thuyet-minh-dia-danh-pac-bo-cao-bang

Thuyết minh về di tích lịch sử hang Pác Bó tỉnh Cao Bằng

Thuyết minh di tích lịch sử hang Pác Bó tỉnh Cao Bằng.

  • Mở bài:

Pác Bó – Cao Bằng là một địa danh vốn rất quen thuộc đối với Người Việt Nam. Đây là nơi Bác Hồ trở về nước làm việc và sinh sống trong thời kì đầu mới về nước. Pác Bó cũng là cơ sở cách mạng đầu tiên, là chiến khu của lực lượng kháng chiến.

  • Thân bài:

Pác Bó thuộc địa phận bản Pác Bó, xã Trường Quảng, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km về phía Bắc. Ngày nay, nơi này được quy hoạch thành khu di tích lịch sử cách mạng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống nhân dân.

Nguồn gốc di tích.

Hang Pác Bó vốn là một hang động tự nhiên ở tỉnh Cao Bằng. Hang được hình thành từ xa xưa do sự bào mòn núi đá vôi của các dòng chảy ngầm. Pác Bó (hay còn gọi là Cốc Bó). Pác Bó theo tiếng Tày-Nùng là “miệng nguồn”, còn Cốc Bó là “đầu nguồn”. Pác Bó là tên địa danh, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó. Còn Cốc Bó là tên hang của đầu nguồn và chính là hang mà Bác Hồ đã ở đây.

 Đặc điểm cảnh quan.

Toàn bộ khu di tích Pác Bó được bao bọc bởi những cánh rừng già và các bản làng kề cận. Nổi bậc nhất trong khu vực này là hang Pác Bó. Hang có diện tích 80m2, cửa hang chỉ vừa cho một người đi vào. Trong hang là nơi sống và làm việc của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Những di vật của Người hiện vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn: tấm phản gỗ Bác nằm nghỉ còn đó với bếp lửa sưởi ấm hang lạnh hay bàn đá nơi Bác ngồi làm việc, tảng đá Bác ngồi câu cá…

Quang cảnh trước cửa hang khá rộng rãi, thoáng đãng. Trước cửa hang có một con suối lớn chảy ngầm từ trong núi đá ra. Quanh năm dòng nước trong xanh róc rách chảy hòa trong tiếng chim ca, gió thổi. Đi qua những tảng đá nhám rêu phong, nơi Bác từng ngồi làm việc và câu cá, sẽ đến một chiếc cầu gỗ bắt ngang qua cửa khe Pác Bó. Đứng ngoài cửa hang nhìn xuống, du khách có thể thấy trên vách đá hiện ra dòng chữ “Ngày 8 tháng 2 năm 1941”. Đó là ngày Bác đến ở hang này và cũng là thời khắc lịch sử quyết định vận mệnh của dân tộc khi Người từ nước ngoài trở về tổ quốc.

Bác đặt tên cho dòng suối trước cửa hang là Suối Lê-nin. Cạnh Suối Lê-nin là Núi Các-Mác. Suối Lê Nin trong vắt như một dải lụa uốn lượn dưới chân núi Các Mác hùng vĩ. Bác đặt tên nhu thế để tưởng nhớ đến hai nhà tư tưởng vĩ đại, người đã soi sáng trí tuệ của Bác, giúp Người tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Dòng suối mát uốn quanh ôm lấy chân núi. Quanh năm dòng nước trong xanh tạo nên bức tranh phong vị hữu tình, hết sức thanh bình.

Bên sườn núi Khuổi Nậm phía đối diện cửa hang là một chiếc lán nhỏ. Nơi đây, Bác đã từng cúi xuống ôm hôn lên mảnh đất tổ quốc thân thương sau bao năm xa cách. Cách cái lán nhỏ khoảng vài bước là biên giới Viêt – Trung với cột mốc số 108.

Tọa lạc trên ngọn núi Tếch Chấy thiêng liêng là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một trong những công trình quan trọng trong dự án tôn tạo, bảo tồn khu di tích lịch sử Pác Bó. Đền thờ được khánh năm 2011. Toàn bộ công trình gồm đền thờ chính và khuôn viên cây xanh, được xây dựng trên diện tích khoảng 5000m vuông, ngay chính giữa khu di tích. Đây là nơi để nhân dân cả nước đến và thắp hưởng tưởng niệm.

Các địa điểm, di tích được bao bọc bởi rừng cây mát rượi. Thấp thoáng trong tán lá xanh, thi thoảng người ta mới thấy hiện ra một mái hiên, một ghế đá hay một dòng chữ thuyết minh hoặc chỉ dẫn đảm bảo chất nguyên sơ và thiêng liêng của địa danh cách mạng này.

Tiếng suối vọng về xa xa, hòa lẫn trong gió rừng vi vu thổi, tiếng chim ríu rít trên cành càng làm cho cảnh vật thêm hoang vu, thơ mộng, gợi nhớ về những năm tháng Bác Hồ đã từng sống nơi đây. Những ngày sống và làm việc ở hang Pác Bó, Bác nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Mặc dù thiếu thốn, gian khổ, nhưng tâm hồn của Bác luôn ung dung, thanh thản, tràn đầy một tinh thần lạc quan cách mạng. Cuộc sống ấy Người đã từng đưa vào bài thơ Tức cảnh Pác Bó:

Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Ngày ngày, Người dậy sớm tập thể dục, leo núi rồi xuống suối tắm, sau đó bắt tay vào công việc. Có khi xuống làng hỏi chuyện đồng bào, có khi lên núi hái củi cùng anh em, tối về tranh thủ bồi dưỡng kinh nghiệm hoạt động cách mạng cho cán bộ…. Đối với Bác, được sống hòa hợp với thiên nhiên và làm cách mạng là một niềm vui lớn.

Giá trị văn hóa, lịch sử.

Pác Bó là nơi gắn với cuộc đời và hoạt động của Bác Hồ trong những năm đầu về nước. Đây còn là nơi khởi nguồn của các lực lượng và phong trào cách mạng của cả nước. Từ đây, dưới sự dẫn dắt của Hồ Chí Minh, phong trào cách mạng và tinh thần yêu nước của nhân dân không ngừng lớn mạnh, tạo thành một cơn bão táp cách mạng, từng bước đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước.

Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt ấy, từ năm 1970, khu Pác Bó đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Năm 1975, khu di tích được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2007, đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị khu di tích lịch sử Pác Bó được phê duyệt và tiến hành. Hằng năm, nơi này đã đón hàng trăm nghìn du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và tìm hiểu về truyền thống cách mạng của dân tộc.

  • Kết bài:

Ngày nay, địa danh Pác Bó đã trở thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa vô giá, không chỉ của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng mà còn là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Pác Bó trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho các thế hệ con cháu người Việt Nam. Pác Bó còn là địa điểm tham quan du lịch thú vị cho những ai yêu mến cảnh quan rừng núi, muốn tìm lấy một cảm giác hoang sơ, lắng đọng chốn thâm sơn cùng cốc.

Thuyết minh về thác Bản Giốc tỉnh Cao Bằng

2 bình luận trong “Thuyết minh về di tích lịch sử hang Pác Bó tỉnh Cao Bằng”

  1. Nguyễn Hoàng Anh

    Pác Bó là một địa danh rất quen thuộc đối với nhiều người Việt Nam. Đây là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh trở về để làm việc và sinh sống, đây cũng là nơi mà Người đã trực tiếp lãnh đạo kháng chiến chống Pháp.
    Pác Bó là một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia– đặc biệt của Việt Nam, thuộc bản Pác Bó xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 50Km về phía bắc.
    Pác Bó hay còn được gọi là Cốc Bó theo tiếng Tày-Nùng ở Cao Bằng có nghĩa là “đầu nguồn”. Hang Pác Bó là một hang động được hình thành tự nhiên. Nó được hình thành từ sự bào mòn qua hàng nghìn năm của dòng chảy núi đá vôi. Pác Bó là đầu nguồn của cách mạng Việt Nam. Năm 1941, Bác Hồ sau khi bôn ba thế giới ba năm đã trở về chọn Pác Bó để làm căn cứ lãnh đạo cách mạng.
    Toàn khu di tích Pác Bó là quần thể các di tích lịch sử cách mạng, nơi bác Hồ từng ở, làm việc hoặc hội họp. Hang Cốc Pó rộng khoảng 15m³, trước cửa hang có một con suối lớn chảy ngầm từ trong núi đá ra, nguồn của con suối là bên phía Bắc của ngọn núi này và thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trong hang hiện còn một bộ bàn ghế mà Bác đã từng ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch các tài liệu quan trọng.
    Nền nhà ông Lý Quốc Súng, Nền nhà ông La Thanh, hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài là những địa điểm mà Bác Hồ sau khi từ nước ngoài trở về nước năm 1941 ở và làm việc. Những di tích này ngày nay được bảo tồn khá nguyên vẹn.
    Ði trên những tảng đá nhám rêu phong dọc bờ suối là nơi Bác Hồ thường ngồi làm việc và câu cá sẽ đến một chiếc cầu gỗ bắc ngang cửa khe Pác Bó. Ðây là nơi khởi nguồn của suối Lê-nin. Hang Pắc Bó hiện ra bên sườn núi đá lởm chởm. Ðứng ngoài cửa hang nhìn xuống, trên vách đá tranh tối tranh sáng còn thấy được dòng chữ của Người: “Ngày 8 tháng 2 năm 1941”. Ðấy là ngày Bác đến ở hang này, một cái hang nhỏ, ẩm và lạnh, nằm sâu trong khe núi, chẳng mấy ai để ý tới.
    Phía trước cửa hang Pắc Bó khoảng 1.000m, có một lán nhỏ bên sườn núi Khuổi Nậm. Nơi đây Bác Hồ triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Việt Minh và Chiến khu cách mạng. Cách cái lán nhỏ này vài bước chân là đường biên giới Việt Trung – cột mốc 108. Nơi đây, Bác Hồ đã cúi xuống ôm hôn mảnh đất Tổ quốc thân thương sau bao năm xa cách. Khi đó Bác đã 50 tuổi, mái tóc đã pha sương. Khởi nguồn suối Lê-nin là núi Các Mác cao sừng xững. Hai địa danh này đều do Bác tự đặt để tưởng nhớ đến hai nhà tư tưỡng vĩ đại, người đã mang đến cho Bác con đường giải phóng dân tộc. Dong suối uốn quanh chân núi, quanh năm nước trong xanh tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình, hết sức thanh bình.
    Tọa lạc trên ngọn núi linh thiêng có tên gọi Tếch Chấy, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những công trình quan trọng trong dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Pác Bó. Đền thờ được khánh thành ngày 19/5/2011. Toàn bộ công trình bao gồm Đền thờ và khuôn viên cây xanh được xây dựng với tổng diện tích trên 5.000 m2, thuộc khu vực trung tâm Khu di tích lịch sử Pác Bó. Đền thờ là nơi để nhân dân đến thắp hương tưởng niệm. Toàn bộ khu di tích Pác Bó ngày nay được bảo tồn khá nguyên vẹn. Các địa điểm được bao phủ bởi cây rừng mát rượi. Thấp thoáng trong tán lá xanh người ta mới thấy hiện ra một mái hiên, hay những dòng chữ nổi. Dòng suối quanh năm róc rách chảy, chim rừng ríu rít, gió thổi vi vu hòa lẫn trong bóng đại ngàn xanh thẳm.
    Tháng 2 năm 1941, khi về nước, Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong hang Pác Bó và đặt tên dòng suối trước cửa hang là “suối Lênin” và ngọn núi có hang này là “núi Các Mác”. Có thể nói Pác Bó là nơi khởi sinh các tổ chức và lực lượng cách mạng Việt Nam, là nơi tập kết quân trang, nuôi dưỡng cán bộ, là bàn đạp cho các cuộc tấn công của cách mạng.
    Với những giá trị đặc biệt, ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa và khoa học của Khu di tích lịch sử Pác Bó, từ năm 1970, Khu di tích đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo tồn, tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng và mở cửa đón khách tham quan. Năm 1975, khu di tích được xếp hạng là Di tích Quốc gia. Năm 2007, đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó được Thủ tướng Chính phủ phê. Năm 2012, Pác Bó được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Từ đó đến nay, Khu di tích Pác Bó không ngừng được bảo tồn, tôn tạo và đầu tư nâng cấp.
    Ngày nay, Pác Bó đã trở thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa vô giá, không chỉ của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng mà còn là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam.Pác Bó trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho các thế hệ con cháu người Việt Nam. Pác Bó còn là địa điểm tham quan du lịch thú vị cho những ai yêu mến cảnh quan rừng núi, muốn tìm một cảm giác hoang sơ, lắng đọng chốn thâm sơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang