trinh-bay-co-so-phap-li-va-lap-truong-chinh-nghia-cua-ban-tuyen-ngon-doc-lap

Trình bày cơ sở pháp lí và lập trường chính nghĩa của bản Tuyên ngôn độc lập

Trình bày cơ sở pháp lí và lập trường chính nghĩa của bản Tuyên ngôn độc lập

Phần mở đầu Hồ Chí Minh đã nêu lên cơ sở pháp lí và khẳng định lập trường chính nghĩa của bản Tuyên ngôn bằng cách trích dẫn 2 bản tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử nhân loại của 2 nước lớn: Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của Mĩ và bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791)

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của Mĩ đã ghi: “tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách Mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Cả hai bản tuyên ngôn đều khẳng định quyền con người, đặc biệt nhấn mạnh quyền tự do và bình đẳng của con người. Tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là luận điểm nền tảng coi độc lập tự do bình đẳng, bác ái là những thành tựu lớn của tư tưởng nhân loại, là lí tưởng theo đuổi hết sức cao đẹp của nhiều dân tộc.

Việc trích dẫn hai bản Tuyên ngôn độc lập trên có ý nghĩa rất to lớn. Hồ Chí Minh đã nêu lên những nguyên lí chung quyền được tự, bình đẳng của con người để khẳng định lập trường chính nghĩa của dân tộc đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Mà đã là lẽ phải thì dù là người Mĩ, người Pháp hay người Việt Nam đều phải được hưởng quyền tự do, bình đẳng như một chân lí hiển nhiên của lịch sử.

Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam – lí lẽ của tổ tiên người Mĩ và người Pháp. Cách nói và viết như thế tỏ ra vừa khéo léo lại vừa rất kiên quyết. Khéo léo ở chỗ người tỏ ra rất trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Mĩ, người Pháp từng ghi trong bản tuyên ngôn từng làm vẻ vang cho truyền thống tư tưởng, văn học của dân tộc họ. Nhưng kiên quyết ở chỗ Người nhắc nhở người Mĩ, người Pháp đừng phản bội lại tổ tiên mình, đừng làm vấy bùn lên lá cờ nhân đạo và chính nghĩa của các cuộc Cách Mạng vĩ đại của nước Mĩ và nước Pháp. Nếu nhất định tiến quân xâm lược Việt Nam. Bởi họ chống lại Việt Nam là họ chống lại chính họ, chống lại truyền thống vẻ vang nhất, giá trị ưu tú nhất của dân tộc, quốc gia tổ tiên họ và rút cục họ sẽ bị thất bại. Đúng như một câu nói nổi tiếng “ kẻ nào bắn vào quá khứ một phát súng lục sẽ bị tương bắn trả bằng một loạt đại bác”.

Nhắc đến hai bản tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử nhân loại của 2 nước lớn, Hồ Chí Minh đã đặt 3 bản tuyên ngôn ngang hàng nhau và 3 nền độc lập ngang hàng nhau. Cuộc Cách Mạng của nước Mĩ do Oa-sinh-tơn lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ lật đổ ách thống trị của thực dân Anh và khi cuộc Cách Mạng thành công, nước Mĩ tuyên bố độc lập tự do và được nhân dân cả nước trên thế giới thừa nhận. Cuộc Cách Mạng tư sản của nước Pháp năm 1789 thực hiện nhiệm vụ lật đổ sự thống trị của bọn phong kiến, giai cấp tư sản Pháp lên nắm chính quyền. Nước Pháp đã được độc lập tự do và đương nhiên cũng được các nước trên thế giới thừa nhận.

Cuộc Cách Mạng của dân tộc Việt Nam đã thực hiện đồng thời cùng một lúc hai nhiệm vụ của cuộc Cách Mạng tư sản Pháp và cuộc Cách Mạng của nước Mĩ, lật đổ ngai vàng thống trị của bọn phong kiến, ách thống trị tàn bạo của bọn phát xít thực dân. Vì thế Việt Nam có vị thế bình đẳng với các nước trên thế giới. Các nước đã họp ở hội nghị. Tê hê răng và Cưu Kim Sơn quyết không thể không công nhận quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Kín đáo hơn bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh dường như muốn gợi lại niềm tự hào của dân tộc của tác giả bài Bình Ngô đại cáo xưa khi ở đầu tác phẩm bằng 2 vế cân xứng như đã đặt các triều đại của Nam quốc sánh ngang với triệu đại Bắc quốc:

Từ Triệu Đinh Lí Trần bao đời gây nên độc lập
Cùng Hán, Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”    

Trong tranh luận để bác bỏ luận điệu của một đối thủ nào đấy không gì thú vị, đích đáng hơn bằng việc dùng chính lí lẽ của đối thủ ấy. Hồ Chí Minh đã sử dụng thành công thư pháp lấy “gậy ông đập lưng ông”, để ngăn chặn âm mưu xâm lược của kẻ thù.

Như vậy, với việc trích dẫn 2 bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã đưa ra những lí lẽ thuyết phục để chuẩn bị tiền đề cho lập luận ở những phần tiếp theo, làm cơ sở cho hệ thống lập luận của bản tuyên ngôn.

Tư duy của Hồ Chí Minh thông minh, sắc bén, linh hoạt và biến hóa vi diệu vô cùng. Cùng với việc trích dẫn 2 bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh còn có một câu, suy rộng ra câu ấy có y nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sướng sướng và quyền tự do.

Với ba chữ “suy rộng ra” đó Hồ Chí Minh đã đưa tư tưởng nhân quyền và dân quyền từ thế kỉ XVIII trở thành tư tưởng của thế kỉ XX. Từ phạm trù Cách Mạng tư sản sang phạm trù Cách Mạng vô sản, từ phạm trù giải phóng cá nhân sang phạm trù giải phóng dân tộc và nhân loại. Với Hồ Chí Minh nhân quyền và dân quyền không chỉ là quyền bất khả xâm phạm của mọi cá nhân (thực chất thời đại tư sản là của một số cá nhân có tiền nên có quyền với đa số cá nhân khác) mà còn là quyền bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc. Bởi vì làm sao có được quyền tự do bình đẳng, bác ái giữa người với người. Nếu còn dân tộc này xâm lược, áp bức, thống trị dân tộc khác. Làm sao có nhân quyền và dân quyền thực sự nếu đại đa số các dân tộc trên địa cầu không có quyền tự quyết định lấy số phận của mình, phải nương thân gửi mạng vào tay một thế lực cậy súng cậy tiền tha hồ làm mưa làm gió trên vũ đài quốc tế.  Các – Mác đã nói một câu rất hay: “Một dân tộc áp bức dân tộc khác không phải là một dân tộc tự do”

Như vậy cái tự do bình đẳng bác ái mà Mĩ và Pháp rêu rao trên vũ đài cai trị quốc tế thực chất chỉ là hình thức bên ngoài nhằm che đậy âm mưu xâm lược các quốc gia. Sự suy rộng ra của Hồ Chí Minh đã làm cho khái niệm nhân quyền và dân quyền từ nội dung cũ thêm nội dung mới. Nội dung mới không những bổ sung mà còn làm thoái hóa cả nội dung cũ theo thực tiễn và tinh thần của thời đại mới.

Ý kiến suy rộng ra của Hồ Chí Minh quả là đóng góp đầy ý nghĩa của Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Một nhà văn hóa nước ngoài đã nói: “cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”. Có thể xem luận điểm suy rộng ra là phát súng kệnh khởi đầu cho bão táp Cách Mạng ở các nước thuộc địa sẽ làm sụp đổ hệ thống chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới vào nửa sau thế kỉ XX.

Trong phần mở đầu bản tuyên ngôn, cùng với câu suy rộng ra, Hồ Chí Minh còn có một câu khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Câu khẳng định này nhằm nhấn mạnh lại một lần nữa cơ sở pháp lí chính nghĩa của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của dân tộc Việt Nam. Đồng thời cũng là tiền đề quan trọng để Người tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp trong hơn 80 năm thống trị nước ta về tất cả mọi mặt.

Như vậy phần mở đầu của bản Tuyên Ngôn Độc Lập rất ngắn gọn và súc tích, những lập luận vô cùng chặt chẽ , lí lẽ đanh thép, bằng chứng tiêu biểu, toàn diện không ai có thể chối cãi. Tất cả đã thể hiện một tầm văn hóa và tư tưởng vô cùng vĩ đại của Hồ Chí Minh. Người đã đứng trên lập trường nhân đạo chính nghĩa đòi quyền độc lập tự do cho dân tộc mình và quyền tự quyết định lấy vận mệnh của tất cả các dân tộc trên thế giới. Như vậy chỉ phần mở đầu có thể khẳng định Hồ Chí Minh là con người của nhân loại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang