»» Nội dung bài viết:
Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi (đầy đủ).
- Mở bài:
Thiên tài Nguyễn Trãi là một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà quân sự lỗi lạc, nhà văn, nhà thơ kiệt xuất, nhà chính trị, nhà ngoại giao tài ba, là danh nhân văn hóa thế giới. Có thể nói, Nguyễn Trãi là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử dân tộc và thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp văn học của ông mãi mãi là là kì quan để người đời kính trọng và chiêm ngưỡng.
- Thân bài:
I. Thân thế và cuộc đời của thiên tài Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai, quê ở Hải Dương. Ông sinh ra trong một gia tộc nhiều đời là quan võ dưới nhiều triều đại. Dòng họ này có truyền thống cương trực, khảng khái, khí tiết, lập trường thương dân, đứng về phía người thế cô, bị hà hiếp, đấu tranh chống lại cường quyền và bạo lực. Vì thế nhiều lần không tránh khỏi tai họa giáng xuống với nhiều mức độ khác nhau dưới nhiều triều đại. Truyền thống gia đình và sự nghiệp của dòng tộc có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và tài năng của Nguyễn Trãi sau này.
Sống trong một thời đại đầy biến động, Nguyễn Trãi không tránh khỏi những thay đổi trong cuộc đời. Lên 6 tuổi, mẹ qua đời, Nguyễn Trãi phải về Côn Sơn ở với ông ngoại Trần Nguyên Đán. Năm 1390, ông ngoài qua đời, ông lại theo cha trở về sống ở làng Nhị Khê.
Tuổi thơ Nguyễn Trãi là một thời kỳ thanh bần nhưng ông vẫn quyết chí gắng công học tập, nổi tiếng là một người học rộng, có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực, có ý thức về nghĩa vụ của một kẻ sĩ yêu nước thương dân. Sách vở cổ kim đầu thông thạo.
Năm hai mươi tuổi (năm 1400), Nguyễn Trãi đỗ thái học sinh và cùng với cha ra làm quan với nhà Hồ. Chưa được bao lâu, năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi và một người em đi theo chăm sóc. Nghe lời cha khuyên, ông trở về nước tìm cách phục thù cứu nước.
Trở về Đông Quan, ông sống lẩn khuất trong nhân dân để tránh sự truy bắt của quân Minh, ngày đêm nung nấu ý chí “đền nợ nước, báo thù nhà”. Khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi bèn trốn khỏi Đông Quan tìm vào Thanh Hoá gặp Lê Lợi, dâng “Bình Ngô sách”, được Lê Lợi trọng dụng. Ông đã đồng cam cộng khổ với nghĩa quân Lam Sơn suốt mười năm kháng chiến, đem hết tài năng, ý chí và nguyện vọng phục vụ cho công cuộc kháng chiến vĩ đại. Trải qua biết bao gian khổ, cuối cùng Nguyễn Trãi đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng của ông: đánh đuổi được giặc Minh, mang lại độc lập cho đất nước năm 1427.
Chính ông đã thay mặt Lê Lợi viết bản Bình Ngô đại cáo tổng kết chiến thắng oanh liệt của dân tộc. Bài cáo thể hiện sâu sắc tư tưởng nhân nghĩa của ông, bộc lộ rõ ý chí và nguyện vọng của một con người luôn vì dân vì nước.
Làm quan dưới hai triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông, ông đã ra sức chèo lái con thuyền của triều đình nhà Lê đi đúng con đường chính đạo mà tinh thần căn bản là thực hành nhân nghĩa để yên dân. Ông đem hết tài năng và sức lực xây dựng triều đình, mở mang đất nước, làm cho xã hội thái bình thịnh trị. Với tính khí cương trực, tư tưởng lấy dân làm gốc, vì dân phục vụ ông không khỏi bị bọn quan tham đó kị, ganh ghét, tìm cách hãm hại. Nhiều lần ông bị nghi oan, giáng chức khiến ông vô cùng buồn tủi.
Năm 1440, Lê Thái Tông mời ông trở lại làm việc và giao cho nhiều công việc quan trọng. Được tin cậy trở lại, ông hăng hái làm việc đến quên đi bản thân thì lúc ấy lại bất ngờ xảy ra vụ việc vua Lê Thái Tông băng hà tại nhà riêng của ông ở Lệ Chi Viên. Lợi dụng vụ việc, bọn gian thần triều đình vu cho ông âm mưu giết vua, khép vào tội phải giết cả ba họ năm 1442. Cả nhà Nguyễn Trãi đã bị giết.
Nỗi oan khốc thấu tận trời xanh. Hơn hai mươi năm sau (năm1464), Lê Thánh Tông mới giải tỏa, rồi cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm người con trai sống sót cho làm quan. Có thể nói vụ án lệ chi viên là vụ án oan thảm khốc nhất trong lịch sử phong kiến việt nam.
* Nhận xét:
Nhìn chung, cuộc đời Nguyễn Trãi nổi bậc là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Ở Nguyễn Trãi có một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất. Nguyễn Trai còn là người có nhân cách cao cả, cương trực, sống đầy khát khao, hoài bão thật đáng để cho người đời ngưỡng mộ. Nhưng Nguyễn Trãi cũng là một người đã phải chiụ những oan khiên thảm khốc, do xã hội củ gây nên cũng tới mức hiếm có trong lịch sử.
Ông cũng là một nhà tư tưởng vĩ đại, có tầm nhìn sáng suốt, dũng cảm đưa ra đường lối đổi mới và dũng cảm thực hiện. Tuy có nhiều trở ngại nhưng về cơ bản Nguyễn Trãi cũng đã thực hiện được những gì mình đề ra trong suốt cuộc đời. Thật đáng tiếc, số phận ngắn ngủi cũng đã cắt đứt những khát vọng mà ông mong muốn khi đang ở giai đoạn hăm hở nhất.
II. Sự nghiệp sáng tác văn học đồ sộ của Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi viết nhiều, có cống hiến ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể nói bút lực của oogn phi thường. Tác phẩm của Nguyễn Trãi hầu hết đã bị thất lạc sau vụ án Lệ Chi viên. Hiện nay, chỉ còn lại một ít có thể kể tên sau:
1. Về văn chính luận:
“Bình Ngô đại cáo” là kiệt tác bất hủ của Nguyễn Trãi. Với lời văn đầy khí khái, giọng điệu hào hùng, lời lẽ đanh thép, thuyết phục, trâm hùng đã nêu bậc được thắng lợi vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn và hào khí của thời đại. Bình ngô đại cáo xứng đáng là một bản thiên cổ hùng văn còn lưu truyền đến muôn đời.
“Quân trung từ mệnh tập” là tập văn mang tính luận chiến, nhằm cổ vũ tinh thần quân sĩ và làm nao núng ý chí quân giặc, vừa mang tính thuyết phục, giảng giải cho quân địch thấy rõ lẽ tất yếu phải rút quân và thừa nhận chủ quyền độc lập của Đại Việt. Lập luận sắc bén, văn phong sáng gọn, gợi cảm, có lí, có tình. Tập văn thể hiện sâu sắc tài năng hùng biện và phán đoán tâm lí kẻ địch tài ình của Nguyễn Trãi. Vận dụng chiêu pháp công tâm làm cho quân địch tự tan rã là kế sách tài tình mà không phải ai cũng làm được.
2. Về thơ ca:
Tập thơ “Ức Trai thi tập” gồm 105 bài thơ chữ Hán. ở thơ chữ Hán, Nguyễn trãi không chú trọng đến niêm luật mà phóng khoáng, tự do để biểu đặt được cái hồn của sự vật. Nắm bắt thần thái, trả cảnh vật về với tự nhiên là bút pháp nổi bậc trong văn thơ Nguyễn trãi. Thơ ông tự nhiên, chan hòa sự sống, mang phong thái điềm đạm của một bậc đại nho.
Tập thơ “Quốc âm thi tập” gồm 254 bài thơ Nôm. Đây là tập thơ Nôm đầu tiên và cổ xưa nhất của nước ta còn cho đến ngày nay. Quốc âm thi tập phản ánh sâu sắc quá trình phát triển của chữ Nôm thế kỉ XV. Với tập thơ này, Nguyễn Trãi đánh một móc son rực rỡ trong tiến trình phát triển và hoàn thiện chữ Nôm ở nước ta.
3. Về khảo cứu lịch sử:
Bộ lược sử “Lam Sơn thực lục” là quyển lịch sử ký sự ghi chép về công cuộc 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn, do vua Lê Thái Tổ sai soạn vào năm 1432.
“Vĩnh Lăng thần đạo bi” là bài văn bia ở Vĩnh Lăng – lăng của vua Lê Thái Tổ, kể lại thân thế và sự nghiệp của Lê Thái Tổ.
4. Về nghiên cứu địa lý:
Bộ khảo cứu “Dư địa chí” là bộ sách về địa lý học cổ nhất còn lại của Việt Nam, đặt nền móng căn bản, trở thành nguồn tư liệu quý về địa lí nước Đại việt. Ngoài ra, Nguyễn Trãi còn có một số tác phẩm khác như “Ngọc đường di cảo”, “Thạch khánh đồ”, “Luật thư”, “Giao tự đại lễ” nhưng đều không còn lại đến ngày nay.
* Đánh giá:
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: “Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị ngoại giao “mở nền thái bình muôn thủa, rửa nỗi thẹn nghìn thu”; võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, “yếu đánh mạnh ít địch nhiều… thắng hung tàn bằng đại nghĩa”; “văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm đao… Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta”. Phạm Văn Đồng nhìn nhận văn chương Nguyễn Trãi “đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thường”.
- Kết bài:
Trong lịch sử dân tộc, thật hiếm có nhân vật nào toàn tài như Nguyễn Trãi, một con người đã có cống hiến rất lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước ấy đã phải gánh chịu tai họa thảm khốc nhất lịch sử. Dù các tác phẩm để lại không còn đầy đủ nhưng cũng đủ để khẳng định tài năng lỗi lạc của ông. Bởi thế, ca ngợi Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tông đã viết: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Tâm Ức Trai sáng tựa sao khuê).
Tham khảo:
Cuộc đời và sự nghiệp chói lọi của thiên tài Nguyễn Trãi.
“Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng”
(Tố Hữu)
Lấp lánh rọi sáng như một ngôi sao Khuê trong tâm hồn, trong trái tim “ưu thời ái quốc”, – thâm thuý, sắc bén, đầy biến hoá trong tài mưu lược chính trị – nhẹ nhàng mà thanh tao, thi vị trong những vần thơ về thiên nhiên, cây cỏ, Nguyễn Trãi đã tạc mình vào vóc dáng dân tộc, tồn tại vĩnh hằng trong trái tim mỗi người dân Viêt Nam, trong lịch sử dân tộc.
Lắng mình cùng dòng chảy thời gian, trở về với mảnh đất Hải Dương – nơi đã sinh thành, nuôi dưỡng con người tài hoa Đất Việt Nguyễn Trãi, ta mới thấu hiểu rằng lấp sau mũ quan, áo gấm là một thời ấu thơ đầy bão dông. Nguyễn Trãi (1380 – 1442) sinh ra và lớn lên tại làng Chi Ngại, là con của Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại tướng công Trần nguyên Đán. Thật may mắn khi con người vốn đã tài hoa, kiệt xuất trời xinh ấy lại được nuôi dưỡng, lớn lên trong một gia đình mà truyền thống yêu nước, văn hoá, văn học đã trở thành một niềm tự hào sâu sắc.
Thế nhưng, hạnh phúc vừa cầm nắm trong tay thì cuộc đời giông tố đã ập đến khiến Nguyễn Trãi chịu nhiều mất mát đau thương. Ông để tang mẹ lúc 5 tuổi rồi lại ông ngoại qua đời khi vừa tròn 10 tuổi. Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về tinh thần, nỗ lực học tập, năm 1440, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh và cùng cha ra làm quan dưới triều nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, cha ông bị chúng bắt sang Trung Quốc. Gánh nặng hai vai là món nợ non sông và mối thù nhà khôn xiết. Sau khi thoát khỏi sự giam lỏng của giặc Minh, Nguyễn Trãi từ Đông Quan tìm vào Lam Sơn theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa. Ông đã trở thành cánh tay đắc lực của Lê Lợi, thực hiện “mưu phục tâm công” giúp cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến toàn thắng vang dội. Ông hăm hở tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước.
Giặc ngoài đã dẹp yên, mâu thuẫn nội bộ triều đình phong kiến nổi lên, Nguyễn Trãi bị nghi oan, bắt giam. Sau đó ông được thả ra nhưng không còn được tin dùng như trước. Thời thế ép buộc con người tận trung với nước, tận hiếu với dân phải từ bỏ chốn quan trường về ở ẩn tại Côn Sơn. Năm 1442, Nguyễn Trãi trở về giúp vua Lê Thánh Tông việc nước thì an oán Lệ Chi Viên đổ ập xuống gia đình ông. Bọn gian thần vu cho ông giết vua, khép tội “tru di tam tộc”. Cuộc đời đã đóng sập trước mắt con người tài hoa bạc mệnh như một sự thật phũ phàng đến nao lòng, là nỗi xót thương nghẹn ngào của bao con dân khổ cực dưới ách cùm trói thiếu đi một cánh tay che chở, bảo vệ trước dông tố cuộc đời.
Sinh ra từ cát bụi rồi lại trở về với cát bụi hư vô. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi tưởng đã bị cuốn phăng khỏi guồng quay của thời gian, chuyến hành trình dài của lịch sử nhưng chính bởi hồn thơ văn chất chứa đã khẳng định tên tuổi, tạc linh hồn vô hình lên vóc dáng dân tộc, để lại cho đời những tiếng thơ bất hủ, vang dội mà cũng không kém phần lắng đọng, tinh tế, bình dị như chính những rung động nhẹ nhàng trong trái tim Nguyễn Trãi:
“Nhắc đến tên ông là thấy thơ
Như một nguồn thiêng chẳng bến bờ”.
(Tế Hanh)
Nguyễn Trãi – nhà văn chính luận kiệt xuất mọi thời đại. Ông coi thơ là nơi gửi gắm, truyền đạt con mắt sự đời tinh tế để công phá quân giặc; là miền đất mơ ước mà ở đó tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân thấm nhuần vào hành động, xuyên suốt, chủ đạo như nguồn năng lượng hội tụ phát sáng kì diệu:
“Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng”
(Quốc âm thi tập)
Trong thơ Nguyễn Trãi, hai tiếng “trung hiếu” và “ưu ái” như một lời nguyền vang vọng, trường tồn với năm tháng: Yêu nước, thương dân – danh là danh tổ quốc – lợi là lợi tổ quốc. Sống để cống hiến, suốt đời quên mình vì dân vì nước, vì tư tưởng “nhân nghĩa”. Rạo rực, hùng hồn, sắc bén, đây “Quân trung từ mệnh tập” – vang dội khí phách, tinh hoa, cội nguồn dân tộc đây, mãi là áng “Thiên cổ hùng văn” ấy là Bình Ngô đại cáo…
“Quân trung từ mệnh tập” tuy chỉ là một tập hợp gồm những thư từ gửi cho tướng giặc và những giao thiệp với triều đình nhà Minh của Nguyễn Trãi…. nhưng nó lại là tập văn chiến đấu “có sức mạnh bằng mười vạn quân” (Phan Huy Chú) với ngòi bút tinh thông, sắc sảo, biến hoá, nhất quán của mưu sư “viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời” (Lê Quý Đôn). Mỗi bức thư là một khâu, một mắt xích quan trọng trong cả cuộc luận chiến kéo dài giữa ta và địch, là sự kết hợp tuyệt diệu giữa lý lẽ lúc thâm thuý, ý nhị, lúc biến hoá, sắc sảo đến gai góc, tài tình với tư tưởng yêu nước, thương dân đã tạo cho “sức mạnh của ngòi bút Nguyễn Trãi được nhân lên, cú đánh nào của ông cũng trúng đích” (Nguyễn Huệ Chi).
Nếu văn đàn Việt Nam đã từng gặp mối giao thời lịch sử và văn học sáng rọi giữa Nam Quốc Sơn Hà với chiến thắng trên sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt hay Hịch tướng sĩ với chiến thắng chốg quân Nguyên lần thứ II thì Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là sự lặp lại một lần nữa mối giao thời rực rỡ, huy hoàng ấy. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa cảm hứng chính trị và cảm hứng nghệ thuật đến mức kì diệu mà chưa một tác phẩm chính luận nào đạt tới, là áng văn yêu nước sáng chói non sông, thời đại – một “thiên cổ hùng văn” không tiền khoáng hậu. Tác phẩm chính là bản tuyên ngôn độc lập, bản cáo trạng hùng hồn tội ác của kẻ thù, là khúc tráng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa phải gắn liền với chống quân xâm lược, bảo vệ quê hương, lo cho dân cuộc sống “thái bình, thịnh trị”, “xã tắc từ đây vững bền” ; lòng tự hào dân tộc sâu sắc:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
(Bình Ngô đại cáo)
Lắng sâu trong Bình Ngô đại cáo là dòng máu lúc bừng lên, sôi sục lòng tự hào dân tộc nhiệt huyết, lúc âm vang, giận dữ, uất hận trào sôi, lúc nghẹn ngào, tấm tức … Nguyễn Trãi luôn ước vọng nhà nước phong kiến sẽ lấy nhân nghĩa để “trị dân”, “khoan dân” cho viễn cảnh quê hương đất nước tươi đẹp hiện ra tươi sáng, huy hoàng, rực rỡ hơn:
“Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn”. Giọng văn chính luận của Nguyễn Trãi đã đạt tới mức độ nghệ thuật mẫu mực từ cách xác định đối tượng, mục đích để có biện pháp khéo léo tạo nên kết cấu sức bén, nhất quán. Với tài năng, đức độ cùng những việc mà Nguyễn Trãi đã làm và cống hiến cho dân tộc, ông xứng đáng là một nhà cải cách vĩ đại, nhà tư tưởng lớn, một danh nhân văn hoá thế giới. Phạm Văn Đồng đã nhận xét: “Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thươn dân, để cứu nước phải dựa vào dân và cứu nước để cứu dân, đem lại thái bình cho nhân dân”. Tư tưởng nhân nghĩa ấy luôn thiết tha, thường trực chuyển thành tâm trạng lo âu, bất an:
“Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Chẳng nằm thức dậy nẻo canh ba.”
(Bảo kính cảnh giới – Bài 1)
“Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng.”
(Thuật hứng – Bài 5)
Triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi tiềm ẩn như quặng quý mà ta cần phải khai thác, nhưng khi lộ thiên nó lại càng lấp lánh hơn bởỉ tư tưởng, tấm lòng yêu nước, thương dân sáng ngời.
Rạo rực khí phách một thời của vị anh hùng nhưng “Bình Ngô đại cáo” hay “Quân trug từ mệnh tập”…. chỉ là chất thép bao bọc bên ngoài một tâm hồn, một trái tim biết đau nỗi đau thời thế, biết yêu, biết sống đẹp, sống vui. Là bậc anh hùng với lý tưởng cao cả nhưng Nguyễn Trãi xót xa và nghẹn ngào đau xót trước cảnh người dân bị tàn hại vô tội. Ông thương khóc cho “dân đen” đang rên xiết dưới gót giày quân giặc. Tình yêu thương đồng loại cao cả, vĩ đại lắm thay là một phần xương máu, tâm can của con người anh hùng ấy!
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
Nguyễn Trãi vốn là con người trung thực, ngay thẳng, yêu lẽ phải và sự công bằng nên nỗi đau xót, buồn rầu, chua chát về thời thế đen bạc, lòng người đổi thay là điều hiển nhiên:
“ …. Càng một ngày càng ngặt đến xương
…. Ở thế nhiều phen thấy khóc cười
…. Bui một lòng người cực hiểm thay”.
Xã hội càng ngang trái, người anh hùng ấy lại càng ngời sáng phẩm chất cứng cỏi, khát khao tự do, thà chết chứ không chịu làm nô lệ của cường quyền bạo ngược:
“Một tấm long son ngời lửa luyện
Mười năm thanh chức ngọc hồ băng
Ung dung cứ nói điều ta thích
Uốn gối theo đời không thể vâng”.
Con người ấy hội tụ đầy đủ vẻ đẹp tâm hồn của tinh hoa đất Việt, người Việt! Sự tôn vinh danh nhân văn hoá thế giới do UNESCO năm 1980 công nhận đã khẳng định rõ ràng vẻ đẹp của con người ấy.
Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà chính trị tài ba mà ông còn là con người của cuộc sống đời thường, của quên hương xứ sở, gắn bó với “Một cày, một cuốc thú nhà quê” của cuộc đời lao động chân lấm tay bùn. Đâu chỉ yêu quê hương Côn Sơn có “đá rêu”,có “suối chảy rì rầm”, có “ghềnh thông mọc như nêm”, có “bóng trúc râm” mà Nguyễn Trãi còn dành cho thiên nhiên một địa vị cao sang trong thơ qua “Ức Trai thi tập” và “Quốc âm thi tập”. Đó là màu xanh của cỏ như “khói bến xuân tươi”, là bóng thông bên núi, là tiếng cuốc gọi hè, là vẻ kín đáo “Tình thư một bức phong còn kín” trong Cây chuối, là cành mai, dáng tùng, là sức sông trào dâng của hoa lựu đỏ ngoài hiên ….
Tất cả những điều bình dị, dân dã ấy qua những rung động thẩm mĩ của Nguyễn Trãi đều đi vào thơ ca nhẹ nhàng như một mảnh tâm hồn. Thiên nhiên đã trở thành nơi ôm ấp, bao bọc con người có tâm hồn thanh cao, yêu đời ấy. Dù đi đến bất cứ nơi đâu, thiên nhiên đều trở thành một nguồn thơ bất tận “Túi thơ chứa hết mọi giang sơn” của người thi sĩ này. Nguyễn Trãi sống để bầu bạn với thiên nhiên, để viết về tình cảm nhân văn giữa con người với con người như ngiã vua tôi, tình cha con sâu sắc:
“Quân thân chưa báo lòng canh cánh
Tình phụ cơm trời áo cha”.
Những vần thơ của Nguyễn Trãi dù viết về thiên nhiên hay tình cha con, tình bạn …. đều biết bao gần gũi. Chính hình ảnh con người trong thơ đã làm cho Nguyễn Trãi nổi bật rõ hơn vẻ đẹp nhân bản, nhân văn trong tâm hồn người anh hùng, nâng cao tầm vóc, vị thế của một con người thời đại.
Xuất hiện ở nửa cuối thế kỉ XV, thiên tài văn học Nguyễn Trãi đã trở thành một hiện tượng văn học kết tinh truyền thống văn học Lý – Trần, đồng thời mở đường cho giai đoạn phát triển mới. Bao trùm trong thơ Nguyễn Trãi là nguồn cảm hứng yêu nước và nhân đạo sâu sắc. Ông là một nhà văn chính luận xuất sắc, là nhà thơ có công khai sáng tiếng Việt, đem đến cho nền văn học thơ Đường luật viết bằng văn học chữ Nôm sáng tạo làm tiếng Việt trở thành ngôn ngữ văn học giàu và đẹp.
Đã sáu trăm năm trôi qua, Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc, nhà thơ, nhà tư tưởng chính trị lớn sống mãi trong lòng dân tộc và thế hệ con cháu. Cuộc đời, sự nghiệp ấy sẽ mãi mãi là tấm gương soi đường, chỉ lối cho những bước ta đi để xây dựng quê hương, đất nước. Thời gian sẽ không làm phai mờ đi chân dung danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi. Ta vẫn thấy ông ung dung thanh cao sống giữa cõi đời thanh bình ấy:
“Đạp sóng mây, ôm bó củi
Ngồi bên suối, gác cần câu”.
(Trần tình – 5)
Ta vững bước hướng về một tương lai tươi sáng; sẵn sàng, tự tin bước đi xây dựng quê hương khi biết đằng sau mình vẫn có những con người vĩ đại như thế soi đường, chỉ lối. Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam!
quả thật làm anh hùng cũng đâu có sung sướng gì. hãy sống cho mình rồi mới sống cho người