Tóm tắt ngắn gọn nội dung các văn bản truyện lớp 9

tom-tat-van-ban-truyen-lop-9

Tóm tắt ngắn gọn nội dung các văn bản truyện lớp 9

1. Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

Vũ Nương, tên thật là Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, là người con gái thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp nên Trương Sinh đem lòng yêu mến cưới về làm vợ. Biết chồng có tính đa nghi, Vũ Nương luôn giữ gìn khuôn phép, ăn ở đúng mực. Đất nước có chiến tranh, Trương Sinh đi lính, Vũ Nương ở nhà sinh con, nuôi con, chăm sóc mẹ già. Khi mẹ chồng chết, Vũ Nương lo ma chay chu đáo. Hàng đêm, nàng hay đùa với con bằng cách chỉ vào cái bóng của mình trên vách và gọi đó là cha.

Giặc tan, Trương Sinh trở về. Đứa bé ngây thơ cho biết Trương Sinh không phải là cha mà có một người đàn ông khác đêm nào cũng đến. Trương Sinh nghi ngờ, mắng nhiếc và đánh đuối Vũ Nương ra khỏi nhà mặc cho nàng đã hết lời thanh minh. Vũ Nương uất ức tự tử ở bến Hoàng Giang, được Linh Phi – vợ vua Nam Hải cứu sống và đưa về ở trong động rùa. Đêm đến, thấy bóng Trương Sinh in trên vách, đứa bé gọi đó là cha. Trương Sinh mới vỡ lẽ ra nỗi oan của vợ. Nhờ sự giúp đỡ của Linh Phi và Phan Lang (người cùng làng), Vũ Nương được Trương Sinh lập đàn giải oan.

2. Hoàng lê nhất thống chíHồi thứ 14: Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận Bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài

Lê Chiêu Thống sợ uy danh của quân Tây Sơn, sang cầu cứu nhà Thanh. Quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo quân vào Thăng Long. Ngô Văn Sở, tướng của Tây Sơn cho quân lui về núi Tam Điệp để bảo tồn lực lượng và cho quân cấp báo với Nguyễn Huệ. Thuận theo lòng tướng sĩ, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung sau đó tiến quân ra Nghệ An. Ở Nghệ An, nhà vua lấy thêm quân, mở cuộc duyệt binh lớn, huấn dụ quân sĩ, ai nấy đều đồng sức đồng lòng rồi tiến quân ra Bắc. Đến núi Tam Điệp gặp hai tướng Lân, Sở, Ngô Thời Nhiệm bàn kế hoạch sau khi đánh xong quân Thanh, mở tiệc khao quân. Hẹn với tướng sĩ tối 30 lên đường, ngày mùng 7 Tết tới Thăng Long.

Trận đầu tiên, giặc trấn thủ ở sông Gián chưa đánh đã tan vỡ. Toán quân do thám bị bắt sống hết. Nửa đêm ngày mùng 3 Tốt năm Kỷ Dậu bắt đầu tấn công đồn Hạ Hồi, quân giặc sợ hãi xin hàng. Sau đó tiếp tục tiến công đồn Ngọc Hồi, quân Thanh chống không nổi bỏ chạy tán loạn, rơi vào kế nghi binh của Tây Sơn, bị dồn xuống đầm vực, bị voi giày đạp chết hàng vạn người. Giữa trưa hôm ấy, quân Tây Sơn kéo vào Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị nghe tin sợ hãi, không kịp mặc áo giáp chạy trốn. Vua Lê Chiêu Thống đem hoàng thân quốc thích rời kinh thành bỏ chạy theo quân Thanh.

3. Truyện Kiều (Nguyễn Du)

Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, sống êm ấm cùng cha mẹ và 2 em là Thúy Vân và Vương Quan. Trong buổi du xuân, Kiều gặp Kim Trọng, thề nguyền đính ước với nhau. Kim Trọng về quê chịu tang chú, gia đình Kiều bị mắc oan, Kiều phải bán mình chuộc cha. Kiều bị Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa đẩy vào lầu xanh, được Thúc Sinh cứu khỏi lầu xanh nhưng bị Hoạn Thư ghen, Kiều phải trốn đi nương náu ở chùa Giác Duyên.

Vô tình Kiều lại rơi vào tay Bạc Hạnh, Bạc Bà, phải vào lầu xanh lần thứ 2. Ở đây, Kiều gặp Từ Hải. Từ Hải lấy Kiều làm vợ, giúp Kiều báo ân báo oán. Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến, bị giết chết. Kiều bị bắt ép gả cho tên thổ quan. Nàng tủi nhục trầm mình ở sông Tiền Đường, được sư Giác Duyên cứu, nương nhờ cửa Phật lần thứ 2. Kim Trọng trở lại, kết duyên với Thúy Vân nhưng vẫn đi tìm Kiều. Nhờ sư Giác Duyên, Kim – Kiều gặp nhau, gia đình đoàn tụ. Kim gặp Kiều đối tình yêu thành tình bạn.

4. Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)

Lục Vân Tiên là một chàng trai văn võ song toàn. Trên đường lên kinh ứng thí, chàng đã một mình đánh tan bọn cướp Phong Lai đang hoành hành, cứu được Kiều Nguyệt Nga. Cảm ân đức ấy, Nguyệt Nga tự nguyện gắn bó suốt đời với Vân Tiên và tự tay vẽ một bức hình chàng, luôn giữ bên mình. Sau khi về nhà thăm cha mẹ và ghé thăm Võ Công, người đã hứa gả con gái là Võ Thể Loan cho chàng, Vân Tiên cùng tiểu đồng lên đường đi thi, gặp và kết bạn với Hớn Minh, Tử Trực cũng trên đường ứng thí; tới kinh đô gặp Trịnh Hâm, Bùi Kiệm.

Thấy Vân Tiên tài cao, Hâm, Kiệm sinh lòng đố kị, ghen ghét. Lúc sắp vào trường thi, Vân Tiên nhận được tin mẹ mất, liền bỏ thi trở về quê chịu tang, chàng khóc thương đến mù mắt, lại bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Nhờ giao long dìu đỡ vào bờ, được Du thần và ông Tiều cứu, Vân Tiên may mắn gặp lại Hớn Minh, Hớn Minh đón Vân Tiên về am dưỡng bệnh. Cha con Võ Thể Loan phản bội, đem Vân Tiên thả vào rừng cho thú dữ ăn thịt.

Phần Nguyệt Nga, nghe tin Lục Vân Tiên đã chết, thề thủ tiết suốt đời. Thái sư đương triều hỏi nàng cho con trai không được, đem lòng thù oán, tâu vua bắt Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua. Thuyền đi tới biên giới, nàng mang theo bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, được Phật Bà Quan Âm cứu vớt. Lục Vân Tiên được tiên cho thuốc, mắt lại sáng, liền trở về thăm nhà. Đen khoa thi, chàng đỗ trạng nguyên và được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Đánh tan giặc, Vân Tiên một mình lạc trong rừng và gặp lại Nguyệt Nga. Chàng về triều tâu hết sự tình, kẻ gian ác bị trừng trị, người nhân nghĩa được đền đáp, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga sum vầy hạnh phúc.

5. Làng (Kim Lân)

Ông Hai là một người nông dân rất yêu làng và tự hào về làng Chợ Dầu của mình. Vì chiến tranh và hoàn cảnh gia đình nên ông phải rời làng đi tản cư, nhưng ông vẫn luôn bứt rứt nhớ về làng Chợ Dầu. Một hôm, nghe được từ một người đàn bà tản cư đưa tin làng Dầu “Việt gian theo Tây”, mặt ông “tê rân rân”, cổ họng ông “nghẹn ắng hẳn lại”, ông “lặng đi tưởng như đến không thở được” rồi chỉ biết cúi gằm mặt xuống mà đi về.

Về nhà, ông nằm vật ra giường mấy ngày không dám đi đâu, hoang mang lo lắng, ai nói gì cũng tưởng họ bàn tán về làng minh. Khi mụ chủ nhà có ý đuổi gia đình ông đi nơi khác, ông chớm có ý định quay về làng nhưng rồi ông lại xác định “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Không biết tâm sự cùng ai nỗi đau khổ trong lòng, ông trò chuyện với đứa con nhỏ một lòng ủng hộ cụ Hồ. Khi chủ tịch xã lên cải chính làng Dầu không theo Tây, ông sung sướng đi khoe với tất cả mọi người, khoe cả tin nhà ông bị Tây đốt nhẵn.

6. Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến. Mãi đến khi con gái lên tám tuổi, ông mới có việc về thăm nhà, thăm con. Bé Thu không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt làm cha em không giống với người trong bức ảnh mà em biết. Em đối xử với cha như người xa lạ. Đến lúc Thu nhận ra cha, tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi.

Ở căn cứ, ông Sáu dồn hết tình cảm yêu quý, thương nhớ con làm một chiếc lược bằng ngà để tặng cho con gái bé bỏng. Trong một trận càn, ông hy sinh. Trước lúc nhắm mắt ông đã trao cây lược cho người bạn nhờ gửi lại cho con.

7. Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)

Câu chuyện xoay quanh cuộc gặp gỡ tình cờ của mấy người khách trên chuyến xe với người thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi cao Yên Sơn ở Sa Pa. Trên chuyến xe khách từ Hà Nội lên Lào Cai, ông họa sĩ già, bác lái xe, cô kĩ sư trẻ tình cờ quen nhau. Bác lái xe đã giới thiệu cho ông họa sĩ và cô kĩ sư làm quen với anh thanh niên.

Trong cuộc gặp gỡ 30 phút, anh thanh niên tặng hoa cho cô gái, pha trà và trò chuyện với mọi người vê cuộc sông và công việc của mình. Ông họa sĩ muốn được vẽ chân dung anh. Anh thanh niên từ chối và giới thiệu với ông những người khác mà anh cho là xứng đáng hơn. Những con người tình cờ gặp nhau bỗng trở nên thân thiêt. Khi chia tay, ông họa sĩ hứa sẽ quay trở lại, cô kỹ sư thấy xúc động, yên tâm hơn về quyết định lên Lào Cai công tác, còn anh thanh niên tặng mọi người một làn trứng.

8. Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)

Tổ trinh sát mặt đường gồm ba cô gái thanh niên xung phong (Phương Định, Nho, Thao) còn rất trẻ; Thao lớn tuổi hơn, được cử làm tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ quan sát máy bay giặc ném bom, đánh dấu chồ những quả bom chưa no và phá bom, xác định khối lượng đất đá phải san lấp để thông đường. Đây là công việc rất nguy hiểm, thường xuyên đối mặt với cái chết. Họ phải sống trong một cái hang dưới chân cao điểm, xa đơn vị.

Cuộc sống nghiệt ngã ở chiến trường đã tạo nên sự gắn bó giữa ba cô gái, nhưng không thể dập tắt được sự hồn nhiên, những niềm vui, những giây phút mơ mộng. Phương Định – nhân vật “tôi” – là một cô gái có nhiều cảm xúc, mộng mơ, luôn nhớ đến những kỉ niệm đẹp về gia đình và thành phố. Phần cuối truyện, tác giả tập trung miêu tả tâm trạng và hành động của từng cô gái trong một lần phá bom.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.