Thuyết minh về chiếc đồng hồ đeo tay hiện đại

thuyet-minh-ve-chiec-dong-ho-deo-tay-hien-dai

Thuyết minh về chiếc đồng hồ đeo tay hiện đại

  • Mở bài:

Đồng hồ đeo tay là một kiệt tác vĩ đại của những nhà thiết kế. Bằng sự tỉ mỉ đáng khâm phục, từ chiếc đồng hồ treo tường cồng kềnh,các nhà kĩ thuật đã chế tác ra những chiếc đồng hồ nhỏ gọn đeo trên tay, không chỉ đếm giờ chính xác mà còn mang lại vẻ đẹp sang trọng, quyến rũ cho những ai sở hữu nó.

  • Thân bài:

Nguồn gốc ra đời chiếc đồng hồ đeo tay hiện đại:

Do nhu cầu xem thời gian mọi lúc mọi nơi của con người, các nhà kĩ thuật đã tiến hành thu nhỏ chiếc đồng hồ treo tường nhưng vẫn đảm bảo chức năng chỉ giờ chính xác của nó. Chiếc đồng hồ đeo tay đã ra đời trên cơ sở đó. Ban đầu nó chỉ có mặt chỉ giờ hết sức đơn giản. Sau người ta mới thiết kế dây đeo và trang trí cho nó đẹp hơn.

Năm 1571, đánh dấu sự xuất hiện của đồng hồ đeo tay. Đến năm 1880, Thụy Sĩ sản xuất hàng loạt đồng hồ đeo tay và phổ biến ra khắp thế giới. Kể từ đó, đồng hồ đeo tay được sử dụng phổ biến. Nó không ngừng được cải tiến ngày càng nhỏ gọn hơn. Không những nhiều tính năng hơn và rất sang trọng lại phù hợp hơn với điều kiện sử dụng và thị hiếu của con người.

Phân loại đông hồ đeo tay:

Có nhiều cách phân loại đồng hồ đeo tay. Theo cấu tạo gồm có: đồng hồ cơ, đồng hồ điện tử. Theo cách hiển thị thời gian gồm có: đồng hồ mặt kim, đồng hồ mặt số, đồng hồ mặt điện tử. Theo cách cấp năng lượng gồm có: đồng hồ chạy pin, đồng hồ năng lượng mặt trời, đồng hồ lắc. Theo mục đích sử dụng gồm: đồng hồ thời trang, đồng hồ thể thao, đồng hồ máy tính, đồng hồ đi biển,…

Ngoài ra, dựa vào đặc điểm cấu tạo, thiết kế, mục đích sử dụng, lứa tuổi, giới tính mà người ta có nhiều cách phân loại khác.

Cấu tạo ngoài của chiếc đồng hồ đeo tay:

Về căn bản, cấu tạo bên ngoài của một chiếc đồng hồ đeo ta gồm: phần hộp thân vỏ chứa bộ máy và dây đeo. Phần hộp chứa bộ máy gồm có mặt hiển thị thời gian, hộp đựng và nắp đậy lưng. Những yếu tố này tạo nên dáng vẻ và phong cách cho chiếc đồng hồ. Vỏ thân máy thường được đúc bằng nhựa cứng hoặc bằng kim loại. Hộp có thể phủ mạ kim loại quý hoặc đính đá quý. Nắp đậy lưng có thể rời hoặc liền, thường làm trơn nhẵn để không gây tổn thương phần cổ tay.

Mặt kính bảo vệ tổ hợp kim chạy bên trong. Kích cỡ thông thường của mặt đồng hồ nam thường từ 36mm đến 48mm, phù hợp với cổ tay khá to của nam giới. Kích cỡ mặt đồng hồ đeo tay nữ thường từ 24mm đến 40mm, phù hợp với cổ tay nhỏ gọn của nữ giới. Kính thường được làm từ sapphire cứng, chống trầy xước, hoặc bằng khoáng chất. Kính khoáng chất rất ít bị trầy. Nhưng dù có bị trầy cũng dễ đánh bóng, phục hồi độ bóng như ban đầu.

Mặt số chứa tổ hợp số đếm. Mặt số thường là một tấm kim loại hoặc vật liệu khác như carbon, nhôm, nhựa cứng, thủy tinh. Với những đồng hồ đắt tiền, mặt số làm bằng xà cừ, vàng, … Trên mặt có các vạch số. Mốc chỉ giờ có thể được đính bằng các loại đá quý, màu sắc sang trọng, rực rỡ. Ngoài giờ, phút, giây tiêu chuẩn, trên mặt đồng hồ còn có lịch, mức dự trữ năng lượng, bộ chuyển đổi, thang đếm,…

Tổ hợp kim là bộ phận đếm, chỉ giờ của đồng hồ. Ở đồng hồ điện tử, tổ hợp kim được thay thế bằng bộ đếm điện tử. Phần lớn tổ hợp kim gồm ba chiếc: kim chỉ giờ, kim chỉ phút, kim chỉ giây. Kim được làm từ kim loại nhẹ dát mỏng hoặc bằng nhựa cứng. Nhiều hình dạng của kim được sử dụng để tăng tính thẩm mỹ của chiếc đồng hồ.

Dây đeo là bộ phận gắn đồng hồ và cổ tay. Dây đeo có thể là dây vải dày, dây da động vật, dây nhựa dẻo, dây kim loại mắc xích không rỉ,… Dây đeo thường được thiết kế nhiều màu sắc, bền, nhẹ, an toàn với cổ tay. Dây có thể co dãn, nới rộng hoặc siết chặt phù hợp với cổ tay người sử dụng.

Cấu tạo bộ máy và nguyên lí hoạt động của đồng hồ đeo tay:

Bộ máy đồng hồ đeo tay là một cơ cấu và hệ thống thiết bị được lắp ráp theo một trật tự nhất định. Nó được thu gọn nằm trong thân vỏ chắc chắn, nhỏ gọn nhưng vẫn đảm bảo đúng vị trí giúp các bộ phận hoạt đông tốt. Về căn bản, bộ máy gồm: nguồn cung cấp năng lượng (thường là pin), dây cót, hệ thống truyền động, cơ cấu hồi, chân kính,…

Pin là nguồn cung cấp năng lượng giúp đồng hồ hoạt động đều đặn và chính xác. Năng lượng được tích sẵn trong pin hoặc chuyển hóa từ năng lượng mặt trời. Khi pin hết năng lượng cần thay pin để tránh bị rò rỉ làm hư đồng hồ.

Dây cót là bộ phận có chức năng tích lũy năng lượng cơ khí. Dây cót căn bản là một tấm thép mềm và dài. Dây cót được lên dây bằng một khóa vặn, cuốn lại quanh trục của hộp tang trống và chứa năng lượng để chạy đồng hồ. Một khi được lên dây, do sức đàn hồi, dây cót tự nhiên có xu hướng trở lại hình dạng ban đầu bằng cách nhả hồi. Do đó tạo lực chuyển động các bộ phận của chiếc đồng hồ qua các bánh răng truyền động.

Hệ thống truyền động hay cơ cấu bánh răng truyền năng lượng được lưu trữ trong hộp tang trống đến bánh răng hồi. Bộ phận này chức năng truyền năng lượng trung gian từ các dây cót làm chuyển động các cơ cấu khác trong bộ máy đồng hồ. Hình dạng các bánh răng rất đặc biệt. Nó được thiết kế tùy theo từng chức năng. Đó là bộ phận phức tạp nhất của chiếc đồng hồ.

Cơ cấu hồi có nhiệm vụ chỉ thời gian và phân bố năng lượng. Năng lượng được truyền liên tục từ dây cót phải được chia thành các đơn vị thông thường để đếm được thời gian. Bánh lắc và dây tóc có chức ăng điều chỉnh hợp lí. Dây tóc có độ nhạy cảm rất cao. Hoạt động của dây tóc quyết định độ chính xác của một chiếc đồng hồ.

Chân kính của đồng hồ được làm bằng hồng ngọc. Chân kính không chỉ làm chức năng ổ đỡ các chân trụ mà còn là thứ trang sức tuyệt đẹp làm tăng vẻ đẹp của đồng hồ. Một chiếc đồng hồ thông thường có 17 chân kính. Đồng hồ càng có nhiều chân kính càng đắt tiền.

Vai trò của chiếc đồng hồ đeo tay trong đời sống con người:

Đồng hồ giúp con người nhận biết thời gian mọi lúc mọi nơi. Nếu không có chiếc đồng hồ đeo tay có lẽ việc xác định thời gian của con người trở nên khó khăn hơn nhiều. Đồng hồ đeo tay giúp con người làm chủ thời gian, công việc và điều phối cuộc sống một cách hiệu quả nhất

Tiện lợi khi di chuyển, nhỏ, gọn, mang tính thẩm mĩ cao. Đồng hồ đeo tay còn là một món đồ trang sức tôn vinh vẻ đẹp con người. Ngoài ra, đồng hồ đeo tay còn là một thiết bị báo thức, nhắc giờ, nhắc việc, xem ngày tháng,…

Sử dụng và bảo quản đồng hồ đeo tay:

Đồng hồ đeo tay dùng để đeo trên tay. Không nên thử độ cứng và chống xước của kính đồng hồ bằng các vật có tính chất cứng. Sự va chạm cơ học dễ khiến đồng hồ bị biến dạng.

Không nên đeo đồng hồ khi làm các công việc nặng, công việc có nhiều động tác va chạm với các vật dụng bên ngoài. Tránh để đồng hồ thường xuyên tiếp xúc với hóa những hóa chất. Chúng có thể làm hỏng mặt đá sapphire và dây đồng hồ, các lớp vỏ mạ.

Thay mặt đồng hồ sẽ làm giảm khả năng chống nước của đồng hồ. Do đó trong trường hợp bắt buộc phải thay mặt tại các của hiệu uy tín. Mỗi khi sửa chữa phần máy phải hút chân không để bảo vệ bộ máy, giúp đồng hồ hoạt động chính xác, lâu bền.

  • Kết bài:

Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, chiếc đồng hồ đeo tay đã giúp con người “làm chủ thời gian” và tiến hành các công việc một cách thuận lợi, chính xác. Ngày nay, chức năng chỉ giờ đã được tích hợp trên nhiều thiết bị điện tử nên đồng hồ đeo tay cũng không còn được sử dụng nhiều như trước. Bởi thế, nó chủ yếu được sử dụng như một vật trang trí, làm đẹp cho con người.

Thuyết minh về chiếc đồng hồ treo tường

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.