“Tam thanh tam họa” nghĩa là gì?
TAM THANH TAM HỌA (心声心画) là thuật ngữ lý luận văn học, ý nói ngôn từ nói ra là thanh âm của lòng người, lời lẽ viết ra là tranh vẽ lòng người. Tác phẩm văn học và mọi văn chương đều có thể thể hiện tính tình chân thật, diện mạo chân thật của tác giả. Xuất xứ từ sách “Pháp ngôn” của Dương Hùng đời Hán, thiên “Vấn thần”: “Ngôn bất năng đạt kỳ tâm, thư bất năng đạt kỳ ngôn, nan hĩ tai! Duy thánh nhân đắc ngôn chi giải, đắc thư chi thể… Cố ngôn, tâm thanh dã, thư, tâm họa dã... (Lời nói không thể hiện được hết lòng mình, văn viết ra không diễn đạt được hết lời mình, thật khó lắm thay! Duy chỉ có các bậc thánh nhân là giải được tâm bằng lời, tỏ được lời bằng văn… Cho nên, lời nói là thanh âm của lòng người, văn viết ra là tranh họa lòng người).
Thời Xuân Thu, Khổng Tử luận về văn, nói: “Hữu đức giả tất hữu ngôn” (Người có đức ắt có lời nói hay, nói đúng – “Luận ngữ – Hiến vấn”). Rồi lại nói: “Xảo ngôn lệnh sắc, tiển hĩ nhân” – (Người có lời lẽ khéo léo và luôn sử dụng sắc diện thì ít có lòng nhân – “Luận ngữ – Học nhi”). Dương Hùng đời Hán đã kế thừa quan niệm này của Khổng Tử và chỉ ra mối quan hệ lẫn nhau rất chặt chẽ giữa lời nói, văn chương với tư tưởng tình cảm của con người, từ lời nói và văn chương có thể hiểu rõ được tâm tính của con người. Ý kiến của Dương Hùng rất có ảnh hưởng đối với đời sau.