Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: Có công mài sắt, có ngày nên kim.
- Mở bài:
Trong cuộc sống, lòng kiên nhẫn là bài học lớn. Bài học này ai cũng dễ dàng nhận ra, nhưng không ít người chưa chắc thực hiện được, ở những người này, họ thường hay nản chí khi công việc bất thành hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn. Nhằm khuyên răn, động viên họ vượt qua trở lực, rèn luyện sự tự tin, đức tính kiên nhẫn, tục ngữ ta có câu: Có công mài sắt, có ngày nên kim.
- Thân bài:
Câu tục ngữ nhằm khuyên ta rèn luyện đức tính kiên nhẫn, không được nản chí. Hình ảnh trong câu tục ngữ là sự đối lập mãnh liệt giữa hai vật thể, hai hình ảnh có quan hệ nhân – quả “Mài sắt – nên kim” tạo nên ý tưởng trên. Có hình dung được sự khó nhọc của công việc “mài sắt” và thành quả đạt được “nên kim”, chúng ta mới nhận thấy người làm công việc này, trước hết và cuối cùng phải rất kiên nhẫn và cần sự tự tin. Thiếu nó, đó chỉ là việc: “Dã tràng se cát biển Đông – Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”.
Như vậy, tự thân câu nói với hai hình ảnh đối lập trong mối quan hệ nguyên nhân – kết quả này, phải được nhìn nhận như một lời giáo huấn. Sử dụng hình ảnh ấy nhằm hướng tất cả chúng ta đến cái nguyên lý rất cần thiết cho sự thành công. Đó là lòng kiên nhẫn trong công việc. Nếu nói tục ngữ, ngoài việc phổ biến, khởi phát những kinh nghiệm, những lối sống tốt đẹp còn là những lời răn dạy có tính thực dụng, thì câu tục ngữ trên tồn tại trong từng từ nhờ chính ý nghĩa của nó. Ở đây, sự thực dụng nằm ngay trong hình ảnh ở công việc và hiệu quả đạt được.
Ý nghĩa giáo dục của câu tục ngữ nhằm rèn luyện ý chí kiên nhẫn, một đức tính không thể thiếu để xây dựng cuộc sống thành đạt. Trở lực cuộc đời thật nhiều. Chúng ta tồn tại có quy luật và ngẫu nhiên. Có ngẫu nhiên, bất thường nên không lường trước được điều gì sẽ đến. Nhân dân ta hay nói: “Tai bay vạ gió”. Lại nói: “Họa vô đơn chí”.
Vì vậy, đối diện với đời sống, công việc, nếu không rèn luyện một đức tính kiên nhẫn tối thiểu có khi chúng ta sẽ gặp thất bại. Một việc làm dù rất nhỏ cũng khó thành công nếu thiếu lòng kiên nhẫn.Hiểu như thế mới thấy hết ý nghĩa của câu tục ngữ đầy triết lý “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Tiềm ẩn ở câu nói này, lòng kiên nhẫn ở đây còn bao hàm đức tính tự tin, nắm vững quy luật: có lao động tất có thành quả, có bỏ công sức ắt có đền bù.
Cuộc sống thì đa dạng, nhưng đều nằm trong quy luật. Nắm được quy luật trên, bao người đã nêu những tấm gương sáng về sự cần cù, kiên nhẫn và tự tin. Họ mày mò, góp nhặt, kiên nhẫn để trở thành những người hữu ích cho xã hội. Họ là những bài học lớn, thấm thía về sự kiên nhẫn. Quả là, nếu không kiên nhẫn với “Một: trứng ung; Hai: trứng ung; Ba: trứng ung…” người nông dân đã nhiều lúc phải quỵ ngã với ý nghĩ: “tháng khốn, tháng nạn” kia sẽ không thể nào vượt qua để cuối cùng, vẫn sáng trên môi một nụ cười rạng rỡ.
Đừng than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc còn chồi nảy cây
Có công mài mài sắt, có ngày nên kim là khẳng định của lòng kiên nhẫn đã đạt đến mức lý tưởng. Nói như thế cũng không có nghĩa là đồng nhất lòng kiên nhẫn thực hiện theo quy luật với “kiên nhẫn mù quáng” bất chấp điều kiện và hoàn cảnh khách quan. Trong chiều hướng này, không phải hễ cứ mài sắt thì sẽ nên kim. Sự thành công là kết quả của những điều kiện. Đối với công việc, chỉ có lòng kiên nhẫn không thôi thì chưa đủ.
Lòng kiên nhẫn phải được xem xét trong sự tương quan với những điều kiện, những mối liên hệ khác. Nếu không, sự thất bại càng lớn hơn việc nản chí, bỏ dở nửa chừng. Khuyên dạy điều này, ông cha ta rất thận trọng, không nói “Mài sắt – nên kim” mà nói “Có công mài sắt…” chữ “công” ở đây là công sức, đồng thời là điều kiện tối quan trọng bảo đảm cho sự thành công.
- Kết bài
Kiên nhẫn mà không mù quáng, tự tin mà không cả tin. Đó là những bài học rất sâu sắc cho sự thành công rút ra từ lời răn dạy chí tình, chí lý của câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Một câu tục ngữ lâu đời và trở nên rất đỗi quen thuộc trong rất nhiều lời khuyên bảo của nhân dân ta sẽ là bài học sâu sắc tren con đường tiến đến tương lai. Cùng với các câu khác như “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, “Nước chảy đá mòn”… nó hợp thành một hệ thông những câu tục ngữ hay, có ích nhằm giáo dục đức tính kiên nhẫn một trong những đức tính rất quan trọng tạo nên thành công trong cuộc đời, trong công việc, đặc biệt là đối với việc học hành của chúng ta.
- Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ “Có chí thì nên” – Nghị luận lớp 7
- Suy nghĩa về ý nghĩa câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – Nghị luận lớp 7
Bài tham khảo:
- Mở bài
Lòng kiên trì, bền bỉ, tinh thần hăng say lao động là một yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Trong cuộc sống sẽ chẳng có gì tốt đẹp tự đến với ta nếu không chuyên tâm chịu đi tìm tới nó để đạt được mục đích của mình. Muốn vậy ta phải nhẫn nại không ngại khó, ngại khổ dám vượt qua tất cả và trang bị cho mình tinh thần hăng say lao động kiên trì thì chắc chắn kết quả trước sau cũng sẽ đến với ta. Đúc rút kinh nghiệm sống qua bao đời nay để nhắc nhở con cháu mình phải biết sống có nghị lực, nhân dân ta đã khẳng định: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
- Thân bài
Mỗi người Việt Nam, có mấy ai không biết câu tục ngữ quen thuộc ấy, nhưng để hiểu đúng hiểu rõ nó, mỗi chúng ta nên tìm hiểu kỹ câu nói ngắn gọn nhưng sâu sắc ấy, thì việc khắc sâu và áp dụng nó một cách đúng đắn sẽ có hiệu quả. Câu tục ngữ ngắn gọn nhưng nói được bao điều ấy gợi cho ta đến một công việc mà kết quả đạt được; đó là nếu bỏ ra nhiều công mài sắt thì có ngày được cây kim xinh xắn có ích cho đời. Nếu chỉ hiểu đơn giản có vậy thì cũng không sai, nhưng chưa sâu, chưa kỹ, chưa thể giúp ích cho ta một cách tốt đẹp, hiệu quả.
Ta có thể hiểu rộng hơn một chút, muốn có được kết quả như mơ ước cần phải có được đức tính kiên trì, bền bỉ, tình yêu lao động thiết tha và một thời gian lâu dài cho thử thách của công việc, của cuộc sống. Tất cả những điều ấy khi chúng ta vượt qua được thì kể như kết quả đã cầm chắc trong tay. Cũng như cách ví von của nhân dân ta: từ một miếng sắt khi bỏ công sức mà mài mòn thì sẽ trở thành cây kim. Qua cách ví ấy ta cũng thấy một công việc đơn giản nhưng thật là gian nan khi muốn đạt kết quả.
Câu tục ngữ bao hàm một ý nghĩa lớn lao gói gọn trong tám từ cô đọng. Trên đời này chẳng có gì được làm ra nếu không có yếu tố : cần cù, kiên trì, nhẫn nại. Tất cả đều phải trải qua một quá trình dài mà hình thành được, có khi cả cuộc đời của con người cũng chưa thể xong và phải có sự kết thúc của thế hệ sau. Thật vậy, vạn vật chung quanh ta cũng thế, cũng dần hoàn thiện và chẳng có gì tự dưng hoàn thiện ngay được trên cuộc đời này.
Qua bao đời đúc rút kinh nghiệm, qua thực tế cuộc sống hôm nay, câu tục ngữ trên không có quan điểm gì sai sót cả, đó là một chân lý không thể phủ nhận, không thể tách rời trong mỗi chúng ta. Từ việc nhỏ cho tới việc lớn, tất cả đều gắn bó với quan niệm ấy để tồn tại, để xây dựng. Bài học được nhân dân ta gởi gắm cho người lao động.
Mai An Tiêm trên đảo hoang vu vẫn tìm được nguồn sống dồi dào nhờ vào đôi bàn tay và con tim cháy bỏng yêu cuộc sống. Tất nhiên mọi việc không dễ dàng nhưng con người vẫn làm được, khắc phục được có nghĩa là tất cả đều có thể được. Chúng ta cần phải học tập, ghi nhớ lời dạy của cha ông vì đó chính là dòng sữa the mát trong nuôi ta giữa cuộc đời khi gặp bất trắc cũng như dòng đời êm ả.
Ta phải làm gì đây khi ta hiểu lời dặn dò ân tình ấy? Không, đó không phải là chuyện đơn giản không thể muốn làm gì cũng được bởi vì nếu áp dụng nó vào mục đích tốt đẹp thì kết quả sẽ tốt đẹp. Ngược lại, hậu quả sẽ tai hại nếu áp dụng vào mục đích xâu xa. Tầm quan trọng của câu tục ngữ thật lớn lao, thật khó nói hết. Nếu ta không làm được gì cho ta, cho đời thì lúc đó coi như đồ bỏ; nếu ta bỏ dở thì thật là vô ích. Nhưng khi ta làm theo, thật xứng đáng với từng hoàn cảnh thì chính ta và cuộc sông sẽ tốt đẹp lên rất nhiều
Là một học sinh, là người con của cha mẹ, chúng ta cần phải kiên trì học tập, lao động để trở thành học sinh giỏi, phầi lẽ phép, ngoan ngoãn giúp đỡ cha mẹ, xứng đáng là con ngoan của gia đình. Là người chủ tương lai của xã hội, mỗi chúng ta phải lao động không ngừng, luôn luôn mở đường cho tương lai của đất nước bằng công sức trí tuệ và con tim đầy sức sống của tuổi trẻ.
Đừng ai như những chú vờ suốt ngày bay lượn để chiều tối chết đi một cách vô ích không ai biết tới, không làm được gì. Giữa đời thường thiếu gì những kẻ ngồi mát ăn bát vàng, cả cuộc đời không làm gì để thực hiện ước mơ của mình vun đắp cho đời. Có người không dám vượt qua thử thách vì ngại khó khăn. Còn chúng ta nhận thức và tâm niệm được “Có công mài sắt có ngày nên kim” thì đừng bao giờ như vậy, đừng áp dụng nó vào mục đích đen tối gây hại, đừng bỏ mặc cuộc đời trôi, không làm gì cả để rồi luyến tiếc, đừng nản chí khi gặp khó khăn bởi sẽ “có ngày nên kim” nếu “có công mài sắt”.
Đó không phải là điều mơ hồ, xa xôi, đó không phải là cái gì to lớn, nó rất gần gũi hàng ngày với chúng ta. Mỗi chúng ta hãy tự đứng dậy bước lên phía trước mặc cho khó khăn gian khổ cản đường và hãy tin tưởng vào tương lai. Thực tế đã chứng minh điều ấy. Cha ông phải trải qua bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, rồi kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ hy sinh và sau hơn hai mươi năm chông Mỹ cứu nước mới thống nhất được đất nước.
- Kết bài
“Có công mài sắt có ngày nên kim” là một chân lý sáng ngời cho hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi muôn đời sau cũng vậy. Sau khi hiểu được thật rõ ý nghĩa của câu tục ngữ ấy, mỗi học sinh cần cố gắng công học tập thật nhiều hơn nữa thì mới không phụ lòng cha mẹ, mới xứng đáng là người công dân tương lai của đất nước. Mai đây dù có quên đi điều gì nhưng lời dặn dò ấy mãi mãi như một người thầy của cuộc sống. Tương lai đang chờ và lúc nào cũng chờ đón chúng ta những con người dũng cảm. Hãy bước tới mạnh mẽ và tự tin bởi vì:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biền
Quyết chí ắt làm nên”.