Thế giới nghệ thuật là gì?
Từ xưa, người Trung Quốc đã gọi tác phẩm thơ là “một cõi ý”. Nhà văn Seđrin lại nói: “Tác phẩm văn học là một vũ trụ thu nhỏ, mỗi sản phẩm nghệ thuật là một thế giới khép kín trong bản thân nó”. Như vậy, một tác phẩm toàn vẹn phải xuất hiện như một thế giới nghệ thuật. Bielinxki cũng đã nhận xét: “Mọi sản phẩm nghệ thuật đều là một thế giới riêng mà khi đi vào đó thì ta buộc phải sống theo quy luật của nó”. Những nhận xét trên cho thấy: Mọi thế giới nghệ thuật là tổng thể có quy luật riêng, có tính độc lập nội tại, phân biệt với các thế giới khác và có ý nghĩa riêng của nó.
Ở Việt Nam, năm 1997, các tác giả cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học”, đã định nghĩa thế giới nghệ thuật là “Khái niệm chỉ tính chỉnh thể của sáng tác nghệ thuật (một tác phẩm, một loại hình tác phẩm, sáng tác của một tác giả, một trào lưu). Thế giới nghệ thuật nhấn mạnh rằng sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng, được tạo ra theo các nguyên tắc tư tưởng và nghệ thuật, khác với thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lý của con người, mặc dù là nó phản ánh các thế giới ấy. Thế giới nghệ thuật có không gian riêng, thời gian riêng, quy luật tâm lý riêng, có quan hệ xã hội riêng, quan niệm đạo đức, thang bậc giá trị riêng… chỉ xuất hiện một cách ước lệ trong sáng tác nghệ thuật”.Chẳng hạn trong thế giới truyện cổ tích, con người và loài vật, cây cối, thần Phật đều nói chung một thứ tiếng người, đôi hài có thể đi một bước vài dặm, nồi cơm vô tận ăn mãi không hết trong truyện Thạch Sanh…
Trong văn học lãng mạn, quan hệ nhân vật thường xây dựng trên cơ sở cảm hóa; trong văn học cách mạng, nhân vật thường chia thành hai tuyến địch – ta, người chiến sĩ cách mạng và quần chúng. Như thế, mỗi thế giới nghệ thuật có một mô hình nghệ thuật trong việc phản ánh thế giới. Sự hiện diện của thế giới nghệ thuật không cho phép đánh giá và lý giải tác phẩm theo lối đối chiếu giản đơn giữa các yếu tố hình tượng với các sự thực đời sống riêng lẻ, xem có “giống” hay không, “thật” hay không, mà phải đánh giá trong chỉnh thể của tác phẩm, xem xét tính chân thật của tư tưởng chỉnh thể của tác phẩm so với chỉnh thể hiện thực. Các yếu tố của hình tượng chỉ có ý nghĩa trong thế giới nghệ thuật của nó.
Mỗi thế giới nghệ thuật ứng với một quan niệm về thế giới, một cách cắt nghĩa về thế giới. Trong thần thoại, thế giới nghệ thuật gắn với quan niệm về các sự vật có thể biến hóa lẫn nhau. Trong truyện cổ tích, đặc biệt là cổ tích thần kỳ, nó gắn với quan niệm về thế giới không có sức cản. Thế giới nghệ thuật của sáng tác hiện thực chủ nghĩa gắn với quan niệm tác động tương hỗ giữa tính cách và hoàn cảnh… Khái niệm thế giới nghệ thuật giúp ta hình dung độc đáo về tư duy nghệ thuật của sáng tác nghệ thuật có cội nguồn trong thế giới quan, văn hóa chung, văn hóa nghệ thuật và cá tính sáng tạo của nghệ sĩ.
Trong cuốn Thơ tình Việt Nam 1975 – 1990 (1998), Lê Lưu Oanh đã chi tiết hóa khái niệm này qua hình tượng cái tôi trữ tình. Tác giả viết: “Gọi cái tôi trữ tình là một thế giới nghệ thuật bởi thế giới nội cảm này là một thể thống nhất có ngôn ngữ và quy luật riêng phụ thuộc vào lịch sử cá nhân, thời đại… Đi sâu vào thế giới nghệ thuật được coi như một kênh giao tiếp với những mã số, ký hiệu, giọng nói, chương trình riêng, cần có thao tác phù hợp… Thế giới nghệ thuật của cái tôi trữ tình là một thế giới mang giá trị thẩm mỹ”.
Nguyễn Nghĩa Trọng đã xác định hàm nghĩa khái niệm thế giới nghệ thuật như sau: “Thế giới nghệ thuật là một phạm trù mỹ học bao gồm tất cả các yếu tố của quá trình sáng tạo nghệ thuật và tất cả kết quả của quá trình hoạt động nghệ thuật của nhà văn. Nó là một chỉnh thể nghệ thuật và một giá trị thẩm mỹ. Thế giới nghệ thuật bao gồm hiện thực – đối tượng khách quan của nhận thức nghệ thuật, cá tính sáng tạo của nhà văn hay chủ thể nhận thức nghệ thuật, ngôn ngữ hay chất liệu nghệ thuật. Trong thế giới nghệ thuật chứa đựng sự phản ánh hiện thực, tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Thế giới nghệ thuật không chỉ tương đương đối với tác phẩm nghệ thuật mà còn rộng hơn bản thân nó. Nó có thể bao gồm tất cả các tác phẩm nghệ thuật của một nhà văn, một trào lưu nghệ thuật, một thời kỳ nhất định của văn học, một nền văn học của dân tộc hay nhiều dân tộc nhưng đồng thời cũng có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác của sáng tạo nghệ thuật nhỏ hơn khái niệm hình tượng nghệ thuật”.
Thế giới nghệ thuật của một nhà văn mang đậm dấu ấn chủ quan của người sáng tạo. Xét đến cùng, thế giới nghệ thuật của một nhà văn chính là thế giới hình tượng hiện ra như một chỉnh thể sống động, chứa đựng một quan niệm nhân sinh và thẩm mỹ nào đó, được xây dựng bằng vật liệu ngôn từ. Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Thế giới nghệ thuật của nhà văn hiểu theo đúng nghĩa của nó là một chỉnh thể, đã là một chỉnh thể tất phải có cấu trúc nội tại theo những nguyên tắc thống nhất, cũng có nghĩa là quan hệ nội tại giữa các yếu tố phải có tính quy luật”. Luận văn hiểu khái niệm thế giới nghệ thuật ở góc độ: tất cả các yếu tố cấu tạo nên tác phẩm như: nhân vật, cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ, các thủ pháp nghệ thuật… Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Lê Minh Khuê muôn màu và đa sắc, chính điều này tạo nên những giá trị trong tác phẩm của nhà văn.
Thế giới nghệ thuật của một nhà văn luôn chứa đựng những quan niệm nhân sinh, xã hội của người sáng tạo. Một trong những yếu tố cơ bản cấu tạo nên thế giới nghệ thuật của một nhà văn chính là quan niệm nghệ thuật về cuộc sống và con người của nhà văn. Quan niệm nghệ thuật về con người là khái niệm trung tâm của thi pháp học, phản ánh một cách sâu sắc và toàn diện bản chất nhân học của văn học. Ở một phương diện nào đó, thuật ngữ này có giá trị tương ứng với khái niệm “tính tư tưởng” trong tác phẩm văn học. Nếu tư tưởng là linh hồn của tác phẩm thì quan niệm nghệ thuật về con người là cái giới hạn tối đa trong cách hiểu, cách cảm, cách nhìn và cách lý giải về con người của nhà văn được hóa thân thành các nguyên tắc, các phương tiện, biện pháp, hình thức thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật đó. Quan niệm nghệ thuật là “nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó”. Quan niệm nghệ thuật về con người gắn liền với vốn sống, vốn văn hóa, tài năng, cá tính sáng tạo của nhà văn và ý thức hệ của cộng đồng xã hội. Nói ngắn gọn thì quan niệm nghệ thuật về con người chính là cách cắt nghĩa của văn học về con người thông qua các phương tiện nghệ thuật đặc thù. Mỗi nhà văn đều có quan niệm nghệ thuật riêng và luôn chịu sự chi phối của các quan niệm đó.
Tác phẩm văn học luôn tồn tại trong nó quan niệm nghệ thuật nhất định của nhà văn về cuộc đời và con người. Những nhà văn có quá trình sáng tác lâu dài qua nhiều thời kỳ khác nhau thường có sự biến đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người,
Như vậy, thế giới nghệ thuật là khái niệm chỉ tính chỉnh thể của sáng tác nghệ thuật (một tác phẩm, một loại hình tác phẩm, sáng tác của tác giả, một trào lưu). Thế giới nghệ thuật nhấn mạnh rằng sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng được sáng tạo ra theo các nguyên tắc tư tưởng, khác với thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lí của con người, mặc dù nó phản ánh các thế giới ấy. Thế giới nghệ thuật có không gian riêng, thời gian riêng, có quy luật tâm lí riêng, có quan hệ xã hội riêng, quan niệm đạo đức, thang bậc giá trị riêng,… chỉ xuất hiện một cách có ước lệ trong sáng tác nghệ thuật.