Thuyết minh Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
- Mở bài:
Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh là một trong những bảo tàng lớn và lâu đời nhất tại Việt Nam. Nơi đây lưu giữ hồn của thành phố qua những thập kỷ với kiến trúc độc đáo và những bảo vật lịch sử quý giá. Cùng với Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh là di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng bậc nhất của Thành phố.
- Thân bài:
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1, trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Đây là nơi bảo tồn và trưng bày hàng chục ngàn hiện vật quý được sưu tầm trong và ngoài nước Việt Nam.
Lịch sử xây dựng Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh bắt nguồn từ việc năm 1927, nhà sưu tầm cổ vật Holbé qua đời, để lại nhiều cổ vật trị giá 45.000 đồng bạc Đông Dương (là một số tiền lớn lúc bấy giờ). Tháng 6 năm ấy, Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études indochinoises) đã dùng tiền quyên góp mua lại toàn bộ cổ vật. Sau khi hoàn tất công việc trên, để có chỗ gìn giữ và trưng bày số di vật của Holbé vừa mua được, cùng với nhiều cổ vật khác mà Hội đã có (nhờ thu mua hay được tặng), Hội đã đề nghị với chính quyền xây dựng Bảo tàng, và xin dành cho Hội một phòng làm trụ sở và thư viện của Hội (chứa trên 5.000 tác phẩm chuyên khảo về Đông Dương và Viễn Đông bằng các thứ tiếng).
Tháng 11 năm 1927, Thống đốc Nam Kỳ là Blanchard de la Brosse đã ký nghị định thành lập Bảo tàng Pacha Đa Lagos (kể từ đây có khi gọi là Bảo tàng) ở Sài Gòn, đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của chính quyền Nam Kỳ, và thuộc quyền kiểm soát khoa học của Viện Viễn Đông Bác cổ.
Trong thời kì chiến tranh, Bảo tàng đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi nhưng vẫn giữ nguyên chức năng của nó. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Bảo tàng được Chính quyền Cách mạng tiếp thu nguyên vẹn. Sau đó, vào ngày 26 tháng 8 năm 1979), ngành chức năng đã cho đổi tên là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đổi lại là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh và năm 2013 đổi lại tên Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh như quyết định thành lập ban đầu.
Về kiến trúc, Bảo tàng tọa lạc trong một khu đất rộng nằm trong một khu vườn rộng lớn (trở thành Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 1864) ở phía đông thành Phiên An, gần dinh Tân Xá.
Bảo tàng được xây theo lối kiến trúc “Đông Dương cách tân”, do kiến trúc sư người Pháp Auguste Delaval thiết kế. Phần giữa Bảo tàng có một khối bát giác (gợi nhớ quan niệm về bát quái của Kinh Dịch) có 2 nóc mái lợp ngói ống, có gắn vật trang trí hình phụng, hình rồng cách điệu. Trên cùng, là 4 quả cầu nhỏ dần và đặt chồng lên nhau. Vì vậy, có người cho rằng phần nóc mái này, mang nhiều yếu tố của kiến trúc cổ Trung Quốc.
Năm 1970, Bảo tàng được xây dựng thêm phần phía sau một dãy nhà do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế. Dãy nhà có hình chữ U, ở giữa là hồ cây cảnh lộ thiên, hai dãy nhà nối hai bên, sau cùng là dãy nhà ba tầng với hai lớp mái, có gắn đầu rồng kiểu gặm trang trí ở các góc mái. Nhờ các cửa đều hướng ra hồ cây cảnh, nên phòng trưng bày khá thoáng mát và sáng sủa.
Trước năm 1975, hai bên cửa chính Bảo tàng có đắp nổi đôi câu đối chữ Hán, nhưng sau đó đã bị đập bỏ. Đôi câu đối ấy như sau: “Á Đông cổ đổng mỹ thuật kê thực học / Việt Nam nhân chủng bác vật đắc kỳ quan” (Tạm dịch là: Á Đông cổ khí mỹ thuật kê cứu thực học / Việt Nam nhân chủng bác vật được nhiều kỳ quan).
Hiện nay, hệ thống trưng bày của bảo tàng Bảo tàng gồm 2 phần:
Phần 1: Lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử (cách nay khoảng 500.000 năm) cho đến hết thời nhà Nguyễn (1945). Bao gồn các cổ vật thời tiền sử, thời tam kim khí – Hùng Vương dựng nước, thời lì Bắc thuộc; thời Ngo – Đing – Tiền Lê, thời Trần – Hồ, thời Lê sơ – Mạc – Hậu Lê – Trịnh – Chúa Nguyễn, thời Tây Sơn, thời nhà Nguyễn,…
Phần 2: Chuyên đề về văn hóa phía Nam Việt Nam và một số nước châu Á, bao gồm: văn hóa Champa, văn hóa Óc Eo, điêu khắc Campuchia, súng thần công và đại bác (thế kỷ 18 – thế kỷ 19), sưu tập Dương Hà, gốm một số nước châu Á, xác ướp Xóm Cải ở Sài Gòn vào thế kỷ 19, sưu tập Vương Hồng Sển, văn hóa các dân tộc phía Nam Việt Nam, tượng Phật một số nước châu Á,….
Các hoa văn trang trí được sử dụng tại kiến trúc bảo tàng tuy được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau (gỗ, sắt, xi măng) nhưng đều là các hoa văn phổ biến và tương đồng với nhiều công trình kiến trúc cổ đương thời. Mỗi chi tiết có ý nghĩa khác nhau nhưng tựu chung lại thì tất cả đều mang ý tốt lành. Đó chính là phần di sản văn hóa phi vật thể được ẩn chứa trong tòa nhà mà cụ thể là ở các họa tiết trang trí kiến trúc. Các hoa văn ấy cũng đã cho thấy sự giao lưu văn hóa Việt – Pháp, góp phần làm cho công trình kiến trúc bảo tàng mang nét Á Đông nhưng cũng rất Tây phương.
Nhìn chung, kiến trúc của công trình có những thiết kế phù hợp với công năng của một bảo tàng như: Nền cao, tường xây dày để chống ẩm và chịu lực tốt; trần cao có cửa sổ sát mái để tận dụng ánh sáng tự nhiên chiếu sáng cho các gian phòng… Có thể nói, tòa nhà Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh là công trình được sử dụng đúng với công năng thiết kế ban đầu cho đến ngày hôm nay. Đến năm 2012, tòa nhà Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Bảo tàng mở cửa tiếp đón công chúng lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 1 năm 1929. Buổi đầu, Bảo tàng chỉ có 2.893 cổ vật (chủ yếu là bộ sưu tập của Holbé), đến những năm cuối thế kỷ 20, bảo tàng đã có hơn 30.000 hiện vật rất có giá trị… Ngoài ra, bảo tàng còn có trên 25.000 sách báo và tài liệu, cũng rất có giá trị cho công việc nghiên cứu các ngành khảo cổ học, dân tộc học, sử học, bảo tàng học…
- Kết bài:
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh là kho tàng lưu giữ những chứng cứ vô giá về quá trình hình thành của đất nước. Với sự kết hợp giữa lịch sử cổ đại và hiện đại, Bảo tàng là điểm đến hấp dẫn, giúp du khách khám phá và hiểu rõ hơn về hành trình hình thành độc đáo của đất nước Việt Nam. Đến và trải nghiệm, du khách sẽ khám phá những giai đoạn quan trọng và những bước tiến lớn của dân tộc Việt qua hàng ngàn năm lịch sử.