Nghị luận: Mỗi tác phẩm văn học là một cuộc xổ số mà số độc đắc luôn có trong lòng độc giả

nghi-luan-moi-tac-pham-van-hoc-la-mot-cuoc-xo-so-ma-so-doc-dac-luon-co-trong-long-doc-gia

Anh/ chị bình luận ý kiến sau: “Mỗi tác phẩm văn học là một cuộc xổ số mà số độc đắc luôn có trong lòng độc giả”.

  • Mở bài:

“Bài thơ anh anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy”

Câu thơ thuở nào của Chế Lan Viên như một chân lý, nêu lên mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật với cuộc đời. Tác phẩm văn học là bức tranh toàn cảnh về cuộc sống. Nó xuất phát từ hiện thực và trở về với hiện thực. Nó sống hay chết là phụ thuộc vào người đọc. Vì thế mới có ý kiến cho rằng: “Mỗi tác phẩm văn học là một cuộc xổ số mà số độc đắc luôn có trong lòng độc giả.”

  • Thân bài:

Nói đến văn học là nói đến tấm gương phản chiếu cuộc sống, là sự biểu hiện nội tâm. Tác phẩm văn học không chỉ là kết quả sáng tạo của nhà văn mà còn là đối tượng của tiếp nhận văn học. Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm nhưng lại không có quyền định đoạt số phận cho nó. Nó có thể chết khi nhà văn còn sống. Nó có thể sống khi nhà văn không còn nữa. Có thể coi “một tác phẩm văn học như là một cuộc xổ số” là vì lẽ đó. Một tác phẩm ra đời, thành công hay thất bại là do độc giả quyết định. Nói như Milan Kundern rằng: “Khi đặt bút viết một tác phẩm, nhà văn thường tìm kiếm và đặt ra rất nhiều câu hỏi. Chiều sâu của một tác phẩm thể hiện khả năng đặt ra nhiều câu hỏi về những vấn đề cuộc sống. Chính người đọc sẽ tìm ra câu trả lời.”

Ý kiến trên đã đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa tác phẩm với bạn đọc, giữa nhà văn với độc giả, nêu lên sức sống của một tác phẩm văn chương.

Tác phẩm văn học như một “chứng minh thư” xác nhận tư cách nhà văn, để xác định nhà văn trong lòng độc giả, trong lịch sử văn học. Một tác phẩm chỉ thực sự lưu dấu trong trái tim và ký ức bạn đọc khi đó là tác phẩm có giá trị. Mà tác phẩm có giá trị hay không thì câu trả lời nằm sẵn trong lòng độc giả. Có biết bao văn sĩ đã biến mất khỏi ký ức nhân loại vì tác phẩm của họ không phải là “số độc đắc”, chưa đủ in dấu với thời gian. Và cũng có rất nhiều những tác phẩm, tác giả mãi mãi lưu danh với đời. Những cái tên như Nguyễn Du, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân… hay Banzắc, Heminway… sống mãi với thời gian.

“Tác phẩm văn học như một cuộc xổ số”, mà nhà văn là người quay số – hồi hộp và lo lắng vô cùng. Để có được một tác phẩm văn chương, nhà văn phải trải qua quá trình thai nghén, ấp ủ rồi lao động sáng tạo vất vả, khổ cực và thậm chí là căng thẳng. Nguyễn Tuân cũng đã từng tâm sự rằng: “Mỗi khi ngồi vào bàn giấy, tôi có cảm giác như đang đứng trước một pháp trường trắng”. Một tác phẩm hoàn thành là biết bao công sức, mồ hôi, tâm huyết của người nghệ sĩ. Cũng như bà mẹ chín tháng mười ngày đợi chờ đứa con sinh ra, nhà văn cũng vui mừng khi tác phẩm – đứa con tinh thần của mình ra đời, sống được trong lòng độc giả. Là con đẻ của nhà văn nhưng khi ra đời tác phẩm tồn tại độc lập với nhà văn. Tác phẩm “sống” được hay không còn là điều băn khoăn, là dấu hỏi lớn đối với các văn sĩ.

Câu hỏi về vấn đề sống còn của tác phẩm mãi là điều bí ẩn, không lời đáp đối với tác giả nếu như không có bạn đọc. Chỉ có tiếp nhận, khám phá, thấu hiểu được nó thì công chúng định đoạt, đón nhận nó. Trong vô vàn tác phẩm đến với cuộc sống, mỗi người có thể và có quyền chọn ra một tác phẩm ưng ý cho riêng mình. Cho nên “tác phẩm văn học là một cuộc xổ số” nhưng điều thú vị ở đây là không phải chỉ có một “con số độc đắc” mà mỗi người đều có thể chọn cho mình một con số riêng”. Và cũng tùy cách tiếp nhận của mỗi người để tác phẩm đó trở thành “số độc đắc” hay không. Thơ Hồ Xuân Hương có thể là đặc sắc với người này nhưng cũng có thể là dung tục đối với người kia.

Tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật độc đáo. Xem tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghĩa là xem nó như một cơ thể sống trọn vẹn có quá trình. Tính chỉnh thể ấy được thể hiện rõ trong quan hệ giữa nhà văn, bạn đọc, hiện thực, tác phẩm… Nhà văn phải làm sao để tác phẩm của mình là “con số độc đắc” trong lòng độc giả. Tác phẩm phải làm sao để tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với người đọc. Tuy nhiên, tác phẩm không chỉ mang chức năng giải trí như “cuộc xổ số” mà chức năng của văn học còn là nhận thức, giải trí, giao tiếp, thẩm mỹ và… “nhân đạo hóa” con người. Chức năng chính của văn học vẫn là tạo ra những rung động thẩm mỹ, hướng con người tới những điều tốt đẹp hơn, “Văn học là nhân học” (Măcxim Gorki)

Về phía người đọc, để đánh giá đúng giá trị của một tác phẩm, người đọc cũng phải có một trình độ tiếp nhận nhất định. Sự đồng cảm, rung động thật sự trước một tác phẩm là yếu tố đầu tiên để độc giả chọn ra tác phẩm yêu thích cho riêng mình. Ngoài ra, bạn đọc cũng phải có một vốn kiến thức cơ bản về văn học để đánh giá đúng giá trị của tác phẩm. Bởi lẽ, người đọc có quyền chọn tác phẩm yêu thích, có quyền quyết định “số phận” của tác phẩm.

  • Kết bài:

“Mỗi tác phẩm văn học là một cuộc xổ số mà số độc đắc luôn có trong lòng độc giả”. Mối quan hệ giữa tác phẩm – tác giả – độc giả là mối quan hệ tác động qua lại. Tác giả dâng tặng công trình sáng tạo của mình – tác phẩm – cho bạn đọc, hồi hộp và mong mỏi đứa con tinh thần ấy được bạn đọc đón nhận. Tác phẩm được công chúng đánh giá cao thì nó sẽ cùng tác giả bất tử với thời gian.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.