Thói đời bạc trắng đôi tay!
Đời người ai mà chẳng một lần “ra đi”. Ra đi là để tìm lấy một chí hướng, một khoảng trời, một tương lai rộng mở. Cuộc hành trình nào cũng lắm gian nan, lời ai oán chi cho thêm sầu não:
“Xin mượn đất một đêm lầm lỗi
Xin mượn trời một cõi thương tang
Mượn người một kiếp lang thang
Sông sâu biển rộng lên đàng ngại chi”.
Đêm ấy là đêm trăng khuyết, bầu trời mơ huyền như thuở nguyên sơ, núi rừng im tiếng, ngồi trong lặng lẽ, nghĩ về nhưng ngày xa xăm, nỗi buồn ngút tận. Buồn vì cố nhân bằng hữu giờ đâu vắng, uyên ương lạnh nhạt, tình một đêm. Lắng nghe tiếng hạc trong đêm sương mà ngờ như ba vạn sáu nghìn ngày đời người về hội tụ trong gió núi mây ngàn:
“Buồn là lúc người đi rượu cạn
Buồn là khi vận nạn tai ương
Lạnh nghe tiếng hạc kêu sương
Ngỡ như vó ngựa mười phương phục hoàn”.
Một lần ra đi, thương xót người ở lại. Đường đời còn lắm chông gai, hiểm nguy ai biết? Thương mẹ già mỗi chiều mòn mỏi bên khung cửa ngóng người miền xa, thẫn thờ trong bóng chiều u uất:
“Ra đi biết có còn trở lại!
Rằng chẳng may danh bại thân vong
Mẹ già ngồi trước cửa đông
Ngóng người xa xứ chiều không thấy về”.
Câu thơ viết chưa xong, bóng chiều đã vỡ. Một chút ưu tư thêm chua chát cõi lòng. Dường nhân thế u mê, cạm bẫy, là con đường ta phải đi qua:
“Đường nhân thế u mê cạm bẫy
Lúc gian nguy biết cậy nhờ ai
Thói đời bạc trắng đôi tay!
Đảo điên con mắt, đắng cay dặm trường”.
Biết là phải giữ mình trước cuộc đời đầy cám dỗ, nhưng mấy ai có thể vượt qua được những lụy phiền của đường đời nghiệt ngã. Giật mình, rúng động lương tâm, mới hay mình không còn trinh bạch. Cuộc đời đảo điên trong vòng xoay thiện ác, cuốn xô ta vào cơn bão tố tham vọng cuồng si. Tỉnh táo quá thành nên mê muội, Khôn ngoan quá hóa ra dại khờ:
“Giờ mới biết hoàn lương bất khả
Bả vinh hoa nghiêng ngã thân tâm
Bạc tiền khơi động tà dâm
Thánh ngôn xuyễn hoặc, kinh âm não phiền.
Giờ mới thấy điên điên dại dại
Hồn ngây ngây, tình lại khơi khơi
Thì thôi, đời cứ mặc đời
Thì thôi, người cứ mặc người mà thôi…”
Một đêm mà dài hơn thế kỉ, tỉnh ngộ mình trong giấc chiêm bao. Chỉ xin được trả lại đất trời bao cay nghiệt để hồi thức tinh thần:
“Xin trả đất những lời khủng khiếp
Xin trả trời một kiếp hư vô
Trả người một nắm xương khô
Ta van ta lạy bốn bề cao xanh”.
Than ôi, một cuộc tồn sinh muôn trùng oan nghiệt. Cứ lặng lẽ đi và lặng lẽ trở về như bóng cau qua cửa, như mây trời mênh mang:
“Sống là thức tinh anh tiền kiếp!
Sống là im lặng biết hay không?
Than ôi, con tạo xoay vòng!
Đời sao như ngọn cỏ bồng quay quay”.
Nghĩ về một ý thơ đã khó, viết thành một bài thơ lại còn khó hơn. Viết làm sao có có hồn có tứ, cho người đọc muốn đọc và rung cảm.
Xưa Hàn Mặc Tử nói: “Làm thơ tức là điên”, còn Chế Lan Viên lại cho rằng: “Làm thơ là sự phi thường”. Các ông đã sống trọn vẹn một đời thơ rực rỡ bởi đã điên đến tận cùng trên con đường tìm kiếm cái phi thường ấy. Hàn mặc Tử đã đi qua bao nhiêu nỗi đau thương để ở lại với cuộc đời, Chế lan Viên cũng đã đi qua bao cánh đồng mộng tưởng để ra với bầu trời lớn. Nghĩa là làm văn nghệ thì phải đi. Nếu không thể đi trên cuộc đời thực thì cũng phải phiêu lưu bằng mộng tưởng. Tác phẩm văn nghệ nào cũng được xây dựng dựa trên những chất liệu có thực ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn nói một điều gì đó mới mẻ. Họ gửi vào tác phẩm sắc màu, một hình tượng, một tiếng nói và mong muốn đem một phần của mình góp vào đời sống xung quanh.
Văn nghệ không có gì nằm ngoài đời sống. Sự sống ấy tỏa đều mọi vẻ, mọi mặt của tâm hồn. Và khi thể hiện thành câu chữ nó biểu lộ tâm hồn ấy một cách mạnh mẽ. Văn nghệ nói chuyện với chúng ta bằng một thứ ngôn ngữ huyền diệu mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm, đầy rung động nới có thể hiểu hết. Sức mê hoặc của văn nghệ nằm ở chỗ người nghệ sĩ đã điều khiển đoàn quân ngôn ngữ tiến công vào khai phá những miền còn hoang sơ trong hồn người đọc và làm cho nó xanh tươi, làm cho những mật khu bí ẩn trỗi bừng sự sống.
Đôi khi ta ngồi hàng giờ để nghĩ về một câu thơ và khi phát hiện ra điều gì mới mẻ ta sung sướng vô cùng. Nhưng ngày nay mấy ai còn thích ngâm nga thơ nữa đâu. Người ta thích những cái gì dễ nghe, dễ đọc thế nên văn nghệ để làm tốt công việc truyền cảm và khơi bừng tư tưởng cho người đọc cũng lắm gian nan. Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Nghệ thuật kị tri thức hóa”. Nhưng ngày nay, có lẽ nghệ thuật không thể không tri thức hóa để tồn tại. Bởi đời sống công nghệ hiện đại bắt buộc ta phải thây đổi phương thức tư duy và cảm xúc. Cũng là nghệ thuật, cũng là rung động nhưng người đọc đã rung động theo một kiểu thức khác, bắt buộc người nghệ sĩ phải nắm bắt và tìm một phương thức biểu đạt phù hợp và hiệu quả hơn.