»» Nội dung bài viết:
Trào lưu văn học là gì? Nêu vài nét khái quát về các trào lưu văn học của thế giới và Việt Nam.
Gợi ý làm bài:
1. Khái niệm:
Trào lưu văn học hoạt động nổi bật trong quá trình văn học, là một hiện tượng có tính chất lịch sử, ra đời và mất đi trong khoảng thời gian nhất định. Trào lưu văn học là một phong trào sáng tác tập hợp những tác giả, tác phẩm gần gũi nhau về mặt tư tưởng, cảm hứng, nguyên tắc miêu tả hiện thực. Một trào lưu văn học có thể có nhiều khuynh hướng, trường phái khác nhau; cũng có khi trong một nền văn học của một dân tộc không có trào lưu văn học nhưng lại có những khuynh hướng, trường phái khác nhau.
2. Các trào lưu văn học lớn của thế giới:
– Văn học thời Phục hưng ở Châu Âu thế kỉ XV. XVI đề cao con người, giả phóng cá tính, chống tư tưởng khắc nghiệt thời Trung cổ ( Đôn Ki – hô – tê của Xéc – van- tét, Rô – mê – ô và Giu- li – ét của Sếch – xpia….).
– Chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỉ XVII coi văn học cổ đại là hình mẫu lí tưởng, luôn đề cao lí trí, sáng tác theo các quy phạm chặt chẽ (Kịch Lơ Xít của Cóoc – nây, Lão hà tiện của Mô- li- e,…).
– Chủ nghĩa lãng mạn hình thành ở các nước Tây Âu thế kỉ XVIIIđề cao những nguyên tắc chủ quan, lấy đề tài trong thế giới tưởng tượng của nhà văn, cố gắng xây dựng hình tượng nghệ thuật phù hợp với lí tưởng và mơ ước của nhà văn (Những người khốn khổ của V. Huy Gô, Những tên cướp của Si- le,…).
– Chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỉ XIX thiên về các nguyên tắc khách quan, chọn đề tài trong đời sống hiện thực, chủ trương “nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại”, nghiên cứu thực tế để sáng tạo các điển hình ( bộ Tấn trò đời của Ban- dắc, sáng tác của Lép Tôn- xtôi, …).
– Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thế kỉ XX miêu tả cuộc sống trong quá trình phát triển cách mạng, đề cao vai trò lịch sử của nhân dân ( sáng tác của M. Go- rơ- ki, Giooc- giơ A- ma- đô,….).
– Thế kỉ XX còn xuất hiện chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học Mĩ La- tinh, chủ nghĩa hiện sinh, …
3. Các trào lưu văn học ở Việt Nam.
Các trào lưu văn học ở Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện vào những năm ba mươi của thế kỉ XX.
– Giai đoạn 1930- 1945, hai trào lưu công khai nổi bật là trào lưu lãng mạn và trào lưu thực phê phán.
+ Văn học lãng mạn phát triển rực rỡ trong các sáng tác của các tác giả thuộc phong trào Thơ mới như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử,…Và nhóm Tự Lực Văn Đoàn với Khái Hưng, Thạch Lam,…
+ Văn học hiện thực phê phán thành công trước hết trong lĩnh vực tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự với các sáng tác tiêu biểu của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao,…
– Sáng tác sau cách mạng tháng Tám năm 1945, bộ phận văn học cách mạng ( vốn tồn tại không công khai trước đó) có điều kiện phát triển mạnh mẽ hình thành trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa với các tác giả tiêu biểu như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng,…