tinh-canh-le-loi-cua-nguoi-chinh-phu-nha-van-chan-chinh-la-nguoi-suot-doi-chi-truyen-ba-mot-thu-ton-giao-tinh-yeu-thuong-con-nguoi

Qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, hãy làm rõ nhận định: Nhà văn chân chính là người suốt đời chỉ truyền bá một thứ tôn giáo: Tình yêu thương con người

Có ý kiến cho rằng: “Nhà văn chân chính là người suốt đời chỉ truyền bá một thứ tôn giáo: Tình yêu thương con người”.

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” (Trích Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm), hãy làm sáng tỏ nhận định.

  • Mở bài:

Văn học Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX phát triển trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động. Chế độ phong kiến đi từ khủng hoảng đến suy thoái, cuộc tranh chấp quyền lực của các tập đoàn phong kiến khiến đất nước rơi vào tình trạng loạn lạc, dân tình lầm than, khốn khổ. Oán ghét chiến tranh phi nghĩa, cảm thương cho những nỗi khổ đau, mất mát, trong đó có mất mát về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của con người nhất là những người phụ nữ có chồng đi lính, Đặng Trần Côn đã viết Chinh phụ ngâm. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” phơi bày rõ thực cảnh ấy, đồng thời thể hiện tình yêu thương con người âu sắc của tắc giả. Đoạn trích là minh chứng thuyết phục nhận định: “Nhà văn chân chính là người suốt đời chỉ truyền bá một thứ tôn giáo: Tình yêu thương con người”.

  • Thân bài

Sứ mệnh cao cả của nhà văn là khám phá cái đẹp của cuộc sống và chuyển tải đến người đọc thông qua tác phẩm văn học. Con người với tất cả niềm vui hạnh phúc, khát khao và nỗi buồn đau luôn trở thành nguồn cảm hứng dồi dào của văn học và là mối quan tâm hàng đầu của nhà văn. Nhà văn chân chính luôn trăn trở, day dứt trước cuộc sống và con người. Tác phẩm của họ dù viết theo đề tài nào cũng vẫn để bày tỏ “lòng thương và tình bác ái, để người gần người hơn”. Tác phẩm văn học chân chính là sản phẩm của nhà văn nhân đạo chủ nghĩa. Qua những cảnh ngộ, nhà văn muốn người đọc cùng chia sẻ và đồng cảm, bênh vực và ca tụng con người, ca ngợi tình người. Những tác phẩm như thế sẽ trường tồn và độc giả yêu thích.

Văn học phong kiến Việt Nam thế kỷ XVIII, với tình yêu thương và đồng cảm, các nhà văn nhà thơ đã bày tỏ khá thành công nội dung nhân đạo dành cho người phụ nữ tài sắc nhưng bất hạnh. Tác giả Đặng Trần Côn và dịch giả Đoàn Thi Điểm đã thể hiện cảm động và chân thành nỗi cô đơn, buồn khổ và lòng khát khao được sống trong tình yêu và hạnh phúc của người vợ lính trong Chinh phụ ngâm. Tương đồng với Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều trên phương diện khẳng định những giá trị nhân văn và phản ánh số phận người phụ nữ cũng như khả năng vận dụng nhuần nhuyễn thể loại ngâm khúc và thể thơ song thất lục bát, song bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm lại có phần giản lược những suy tưởng triết lý cao siêu và hướng nhiều hơn tới cuộc sống đời thường.

Tâm tình người chinh phụ tiêu biểu cho nỗi nhớ mong chồng, khát khao cuộc sống gia đình bình dị và ước mong về một ngày đoàn tụ vợ chồng. Đặt trong tương quan chung, ước mơ của người chinh phụ cũng hiền hoà, dung dị, gần gũi hơn so với người cung nữ. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ cho thấy rõ tâm trạng cô đơn của người vợ nhớ chồng ra trận và nghệ thuật miêu tả tâm trạng bậc thầy của hai tác giả Đặng Trần Côn  và Đoàn Thị Điểm, trong đó phải kể đến nghệ thuật diễn Nôm đặc biệt xuất sắc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Đoạn trích là nỗi cô đơn, buồn tủi đến cùng cực của người thiếu phụ. Trước hết, đó là sự ý thức về con người cá nhân chiếu ứng trong các quan hệ với cảnh vật và con người, đặt trong tương quan với thời gian và không gian. Nhân vật chủ thể trữ tình – người chinh phụ xuất hiện như có như không, vừa tỉnh thức trong từng bước đi, từng động tác buông thả tấm rèm nhưng liền đó lại quên tất thảy, thờ ơ với tất thảy

Người chinh phụ vốn dòng dõi trâm anh tiễn chồng ra trận với nhiều ước mơ đẹp. Năm tháng chiến tranh, nàng sống lẻ loi, ngày đêm xót xa, lo lắng cho chồng. Thấm thía nỗi cô đơn, nàng nhận ra tuổi xuân đang qua nhanh và hạnh phúc ngày càng xa vời. Người chinh phụ rơi vào tâm trạng cô đơn, buồn đau, tuyệt vọng. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ miêu tả những cung bậc và sắc thái khác nhau của nỗi cô vắng, buồn nhớ ở người chinh phụ đang khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.

Đoạn 16 câu đầu:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.
Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại châu chan.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng

Cảm hứng chủ đạo là buồn và nhớ, day dứt và lo lắng được miêu tả sống động với hàng loạt câu hỏi tu từ. Tâm trạng cô lẻ khắc họa rõ nét và những biến đổi tâm lí tinh tế trong lòng người chinh phụ nhiều đêm ngày không nguôi nhớ chồng nơi chiến địa (8 câu đầu). Theo bước chân và ánh nhìn, người chinh phụ không tìm được gì, không có ai trò chuyện. Buồn rầu lặng lẽ và nhận ra sự trơ trọi khốn khổ của mình giữa ngôi nhà trống trải, vắng lặng suốt ngày dài đến đêm thâu.

Có hai hình ảnh quan trọng được tô đậm, nhấn mạnh trở đi trở lại là tấm rèm và bóng đèn. Người chinh phụ “ngồi rèm thưa” mà trông ra ngoài ngóng đợi tin chồng nhưng chẳng thấy đâu. Cuộc sống nơi “trong rèm” chính là sự bó buộc, trói buộc trong một không gian chật hẹp, tù đọng. Câu thơ chuyển tiếp “Trong rèm dường đã có đèn biết chăng” càng tôn thêm vẻ vắng lặng, đơn côi, một mình chinh phụ đối diện với bóng mình, đối diện với người bạn vô tri vô giác Đèn có biết dường bằng chẳng biết và đi đến kết cuộc “Hoa đèn kia với bóng người khá thương”…

Rõ ràng cuộc đời người chinh phụ hầu như đã mất hết sức sống, con người đã bị “vật hoá” tựa như tàn đèn cháy đỏ kết lại đầu sợi bấc, con người bây giờ chỉ còn là “bóng người” trống trải, vừa đối xứng vừa đồng dạng và là hiện thân của chính kiếp hoa đèn tàn lụi.

Trong 8 câu tiếp, những âm thanh gà gáy, tiếng gió thốc hàng chuối càng khơi sâu thêm nỗi buồn lẻ và đơn độc. Đêm dài trằn trọc không yên, người thiếu phụ chỉ còn ai oán trách phận. Nhớ chồng, thương chồng thương mình, biếng lười gương phấn, cầm sắt. Nhà thơ và dịch giả khéo léo diễn tả được nhớ thương, buồn khổ trải dài, trải rộng không gian biển khơi, thời gian năm tháng với những giọt lệ tuôn trào bất lực.

Ngay đến cảnh vật và sự sống bên ngoài cũng nhuốm vẻ tang thương, vô cảm, chập chờn bất định, không dễ nắm bắt với những “gà eo óc gáy sương”, “hoè phất phơ rủ bóng”... Bên cạnh đó, dòng thời gian tâm lý cũng chuyển hoá thành sự đợi chờ mòn mỏi, thời gian đầy ắp tâm trạng đơn côi nhưng không có sự sống, không sự kiện, không thấy đâu bóng dáng hoạt động của con người.

Trong sự chờ đợi, người chinh phụ thấy một khoảng thời gian ngắn mà dài như cả năm trường, mối sầu trào dâng như biển lớn mênh mang. Những trạng từ “đằng đẵng”, “dằng dặc” tạo nên âm điệu buồn thương, ngân xa như tiếng thở dài của người thiếu phụ đăm đắm chờ chồng. Rút cuộc, hình bóng người chinh phụ có xuất hiện trở lại thì trước sau vẫn là nỗi chán chường, buông xuôi, vui gượng “Hương gượng đốt”, “Gương gượng soi”, “Sắt cầm gượng gảy” mà không sao che đậy nổi một hiện thực bất như ý “hồn đà mê mải”, “lệ lại châu chan” “Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”…

8 câu thơ cuối đoạn trích, người chinh phụ mong chờ trong lo âu tuyệt vọng chỉ còn biết nhờ ngọn gió đông gửi lời yêu thương nhung nhớ đến chồng nơi biên ải:

“Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong“.

Không gian xa cách nỗi nhớ được tác giả so sánh với hình ảnh “Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”. Câu thơ hàm súc về mặt ý nghĩa và cô đọng về mặt hình thức bộc lộ tâm trạng trực tiếp.Cảm giác xót xa, cay đắng và nỗi sinh li đau đớn đang giày vò ghê gớm lòng người chinh phụ. Nỗi niềm uất ức biết kêu ai? biết ngỏ cùng ai? Giữa con người và cảnh vật dường như có sự tương đồng khiến cho nỗi sầu thương trở nên da diết, bất tận.

Nếu hình ảnh người chồng hiện diện như một ý niệm xa mờ thì bản thân nỗi nhớ mong cũng chỉ như một ảo giác. Sự gặp gỡ là điều không thể bởi tin tức mịt mờ, bởi khoảng cách về không gian, về địa danh có tính phiếm chỉ, biểu tượng của miền “non Yên”, “đường lên bằng trời”, “xa vời khôn thấu”… Các từ “thăm thẳm”, “đau đáu”, “thiết tha” gợi nhớ gợi thương, day đi dứt lại trong tâm can người chinh phụ. Sắc thái nỗi nhớ tăng tiến, rộng mở từ những suy tưởng dõi theo người chồng nơi phương xa đến sự dồn nén cảm xúc thành nỗi xót xa, đắng cay nối dài bất tận:

“Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”.

Giống như tâm sự Thuý Kiều trong Truyện Kiều: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu – Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”, người chinh phụ có lúc thấy cảnh vật vô hồn, thê lương nhưng có khi lại cảm nhận cả khoảng không gian và cảnh vật như đang hối thúc, giục giã, đổi thay, không tìm thấy đâu sự hô ứng, đồng cảm giữa tình người với thiên nhiên:

“Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”.

Bằng bút pháp nghệ thuật điêu luyện, tác giả và dịch giả đã diễn tả được những diễn biến phong phú, tinh tế cung bậc tình cảm của người chinh phụ. Cảnh cũng như tình được miêu tả rất phù hợp với diễn biến của tâm trạng nhân vật. Cách dùng hàng loạt từ láy và nhạc điệu của thể thơ song thất lục bát, như những đợt sóng dạt dào, diễn tả tâm trạng người chinh phụ hết nhớ lại thương, hết thương lại nhớ trong tình cảnh lẻ loi đơn chiếc.

Thông qua tâm trạng đau buồn của người chinh phụ đang sống trong tình cảnh lẻ loi, tác giả đã đề cao hạnh phúc lứa đôi và thể hiện tinh thần phản kháng đối với chiến tranh phi nghĩa. Tác phẩm Chinh phụ ngâm đã toát lên tư tưởng chủ đạo trong văn chương một thời: tư tưởng đòi quyền sống quyền được hưởng hạnh phúc rất chính đáng của con người, nhất là người phụ nữ. Đoạn trích nói về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ cũng như toàn bộ tác phẩm Chinh phụ ngâm là tiếng kêu thương của người phụ nữ chờ chồng, nhớ thương người chồng chinh chiến phương xa. Tình cảnh lẻ loi đó được chiếu ứng trong sự cảm nhận về thời gian đợi chờ đằng đẵng, không gian trống vắng vây bủa bốn bề và cuộc sống hoá thành vô vị, mất hết sinh khí.

Trên tất cả là tâm trạng cô đơn và sự ý thức về thảm trạng mất đi niềm tin, đánh mất niềm vui sống và mối liên hệ gắn bó với cuộc đời rộng lớn. Trạng thái tình cảm đó một mặt có ý nghĩa tố cáo những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã đẩy bao nhiêu người trai ra trận và hệ quả tiếp theo là bao nhiêu số phận chinh phụ héo hon tựa cửa chờ chồng, mặt khác xác nhận nhu cầu nói lên tiếng nói tình cảm và sự ý thức về quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ ngay giữa cuộc đời trần thế này. Không có gì khác hơn, đó chính là khả năng mở rộng diện đề tài, khai thác sâu sắc hơn thế giới tâm hồn con người, xác định nguồn cảm xúc tươi mới và khẳng định những giá trị nhân văn cao cả mà khúc ngâm đã đem lại, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của giai đoạn văn chương thế kỷ XVIII trong tiến trình phát triển chung của nền văn học dân tộc.

Chinh phụ ngâm ra đời trong bối cảnh phong trào nông dân khởi nghĩa chống triều đình phong kiến nửa đầu thế kỷ 18 đang dâng lên mạnh mẽ, đã trở thành tiếng nói đề cập đến cuộc chiến tranh phi nghĩa do nhà nước phong kiến Lê – Trịnh phát động lúc bấy giờ nhằm đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân. Nhà thơ đã nhìn nhận và tố cáo chiến tranh từ hai phía: từ phía người chinh phu, chiến tranh mang bộ mặt chết chóc, tàn lụi; từ phía người chinh phụ ở nhà, chiến tranh là cô đơn, sầu muộn, từ đó khẳng định sự phi nghĩa của chiến tranh đối với cuộc sống bình thường giản dị của con người.

Hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc của tuổi trẻ được tác giả đề cập không chỉ trên phương diện tinh thần, mà ít nhiều mang màu sắc một sự khát khao mãnh liệt được gần gũi, được ân ái, trong sự đối lập với lý tưởng công danh của chế độ phong kiến thậm chí đối lập với cả những quan niệm thông thường về “quả phúc” của nhà Phật, thể hiện một giá trị nhân đạo sâu sắc. Tuy vậy, tính chất của chiến tranh chưa được tác giả ý thức rõ rệt. Do đó, ở đoạn đầu khúc ngâm hình ảnh người chinh phu lúc ra đi còn mang tính lý tưởng hóa, và cuối khúc ngâm, còn là hình ảnh, dù chỉ là trong tưởng tượng với những sắc màu ảo tưởng, về sự tái hồi trong vinh quang của người chồng.

Về nghệ thuật, cả nguyên tác và bản dịch lưu hành phổ biến hiện nay đều có những thành tựu đặc biệt xuất sắc. Bút pháp ước lệ tượng trưng được nâng tầm khi Đặng Trần Côn đã chắt lọc từ kho tàng văn thơ chữ Hán cổ ra những câu phù hợp nhất với ý tứ của mình và dụng công sắp xếp thành kết cấu hoàn chỉnh, như một sáng tạo mới mẻ. Thể thơ trường đoản cú được Đặng Trần Côn sử dụng giàu nhạc tính, tiết tấu biến hóa sinh động tùy yêu cầu của nội dung. Bản dịch hiện hành Chinh phụ ngâm (của Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích) cho thấy dịch giả biết phát huy những ưu điểm vốn có của nguyên tác, và gạn lọc cả những thành tựu của các bản dịch trước đó, sử dụng ưu thế của thể thơ song thất lục bát, đã vươn tới một sáng tạo tài tình bằng ngôn ngữ trong sáng hiện đại, kết cấu thanh vận khéo léo, láy âm điệp chữ tinh tế, gieo vào lòng độc giả âm hưởng xao xuyến vừa quen thuộc vừa đa dạng, và hầu như lúc nào cũng gây được hiệu quả thẩm mỹ.

  • Kết bài:

Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” miêu tả những cung bậc và sắc thái khác nhau của nỗi cô đơn, buồn khổ ở người chinh phụ khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Khao khát ấy đã bị chính xã hội phong kiến thối nát, đồi bại vùi dập, chà đạp. Qua đó, có sức mạnh tố cáo những bất công trong xã hội phong kiến đương thời, thể hiện sâu sắc tình yêu thương con người của tác giả Đặng trần Côn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang