Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
- Mở bài:
– Giới thiệu chủ đề nghị luận: Giữa hình thức bên ngoài và phẩm chất bên trong có mối quan hệ hài hòa, không thể tách rời. Hình thức làm đẹp cho con người nổi bậc nhưng chính phẩm chất bên trong mới làm nên giá trị của con người.
– Giới thiệu câu tục ngữ: Khẳng định vai trò của phẩm chất bên trong, người xưa có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
– Nêu nhận xét khái quát: Câu tục ngữ không chỉ là lời khuyên về cách nhìn nhận một sự việc mà còn là bài học sâu sắc về cách nhìn nhận, đánh giá về con người trong cuộc sống.
- Thân bài :
1. Giải thích câu tục ngữ.
– “Nước sơn” là hình thức bên ngoài.
– “Gỗ” là phẩm chất ở bên trong.
→ Ý nghĩa: Mượn hình ảnh “gỗ” và “nước sơn“, cha ông ta muốn khẳng định chính phẩm chất bên trong quyết định giá trị của con người chứ không phải là hình thức bên ngoài. Câu tục ngữ không chỉ là một lời khuyên sâu sắc về cách nhìn nhận, đánh giá phẩm chất, giá trị của một con người mà còn là một bài học đúng đắn, rất cần thiết đối với tất cả chúng ta.
2. Bàn luận về ý nghĩa cau tục ngữ.
– Chính những phẩm chất tốt đẹp ở bên trong (trí tuệ, nhân cách, đạo đức, tư tưởng,…) quyết định giá trị của một con người chứ không phải là hình thức bên ngoài. Một người có trí tuệ sắc bén, nhân cách cao cả, đạo đức trong sáng, tư tưởng lớn lao, luôn sống vì người khác sẽ làm được những điều lớn lao, được mọi người kính trọng, tôn vinh.
+ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi là có ngoại hình xấu xí nhưng trí tuệ hơn người, tài ăn nói thuộc bậc xuất chúng. Ông đã nhiều lần đi sứ Trung Quốc, bằng tài đối đáp đã làm rạng danh dân tộc, khiến cho vua nhà Nguyên hết sức thán phục, phong cho làm Lưỡng quốc Trạng nguyên.
– Ngược lại, một người trí tuệ thấp kém, nhân cách kém cỏi,… sống vô tâm, ích kỉ,… dù có hình thức đẹp đẽ đến mấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Họ cũng chẳng thể làm được điều gì hữu ích cho xã hội, bị người khác xem thường, xa lánh. Có nhiều người mang vẻ bề ngoài đẹp đẽ những nhân cách kém cỏi không những chẳng làm được điều gì lớn lao cho xã hội mà còn gây ra biết bao điều tai tiếng.
3. Bàn luận mở rộng.
– Tuy nhiên, cũng không nên xem thường hình thức bề ngoài. Chính hình thức bề ngoài góp phần thể hiện, khẳng định và tôn vinh phẩm chất ở bên trong. Phẩm chất đẹp đễ bên trong rát cần một hình thức bề ngoài tương xứng mới làm nên giá trị chân thực và bền lâu.
– Trong cuộc sống, có nhiều người chỉ chăm lo vẻ đẹp hình thức bề ngoài, xem nhẹ việc bồi dưỡng trí tuệ, nhân cách, phẩm chất, tư tưởng,… bên trong khiến họ trở thành người sáo rỗng, thiếu chân thực, ngày càng trở nên kém cỏi. Nhiều người lợi dụng niềm tin, lấy hình thức bề ngoài để lừa dối người khác. Những người như thế thật đáng chê trách và lên án.
- Kết bài:
– Khẳng định ý nghĩa câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không những chỉ giúp ta một phương châm đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá, chọn lọc ở đời mà còn giúp ta một phương châm trong cách đối nhân xử thế.
– Rút ra bài học, liên hệ bản thân: Không nên quá đề cao hình thức bề ngoài mà xem thường việc bồi dưỡng những phẩm chất ở bên trong. Chăm chỉ học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, bản lĩnh để mai này xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Bài văn tham khảo 1:
- Mở bài:
Từ bao đời nay, ông cha ta đã đúc kết nhiều bài học sâu sắc về cách nhìn nhận và đánh giá con người, cuộc sống. Một trong những câu tục ngữ giàu ý nghĩa là “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhắc nhở chúng ta rằng giá trị bên trong luôn quan trọng hơn vẻ hào nhoáng bên ngoài. Lời dạy ấy không chỉ đúng trong việc đánh giá đồ vật mà còn mang ý nghĩa sâu xa trong cách nhìn nhận con người và cuộc sống.
- Thân bài:
1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ
Câu tục ngữ sử dụng hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” để so sánh hai giá trị đối lập. “Gỗ” tượng trưng cho bản chất, giá trị cốt lõi của một vật hoặc con người. Trong khi đó, “nước sơn” là lớp vỏ bề ngoài, chỉ đẹp đẽ nhưng không quyết định chất lượng thật sự. Ông cha ta muốn khẳng định rằng một món đồ có chất liệu tốt, bền bỉ mới thực sự đáng quý, hơn là chỉ có vẻ ngoài bóng bẩy nhưng kém giá trị. Câu tục ngữ không chỉ dừng lại ở ý nghĩa vật chất mà còn là bài học đạo đức: con người cần trau dồi phẩm chất, đạo đức hơn là chỉ chú trọng đến vẻ ngoài hào nhoáng.
2. Bàn luận về ý nghĩa câu tục ngữ
Trong cuộc sống, có rất nhiều minh chứng cho thấy bản chất quan trọng hơn vẻ ngoài. Một quyển sách hay không nằm ở bìa đẹp mà ở nội dung sâu sắc. Một con người đáng quý không vì quần áo sang trọng mà bởi tâm hồn lương thiện, trí tuệ uyên bác. Chẳng hạn, danh nhân Hồ Chí Minh với phong cách giản dị nhưng lại có nhân cách vĩ đại, trí tuệ lỗi lạc và tấm lòng yêu nước thương dân vô hạn. Ngược lại, có những kẻ vẻ ngoài hào nhoáng, nói lời hoa mỹ nhưng bên trong giả dối, vụ lợi. Vì vậy, đánh giá một con người hay một sự vật, ta cần nhìn vào giá trị thật sự bên trong, thay vì chỉ bị mê hoặc bởi cái đẹp bên ngoài.
Câu tục ngữ mang đến bài học sâu sắc về cách nhìn nhận và ứng xử trong cuộc sống. Trước hết, mỗi người cần rèn luyện phẩm chất, trí tuệ và đạo đức để trở thành người có giá trị thật sự, chứ không chỉ trau chuốt vẻ bề ngoài. Một học sinh giỏi không chỉ là người có vở sạch chữ đẹp mà quan trọng hơn là có kiến thức vững vàng, ý chí học tập. Một con người thành công không chỉ nhờ ngoại hình đẹp mà chính là nhờ sự nỗ lực, tài năng và phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Đồng thời, chúng ta cũng cần biết đánh giá người khác dựa trên nội tâm và hành động của họ, thay vì chỉ nhìn vào vẻ ngoài mà vội vàng phán xét.
3. Bàn luận mở rộng.
Tuy nhiên, cũng không nên xem nhẹ hình thức bên ngoài. Hình thức bên ngoài có vai trò thể hiện, khẳng định và tôn vinh phẩm chất ở bên trong. Sự kết hợp hài hòa và tương xứng giữa vẻ lịch sự bên ngoài và chuẩn mực ở bên trong sẽ giúp nâng cao giá trị của bản thân.
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người quá đề cao hình thức bề ngoài mà xem nhẹ việc bồi dưỡng phẩm chất ở bên trong. Họ trau chuốt bề ngoài đẹp đẽ nhưng phẩm chất lại kém cỏi, sống giả tạo, không được người khác tin tưởng và kính trọng.
- Kết bài:
Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một chân lý quý báu, nhắc nhở chúng ta về giá trị đích thực trong cuộc sống. Vẻ đẹp bên ngoài có thể thu hút ánh nhìn, nhưng chính phẩm chất bên trong mới làm nên giá trị bền vững. Hãy sống chân thành, không ngừng học hỏi và rèn luyện nhân cách, để trở thành một con người “tốt gỗ” thực sự, đáng quý và đáng trân trọng trong mắt mọi người.
Bài văn tham khảo 2:
Đại văn hào người Nga Lep Tonxtoi đã từng nói: “Người ta đáng yêu không phải vì đẹp mà đẹp vì đáng yêu”. Còn ngạn ngữ Đức thì cho rằng: “Đẹp không có giá trị gì nếu không chứa đựng một cái tốt đẹp bên trong”. Bàn về vấn đề này, tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích nhưng đã khái quát đầy đủ mối quan hệ giữa hình thức bên ngoài và phẩm chất bên trong của mỗi con người.
Người xưa đã mượn một sự vật cụ thể để khái quát thành một nhận xét chung và lớn hơn là nêu lên một quan niệm về cái đẹp. Gỗ là vật liệu để tạo nên mọi vật dụng trong gia đình như: tủ, bàn ghế, cửa,… Nước sơn là chất liệu dùng để quét lên bề mặt gỗ làm cho vật bền lâu hơn. Qua đó, câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta khi đánh giá độ bền của một vật dụng thì phải chú ý đến chất lượng, độ bền của gỗ, không nên chỉ đánh giá, quan tâm đến bề ngoài của lớp sơn vì nó sẽ bị phai nhạt dần theo năm tháng. Từ câu tục ngữ “ tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, tác giả dân gian đã đề cao tâm hồn và phẩm chất đạo đức của con người là quan trọng trên tất cả vẻ đẹp của hình thức bên ngoài. Đừng bao giờ để cái hình thức bên ngoài che mờ mắt ta, hãy sống là chính mình, đừng sống bằng vẻ giả tạo để qua mắt người khác.
Câu tục ngữ đã được ông cha ta đúc kết đúng đắn, sâu sắc từ kinh nghiệm thực tế đời sống. Gỗ làm nên vật thể, gỗ tốt thì vật thể sẽ bền, dùng được lâu dài, gỗ xấu thì mau hư hỏng, thời gian sử dụng ngắn đi. Nước sơn dẫu đẹp thì cũng chỉ là lớp vỏ phủ bên ngoài để trang trí, làm đẹp thêm chứ không thể nào che dấu được chất liệu cốt lõi bên trong. Câu tục ngữ còn tô thêm ý nghĩa hơn ở vế sau:
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”.
Khi xem xét một con người cũng vậy, ta phải quan tâm đến phẩm chất đạo đức, trí tuệ, năng lực chứ không nên chỉ nhìn bề ngoài mà xem thường con người thật bên trong. Trong cuộc sống, mỗi sự vật, mỗi con người không phải lúc nào cũng thống nhất trọn vẹn cả mặt nội dung lẫn hình thức. Vì không ai là hoàn hảo cả, có những người ăn mặc sang trọng, quần là áo lượt nhưng về phẩm chất bên trong lại là kẻ vô đức, bất tài. Và còn có cả những người thì tỏ vẻ thông minh, lời lẽ hoa mỹ,… nhưng thật chất lại là kẻ xảo trá, lừa đảo, xấu xa. Để phân biệt giữa nội dung và hình thức ở con người thật khó, vậy nên người đời có câu:
“Dò sông dò biển dễ dò
Mấy ai lấy thước mà đo lòng người”.
Có hạng người “khẩu phật tâm xà” ví dụ như Tú Bà, Hoạn Thư trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao” và cả bọn Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hà, Bạc Hạnh,… Chuyện nội dung và hình thức được nêu lên để răn dạy con người phải sống cho chân thật, cho đúng với nhân cách, phẩm chất của mình, chú ý rèn luyện, tu dưỡng đạo đứ, trí tuệ, tài năng, những yếu tốt thực chất của con người. Đừng quá chuộng hình thức bên ngoài mà quên đi phần tu dưỡng, phẩm chất đạo đức bên trong.
Là học sinh, trước hết phải rèn luyện, phấn đấu học tập, tu dưỡng đạo đức, trở thành con ngoan trò giỏi. Chỉ lo đua đòi cho đẹp, trau chuốt bên ngoài mà không lo học tập, rèn luyện thì sẽ bị đánh giá thấp năng lực. Trong quan hệ nên lấy sự thật thà, chân thành mà đối xử với nhau, không gian dối, tệ bạc mà đánh mất tình cảm chân thành.
Khẳng định nội dung quan trọng hơn hình thức là một khẳng định đúng. Nhưng còn phải suy nghĩ, chẳng lẽ chỉ xem trọng nội dung, bản chất bên trong mà lãng quên đi hình thức bên ngoài? Tục ngữ và ca dao Việt Nam đã nói rõ vấn đề này: “Cái răng cái tóc là góc con người” hay “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”.
Những câu tục ngữ cho ta thấy rõ hơn vẻ đẹp và ý nghĩa của cả nội dung và hình thức. Một món hàng chất lượng tốt, nếu có bao bì xinh xắn trang trí đẹp thì lại càng có giá trị. Hình thức bên ngoài đã góp phần lớn để làm tăng giá trị của món hàng. Cái tủ được làm từ chất gỗ tốt mà có thêm nước sơn bóng loáng bao bọc bên ngoài thì sẽ làm người mua vừa lòng và sẵn sàng mua hơn là một cái tủ tốt mà lại mờ nhạt. Hay một chàng trai nào đó vừa thành đạt, vừa thông minh, mà còn ăn mặc lịch sự, ứng xử tốt thì chắc hẳn sẽ được mọi người yêu quý, tôn trọng và ngưỡng mộ.
Bằng nghệ thuật so sánh ngầm độc đáo, cách nói giản dị, ông cha ta đã để lại cho những thế hệ sau một kho tàng ca dao tục ngữ về tất cả các lĩnh vực của đời sống như lời khuyên về kinh nghiệm sống và ứng xử. Chúng ta cần tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tài năng để trở thành con người toàn diện về cả nội dung và hình thức. Hiểu được câu tục ngữ và vận dụng một cách đúng đắn, thông minh thì chúng ta sẽ bớt nhầm lẫn, vấp ngã trong cuộc sống và đồng thời cũng biết cách tự đứng lên, khắc phục và rèn luyện những khuyết điểm để nâng cao mình hơn nữa. Ta phải sống thực chất bằng chính giá trị con người mình, đừng mánh khóe, lừa dối, giả tạo mà đánh mất chính mình. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn nhưng nếu tốt cả gỗ và cả nước sơn thì điều đó là điều mà ta mong muốn phấn đấu, hướng tới nhất.
»»»Xem thêm: