Những yếu tố cơ bản trong tác phẩm văn học

khai-niem-nhung-yeu-to-co-ban-trong-tac-pham-van-hoc

Những yếu tố cơ bản trong tác phẩm văn học

1. Bi kịch.

Bi là buồn, bi thương, là những mất mát, bế tắc không có lối thoát.

Bi kịch thường nảy sinh từ mâu thuẫn, xung đột giữa mơ ước, khát vọng, hoài bão, lí tưởng và mong muốn của con người với hiện thực cuộc sống khiến con người rơi vào sự thất bại, trạng thái bi thương tuyệt vọng, thậm chí dẫn đến cái chết.

Bi kịch là cuộc đấu tranh dai dẳng, không khoan nhượng giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cao thượng và thấp hèn, giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Trong cuộc sống thường ngày, bi kịch không diễn ra giữa các lực lượng xã hội đấu tranh với nhau mà nó là lực lượng tinh thần trong đời sống tâm hồn của một con người.

– Bi kịch còn là một thể loại kịch thể hiện mối xung đột không điều hoà được giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn, lí tưởng và thực tại,…. Kết thúc các bi kịch nhân vật chính thường có kết cục bi thảm, đau thương, các thành quả quan trọng thường bị phá hủy, gây cảm xúc đau thương mãnh liệt cho người đọc, người xem.

– Ta đã thấy trong văn chương không ít bi kịch như bi kịch giữa tình yêu và thù hận của Romeo và Jiuliet, bi kịch bị bán vào lầu xanh của Kiều… Trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930-1945 cũng có những bi kịch như bi kịch của chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, của anh Pha trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan… Nhưng nếu như chị Dậu, anh Pha… chỉ rơi vào bi kịch bần cùng hóa bởi nạn sưu cao, thuế nặng, cường hào ác bá, bi kịch của họ chỉ là bi kịch về miếng cơm manh áo thì bi kịch của Chí Phèo trong tác phẩm của Nam Cao còn đau đớn hơn nhiều. Chí Phèo không chỉ phải chịu đựng bi kịch của sự bần cùng hóa mà còn rơi vào tấn bi kịch tinh thần đầy đau đớn, bi kịch bị từ chối quyền làm người.

2. Giá trị hiện thực.

Giá trị hiện thực là phạm vi hiện thực đời sống mà tác phẩm phản ánh. Một tác phẩm văn học nào cũng có giá trị hiện thực vì văn học bắt nguồn từ đời sống, bắt nguồn từ hiện thực đời sống sinh hoạt hàng ngày, bắt nguồn từ hiện thực, tình cảm, tâm lí… Trong tác phẩm văn học, giá trị hiện thực là sự phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống cơ cực, nỗi khổ về vật chất hay tinh thần của những con người bé nhỏ, bất hạnh; chỉ ra nguyên nhân gây đau khổ cho con người và miêu tả tinh tế vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người. Ở mỗi tác phẩm cụ thể, giá trị hiện thực được miêu tả đa dạng.

3. Giá trị nhân đạo, nhân văn.

– Nhân đạo: Nhân là người và đạo là đạo đức, đạo lí làm người. Giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn học là đạo lí hướng tới con người, vì con người, là tình yêu thương giữa người với người. Một nhà văn chân chính là nhà văn nhân đạo chủ nghĩa, phất cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng con người và bênh vực quyền sống cho con người. Trong tác phẩm văn học, giá trị nhân đạo là tình cảm, thái độ của chủ thể nhà văn đối với cuộc sống của con người được miêu tả trong tác phẩm thể hiện cụ thể ở lòng xót thương những con người bất hạnh; phê phán những thế lực hung ác áp bức, chà đạp con người; trân trọng những phẩm chất, khát vọng tốt đẹp của con người; đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người… Đồng thời tư tưởng nhân đạo còn thể hiện qua các hình tượng nghệ thuật, qua cảm hứng, cảm xúc, giọng điệu… Cảm hứng nhân đạo cùng với cảm hứng yêu nước là hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ nền văn học Việt Nam. Về cơ bản có những biểu hiện chung song ở mỗi thời kì, giai đoạn, do hoàn cảnh lịch sử, xã hội, do ý thức hệ tư tưởng của các nhà văn khác nhau nên có những biểu hiện riêng.

– Nhân văn: là tư tưởng đề cao giá trị đích thực (giá trị bên trong) của con người, tôn trọng, bảo vệ và phát huy quyền sống, quyền tự do và khát vọng hạnh phúc của con người, là ước mơ thiết tha vun đắp những giá trị nhân bản ngày càng hoàn thiện, thương xót, cảm thông cho những kiếp người bé nhỏ, bất hạnh, là quá trình đấu tranh chống lại những thế lực bất công, bạo tàn. Trong văn học, tư tưởng nhân văn chính là thước đo giá trị văn học của mọi thời đại.

4. Chi tiết nghệ thuật.

– Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, chi tiết nghệ thuật là “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng” và họ gọi chung là chi tiết nghệ thuật. Cũng theo nhóm tác giả này thì: “Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật gắn với “quan niệm nghệ thuật” về thế giới con người, với truyền thống văn hoá nghệ thuật nhất định”

– Sách giáo khoa ngữ văn 11 (bộ nâng cao) cho rằng chi tiết nghệ thuật “là những biểu hiện cụ thể, lắm khi nhỏ nhặt, nhưng lại cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của chúng, đồng thời cũng biểu hiện sự quan sát và nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Do đó chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn, thú vị vừa bộc lộ ý nghĩa của chúng”.

– Như vậy chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thi góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn lôi cuốn người đọc là nhờ chi tiết.

5. Nhan đề.

– Nhan đề có ý nghĩa quan trọng đối với một tác phẩm văn học. Có thể coi nhan đề là tên gọi đứa con tinh thần của nhà văn. Vì thế, nhà văn nào cũng muốn đặt cho tác phẩm một tên gọi hay, ý nghĩa, nhất là có thể thâu tóm được giá trị của tác phẩm.

6. Truyện ngắn.

– Truyện ngắn là tác phẩm tự sự phản ánh cuộc sống một cách chân thực, khách quan thông qua nhân vật, biến cố, sự kiện, cốt truyện,… nhưng đặc điểm nổi bật là ngắn. Sekhop đã coi truyện ngắn là “thứ nước hoa quả cô đặc”, tinh chất nhưng ngọt ngào. Với Etspago, truyện ngắn là con đom đóm bay vụt trong đêm tối, chỉ qua một vệt sáng mà thấy được cả một bầu trời đêm mênh mông. Nating lại coi truyện ngắn là một giọt nước, tuy bé nhỏ nhưng có khả năng phản chiếu tất cả những ảnh hình, sắc màu lung linh của cuộc sống. Là người đề ra nguyên lí tảng băng trôi, He-minh-uê, nhà văn của “Mặt trời vẫn mọc”, “Những ngọn đồi xanh châu Phi”, nhà văn của niềm tin bất diệt vào con người: “con người có thể bị đánh bại nhưng không thể hủy diệt” đã hình dung đầy đủ về tầm vóc và sức lực của truyện ngắn: “Truyện ngắn là bàn tay siết lại thành nắm đấm”. Tuy ngắn gọn nhưng có sức công phá mãnh liệt vào hiện thực đa sắc, đa màu.

7. Tình huống truyện.

Theo Nguyễn Minh Châu: Điều gì tạo nên sức mạnh của truyện ngắn? Ngoài nhân vật, cốt truyện, kết cấu, chi tiết – những người tí hon mang trên vai sứ mệnh của một người khổng lồ,…. tình huống truyện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó chính là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất. Có thể khẳng định: tình huống truyện giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại, là một lát cắt của hiện thực cuộc sống, nhưng chỉ qua một lát cắt ấy thấy được cả vòng đời thảo mộc trăm năm” (Nguyễn Minh Châu).

Theo Nguyên Ngọc: “Truyện ngắn dẫu sao cũng phải ngắn, do đó thủ thuật chủ yếu của truyện ngắn là thủ thuật điểm huyệt. Truyện ngắn điểm huyệt thực hiện bằng cách nắm bắt trúng những tình huống cho phép phơi bày cái chủ yếu nhưng lại bị che giấu trong muôn mặt cuộc sống hàng ngày” (Nguyên Ngọc).

– Có 3 loại tình huống phổ biến trong truyện ngắn.

  • Tình huống hành động: Chủ yếu nhằm tới hành động có tính bước ngoặt của nhân vật.
  • Tình huống tâm trạng: Chủ yếu khám phá diễn biến tình cảm, cảm xúc của nhân vật.
  • Tình huống nhận thức: Chủ yếu giác ngộ chân lý của nhân vật.

– Vậy là đối với truyện ngắn, tình huống giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại, nó chính là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất. Bên cạnh đó, từ tình huống truyện, các sự kiện, biến cố của cốt truyện được phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ. Nói cách khác tình huống truyện như một thứ nước rửa ảnh làm nổi hình, nổi sắc nhân vật. Việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong tình huống truyện sẽ bộc lộ rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm và dụng ý nghệ thuật của tác giả. Việc sáng tạo nên các tình huống độc đáo biểu hiện khả năng quan sát, khám phá bản chất cuộc sống, bản chất con người của nhà văn.

8. Đề từ.

– Đề từ thường là câu, đoạn thơ hay câu, đoạn văn ngắn gọn, cô đọng dẫn ra ở đầu tác phẩm hoặc hoặc một bộ phận của tác phẩm (chương, hồi, đoạn, phần).

– Lời đề từ không chỉ có thể là lời của chính tác giả, mà đôi khi là thơ, văn mà tác giả mượn của một tác giả nào đó. Đề từ xuất hiện đa dạng trong tất cả các văn bản nghệ thuật như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, văn bản kịch, kí và cả trong những bức thư nhưng xuất hiện nhiều nhất là trong thơ và truyện ngắn.

– Đề từ nhằm nêu lên nguồn cảm hứng, chủ đề tư tưởng của tác phẩm, hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật của tác phẩm nhưng đôi khi nó cũng chỉ là vật trang sức cho tác phẩm mà không đem đến nhiều ý nghĩa.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.