằng các khái niệm logic trình bày cho hết được ấn tượng của mình trước một tự thuật trữ tình. Ý nghĩa, hình ảnh, tâm trạng…chỉ trở thành năng sản đối với thơ ca khi chúng có màu sắc nhạc tính”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.