Cảm nhận tâm trạng của người mẹ và người con đêm trước ngày khai trường trong Cổng trường mở ra của Lí lan

Cảm nhận tâm trạng của người mẹ và người con đêm trước ngày khai trường trong “Cổng trường mở ra” của Lí lan

  • Mở bài:

Trong cuộc đời của mỗi con người, trải qua bao nhiêu năm học thì có bấy nhiêu ngày khai trường. Nhưng ngày khai trường vào lớp Một luôn để lại những ấn tượng sâu đậm nhất, vì đó là lần đầu tiên chúng ta rời khỏi vòng tay yêu thương trìu mến của bố mẹ để bắt đầu bước vào một thế giới rộng lớn và phong phú hơn. Tác giả Lý Lan đã biểu đạt trọn vẹn tâm trạng ấy trong Cổng trường mở ra với một niềm xúc động sâu xa.

  • Thân bài:

Bài văn chia làm hai phần rõ rệt. Phần một diễn đạt  tâm trạng của hai mẹ con trong đêm trước ngày khai trường. Phần khắc họa suy nghĩ của người mẹ và ấn tượng về ngày khai trường đầu tiên năm xưa. Bằng giọng văn đằm thắm và nữ tính, nhà văn Lí Lan nhẹ nhàng đi vào tâm tư của người mẹ và người con đêm trước ngày khai trường.

Ngày khai trường, ngày đầu tiên con bước vào lớp một là một ngày trọng đại trong cuộc đời của mỗi con người. Bởi thế, mẹ đã không ngủ được. Người mẹ thao thức suy nghĩ miên man. Nỗi lo lắng khiến người mẹ không thể tập trung được vào việc gì cả, lên giường và trằn trọc lo lắng:  “mẹ thường nhân lúc con ngủ mà làm vài việc của riêng mình. Nhưng hôm nay mẹ không tập trung được vào việc gì cả. Mẹ cũng không định làm những việc ấy tối nay. Nhìn con ngủ một lát, rồi mẹ xem đi xem lại những thứ đã chuẩn bị cho con. Mẹ tự bảo mình cũng nên đi ngủ sớm”.

Thế nhưng, “mẹ lên giường và trằn trọc” không ngủ được. Có một nỗi lo lắng vô hình nào đó cứ cuốn xoay trong tâm tư khiến giấc ngủ không thể đến. Người mẹ bắt đầu lí giải:  “thực sự mẹ không lo lắng đến nỗi không ngủ được”. Mọi việc chuẩn bị cho con ngày mai đến trường đã chu tất cả rồi. Người mẹ không những chu tất trong vật dụng cần thiết mà còn vỗ về tinh thần giúp người con thêm tự tin. Và người mẹ tin là con sẽ không bỡ ngỡ trong ngày đầu năm học. Còn điều gì để lo lắng nữa đâu.

Người mẹ không ngủ được là bởi một lí do rất đơn giản mà khi phát hiện ta sẽ không khỏi bồi hồi. Cứ mỗi lần nhắm mắt lại, người mẹ nghe thấy, dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng: “Hằng năm cứ vào cuối thu… Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”.

Thì ra, cái ấn tượng về ngày đầu tiên đi học năm xưa trở về trong kí ức người mẹ, khiến người mẹ bồi hồi không thôi. Đó cũng là ấn tượng trong lòng ta mỗi khi ta nghĩ đến cái ngày trọng đại ấy. Để rồi bất cứ một ngày nào đó trong đời, khi nhớ lại, lòng ta lại rạo rực những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến.

Đối với cuộc đời con người, dù ta có thành công trên đường đời hay không thì cái ngày đầu tiên đi học để lại ấn tượng không thể nào quên được. Người mẹ so sánh ngày đầu tiên đi học của cuộc đời mẹ và của con hôm nay có sự khác biệt rất lớn. Ngày đó, mùa hè nhà trường đóng cửa hoàn toàn, và ngày khai trường đúng là ngày đầu tiên học trò lớp Một đến trường gặp thầy mới, bạn mới. Cho nên ấn tượng của mẹ về buổi khai trường đầu tiên ấy rất sâu đậm. Người mẹ còn nhớ rất rõ sự nôn nao, hồi hộp khi cùng bà ngoại đi tới gần ngôi trường và nỗi chơi vơi hốt hoảng khi cổng trường đóng lại, bà ngoại đứng ngoài cánh cổng như đứng bên ngoài cái thế giới mà người mẹ vừa bước vào.

Còn việc học của con bây giờ đã khác. Con đã đi học từ ba năm trước, hồi mới ba tuổi vào lớp Mẫu giáo, đã biết thế nào là trường, lớp, thầy, bạn. Ngay cả ngôi trường mới, con cũng đã tập làm quen từ những ngày hè. Tuần lễ trước ngày khai giảng, con đã làm quen với bạn bè và cô giáo mới, đã tập xếp hàng, tập đi, tập đứng, để chuẩn bị cho buổi lễ khai trường long trọng này.

Người mẹ còn nghĩ đến và ý thức được tầm quan trọng của giáo dục đối với cuộc đời của mỗi con người. Người mẹ nghĩ đến ngày khai trường đầu tiên ở Nhật “Ngày khai … của toàn xã hội” với sự quan tâm của mọi người đến trường; đến việc giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai. Người mẹ đang nghĩ đến việc phải làm của ngày mai mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Quá khứ và hiện tại hòa chung ở mẹ. Đây là người mẹ giàu lòng thương con, lo lắng đến việc học của con

Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này. Giáo dục là nơi để mọi con người gửi gắm niềm tin tưởng, là nơi bồi dưỡng nhân cách và tạo dựng hạnh phúc cho con người. Một sai lầm trong giáo dục không những ảnh hưởng đến một người mà là một thế hệ, thậm chí là nhiều thế hệ. Đứng ở vị trí người trưởng thành, người mẹ nhận rõ tầm quan trọng của nó. Thế nên, trước khi chính thức đưa con bước vào trường học, bước vào quá trình giáo dục thực thụ, người mẹ đã không khỏi băn khoăn, lo lắng và ưu tư.

Nhũng ưu tư thầm kín ấy chỉ diễn ra trong suy nghĩ miên man của người mẹ. Người mẹ không trực tiếp nói với con hoặc với ai cả. Người mẹ nhìn con ngủ như tâm sự với con, nhưng thực ra là đang nói với chính mình (độc thoại nội tâm), đang ôn lại kỷ niệm của riêng mình. Cách viết này làm nổi bật được tâm trạng, khắc họa được tâm tư, tình cảm, những điều sâu thẳm khó nói bằng lời trực tiếp của nhân vật, của mẹ.

Ngược lai với tâm trạng lo lắng, bồi hồi của người mẹ, người con vô tư, hồn nhiên như tính cách con trẻ. Trong lòng người con đã không thể có cái cảm giác bỡ ngỡ, xao xuyến như người mẹ đang cảm nhận thấy. Thế nên người con dù rất háo hức nhưng vẫn thanh thản, nhẹ nhàng. Giấc ngủ đến với người con dễ dàng như uống một li sữa, ăn một cái kẹo. Trên gương mặt thanh thoát của người con tựa nghiêng trên gối mềm, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo.

Người con an tâm đi vào giấc ngủ là bởi mọi việc chuẩn bị cho ngày mai đến trường đã được chuẩn bị chu tất. Trường lớp đối với người con không có gì lạ lẫm nữa bởi từ lâu người con đã được làm quen. Việc giáo dục kiến thức cho con cũng được người mẹ làm từ trước. Thế nên, như người mẹ đã dự đoán, có thể người con sẽ không có cái cảm giác hồi hộp, bỡ ngỡ, xao xuyến khi bước vào trường học như mẹ khi xưa.

  • Kết bài:

Qua cách sử dụng ngôn ngữ độc thoại, kết hợp phương thức tự sự (ghi lại sự việc) và phương thức trữ tình (bộc lộ cảm xúc); các câu, các ý liên kết chặt chẽ với nhau, tác giả làm nổi bật tình cảm đẹp trong trong tâm hồn người mẹ và vai trò quan trọng của giáo dục, của nhà trường với cuộc đời mỗi con người. Có thể nói, Cổng trường mở ra của Lí Lan là bài ca về tình mẫu tử, bài ca hy vọng về con cái và nhà trường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang